Hát Chầu văn – thể loại âm nhạc truyền thống có đời sống khá phong phú trong xã hội hiện nay, từ những nghi lễ trong tín ngưỡng thờ mẫu đến các lễ hội… trong cuộc sống thường ngày.
Chầu văn đã ra đời trong môi trường tín ngưỡng dân gian, hình thành phong cách âm nhạc vừa độc đáo, bản sắc lại vừa tích hợp được những giá trị của các hình thức âm nhạc dân gian khác. Chầu văn đã được sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành di sản văn hóa của quốc gia.
Chầu văn, còn gọi là Hát văn hay Hát bóng là giai điệu tín ngưỡng của người Việt. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các trung tâm của hát văn là Nam Định và một số vùng quanh Hà Nội. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Cuốn hút các kiểu Hát văn
Hát Chầu văn có ba kiểu là hát thi (văn thi), hát thờ (văn thờ) và hát lên đồng (văn hầu). Hát thi dùng trong các cuộc đua tài thi hát và thường là hát đơn, chỉ một người hát. Hát thờ được hát trước ngày tiệc, ngày sóc vọng đầu rằm, mồng một, ngày tất niên. Tuy nhiên, hát thờ trước khi vào các giá lên đồng là một trong những phần quan trọng nhất của chầu văn. Hát lên đồng hay còn gọi là hát hầu bóng, dùng trong quá trình thực hiện nghi lễ hầu đồng. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của Chầu văn.
Phục vụ hát Chầu văn có các thành viên sau: Cung văn – người hát chầu văn và dàn nhạc phụ vụ hát văn. Người ca sĩ được gọi là cung văn, thường là người vừa hát giỏi, biết nhiều làn điệu, biết chơi cả nhạc cụ. Dàn nhạc hầu bóng gồm có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ (gọi là trống con), một cảnh đôi, một phách. Trong các loại nhạc cụ kể trên, đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi đóng vai trò nòng cốt. Đây là những nhạc khí cơ bản, không thể thiếu được vì chúng tạo nên tính cách riêng biệt và đặc thù của dàn nhạc hát văn.
Lời văn trong hát văn cũng phổ từ thơ ca dân gian, có khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng. Với tính chất này hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng.
Điêu luyện âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng
Hát Chầu văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng, thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi luôn luôn.
Thông thường, cung văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát. Do lễ thức này thường kéo dài, có khi tới 6 – 8 tiếng đồng hồ nên cần có thêm vài cung văn khác cùng tham gia tiếp sức, hỗ trợ. Họ có thể hoán đổi vị trí, thay nhau đàn hoặc hát sao cho vẫn đảm bảo sự liền mạch của bài văn và âm nhạc. Nói vậy để thấy được sự đa năng của các nghệ nhân hát văn.
Ở những nhóm cung văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca. Theo các nghệ nhân lão thành, trong nhiều trường hợp, 4 cung văn có thể cùng đồng ca thật ăn khớp. Nếu muốn đồng ca, các nghệ sĩ phải có sự tập luyện, phối hợp rất công phu để khi diễn xướng, sao cho tác phẩm chỉ xuất hiện dưới dạng một dị bản duy nhất. Điều đó có nghĩa các cung văn phải lập thành nhịp điệu từng câu, từng từ trong đường tuyến giai điệu thống nhất. Trong một bộ môn nghệ thuật đầy tính ngẫu hứng như hát văn thì đây là điều không dễ thực hiện.
Về tiết tấu, hát văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách), mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo.
Về kỹ thuật thanh nhạc, nhìn chung, có hai phong cách hát điển hình trong nghệ thuật hát văn. Đó là phong cách Hát văn Nam Định – lối hát không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật nẩy hạt trong thanh nhạc cổ truyền, thiên về chất giọng thô mộc, giản dị, mang đậm đặc điểm của lối hát dân dã, khá phổ biến trên các miền thôn quê. Phong cách Hát văn Hà Nội, Hải Phòng sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tinh tế trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ. Cách ém hơi ở đây rất giống với Chèo hay Ca trù.
Gắn liền với sắc màu tín ngưỡng của người Việt, hát Chầu văn đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những quy ước về cách vận dụng cho từng hàng thánh và từng loại phủ. Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này. Chúng tạo nên một không khí hưng phấn, kết hợp với yếu tố tâm linh góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.
Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình – Cờn, Dọc, Xá, Hát Chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng có khác nhau.
Với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc Hát văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong Tứ phủ.
Phong Vũ
Theo Tạp chí Làng Việt