Đạo mẫu – Tín ngưỡng thuần Việt đang bị lãng quên < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Tin tức

Đạo mẫu – Tín ngưỡng thuần Việt đang bị lãng quên


Nếu như những tôn giáo như Thiên Chúa, Tin Lành hoặc Hồi Giáo luôn được biết đến như những tín ngưỡng du nhập, thì người Việt ngày nay thường lầm tưởng Phật giáo- tín ngưỡng được xem là “đông dân” nhất, có hơn 45 triệu tín đồ hiện nay tại nước ta (theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) là tôn giáo nguyên gốc của dân tộc Việt. Tuy nhiên, những tài liệu lịch sử đã cho thấy rằng, với phong tục tập quán theo chế độ mẫu hệ của người Việt xưa (đề cao người mẹ và phụ nữ trong xã hội) trước khi văn hoá thờ Phật của Trung Hoa du nhập, thì Đạo Mẫu được xem như là tôn giáo nguyên gốc của người Việt.

Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, từ thời nguyên thủy, nó thỏa mãn tâm lý của người nông dân cầu mong sự sinh sôi nảy nở, nó đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến. Đây là một thứ tín ngưỡng có nguồn gốc bản địa đích thực, mặc dù trong quá trình phát triển, nó đã thu nhận những ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo và thậm chí cả Nho giáo.

Đạo Mẫu lấy tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo trì cho vũ trụ, con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng về đời sống trần thế của mình, đạt tới sức khỏe và tài lộc (Phúc Lộc Thọ).

Đạo Mẫu là tín ngưỡng như thế nào?

Mẫu có nghĩa là mẹ. Thờ Mẫu nghĩa là thờ mẹ. Đây là điểm rất đáng chú ý, bởi con người Việt Nam từ rất sớm đã lựa chọn hình tượng mẹ để tôn vinh, thờ phụng và ký thác niềm tin.

Ban đầu, người Việt Nam coi tự nhiên như người mẹ và tôn thờ, trải qua thời gian với xu hướng “lịch sử hóa”, “địa phương hóa” và “nhân hóa”, nhân vật Mẫu đã được gắn với nhiều huyền tích có công với nước, thương yêu người dân, thậm chí, gắn với những nhân vật có thật. Tiếp đó, với sự ảnh hưởng của đạo giáo Trung Hoa, tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện thờ Tam phủ, Tứ phủ (Mẫu Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Địa cai quản vùng đất, Mẫu Thoải cai quản vùng sông biển, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng núi), vì thế, hình ảnh Mẫu còn có ý nghĩa chở che, mang lại những điều tốt lành. (Theo báo Pháp Luật).

Đạo Mẫu vốn là tín ngưỡng bản địa của tộc Việt, nhưng nó thể hiện một khả năng tích hợp tôn giáo tín ngưỡng cao, làm cho hệ thống điện thần cũng như bộ mặt văn hóa của nó thể hiện tính đa tộc người, đa văn hóa của không chỉ dân tộc đa số mà còn cả các tộc người thiểu số cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Trong hệ thống các thần linh có nhiều vị thần người dân tộc thiểu số, do vậy nó cũng tích hợp các sinh hoạt văn hóa của các dân tộc thiểu số đó vào trong nghi lễ của đạo này (ăn mặc, âm nhạc, múa hát…).

Nghi lễ lên đồng trong Đạo Mẫu

Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian và tôn giáo thờ nữ thần mẹ Đạo Mẫu.Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các Tín ngưỡng Tứ Phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần,…khi đó, các người hầu đồng được “mược xác” sẽ hành động trực tiếp lên thể xác Thanh Đồng như đi trên than hồng, xiên lình (dùng thanh sắt sắc nhọn đâm xuyên vào hai má và miệng thanh đồng), ăn lửa, lên đai (1 hình thức thắt cổ, có người được gọi là sát căn, có khi lên 3 đai)…

Người đứng giá hầu đồng gọi chung là Thanh Đồng, Thanh Đồng là nam giới thì được gọi là “cậu”, nữ giới được gọi là “cô hoặc bà đồng”. Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo Thanh Đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt… Âm nhạc là thành phần không thể thiếu, cung văn chính là người tấu nhạc phục vụ buổi lễ.

Ngoài ra, các thành phần ngồi xem buổi hầu là các cử tọa. Những người này thường là con nhang đệ tử, thường thể hiện lòng tôn kính các vị thánh mỗi khi giáng ngự, hòa theo điệu múa hát và được Thánh ban lộc. Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ tiết, thường là tại các lễ hội đền thánh, phủ mẫu… Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, truyền thống tín ngưỡng Việt Nam còn tin tưởng rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn và theo dõi cuộc sống của người thân đang sống. Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động lên đồng rất phổ biến ở miền Bắc, tương đối kém phổ biến ở miền Nam, song do một thời gian dài bị cấm đoán và mai một, hoạt động này ngày nay thường có nhiều chỗ sai biệt, thậm chí là lệch lạc phản cảm, méo mó hình ảnh của tín ngưỡng. Một số khác lợi dụng việc lên đồng để kiếm chác mua thần bán thánh, làm mất đi vẻ đẹp đáng có của tín ngưỡng.

Nghi lễ lên đồng của Đạo Mẫu gây khá nhiều tranh cãi về thực hư việc có hay không tính khả thi của việc giao tiếp với thần linh. Tuy nhiên, không thể chối cãi việc Đạo Mẫu là tôn giáo bản địa nguyên gốc của dân tộc Việt và tập quán tôn vinh hình tượng người mẹ của người Việt xưa. Bỏ qua những nghi lễ được xem là mê tín dị đoan dưới góc độ khoa học , Đạo Mẫu cũng là chứng nhân cho nét đẹp văn hoá Việt Nam, “Tín ngưỡng thờ mẫu” cũng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì thế, ngoài việc hạn chế những hành động dị đoan của tôn giáo để trục lợi, cũng rất cần lưu giữ những giá trị văn hoá thuần Việt mà Đạo Mẫu mang trong mình.

Hiện nay , có khá nhiều ý kiến trái chiều về đạo mẫu . Có rất nhiều người cho rằng đó là mê tín dị đoan hoặc hiểu một cách sai lệch về tín ngưỡng này . Một số các nghi lễ cổ của đạo mẫu đang dần mất đi như tục thi mẹ đồng quan , các cách hầu thanh cổ ,…. Cá nhân tôi nghĩ đây là một trong những nét đẹp của người Việt cần được giữ gìn và tiếp nối.

Bài viết liên quan

NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN VÀ LỊCH SỬ HÀO HÙNG CỦA DÂN TỘC

admin

Chầu Quỳnh , Chầu Quế là ai ?

admin

Sai lầm của chúng ta là: NỔI NÓNG với NGƯỜI THÂN nhưng lại KHOAN DUNG với NGƯỜI LẠ

admin

Bình luận

Để lại Bình luận