Bí ẩn xung quanh vụ mất cắp tượng Cô Bơ của chùa Chúc Lý < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Tin tức

Bí ẩn xung quanh vụ mất cắp tượng Cô Bơ của chùa Chúc Lý

Bức tượng Thánh Cô Bơ khi thờ ở chùa Chúc Lý, Hà Nội.


Chùa Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bị mất một pho tượng Mẫu Cô Bơ vào năm 2013. 3 năm sau, các Phật tử của chùa phát hiện có một pho tượng giống hệt như vậy được thờ ở một phủ điện tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nhưng cũng phải mất chừng 3 năm từ lúc các Phật tử trình báo, cơ quan công an mới niêm phong được bức tượng để giám định điều tra.

6 năm “lưu lạc”

Mọi chuyện bắt đầu vào 7.6.2013, các nhà sư chùa Chúc Lý hốt hoảng báo công an xã, sau này lên công an huyện và công an TP Hà Nội trình bày về việc chùa nhà bị mất một pho tượng Thánh cô Bơ mà họ hết sức kính cẩn thờ tự. Tượng làm bằng thạch cao, thếp bạc, cao khoảng 80- 90cm.

Ba năm sau, chợt có tin từ Phật tử báo tin có một bức tượng giống hệt tượng chùa Chúc Lý đang được thờ ở một phủ điện của ông N.X.H thuộc thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Sau thời gian dài theo dõi, các Phật tử chùa Chúc Lý và người dân ở xã Ngọc Hòa đã phát hiện ra tượng chùa mình “nghi là đang thờ ở một phủ điện ở Thái Bình”.

Bức tượng “thoắt ẩn, thoắt hiện” bên trong phủ điện

Sư bác Thích Tịnh An và nhiều Phật tử lập tức lên đường về Thái Bình. Xuống đến nơi thì ông H vắng nhà, chỉ có mẹ của ông H tiếp. Bà cụ cho biết, tượng không phải “của nhà” mà do người ta đến cung tiến bằng một cách rất lạ, con bà thờ Cô đã 3 năm nay. “Đón cô về là sơn son thếp vàng lại, sơn son đợt vừa rồi, giờ cô mặt hoa da phấn, tóc vấn đuôi gà”, bà cụ tiết lộ.

Và mọi người mới ngã ngửa: pho tượng cổ đã từ màu bạc chuyển sang màu vàng, nhưng có thể là do sơn sửa. Tuy nhiên, khi làm việc với công an, dù thừa nhận trên Facebook của mình có viết về chuyện “sửa tượng” Cô Bơ, song ông H. nói ông hẹn thợ sơn nhưng họ không đến. Và rằng tượng nhà ông là màu vàng chứ không phải màu bạc như pho tượng của chùa Chúc Lý, 3 năm qua chưa từng sơn sửa lại tượng.

Cho rằng có nhiều điều vô lý trong vụ việc này, nên sư bác tên An (chùa Chúc Lý) bèn mở máy ghi âm toàn bộ lời tiết lộ quan trọng của bà mẹ ông H, rồi cả lời bà con hàng xóm nói về xuất xứ bức tượng ở thị trấn mà họ sinh sống.

Bên cạnh vẻ ngoài “giống hệt”, tất cả các ý kiến được thu lượm đều nói rằng tượng xuất hiện ở “phủ” đã 3 năm. Đúng bằng thời gian chùa Chúc Lý mất bức tượng. Các phật tử cho rằng, bằng mắt thường cũng có thể thấy tượng Cô Bơ ở điện phủ ông H… “đích thị tượng nhà mình”.

Công an địa phương xác nhận việc chùa Chúc Lý mất trộm tượng.

Nhà chùa đang hy vọng tìm lại được tượng thì lại nhận được tin từ phía cơ quan xử lý vụ việc ở Thái Bình: Bức tượng mà nhà chùa tố cáo “của chùa Chúc Lý” đang thờ ở “Phủ Cô Bơ” ở Thái Bình hóa ra không phải là tượng. Mà nó chỉ là… một tấm ảnh trưng bày. Không lẽ nhân chứng, nhà chùa, mẹ ông H và  hàng xóm đều hoa mắt?

Chuyện chìm vào im lặng cho đến khi Phật tử chùa Chúc Lý tiếp tục theo dõi. Sau thời gian tượng Cô Bơ biến mất, người ta còn thay bức tượng khác vào vị trí đó, mà theo các Phật tử chùa Chúc Lý là để “đánh lạc hướng dư luận”.

Và bây giờ, theo các Phật tử chùa Chúc Lý, sau một thời gian “biến mất”, bức tượng “Cô Bơ” (được xem là chính hiệu) lại tiếp tục xuất hiện trở lại trong phủ của ông H. Mới đây, cơ quan công an đã niêm phong bức tượng, có chữ ký của công an phía Hà Nội và Công an Thái Bình, chính quyền địa phương, đại diện chùa Chúc Lý và “Phủ Cô Bơ”… để giám định điều tra xem bức tượng xuất xứ từ đâu.

Bức tượng Cô Bơ đang được công an niêm phong tại nhà của ông N.X.H, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, để chờ cơ quan chức năng giám định.

TÂM AM / Nguồn : Theo báo Lao Động

Bài viết liên quan

NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN VÀ LỊCH SỬ HÀO HÙNG CỦA DÂN TỘC

admin

Lên núi Mâm Xôi cầu bình an trong ngày giỗ Đức Thánh Trần

admin

Đạo mẫu – Tín ngưỡng thuần Việt đang bị lãng quên

admin

Bình luận

Để lại Bình luận