70 năm trước, các thanh đồng ăn mặc, hầu thánh trong điện thờ ra sao? < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Đồng cốt Tin tức Văn hóa Dân gian

70 năm trước, các thanh đồng ăn mặc, hầu thánh trong điện thờ ra sao?

70 năm trước, các thanh đồng ăn mặc, hầu thánh trong điện thờ ra sao?

Cuốn sách bao gồm phần nghiên cứu, phân tích, mô tả hoạt động hầu đồng, điện thờ, trang phục của các thanh đồng Việt Nam những năm 40-50 thế kỷ trước.Thụy Đan07:54 09/01/2020A A
Maurice Durand (1914-1966) được mệnh danh là vị “thành hoàng” đích thực về Việt Nam học của Pháp với công trình nghiên cứu hầu đồng hết sức ấn tượng. Và nhất là năm 2016, khi đạo Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì việc nghiên cứu theo hướng truy nguyên tín ngưỡng hầu đồng để tiếp tục phát huy giá trị lại càng đặc biệt quan trọng.

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa chính thức phát hành bộ sách Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam và Thánh Mẫu linh tiêm. Đây là kết quả hợp tác giữa Nhà xuất bản Tổng hợp và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) ở thành phố Hồ Chí Minh với chương trình châu Âu Vietnamica (ERC), do Viện Khảo cứu cao cấp Cộng hòa Pháp chủ trì.

HẦU ĐỒNG 70 NĂM TRƯỚC QUA CON MẮT KHẢO CỨU

Tác phẩm Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam của tác giả Maurice Durand; tổ chức biên soạn: Olivier Tessier; các dịch giả: Nguyễn Thị Hiệp, Marcus Durand, Philippe Papin.

Nghi thức hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã tồn tại ở Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử. Có những thời điểm tín ngưỡng này được thực hành một cách công khai, có thời gian bị cấm đoán, cũng có giai đoạn không hẳn được cho phép một cách chính thức nhưng vẫn được tổ chức một cách khéo léo, kín đáo.

Bộ sách do NXB Tổng hợp và Viện Viễn Đông Bác cổ ở TP.HCM thực hiện.

Những năm 40-50 của thế kỷ, Việt Nam đứng trước mọi ngả đường hiện đại hóa. Văn học chú trọng vào sáng tác theo các trường phái văn học phương Tây, các nhà chính trị quan tâm đến việc giành độc lập dân tộc… Trong tình hình ấy, Maurice Durand, đại diện của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, đã lặng lẽ đích thân đi diền dã nhiều nơi để nghiên cứu về hiện tượng mà ông cho là rất đặc biệt này.

Cuốn sách bao gồm phần nghiên cứu, phân tích, mô tả hoạt động hầu đồng, điện thờ, trang phục của các thanh đồng Việt Nam những năm 40-50. Tuy ngắn gọn, giản đơn nhưng khá đầy đủ. Tác giả miêu tả hiện tượng lên đồng bằng con mắt quan sát của người ngoài cuộc, khách quan, không định kiến dưới góc nhìn khảo cứu một cách nghiêm túc theo quan điểm nhân học phương Tây hiện đại.

Ông đi từng ngõ làng góc phố, nơi đâu có điện thờ là ông tới quan sát, tham dự các buổi hầu đồng, đi đến những đền thờ Mẫu vào ngày lễ hội, sưu tầm các bài văn chầu chữ Nôm, chữ quốc ngữ sử dụng trong các buổi hầu đồng. Đặc biệt một lượng lớn ảnh tư liệu đen trắng được chụp ở đền Ghềnh, lễ hội đền Ghềnh những năm 45-55.


Một bà đồng được chụp vào năm 1915. Ảnh: Léon Busy

Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam ghi lại những nghi thức nhập môn hầu đồng sơ khai, hoạt động hầu đồng lặng lẽ dưới vỏ bọc ồn ào đầy biến động của thủ đô vào thời kỳ đó.

Từ những năm sau đổi mới, hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu được nghiên cứu và coi đó là một hiện tượng nhân học nghiêm túc. Từ thập kỷ 90, hầu đồng mới được từng bước phát triển trở lại. Cho tới tận năm 2016, khi tín ngưỡng này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam mới thật sự được tôn vinh và được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới.

Tác phẩm giúp bạn đọc truy nguyên tín ngưỡng thờ Mẫu giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 qua việc mô tả các trình thức: Lên đồng; Nhập môn trình đồng; Điện thần và văn chầu. Sách còn các phụ lục: Tranh vẽ màu; hình ảnh; đồ cúng và vật phẩm vàng mã; tục thờ Hổ; tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo; truyện về tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh ở Phố Cát và bản dập, phiên âm, dịch nghĩa Chư vị văn chầu.

“BỘ SƯU TẬP” NHỮNG QUẺ BÓI TRÊN THẺ TRE

Cùng cuốn Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, bộ mộc bản Thánh Mẫu linh tiêm với chủ đề gần gũi, được giới thiệu với độc giả để nối dài dư âm của tín ngưỡng hầu đồng. Sách của tác giả: Khuyết danh; tổ chức biên soạn: Olivier Tessier; dịch và giới thiệu: Phạm Văn Ánh, Nguyễn Thị Hiệp.

“Linh tiêm” nghĩa là chiếc thẻ tre, tiếng Việt gọi là “thẻ” hoặc “xăm”. Trong mấy trăm loại hình chiêm bốc, bói toán, ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến là “đoán linh tiêm” (rút quẻ, rút xăm), “chiêm tiêm” (đoán xăm), “thần tiêm”, “thánh tiêm”… Trong dân gian lưu truyền câu thành ngữ “Vào chốn miếu đường làm hai việc: Thắp hương và cầu tiêm hỏi sự tình”.

Linh tiêm là loại thẻ được sử dụng trong dân gian từ khá sớm.

Ở Việt Nam, linh tiêm có lẽ cũng được sử dụng từ rất sớm, song hầu như không được ghi chép lại. Từ thế kỷ 18 trở đi, trong một số bài viết của Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Phạm Đình Hổ… nhiều lần nhắc đến tục lệ này.

Bộ Thánh Mẫu linh tiêm được xuất bản mang kí hiệu A.2431, hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội). Các linh tiêm được phân làm 3 loại: “thượng” (tốt) chiếm tỉ lệ lớn nhất với 46%, “trung”, “hạ” (xấu) chiếm tỉ lệ thấp nhất với 18%.

Bên cạnh bộ linh tiêm này, hiện còn một bộ linh tiêm khác tương tự, đó là Linh tiêm đền thiêng Bắc Lệ Công Đồng (được sưu tầm tại tỉnh Lạng Sơn năm 2006) – gồm 24 ván in, mỗi ván in hai mặt, tổng cộng 48 linh tiêm (nhưng bị mất ván linh tiêm thứ 5 và 6).

Bộ linh tiêm này, theo lời kể của dịch giả Nguyễn Thị Hiệp là cách đây khoảng 10 năm, khi chị đi thực địa làm luận án tiến sĩ có tìm được một bộ sách bằng gỗ gọi là “Linh tiêm Thánh Mẫu” gồm 24 ván khắc chữ Hán hai mặt.

Đây là một dạng quẻ bói lưu giữ ở đền Mẫu. Tín đồ đến gặp bà đồng hoặc thầy bói, từ đền, thắp hương cúng bái và rút một quẻ để biết được vận hạn trong năm. Bà đồng hoặc thầy cúng là người trực tiếp diễn giải những quẻ này. Mỗi quẻ có 12 bài thơ tứ tuyệt và tất cả gồm 600 bài thơ khắc trên 50 quẻ.

Sau đó tình cờ dịch giả Nguyễn Thị Hiệp lại phát hiện một bản chữ Hán (microfilm) lưu giữ ở EFEO nội dung giống cuốn sách gỗ, chỉ khác chữ. Bản này do EFEO dập năm 1956 nhưng không có giới thiệu, chỉ có bản dập chữ Hán (bản gỗ thiếu 1 ván khắc nhưng bản dập của EFEO thì đủ).

Trên cơ sở những phát hiện thú vị này, nhóm dịch Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam triển khai dịch nghĩa, lên khuôn, chụp hình cuốn sách gỗ và lưu bản dập của EFEO vào phần phụ lục.

Nội dung chính của hai bộ linh tiêm này phân làm 12 mục tương tự nhau: Tổng đoán (đoán chung), Tự thân (bản thân), Gia trạch (nhà cửa, đất đai), Phong thủy (đất cát, mồ mả), Cầu mưu (dự định), Hôn nhân (cưới hỏi), Lục giáp (sinh đẻ), Xuất hành, Hành nhân (người đi xa), Thất vật (mất của), Quan sự (việc quan, việc kiện tụng), Bệnh hoạn (đau ốm).

Quá trình xuất hiện, sử dụng linh tiêm trong tín ngưỡng dân gian cho thấy một quá trình dài đi từ thiêng liêng đến phàm tục. Hiện nay ở nhiều đền, phủ vẫn lưu hành các thẻ xăm có nội dung khác nhau, có bộ khá mới, được soạn theo hướng thích nghi với hoạt động và nhu cầu của con người trong xã hội hiện đại. Tục xin thẻ ngày nay gắn liền với các nhu cầu thực tế như tiền tài, danh vọng, con cái, nhân duyên…

Dân gian mô phỏng trào lưu chính thống để lưu giữ văn hóa theo cung cách của riêng mình. Bên cạnh quan tâm những di sản có nội dung chính thống, có lẽ cũng cần tôn vinh một số di sản đến từ nguồn dân gian ngoài chính sử.

Bài viết liên quan

ĐI TÌM NGUỒN GỐC LA HẦU_ HỔ PHÙ TRONG VĂN HOÁ VIỆT 

admin

Một số quan niệm sai lầm của Phật tử về đạo Phật

admin

Tư liệu quý về hầu đồng lối cổ

admin

Bình luận

Để lại Bình luận