THỜ MẪU TỨ PHỦ - TÍN NGƯỠNG ĐA THẦN ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI VIỆT < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Nghiên cứu tín ngưỡng

THỜ MẪU TỨ PHỦ – TÍN NGƯỠNG ĐA THẦN ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI VIỆT


Là một trong những loại hình tín ngưỡng có hình thức thể hiện phong phú và đa dạng nhất, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ đã và đang được thực hành, mang trong mình khát vọng sống ngàn đời của con dân đất Việt. Chiếm một vị trí quan trọng trong đó chính là hệ thống Thần Linh đồ sộ, vốn được coi là linh hồn, cũng là điểm mang dấu ấn riêng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ.

Nhắc tới thờ Mẫu, mọi người thường chỉ nhớ tới “Tam tòa thánh Mẫu” – ba vị Thánh Mẫu của Tín ngưỡng. Song trên thực tế, tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ là một tín ngưỡng đa thần. Hệ thống thần linh được thờ phụng trong các thần điện dù lớn hay nhỏ đều lên tới hơn 50 người. Trải qua thời gian dài phát triển, với đặc thù là một tín ngưỡng dân gian và có tính mở, số lượng các vị Thánh đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, về cơ bản, số lượng và thứ tự của các hàng thờ tự như sau:

Chư Phật – Vua Cha – Thánh Mẫu – Quan lớn – Chầu Bà – Ông Hoàng – Thánh Cô – Thánh Cậu.

Cao nhất trong thứ tự thờ là Chư Phật, mà đại diện là hình ảnh Phật Bà. Các huyền tích về 3 vị Thánh Mẫu được biết tới nhiều nhất đều có xuất hiện của chư Phật, song không nhiều người biết đến dấu ấn này.

Dưới chư Phật là Tứ phủ Thần Vương (Tứ vị Vua cha), tương ứng với 4 phủ: Thiên (Trời), Địa (Đất), Thoải (Thủy), Nhạc (Rừng). Tuy nhiên rất ít đền, điện, phủ thờ của Tín ngưỡng có thờ đủ cả 4 vị trên. Việc phối thờ Phật và sự xuất hiện của Tứ phủ Thần Vương trên vị Thánh chủ của tín ngưỡng thể hiện sâu sắc tính mở, sự giao thoa cũng như tiếp biến văn hóa giữa tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng từ bên ngoài du nhập, mà cụ thể ở đây là Phật giáo của Ấn Độ và đạo giáo của Trung Hoa. Tuy được phối thờ trong các phủ, điện, đền, hai bậc thần linh này thường không về ngự đồng bao giờ.

Vị Thánh trung tâm của Tín ngưỡng chính là Thánh Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ khác với Tam phủ mà chúng ta biết là có 4 vị Thánh gồm: Thánh Mẫu Cửu Trùng, Thánh Mẫu Thần Chủ, Thánh Mẫu Thoải Cung và Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Thánh Mẫu Cửu Trùng là vị thánh ít được biết đến nhất, song ngài lại được coi là vị Thánh Mẫu quan trọng cai quản cả 9 tầng mây. “Tam tòa Thánh Mẫu” thường được biết đến chính là ba vị Mẫu còn lại, với nhiều quan điểm đều là những lần giáng trần khác nhau của Mẫu Liễu Hạnh – Vị Mẫu Thần Chủ quan trọng nhất trong Tín ngưỡng.

Giúp việc cho Thánh Mẫu là các vị quan, chầu phụng sự cai quản khắp cõi Tứ phủ gồm Ngũ vị Quan ông, Thập Tam Chầu Bà, Tứ phủ Thành Hoàng (8 vị), Tứ phủ Thánh cô (12 vị) và Tứ phủ Thánh Cậu. Ngoài ra, còn có Ngũ Hổ và Ông Lốt (năm Ông Hổ và Ông Rắn), những vị thần oai linh của Tứ phủ, vừa trấn trị đền, vừa giúp dân trị quỷ trừ tà, thường được thờ dưới ban công đồng tại các đền, phủ.

Trên thực tế, số lượng của các bậc Thánh Quan hầu phụ Mẫu chưa có sự thống nhất, bởi có nhiều vị không được thể hiện song vẫn có những lời hát văn về họ, lại có những vị ít khi giáng đồng nên không có nhiều ghi chép. Mang tính chất của nét văn hóa mở, nên sự biến đổi và thêm thắt của từng vùng miền với hệ thống thần linh trong Tín ngưỡng cũng ảnh hưởng tới số lượng Thánh được phụng thờ. Nhưng xét về bố cục lại vô cùng chặt chẽ và rõ ràng, về cả vai trò mà mỗi vị Thánh mang khi thể hiện những ước vọng của quần chúng nhân dân đối với cuộc sống.

Thờ Mẫu Tứ Phủ luôn là tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và gần gũi với đời sống con người. Từ cách gọi gần gũi như “đánh số” gọi tên các Ngài để mọi người dễ nhớ như “Quan lớn đệ nhất”, “Chầu đệ tứ khâm sai” hay “Cô đôi thượng ngàn”… cho tới câu chuyện về xuất thân, những huyền tích, câu chuyện cổ tích chúng ta được nghe ngày bé về những tấm gương sáng cho lòng dũng cảm, sự tốt bụng, nhân đạo và hiếu nghĩa. Dưới cái nhìn của dân gian, những người đàn ông, người phụ nữ dù xuất thân thường dân hay vương quan quý tộc, với khí chất phi thường và tấm lòng bao la, giáng thế cứu dân giúp nước, khi hóa thác trở thành những vị Thánh linh thiêng tiếp tục trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi con người cầu cho bình an, tài lộc…

Đều được phụng thờ tại các ban công đồng chung của đền, chùa hay có đền thờ riêng, song trong hoạt động thực hành tín ngưỡng, mà cụ thể là nghi lễ hầu đồng, không phải tất cả các vị đều về ngự, và không vị nào giống vị nào. Và chính sự khác biệt trong trang phục, quần áo, đạo cụ, hay lời ăn tiếng nói, dáng đứng cách ngồi của các Ngài khi về ngự đồng đã tạo nên màu sắc riêng, tạo nên giá trị nghệ thuật cũng như tâm linh đặc sắc mà chỉ Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ mới có thể đem lại

Bài viết liên quan

NGUỒN GỐC NGHI THỨC LÊN ĐỒNG: TỪ THẾ GIỚI ĐẾN VIỆT NAM

admin

Tìm hiểu thần tích Đền Đồng Bằng

admin

Lạm bàn về tương quan giữa Hai dòng tín ngưỡng Thờ Nhà Trần và Tứ Phủ với Thánh Mẫu.

admin

Bình luận

Để lại Bình luận