TÍNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT CỦA CHẦU VĂN < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Chầu văn Nghệ thuật chầu văn

TÍNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT CỦA CHẦU VĂN

Hát văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng; thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi luôn luôn. Vì thế mà chỉ trong một thể hát thì cũng có nhiều dạng khác nhau: thể phú thì có phú dựng, phú chênh để diễn tả tâm trạng vui, phú rầu để diễn tả tâm trạng buồn. Những khi thay đổi như vậy, âm nhạc đều chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Đó là cách người cung văn thể hiện tài năng riêng của mình.

Thông thường, cung văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính. Nhưng trong các lễ hầu đồng, cả cung văn đánh nhịp (phách, cảnh, trống) cũng phải hát. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát, tiêu chuẩn tối đa là phải vừa đàn nguyệt vừa hát. Do lễ thức này thường kéo dài, có khi tới 6 đến 8 tiếng đồng hồ nên cần có thêm vài cung văn khác cùng tham gia tiếp sức, hỗ trợ. Họ có thể hoán đổi vị trí, thay nhau đàn hoặc hát sao cho vẫn đảm bảo sự liền mạch của bài văn và âm nhạc. Nói vậy để thấy được sự đa năng của các nghệ nhân hát văn.

Bên cạnh đó thời lượng diễn xướng của một ban nhạc hát văn là đặc điểm hết sức thú vị. Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nếu nói đến số lượng lớn nhất cần có của một dàn nhạc thì người ta sẽ nghĩ ngay đến dàn nhạc cung đình. Thế nhưng nếu tính đến một cuộc diễn xướng dài nhất thì có lẽ đó chính là dàn nhạc hát văn trong các lễ thức hầu đồng. Vì thế các cung văn thường phải có một thể lực và một giọng hát khỏe mới theo được nghi lễ hầu đồng. Ở những nhóm cung văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca. Theo các nghệ nhân lão thành kể lại, trong nhiều trường hợp, 4 cung văn có thể cùng đồng ca thật ăn khớp.

Do tính ngẫu hứng về trường độ và cao độ, giai điệu và âm tiết của hát văn nên việc hát đồng ca tập thể của loại hình nghệ thuật này rất khó. Đây chính là một hiện tượng độc đáo trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Với hát văn nhiều thể loại, bài hát được tồn tại dưới dạng ngẫu hứng của một nghệ nhân trên cơ sở nguyên bản. Nếu muốn đồng ca, các nghệ sĩ phải có sự tập luyện, phối hợp rất công phu để khi diễn xướng, sao cho tác phẩm chỉ xuất hiện dưới dạng một dị bản duy nhất. Điều đó có nghĩa các cung văn phải lập thành nhịp điệu từng câu, từng từ trong đường tuyến giai điệu thống nhất. Trong một bộ môn nghệ thuật đầy tính ngẫu hứng như hát văn, đây là điều không dễ thực hiện.

Về tiết tấu, hát văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách). Loại nhịp này mang đến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo.

Về kỹ thuật thanh nhạc, nhìn chung, có hai phong cách hát điển hình trong nghệ thuật hát văn. Trước hết, đó là phong cách Hát văn Nam Định – lối hát không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật nẩy hạt trong thanh nhạc cổ truyền. Hát văn Nam Định thiên về chất giọng thô mộc, giản dị, mang đậm đặc điểm của lối hát dân dã, khá phổ biến trên các miền thôn quê. Thứ hai là phong cách Hát văn Hà Nội, Hải Phòng – lối hát sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tinh tế trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ. Cách ém hơi ở đây rất giống với Chèo hay Ca trù. Phong cách hát này thường được phổ biến ở chốn phồn hoa đô hội, nơi tập trung giới thức giả sành điệu.

Gắn liền với sắc màu tín ngưỡng của người Việt, hát văn đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những quy ước về cách vận dụng cho từng hàng Thánh và từng loại Phủ. Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này. Chúng tạo nên một không khí hưng phấn cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.

Có một thời gian dài do bị hiểu sai và bị quy là mê tín dị đoan, Chầu Văn bị cấm và dần dần mai một. Tuy nhiên đến đầu những năm 1990, Chầu văn được trả lại sự trong sạch và lại có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo thời gian, các bậc nghệ nhân (cung văn) mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã qua thế giới bên kia mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối. Trong số những nghệ nhân còn lại hiện nay thì nhiều người không chấp nhận xuất hiện vì thiếu lòng tin bởi sự ám ảnh của quá khứ. Vậy nên phần lớn các cung văn lớp kế cận đang hành nghề hiện nay đều chỉ nắm giữ được một phần những giá trị của truyền thống.


Bản văn CÔng ĐỒng do Nghệ nhân dân gian Hoàng Trọng Kha trình bày

Bài viết liên quan

Tìm hiểu Văn Chầu Thánh

admin

Một số bản bản do cung văn cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm

Cuối Mùa Rơm

Tìm hiểu về Hát văn Thờ của người Hà nội

admin

Bình luận

Để lại Bình luận