Từ thuở xa xưa, ở nước ta chuyện đi lại giao thương Nam Bắc trên bộ duy nhất chỉ có một con đường cái quan – qua bao đò giang, vượt bao núi rừng – vẫn được gọi là con đường thiên lý. Còn dãy Trường Sơn tới Quảng Bình thì rẽ một nhánh chạy ngang ra biển gọi là Hoành Sơn; trên đó đèo Ngang với Hoành Sơn Quan vừa là cửa ngõ của xứ Đàng Trong, cũng là thắng cảnh mà bao bậc hiền tài dừng chân cảm thán bởi cảnh đẹp non sông gấm vóc nơi đây, cùng với những áng văn thơ còn lưu truyền tới tận ngày nay.
Tại chân đèo Ngang, bên con đường cổ xưa có một ngôi miếu nhỏ. Miếu thờ Công chúa Liễu Hạnh – là một nhân vật trong Tứ Bất tử huyền thoại của văn hóa dân gian Việt Nam. Tương truyền Miếu này rất linh thiêng, ai qua lại nơi này thường vào cầu an mỗi khi vượt đèo, cầu gì được nấy.
Sự tồn tại của ngôi Miếu từ hàng trăm năm qua với tích rằng Công chúa Quỳnh Hoa con gái Ngọc Hoàng sơ ý phạm lỗi mà bị vua cha đọa xuống hạ giới. Nàng đã tạo bao công tích giúp dân, vì nước nên dân lập đền thờ Bà Chúa với tên là Liễu Hạnh ở nhiều nơi. Tại đèo Ngang đề thờ Đức Mẫu Liễu Hạnh, là một trong những di tích sớm nhất, huyền thoại lưu truyền cùng với ngôi Miếu này tới bây giờ.
Vùng đất Quảng Bình trong lịch sử hàng trăm năm đã chịu bao cảnh can qua, địch họa triền miên lại thêm thiên tai tàn phá cho nên số phận ngôi Miếu chịu quá nhiều thách thức với thời gian. Từ cuộc khai thác thuộc địa đầu tiên cuối thế kỷ 18, người Pháp đã làm một con đường bộ cho xe cơ giới vượt đèo Ngang và cũng kể từ đó con đường Thiên Lý dần trở thành quên lãng, ngôi Miếu theo đó cũng dần chỉ còn lại trong ý thức tín ngưỡng của người dân địa phương.
Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, nhu cầu phát triển kinh tế thúc đẩy hệ thống giao thông đồng bộ, ta đã mở một con đường hầm xuyên qua Hoành Sơn và con đường bộ vượt núi được gần trăm năm nay cũng trở thành phế tích, ít người qua lại.
Nhận thức được giá trị văn hóa của di tích gằn liền cùng với con đường lịch sử, năm 1995 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã công nhận ngôi Miếu là di tích lịch sử văn hóa, gọi tên là Đền thờ công chúa Liễu Hạnh và chỉ đạo các cơ quan chuyên quản tiến hành tu sửa giải cứu ngôi đền khi đó đã trong tình trạng phế tích.
Trên vết tích nền tảng còn lại của ngôi đền xưa, một kiến trúc 2 ngôi trùng thềm với khung vì theo kiểu nhà rường Huế đơn giản đã phục dựng cơ bản được hình hài di tích. Song do kinh phí hạn hẹp, điều kiện thi công thiếu thốn, vật tư hạn chế cho nên trong một thời gian ngắn, ngôi đền lại bước vào tình trạng xuống cấp sập xệ.
Trong khi đó, nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng cao, cùng với sự linh thiêng hiển hiện của ngôi Đền mà sự thăm viếng di tích của người dân khắp vùng ngày càng đông đảo. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình năm 2012 đã chấp thuận phương án tu bổ tôn tạo di tích Đền thờ Đức Mẫu Liễu Hạnh theo phương thức huy động nguồn vốn xã hội hóa. Công ty CP Giáo dục Trí Nhân Tâm được giao làm chủ đầu tư, chủ trì việc nghiên cứu khảo sát, lập dự án, huy động nguồn kinh phí cùng các chuyên gia tu bổ, vật tư, thợ truyền thống thực thi cẩn trọng công tác tu bổ, tổng thể ngôi đền theo nguyên kích khổ và cấu trúc hiện hữu.
Tổng thể công trình từ trên xuống
Sau thời gian 10 tháng, công tác tu bổ được tiến hành thận trọng, hôm nay ngôi đền di tích xưa được hoàn thiện tổng thể từ kiến trúc, nội thất, ngoại cảnh, sân cổng, … và bảo tồn các di chỉ gốc với mức tốt nhất.
Ngoài ra, dự án còn quan tâm đầu tư phần đền phủ mở rộng, tách biệt với di tích gốc, hoàn chỉnh cảnh quan và đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng của khách thập phương đúng theo quy trình chuẩn duyệt.
KTS Trần Quang Trung
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-201