LỄ KỲ AN – XUA TAN DỊCH BỆNH
Khi tiếng ve vang lên râm ran trên những cành hoa phượng đỏ cũng là lúc mùa hè đến, mang theo không khí oi ả cùng với những tia nắng vàng rực rỡ. Nhưng đối với người xưa, mùa hè không chỉ là thời điểm ánh mặt trời chói chang thiêu đốt, hơi nóng ngột ngạt mà còn là những dịch bệnh bùng phát trầm trọng có thể cướp đi mạng sống của con người. Họ quan niệm rằng các đạo quân của Quan Ôn chính là tác nhân lây lan của những bệnh truyền nhiễm. Vào mùa hạ, các vị quan ôn dịch thường đưa âm binh đi khắp dương gian, gieo rắc bệnh dịch và cái chết với mục đích bắt thêm lính mới vào các đạo quân này. Bởi vậy vào khoảng cuối xuân đầu hạ, khắp từ vùng thành thị tới nông thôn vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, mọi người cùng nhau góp tiền làm lễ Kỳ An – Cầu mát, với mong muốn một mùa hè không quá khắc nhiệt, nhà nhà luôn được bình an, mạnh khoẻ và không bị dịch bệnh đe doạ.
Trong lễ Kỳ An, ngoài đèn hương, hoa quả, lễ chay, lễ mặn còn có những món đồ hàng mã được chế tác công phu, tinh xảo, sống động như thật, bày thành đàn nội và đàn ngoại, tuỳ vào từng nơi mà cách bài trí có sự khác biệt. Trên đàn nội bày các cỗ mũ hoặc “phong vì hình tượng”(tượng thần bằng mã) của Ngọc Hoàng Thượng Đế với 2 bên là Nam Tào và Bắc Đẩu, bên dưới là Đức Trung Thiên, Ngũ Phương Chi Thần, thần Đương Niên Hành Khiển và Đương Cảnh Thành Hoàng. Người ta còn làm hình tượng Chúa Ôn, khuôn mặt dữ tợn, tay chống thanh long đao trông vào đàn nội hoặc quay mặt ra ngoài nhưng phải lấy miếng vải đỏ che mặt. Còn đàn ngoại thờ Minh Vương, tả hữu có 2 viên quan văn võ, người cầm bút sách, người cầm kiếm hầu, bên ngoài là Ngũ Phương Ôn Bộ, mỗi vị một sắc áo mũ, có năm thanh kiếm và năm lá cờ, điểm xuyết là những nghìn vàng hoa óng ánh bày ở hai bên. Ngoài sân là voi, ngựa, thuyền rồng, binh khí, chiêng trống cùng hình nhân binh lính thế mạng(tới thời Pháp thuộc còn có thêm máy bay và súng đại bác). Có một hình nhân người lính cưỡi ngựa, sau lưng cắm lá cờ lệnh, là vị sứ giả truyền lệnh cùa thần linh. Có nơi còn cẩn thận làm hình ông Thiên Lôi và bà La Sát để phòng trừ sấm sét.
Có vùng tổ chức lễ Kỳ An chỉ trong một buổi, có vùng lại mời nhà sư làm lễ trong thời gian từ 3 đến 7 ngày đêm. Trước tiên là cúng tại đàn ngoại. Nhà sư tụng niệm phù chú, các thầy cúng múa cờ kiếm trong tiếng chiêng trống rộn ràng nhằm thu hết âm khí, ngăn cấm ma quỷ xâm phạm đến khu dân cư. Cúng xong thì vào đàn nội làm lễ phát tấu, đọc sớ tâu lên Phật Thánh, xin ơn trên gia hộ độ trì cho mọi người được bình an, rồi tụng kinh tới hết buổi sáng. Buổi sáng hôm sau, nhà sư cùng các môn đạo trường cũng tụng kinh, tới tối thì làm lễ dâng lục cúng, là 6 loại lễ vật gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Nghi thức này do hai vị sư mặc áo cà sa màu vàng, đầu đội mũ thất Phật thực hiện nhằm cúng dường lên Chư Phật. Tiếp đến là khoa cúng giải oan cắt kết với một tấm vải trắng dài khoảng 8 – 10m được căng ra, trên là các hình tượng trưng bằng giấy. Cúng rồi, nhà sư kết ấn, cắt các hình tượng trưng rồi dùng dao cắt đôi tấm vải, có ý nghĩa là cắt đứt sợi dây oan nghiệt, hướng chúng sinh về cảnh giới lành. Sau đó là cúng tràng phan(cúng cây phướn) để trấn tĩnh ma quỷ trong đàn tràng. Ngày cuối cùng, nghi thức Mông Sơn Thí Thực sẽ được cử hành vào buổi tối. Trên đàn bày hương hoa, oản quả và một bát cơm úp để cúng Phật, bên dưới là những chiếc mâm với quần áo giấy xanh đỏ, những thoi vàng đã gỡ ra xen lẫn hoa quả dành cho các cô hồn, ngạ quỷ. Nhà sư mặc áo cà sa, ngồi trên cao trấn đàn, tụng chú thí thực cho các vong linh. Buổi lễ kết thúc, mọi người có thể tuỳ ý thụ hưởng lễ vật, nếu còn thừa lại sẽ được phân phát cho những người nghèo khổ. Các con vật như tôm, cua, cá, ốc, chim, … được người ta mua sẵn từ trước sẽ được phóng sinh, thả tự do về với thiên nhiên. Những đồ hàng mã sẽ được hoá, nhiều nơi ở vùng nông thôn người ta còn vừa chạy vừa khiêng mã để hoá tận đầu làng hay ngã ba đường, có nghĩa là tống ôn dịch đi xa khỏi làng mình.
Trong các ngày cúng cấp, nhiều nơi tổ chức hát chèo, hát tuồng cùng các trò chơi để người dân giải trí.
Khi khoa học kỹ thuật phát triển, con người không còn tin rằng dịch bệnh là do thần linh hay ma quỷ gây ra và cho rằng đây là hình thức mê tín dị đoan cần phải bài trừ. Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính đưa ra nhận định: “Cách trừ dịch nhất là lấy sự sạch sẽ, ăn uống cẩn thận làm đầu, các bài vệ sinh thường đã giảng kỹ về cách ấy, không cần phải nói cho lắm. Chỉ mong sao cho người nước mình phá hết được những dị đoan để hết sức lo về việc trước mắt thì mới có ngày hay được.” Trong thập niên 30 của thế kỷ XX, lễ Kỳ An – Cầu mát trở thành đề tài được các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ đem ra châm biếm, tiêu biểu là trên 2 báo “Phong Hoá” và “Ngày Nay” của Tự lực Văn đoàn. Nhưng xét trên góc độ văn hoá, lễ Kỳ An là một phong tục truyền thống đẹp cần được lưu giữ. Nó không chỉ làm cho sắc màu của nền văn hoá Việt Nam thêm phần đa dạng mà còn tiếp thêm niềm tin cho con người để vượt qua sự khắc nghiệt của khí hậu và dịch bệnh.
_______________________
🖥️ Page: CNH Beauty of Vietnamese Culture