Kiếm bộn tiền trên chiếu hầu đồng < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Tin tức

Kiếm bộn tiền trên chiếu hầu đồng

Một nghịch lý đang xảy ra: Càng lạm phát, khó khăn người ta lại đổ xô đi hầu đồng càng nhiều. Kèm theo đó là hàng loạt dịch vụ như: vàng mã, cho thuê khăn áo, hát văn… cũng rầm rộ “phất” theo.

Hầu đồng vốn là một tín ngưỡng dân gian gắn liền với tục thờ Mẫu có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngày nay hầu đồng đã và đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở các cửa đền, cửa phủ. Và nghề hát văn phục vụ lên đồng đang trở thành một nghề kiếm bộn tiền giữa thời buổi kinh tế khó khăn.

Thu nhập 80 triệu/tháng

Dạo một vòng quanh các cửa đền, cửa phủ ở Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội… trong những ngày tháng Giêng, thật dễ dàng gặp cảnh các thanh đồng xếp hàng chờ đến lượt được “trình đền mở phủ” đầu năm. Vì lẽ đó mà nhiều đền xảy ra tình trạng khan hiếm cung văn (người làm nghề hát văn). Số lượng cung văn thì có hạn mà nhu cầu của các “thượng đế” thì nhiều khiến cho giới cung văn già (vào nghề đã lâu) hay cung văn trẻ (đang học nghề) cũng phải “chạy sô” bở hơi tai…

Nhiều gia đình cả nhà cùng theo nghề cung văn.

Cung văn Phạm Đại Thắng – 36 tuổi, người làng Sâm Dương, Thường Tín, Hà Nội, từng có thâm niên hơn 16 năm trong nghề hát văn – chia sẻ: “Cung văn là một nghề rất đặc biệt vì không phải ai cũng theo được; nghề này nếu bề trên không tế độ cho thì không làm gì được!!! Khi Thánh đã cho “ăn lộc” rồi thì ăn không hết nghĩa là làm mãi chẳng hết việc. Trong năm chỉ có khoảng tháng 4 và cuối tháng 7 là hơi nhàn nhã một chút. Còn bắt đầu từ mùng 4 Tết là chúng tôi phải đi hát cho các thanh đồng đặt trước từ trong năm. Có nhiều hôm phải hát từ sáng đến tối mịt khản cả cổ! Hát xong không kịp về với vợ con mà tranh thủ ngủ luôn ở đền để sáng mai còn kịp hát cho buổi hầu đồng mới…”.

Cũng theo anh Thắng thu nhập của cung văn do đó mà khá hơn rất nhiều so với làm các nghề khác. Không đưa ra được một con số chính xác nhưng anh Thắng khẳng định thu nhập của mỗi một cung văn trong những tháng đầu năm ít nhất là khoảng 50 triệu đồng còn hơn nữa thì có thể lên tới khoảng 80 triệu đồng/một tháng. Những cung văn già, có tiếng trong giới cung văn thì có thu nhập cao hơn nữa.

Bên cạnh khoản thu nhập chính là tiền cọc, các cung văn còn nhận được thêm một khoản khác là “tiền lộc”. Tiền lộc là tiền mà thanh đồng phát cho các con nhang, đệ tử hoặc người tham dự buổi hầu đồng đó trong từng giá đồng. Số tiền này nhiều hay ít còn tùy thuộc vào số lượng giá đồng trong buổi hầu và cũng tùy thuộc vào túi tiền của người hầu. Ngoài ra, nếu được mời đi hát ở các đền, phủ xa thì thanh đồng phải bao ăn ở, đi lại và mọi khoản chi phí khác cho đội cung văn.

Anh Bùi Văn Thưởng – 35 tuổi, theo nghề hát văn từ lúc 20 tuổi, chuyên hát ở cửa đền Cô Chín ở Sòng Sơn, Thanh Hóa – thật lòng: “Nhờ có nghề cung văn mà gia đình tôi khấm khá hơn. Sau 5 năm theo nghề cung văn tôi đã xây được ngôi nhà 3 tầng và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho gia đình. Tuy nhiên, nghề nào cũng có nỗi khổ riêng của nghề ấy. Nghề cung văn tuy rằng không phải dầm mưa dãi nắng, bốc vác nặng nhọc như làm ruộng, đánh cá nhưng ngày nào cũng phải đi từ sáng đến tối. Thời gian ở nhà với vợ con rất ít mà thời gian nghỉ ngơi lại càng ít hơn. Nhưng vì nghề này tuổi thọ của nó không được dài, chỉ khoảng 60 tuổi là xuống sức, không hát được nữa. Mình đang trẻ, khỏe có sức thì phải cố “cày” để kiếm chút vốn liếng sau này…”.

Cả làng đi học hát văn

Có lẽ vì có thu nhập khá, được “chạy sô” quanh năm, ăn uống đầy đủ, không phải dầm mưa dãi nắng, bốc vặng nặng nhọc như một số nghề khác… nên không ít thanh niên hay các gia đình chọn nghề cung văn làm nghề chính cho cả gia đình. Có nơi còn hình thành nên một làng chuyên làm nghề cung văn như làng Yên Trung, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Yên Trung vốn xưa là một làng thuần nông, người dân vất vả quanh năm vẫn chẳng đủ ăn. Đàn ông con trai đành phải phiêu bạt tứ xứ làm đủ các nghề từ thợ hồ, cửu vạn, đạp xích lô cho đến hái cà phê… Vậy mà trong mấy năm trở lại đây, khi hầu hết các “trụ cột” trong gia đình chuyển sang làm nghề cung văn thì những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên san sát.

Ông Nguyễn Xuân Lý, 63 tuổi là một trong những người tiên phong của làng trong nghề hát văn cho biết: “Cách đây chừng 10 năm, tôi thường đi chùa để cầu sức khoẻ cho con. Lúc đó mấy nghi lễ hát văn ở đền chùa mới được khôi phục lại nên rất thiếu cung văn. Có lần kiếm cung văn không được, tôi nghĩ tại sao mình không thử. Thế rồi tôi xin bài hát văn của các cụ ngày xưa để lại về chép ra học hát, rồi tập đánh đàn, gõ phách. Sau 6 tháng thì tôi đi hát và bắt đầu nghiệp hát văn từ đấy. Thấy thế, nhiều thanh niên trong làng mon men đến học theo rồi cũng đi khắp các đền, phủ hành nghề. Cho đến nay thì như anh nhìn thấy nhà nào có nhà cao tầng đều là từ hát văn mà có cả”.

Đa số các cung văn đều cho rằng, không phải ai cũng có thể theo nghiệp này được bởi họ tin vào chữ Duyên và tin vào Thánh. Nếu Thánh không cho “ăn lộc” thì có theo cũng chả bao giờ thành công. Nhưng khi Thánh đã cho “ăn lộc” thì phất như diều gặp gió. Thế nên việc các thanh niên trong làng đua nhau theo học hát văn, đánh đàn, thổi sáo… để lập nên các nhóm cung văn đang trở nên phổ biến ở nhiều làng quê.

Cụ Nguyễn Văn Tiền, 82 tuổi người làng Vạn Phúc, Thành Trì, Hà Nội cho biết: Nhà cụ ba đời theo nghề cung văn. Cụ là người đầu tiên trong gia đình theo nghề hát văn sau đó truyền lại cho con trai và con dâu. Đến nay thì trong gia đình cụ đã có tới 8 người cả con, cháu và dâu theo nghề hát văn.

Một số cung văn trẻ chuyên hát văn ở quần thể 3 ngôi đền ở Đại Lộ, Thanh Trì, Hà Nội cho biết thêm: “Đa số cung văn bây giờ đều là các cung văn trẻ trong khoảng từ 25 đến 40 tuổi. Ban đầu cũng làm đủ nghề nhưng thấy chẳng có nghề nào kiếm ăn được như nghề cung văn nên theo học. Học nghề này cũng chẳng có khó khăn gì nên lượng thanh niên trong làng như bọn em theo học ngày càng nhiều. Nhiều thế nhưng đến những mùa lễ hội cũng chẳng đủ cung văn để phục vụ các buổi hầu đồng. Mà không hiểu sao càng thời buổi kinh tế khó khăn thì càng có nhiều người đi hầu đồng, lại toàn đồng trẻ giàu có rất chịu chơi. Có người sẵn sàng bỏ ra 30 triệu đồng để mời cho bằng được một cung văn có tiếng về hát cho buổi hầu của mình”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức thù lao cho các cung văn phục vụ các buổi hầu đồng dù bất cứ ở đâu cũng đều được trả theo một hình thức giống nhau. Tiền thù lao chính hay còn gọi là tiền cọc là số tiền mà thanh đồng (người chủ buổi hầu đồng) phải trả cho nhóm cung văn mà mình thuê hát để phục vụ cho buổi hầu đồng.

Số tiền đó tùy thuộc vào số lượng giá chầu, nếu trong buổi hầu đồng mà 12 giá đồng thì số tiền phải trả khoảng 5 – 8 triệu đồng cho cả nhóm, còn tới 24 hay 36 giá thì số tiền cọc sẽ tăng lên gấp đôi gấp ba. Tiền cọc sẽ trả cho cung văn ngay sau khi buổi hầu đồng kết thúc. Nếu buổi hầu thành công vừa ý chủ nhân thì ngoài tiền cọc ra thanh đồng có thể thưởng thêm cho các cung văn tùy vào túi tiền của mỗi người.


Theo Hà Tùng Long

Gia đình & Xã hội

Bài viết liên quan

Về các khái niệm ‘tôn giáo’, ‘tín ngưỡng’ và ‘mê tín dị đoan’

admin

‘Tiền chùa’ có chủ liệu có hết tranh chấp ?

admin

Một giả thuyết phong thủy về kinh thành Huế của nhà Nguyễn

Cuối Mùa Rơm

Bình luận

Để lại Bình luận