Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định: Trước và sau khi ghi danh tầm nhân loại < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Lễ hội - Đền phủ Tin tức

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định: Trước và sau khi ghi danh tầm nhân loại

Nam Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng, đất phát tích của vương triều Trần và nhiều danh tướng khác làm rạng danh sử sách non sông. Nam Định còn được coi là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ của người Việt, được UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào tháng 12.2016.
 
Thời điểm trước khi được ghi danh tầm nhân loại 

Là trung tâm phát sinh và nuôi dưỡng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trên tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, sự mật tập của các hệ thống thờ phụng và thực hành tín ngưỡng với chủ điện thờ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại các làng quê Nam Định đã, vừa là minh chứng cho quá trình sáng tạo, trao truyền hình thái sinh hoạt văn hóa độc đáo mang bản sắc Việt, vừa thể hiện được sức sống của một di sản văn hóa dân gian cực kỳ sâu rộng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người dân Nam Định trên tiến trình lịch sử dân tộc.

Theo khảo sát và kiểm kê các di tích có liên quan đến tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt tại Nam Định, tính đến đầu năm 2014, hiện đã và đang có 100 xã/phường/thị trấn thuộc hầu khắp 10 đơn vị cấp huyện, thành phố của tỉnh Nam Định thực hành sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu tại 130 phủ, 67 đền, 30 điện, 10 đình, 36 chùa, 10 miếu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh được thờ tập trung nổi bật nhất tại 2 huyện Vụ Bản (trung tâm là Phủ Dầy) và Ý Yên (trung tâm là Phủ Nấp/Quảng Cung).

Theo viện dẫn trong sử sách và truyền ngôn, phủ Tiên Hương khởi thủy được dựng lên bằng mái tranh để làm nơi phụng thờ Mẫu Liễu. Đến năm Dương Hòa 8 (1642) vua Lê Thần Tông xuống chỉ cho nhân dân địa phương xây lại và lợp ngói. Đến thời Cảnh Trị (1663-1671), được xây lại bằng gạch và mở tộng hơn. Năm Tự Đức 19 (1866), lại được tiếp tục trùng tu. Đến năm Duy Tân thứ 6 (1912), Tổng đốc Nam Định là Đoàn Triển cùng với nhân dân, khách thập phương xây dựng với quy mô to đẹp như sau này. Đến cuối thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) công việc trùng tu, tôn tạo các di tích thờ Mẫu (tu sửa phủ Vân Cát, Tiên Hương…) và xây lăng Mẫu vào năm 1938, đều có sự tham gia từ vua, quan triều đình đến các quan lại địa phương. Song hành với quá trình tu bổ, tôn tạo cơ sở hạ tầng, nhà nước phong kiến cho phép dân chúng tự do thực hành tín ngưỡng, bồi đắp và sáng tạo nghi lễ hầu đồng và lập ra những nhóm hát văn phục vụ hành lễ cũng như các vấn hầu tại các đền, phủ. Nhờ đó, có thể nói giai đoạn này, nghi lễ hầu đồng và nghệ thuật hát chầu văn phát triển hưng thịnh nhất.

Hoạt động thờ mẫu tam phủ ở Nam Định. Ảnh: B.Q.THoạt động thờ mẫu tam phủ ở Nam Định. Ảnh: B.Q.T

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, do hạn chế về nhận thức và quan niệm sai lệch của chính quyền, cùng với sự tác động của thời gian, khí hậu tự nhiên, nhiều di tích thờ tự (đình, đền, chùa, miếu, phủ, điện) bị hủy hoại hoặc trở thành phế tích. Thời gian các di tích bị phá hủy nặng nhất là vào các năm 1956-1957, 1961 và 1975. Phải đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, nhiều địa phương mới có điều kiện về mặt pháp lý và cơ sở vật chất để phục dựng, tôn tạo, tu sửa và khôi phục các cơ sở thờ tự, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở từng địa phương

Từ năm 1954 đến năm 1990, do nhận thức chưa đúng đắn, các nhà quản lý văn hóa đã liệt hầu đồng vào hiện tượng “mê tín dị đoan” và cấm tổ chức, do vậy, sinh hoạt hát chầu văn cũng vì thế đã dần dần bị mai một. Từ năm 1995, sau khi thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định) đã cho thử nghiệm mở lại hội Phủ Dầy cùng các sinh hoạt nghi lễ đi kèm (cùng với đền Đồng Bằng thuộc Thái Bình), đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân. Các Thủ nhang Trần Văn Bái (phủ Vân Cát), Trần Viết Đức (phủ Tiên Hương) đã cùng con cháu và các con nhang, đệ tử tự nguyện đứng ra dồn trí, dồn lực tập trung khôi phục, phục dựng, tôn tạo nhiều hạng mục phục vụ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh cho trung tâm lịch sử – văn hóa Phủ Dầy.

Với các địa bàn khác trong tỉnh, từ năm 2000 đến nay, do đời sống kinh tế, xã hội ngày một phát triển, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ngày càng được mở rộng, cơ chế – chính sách liên quan đến sinh hoạt lễ hội – tín ngưỡng truyền thống đã thay đổi, phong trào phục dựng, tu bổ các di tích và không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và các sinh hoạt tín ngưỡng – tôn giáo khác nói chung diễn ra khá sôi động.

Từ năm 2003 đến 2005, Phủ Quảng Cung từ chỗ là một ngôi đền tranh tre nứa lá bên cạnh khu đất trũng, ẩn chứa một số dấu vết thờ tự trong quá khứ đã được thủ nhang Trần Thị Vân và cộng đồng người dân trong vùng chung tay phục dựng, trở thành cơ sở vật chất hoành tráng, phục vụ cho sự tiếp nối thực hành sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu của một trong những trung tâm gốc của tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ ở Nam Định.

Trải qua gần hai chục năm, có thể nhận thấy, phần lớn các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gắn với việc thờ mẫu tại 10 huyện/thị/thành phố ở Nam Định đã được cộng đồng dân chúng sở tại quan tâm, khôi phục, tôn tạo (và không ít địa phương đã xây dựng không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hoàn toàn mới), cả về văn hóa vật thể (cơ sở thờ tự) lẫn văn hóa phi vật thể (hát văn, hầu đồng, lễ hội,…). Tại đa số các địa phương, việc phục dựng cơ sở tín ngưỡng thờ mẫu đều do cộng đồng dân chúng đóng góp và hợp sức xây dựng, tạo nên một môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống sôi động, có tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại tỉnh Nam Định nói riêng và khu vực châu thổ Bắc Bộ nói chung. Không phải ngẫu nhiên mà, trong nửa cuối của thế kỷ XX, thành phần tham gia sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nói chung chủ yếu là lứa tuổi cao niên, thì từ cuối thế kỷ XX (những năm 90) đến nay, thành phần tham gia thực hành tín ngưỡng không chỉ dừng ở hội người cao tuổi mà còn mở rộng đến lực lượng thanh niên, trai tráng trong làng/thôn. Riêng sinh hoạt lễ hội đã được mở rộng ra nhiều lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, thành phần tham gia thực hành hội đã mang tính cộng đồng sâu rộng, được sự hưởng ứng của mọi lứa tuổi, nghề nghiệp và vị trí công tác khác nhau. Trong khoảng trên dưới hai chục năm trở lại đây, một số địa phương đã tổ chức phục dựng sinh hoạt lễ hội trong các kỳ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu (Phủ Giầy, huyện Vụ Bản và Phủ Nấp/Quảng Cung, huyện Ý Yên). Thực tế đó đã, ở những hình thức và mức độ, cấp độ và phạm vi khác nhau, giúp cho các thế hệ nhận thức sâu sắc thêm các giá trị văn hóa truyền thống bản địa của dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều này đã có tác động tích cực cho mối quan hệ giáo dục giữa nhà trường và xã hội trong hoàn cảnh đương đại và nâng cao ý thức bảo vệ các di tích lịch sử – văn hóa truyền thống ở từng địa phương. Cũng chính vì thế, cho đến năm 2013, sinh hoạt lễ hội và thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ tại Trung tâm phủ Dầy – Vân Cát, Tiên Hương (xã Kim Thái – Vụ Bản) và Trung tâm phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng – Ý Yên) đã được Nhà nước xét duyệt, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Từ sau khi được UNESCO vinh danh

Cũng như sự vận động và phát triển (trong đó luôn hiện diện sự tiếp biến, biến đổi của các thành tố, các hiện tượng) của văn hóa nói chung, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ ở Nam Định từ sau khi được vinh danh vào hàng di sản văn hóa tầm nhân loại, cũng có sự phát triển sâu rộng, cả về không gian thực hành tín ngưỡng lẫn nguồn lực trực tiếp tham gia thực hành ở hầu khắp các địa bàn huyện, thị trong tỉnh. Làm một phép so sánh, có thể nhận diện được ở mức độ nhất định của sự vận động phát triển này. Đến tháng 11 năm 2018, chỉ sau có hơn hai năm tính từ ngày di sản được UNESCO vinh danh, sự phát triển, mở rộng không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ ở địa bàn tỉnh Nam Định đã thể hiện khá rõ nét. Theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý di tích thuộc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định, đến thời điểm hiện tại, số lượng các đình, đền, phủ, chùa, miếu liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu ở hầu khắp các huyện thị đều tăng mạnh so với hai năm trước đây. Đi theo với quá trình xây dựng, tu bổ và tôn tạo không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là sự phát triển, lan tỏa của các cuộc hầu đồng, với nguồn lực thanh đồng, hát văn, cung văn, pháp sư đông đảo hàng nghìn người, bên cạnh sự ra đời của hàng loạt các bản hội, câu lạc bộ ở hầu khắp các huyện thị. Và điều đặc biệt là, sự nở rộ các địa điểm – di tích liên quan đến thực hành hầu đồng – hát văn gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ lại chủ yếu diễn ra tại các huyện nằm ngoài hai trung tâm phụng thờ Thánh Mẫu (Phủ Dầy và Phủ Quảng Cung)- nơi được coi là đất phát tích của loại hình sinh hoạt nghi lễ tín ngưỡng độc đáo này. Phong trào “khai đền, mở phủ” cùng với sinh hoạt hát văn – hầu đồng đã và đang diễn ra sôi động tại hầu khắp các địa bàn trong tỉnh. Thậm chí, việc thực hành nghi lễ hát văn – hầu đồng đã xuất hiện tại một số từ đường của dòng họ, góp phần làm cho bản chất hiện tồn của di sản được UNESCO vinh danh dễ có nguy cơ biến tướng theo những mục đích tiêu cực, bị lợi dụng ở các địa phương. Hiện trạng đó đã và đang đặt ra không ít những vấn đề gắn với sự nghiệp quản lý văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong điều kiện xã hội đương đại, đối với chính quyền, đội ngũ quản lý văn hóa các cấp ở Nam Định nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.

Một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Với một hình thức sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng đặc thù, gắn với không ít hành vi mang tính hai mặt của đời sống văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng thờ mẫu đã và đang tích hợp trong đó những “thách thức văn hóa” đa dạng và phức tạp. Chính vì thế, những năm qua, công tác bảo vệ, nghiên cứu và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ ở Nam Định tuy đã đạt được nhiều bước tiến đáng khích lệ, có tác động định hướng tích cực theo đúng cơ chế, chính sách và quan điểm chỉ đạo về văn hóa của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn còn đặt ra một số vấn đề thực tế, cần được nhìn nhận khách quan và xem xét cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của sinh hoạt văn hóa dân gian và đời sống văn hóa xã hội nói chung, trong điều kiện lịch sử – xã hội hiện nay.

Cho đến nay, trên thực tế, hoạt động của các cơ quan chức năng đảm nhiệm vai trò quản lý nhà nước về mặt văn hóa, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những hạn chế trong các khâu tổ chức sưu tầm, ghi chép về lịch sử di tích văn hóa tín ngưỡng cũng như diễn trình của lễ hội truyền thống địa phương. Trong khi hoạt động thực hành nghệ thuật hát văn – hầu đồng đã và đang diễn ra tràn lan, với những biểu hiện tự do, tùy theo nhu cầu của một cá nhân hay nhóm người nhất định. Không ít bài hát văn vốn phù hợp với từng giá đồng trong truyền thống đã bị thay lời, thay giai điệu. Không ít các vấn hầu đã bị biến tướng về trang phục, điệu bộ, động tác diễn xướng, làm biến thái giá trị vốn có của di sản do thế hệ tiền nhân trao truyền lại, gây ra những hình ảnh, hành vi phản cảm, ức chế đối với người tham dự, dẫn đến có nguy cơ làm biến dạng các giá trị tiềm ẩn trong quá trình thực hành di sản. Cộng đồng dân chúng và một số đồng thầy, bản hội chân chính đã lên tiếng đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng những quy chế cần thiết, bảo đảm mục tiêu bảo vệ sự toàn vẹn của di sản, tạo cơ sở khoa học và pháp lý để hạn chế sự phát triển của những hạn chế và tiêu cực đang diễn ra trong thực tiễn các làng quê, hạn chế hoạt động của một số tổ chức, nhóm lợi ích không chính danh trong sinh hoạt thực hành tín ngưỡng truyền thống. Mặt khác, hầu hết các cách thức, nội dung sinh hoạt nghi lễ và các hoạt động thực hành sinh hoạt văn hóa truyền thống nói chung (nghi thức tế lễ, đồ tế lễ, diễn trình rước kiệu, trò chơi dân gian, ẩm thực, trang phục…) gần như chỉ được trao truyền, thực hành theo phương thức truyền khẩu. Thực trạng đó dễ dẫn đến sự rơi rụng, so lệch, mất mát hoặc biến thái nguồn văn hóa phi vật thể quý báu vốn đã được sáng tạo, thực hành trong quá khứ, làm cho đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hiện nay đã và đang có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đơn điệu, chắp vá, tùy tiện ứng xử và mất đi bản sắc độc đáo, hấp dẫn vốn có của nó. Chính vì thế, để tiến hành bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn, cần có các biện pháp kịp thời trong việc tổ chức đầu tư trí tuệ, công sức cho việc sưu tầm, ghi chép, xuất bản và phát hành quảng bá đến các thành viên trong cộng đồng những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến văn hóa truyền thống địa phương nói chung và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu nói riêng…

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, việc xâm hại các không gian thực hành tín ngưỡng, trong đó có không gian văn hóa thờ Mẫu tam phủ ở một số địa bàn đã và đang diễn ra. Tại đây, các cấp chính quyền chưa nâng cao ý thức quan tâm, khẩn trương quản lý, điều hành sao cho Luật Di sản Văn hóa được phổ biến, vận dụng có hiệu lực vào thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng bảo vệ diện tích và cảnh quan văn hóa thuộc phạm vi di tích, bảo vệ di sản văn hóa vật thể của từng di tích tại các làng/thôn/khu dân cư.
Xuất phát từ một số những hạn chế, bất cập về quản lý, bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ nói riêng và sinh hoạt đời sống văn hóa cộng đồng nói chung được gợi ra trên đây, chính quyền và đội ngũ quản lý văn hóa các cấp của Nam Định đã triển khai các hệ thống công việc liên quan đến sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung và giá trị di sản được UNESCO vinh danh nói riêng. Đó cũng là hoạt động cụ thể để thực thi Chương trình – hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ trên địa bàn tỉnh Nam Định do Thủ tướng Chính phủ đã ký cam kết với UNESCO khi di sản này được đề nghị vinh danh.

Tựu trung lại, cho đến nay, Nam Định đã và đang được cộng đồng quốc gia và du khách quốc tế khẳng định là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi có các trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ của người Việt vừa độc đáo vừa mang những giá trị góp phần tô đậm truyền thống văn hóa Việt Nam và vinh dự được xếp tôn vinh vào danh mục di sản văn hóa của nhân loại. Với một khu vực văn hóa có kho tàng di sản phong phú, đa dạng và đặc sắc đó, nhiệm vụ bảo vệ/bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đó là hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Nhiệm vụ và trách nhiệm vẻ vang đó trước hết được đặt trong tay đội ngũ các nhà quản lý văn hóa và chính quyền sở tại các cấp, đội ngũ các nhà khoa học. Đó cũng đồng thời còn là trách nhiệm và nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng người dân tỉnh Nam Định nói riêng và cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung.

BÙI QUANG THANHo.

Bài viết liên quan

Người vén bức màn bí ẩn của Đạo Mẫu

admin

Cháy đền Quan Tam Lâm Du, Long Biên

admin

Tìm hiểu về cúng nhập trạch và văn khấn

admin

Bình luận

Để lại Bình luận