GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CỦA ÁO NHẬT BÌNH < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dân gian Việt Nam Văn hóa Dân gian

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CỦA ÁO NHẬT BÌNH

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CỦA ÁO NHẬT BÌNH

Sau một thời gian lên sóng, “Phượng Khấu” – bộ phim cổ trang lấy bối cảnh triều Nguyễn – thời kỳ quân chủ cuối cùng của Việt Nam đã được ra mắt khán giả. Trong đó, chiếc áo nhật bình (thường phục của hoàng hậu, công chúa… trong cung đình nhà Nguyễn) là một trong những trang phục nổi bật nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người.

Theo “Ngàn năm áo mũ”: “…áo Nhật Bình là Triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai và là Thường phục của hoàng hậu, công chúa. Áo Nhật Bình có nguyên mẫu là dạng áo Phi Phong thời Minh, là loại áo xẻ cổ, có dạng đối khâm, cổ áo to bản tạo thành hình chữ nhật ở trước ngực, dưới ức có dải vải buộc hai vạt áo. Thường phục Nhật Bình được đặt định vào năm 1807 thời vua Gia Long và được duy trì cho đến cuối thời Nguyễn… tư liệu tranh ảnh đầu thế kỉ XX cho thấy bất kể hoàng hậu, công chúa hay cung tần đều vấn khăn vành, mặc áo Nhật Bình”

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, có thể nhận thấy qua ghi chép về điển lễ và phẩm phục triều nghi của nước ta, các đời Lý Trần Lê cho đến nhà Nguyễn đều được xây dựng dựa trên cơ sở của cùng các triều đại Trung Hoa như Hán, Đường, Tống, Minh nhưng theo lối “đại đồng tiểu dị”, vẫn mang những nét đặc sắc rất riêng của Đại Việt ta. Sự học hỏi và phỏng theo quy chế của Trung Hoa điều này bắt nguồn từ tâm lý tự tôn, muốn sánh ngang với các triều đại phong kiến phương Bắc, điều này được thể hiện rất rõ ràng từ việc các vua Đại Việt trong nước đều xưng đế chứ không xưng vương, các triều đại khi lên đều đặt định phẩm phục và đặt định lễ nhạc theo văn hóa Hoa Hạ, coi mình là Trung Châu, Trung Hạ tức là trung tâm của một nền văn hóa khu biệt so với các sắc dân “man di”.

Trở lại với áo Nhật Bình theo quy chế nhà Nguyễn thì màu áo của bậc Hậu đều là màu vàng chính sắc, đôi khi là màu cam; còn bậc Công chúa đều là màu đỏ chính sắc, bậc Phi tần nhị giai là màu xích đào, bậc Tam giai là màu tím chính sắc và bậc Tứ giai là màu tím nhạt, bậc phi tần thấp hơn không có quy định trang phục này. Màu sắc áo của các mệnh phụ quy định dựa vào phẩm cấp của chồng. Bậc Nữ quan có trang phục đơn giản hơn hẳn, gần với áo Phi Phong nguyên mẫu nhất.

Vào thời Gia Long và Minh Mạng, quy chế còn đủ đầy, áo Nhật Bình thường phối với một bộ Xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ Phượng tùy thứ bậc. Tuy nhiên về sau, nhất là từ thời Đồng Khánh trở đi, trang phục này thường phối với quần ống trắng và vấn khăn vành to bản, cho thấy quy chế thời kì cuối nhìn chung ở cung đình đã tối giản hơn hẳn. Sau khi thời Nguyễn kết thúc, bộ áo này trở thành bộ áo trang trọng của giới quý tộc được mặc vào một số dịp lễ và nhất là ngày cưới.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta đang dần hướng về với những căn cước văn hóa của dân tộc, nỗ lực bảo tồn và phát triển giá trị truyền thống từ những trang phục truyền thống của Việt Nam. Rất nhiều cô dâu ở Huế từng một lần khoác lên mình chiếc áo Nhật Bình khi vái lạy bàn thờ tổ tiên trong ngày theo chồng, nhưng ngày nay nhiều người đôi khi lại không biết đó là kiểu trang phục có tên rất hay và in đậm giá trị của người Việt. Tôi nhận thấy bên cạnh việc phát triển những yếu tố xã hội khác thì chúng ta cần phải lưu tâm phát triển, gìn giữ cho được giá trị riêng vốn có của trang phục truyền thống Việt Nam nói chung và Nhật Bình nói riêng.

Hiện nay, nhiều nhà may ở các thành phố lớn đã may, bán và cho thuê áo Nhật Bình. Đây cũng là mẫu trang phục gần gũi với nhiều cô dâu trong ngày cưới khi hành lễ trước ban thời gia tiên. Hình ảnh cổ phục Việt Nam càng ngày càng đến gần hơn với thế hệ trẻ, giữ gìn những nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Nhật Bình chính là một trong những trang phục mang yếu tố để thể hiện cái riêng, mang dấu ấn đậm chất cung đình trong triều đại quân chủ cuối cùng của nước ta.
————————————————-
Nguồn tham khảo:
1. Ngàn năm áo mũ – Trần Quang Đức
2. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ.
3. Giữ áo dài Nhật Bình cho Huế- Đồng văn, báo Thừa Thiên Huế
————————————————-
#LYN #AT4K
Tranh minh họa: Ỷ Hiên Vân

Bài viết liên quan

Bàn về đối tượng thờ phụng trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc.

admin

Quan Niệm Về “Tốt Lễ, Dễ Kêu”

admin

Tản mạn : Cỗ Tết Đoan Ngọ

admin

Bình luận

Để lại Bình luận