YẾN VỸ 2: ĐỀN TRÌNH NGŨ NHẠC
Đền có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, dân gian còn gọi là Đền Quan Lớn hay Đền Trình, một di tích lịch sử văn hóa trong quần thể phức hợp Hương Sơn. Đền Trình hiển nhiên được du khách thập phương coi là điểm tham quan chiêm bái đầu tiên trong khu vực Chùa Hương.
Đền thờ Cao Sơn đại Thánh sơn Hổ đại vương, Cao sơn hộ quốc tế dân đại vương.
Đến nay, theo Thần tích, sắc phong sớm nhất còn lưu giữ, soạn ngày 29 tháng 8 năm Hồng Phúc nguyên niên (1575), do “Lục bộ Thượng thư kiêm quan Bộ Lễ Nguyễn Đăng Huy và Hàn lâm viện Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính vâng soạn”.
Điều đó, cho phép khẳng định, xã Yến Vỹ đã tồn tại ít nhất 450 – 500 năm!
Căn cứ theo nội dung thần tích, khi xưa, Ngài Hiển Quan vốn là Sơn Thần giáng thế, được Vua Huy Vương thứ 6, phong chức quan Tư Mã kiêm thủy bộ, thống lĩnh toàn bộ, Thủy đạo Sơn bộ Đại tướng quân, đốc lĩnh 3 xứ Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương. Khi giặc Ân, do Thạch Linh cầm đầu, xâm chiếm nước ta, Ngài cho lập đồn theo hình đá rùa tại vị trí đền Trình ngày nay.
Đồn có vị trí đắc địa, tụ linh khí, phía trước có Tam Thai, phía Đông bên phải có khe suối nhỏ chảy quanh, phía sau có Ngũ Nhạc chầu về chính cung, các ngọn núi xa gần hai bên trái phải đều chầu về.
Sau khi Ngài hóa, Vua ban sắc chỉ, ban cho dân xã Yến Vỹ được tu sửa một tòa cung điện, đời đời thờ phụng.
Tháng 2 năm 1947, Đền bị giặc Pháp đốt phá. Từ 1951-1953, giặc Pháp về chiếm Làng lập bốt Yến Vỹ, Đền lại bị tàn phá nặng nề. Năm 1962, Bộ VHTH xếp hạng Đền Trình là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ năm 1992 – 1997, dân Làng cùng với du khách thập phương, gom công góp của, xây dựng tu tạo lại khang trang như hiện nay.
Đền có mặt bằng theo kiểu chữ “tam”, hậu cung – đại bái – tiền đường, theo nghệ thuật kiến trúc thời Lê, các bức cốn đầu dư đục tứ linh tinh xảo, các góc đao cách điệu rồng quài lá lật. Sân đền có đôi tượng voi đá chầu, cùng võ sỹ đứng gác hai bên, tạo không gian đền đài lăng tẩm, phía trước có hồ bán nguyệt, nước trong, minh đường thủy tụ, bát ngát mây trời.
Gần đây, Đền còn mở rộng thêm Điện Mẫu, nhà Bia và khu Nhà khách, lại thêm tường rào, dựng cổng… càng thêm uy nghi, linh ứng.
VỀ THẦN TÍCH
Đời Hùng Huy Vương thứ 6, ở xã Vĩnh Thế, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, có người, họ Hùng tên Ân, vốn dòng dõi Vua Hùng, chủ trưởng một phương. Ông Hùng Ân lấy bà họ Nguyễn tên Liễu, trải 5 kỳ, xuân hạ thu đông, loan phượng xứng đôi, hiềm chưa con cái.
Hai ông bà biện lễ cầu ở chùa Tích Sơn, bỗng có 3 tiếng sét vang Trời, trong Chùa rực sáng, Hổ vàng bất thần hiện ra, cõng bà mất dấu.
Ông Hùng Ân thương nhớ vợ, chạy lên núi, bỗng thấy hổ vàng nằm dưới gò đất, chợt nghe tiếng vợ vang lên: “Thiếp vốn là con gái Sơn Thần, nay đến kỳ sinh nở, trời thương ban cho Hổ vàng, khí thiêng chung đúc, Thiếp phải về Trời, dương gian đôi ngả”.
Hùng Ân nửa tin, nửa ngờ, kéo đầu Hổ vào lòng, bỗng đâu biến mất, chỉ thấy một bọc, lại thêm phong thư:
Hiếu tin thư gửi xuống trần gian
Xin đức Lang quan mở đọc xem
Xuất thế Sơn thần lo giúp nước
Lại thêm phụ tử được hân hoan.
Ông liền ôm bọc trở về. Ba tháng sau, Trời Đất tối đen, sấm rung, chớp giật, sóng nổi, cây đổ, xem bọc vẫn nguyên, Ông lấy làm lạ, đem bọc ra để bên núi rìa Làng, đêm ngày cắt cử, thăm nom.
Tròn 14 tháng, đúng giờ Ngọ, ngày 6 tháng 3 năm Canh Tuất, bọc nứt vỡ, sinh ra một người con trai khôi ngu tuấn tú, tay dài quá gối, chân có 7 lông, lưng in hình 28 vì tinh tú. Cả không gian bỗng đâu thơm ngát, hổ vàng lao đến, muông thú chầu về.
Trời đất bỗng ì ùng cuồng nộ, mây đen cuồn cuộn, gió lớn mưa to. Lát sau, trời quang mây tạnh, bốn phía, thanh nhàn, thấy xuất hiện một người tướng mạo đường đường, phong thái lẫm liệt, trao cho Ông bộ áo mão cung tên.
Qua 5 tuổi, Hùng Ân bạch ý Hòa thượng trụ trì Hương Tích, câu bé mới có tên Hiển Quang; đến 15 tuổi, đã được Vua ban chức quan Tư Mã.
Thủa ấy, tướng giặc Thạch Linh, cầm đầu giặc Ân, xâm lược nước ta.
Vua liền phong Ngài là Cao Sơn đại vương, thống lĩnh 16 Động Châu, phong Ngài Đông Hải thống lĩnh quân Thủy bộ, lại ban ngựa sắt, giáp sắt, rìu sắt cho Ngài Phù đổngThần Vương.
Cả 3, đại tướng cùng hợp quân ở núi Vũ Ninh, Phù đổng Thiên Vương chén rơi đầu tướng giặc, Cao Sơn đại vương cùng Đông Hải đại vương thì cùng truy giết, dẹp tan giặc Ân.
Thắng trận trở về, Phù đổng cưỡi ngựa về Trời, Vua phong Phù Đổng Thiên Vương. Ngài Hiển Quan được ban thưởng lớn, lại ban cho đất Yến Vỹ làm thang mộc, nhằm ngày 6 tháng 10, Ngài về tới cố hương.
Ngày 6 tháng 11 năm Giáp Thìn, Ngài ban tặng thôn dân 5 nén vàng, ngâm thơ biệt lệ, uống rượu chia ly, bỗng đâu nổi lên 7 tiếng sét vang Trời.
Ngài hóa.
Ngày 6 tháng giêng năm Ất Tị, dân thôn tiếp chỉ, Vua ban Sắc, phongThần, lại cho dân xã Yến Vỹ lập điện thờ và cho 72 ngôi Đền, Miếu ở bốn phương khắp nước, đời đời thờ phụng.
Hàng năm, cứ đến ngày 6 tháng giêng, lại tế Thần, biện Lễ mở cửa rừng, sau này còn chọn làm Lễ Khai Hội chùa Hương.
Trải qua các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, các đời Vua đều gia phong mỹ tự cùng các Lễ tiết như sau:
1. Cấm húy các chữ: Hổ, Đầu, cấm màu vàng
2. Phong là Cao Sơn đại Thánh Sơn Hổ tế thế đại Vương
3. Phong là Cao Sơn hộ quốc cứu dân cương đoán thông minh chính trực đại Vương.
4. Cho phép xã Yến Vỹ làm Chính từ phụng sự tại đền Ngũ Nhạc
– Ngày 6/2, ngày Khánh hạ, trước cúng 10 mâm cỗ chay, sau cúng thịt lợn gà, trâu, bò, xôi, rượu, ca hát 3 ngày đêm.
– Ngày 6/3, chính sinh nhật, lễ Lợn đen, xôi, rượu.
– Ngày 5/5, lệ mừng chính, cỗ chay 3 mâm, hương hoa.
– Ngày 6/6, ngày chính hành chinh, lễ dùng cỗ tam sinh.
– Ngày 12/6, lệ mừng chính, lễ Thịt, xôi, rượu và bánh dày.
– Ngày 6/8, cả nước cùng cúng tế, lễ dùng tam sinh, xôi rượu, ca hát 10 ngày hoặc 15 ngày.
– Ngày 6/11, ngày chính hóa, lễ lợn đen, gà, xôi và rượu, bánh dày.