Ghi chép về cung văn cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm -Do Tác giả Lê Y Linh biên soạn < Trang 2 trên 3 < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Image default
Chầu văn Nghệ nhân hát văn

Ghi chép về cung văn cố nghệ nhân Phạm Văn Kiêm -Do Tác giả Lê Y Linh biên soạn

Phần 2


Toàn bộ cộng đồng tín đồ theo thờ Tứ phủ ở Hà Nội, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh đều nhất chí công nhận rằng thầy Kiêm là người thông thạo và giỏi nhất trong các cung văn. Năm 1986, khi tôi mới biết thầy, thầy đã ngoài 65 tuổi. Sinh ngày 19 tháng 8 năm 1921, tại Mỹ- hào, Hải – Hưng ( Hải Dương ngày nay ) , thầy Kiêm là con cả của một gia đình có bốn người con. Cụ thân sinh ra thầy biết chơi đàn nguyệt và đàn tỳ bà, nhưng không hành nghề âm nhạc. Thầy chủ yếu tự học là chính. Từ năm mười một tuổi, thầy đã cắp tráp theo hầu các cung văn đi khắp các đền phủ. Năm 13 tuổi, thầy về Hà Nội và bắt đầu theo học nghề với cụ Cả Mã. Mới mười bảy tuổi thầy đã được bổ làm cung văn chính ở phủ Tây Hồ, một trong những phủ chính tại Hà Nội. Khắp các dịp dẫn tiệc, lễ bái, hầu tự … không ngày nào là thầy là thầy không có dịp hát hầu Thánh và hầu Tứ phủ. Thầy làm cung văn ở phủ Tây Hồ cho đến năm 1954, lúc mà nhà nước có lệnh cấm hát văn, liệt tín ngưỡng thờ Tứ phủ vào hàng mê tín dị đoan. Thầy lập gia đình với cụ Kiêm gái ngày 12 tháng 7 năm 1939, có bảy người con, bốn người con trai và ba người con gái. Nhưng không một ai có đồng, cũng không có ai nối dõi thầy làm nghề cung văn. Trước năm 1954, thầy cùng các bạn đồng đi hành hương khắp các đền phủ và hát dâng nhạc lên Tứ phủ. Quanh năm, thầy được mời đi hát ở khắp những đền phủ nổi tiếng nhất ở miền Bắc: Đông Cuông, Tuần Quán, Phủ Giầy, Đền Sòng, Đền Cửa ông v.v… Lúc hoà bình về, thầy làm việc với nhóm nhạc Lim lan, rồi chuyển sang nhà hát cải lương Chuông-vàng từ năm 1960 đến năm 1964. Từ năm 1965, thầy về làmhẳn ở đoàn tuồng bắc trung ương cho đến năm 1981, lúc 60 tuổi thầy về hưu. Trong suốt giai đoạn này, mặc dù điều kiện hành nghề khó khăn, nhưng thầy vẫn miệt mài trau dồi văn và tay đàn, tay hát, dù không được công nhận chính thức, nhưng thầy vẫn giữ được lễ để hát vào những dịp dẫn tiệc hoặc hầu tại nhà tư, mỗi tháng mấy lần. Đất nước vừa thống nhất, cộng đồng tín chủ di cư vào Nam, ngưỡng mộ tài năng của thầy, mời thầy vào hát văn ngay từ năm 1976, mặc dù điều kiện được hội họp và đàn hát cũng vẫn bị hạn chế ngặt nghèo. Thầy mất năm 1998 tại Hà Nội.
Cuộc sống thường ngày của thầy

Nhà thầy ở sâu trong một ngõ hẻm, một căn nhà bình thường như biết bao căn nhà tại Hà Nội. Căn nhà có hai tầng, hình chữ L. Hai cụ Kiêm sống với tất cả con cháu trong nhà đó. Khi các anh con trai lập gia đình, thì cũng ở lại với hai cụ. Bàn thờ Tứ phủ được đặt ở phòng đẹp nhất trên gác. Bên phải điện thờ là một phòng nhỏ, nơi thầy ngồi đàm đạo, hoặc chơi đàn. Cạnh đó là phòng của hai ông bà. Ngày rằm và mồng một, bà luôn để hoa tươi và quả tươi cúng trên điện. Tôi chỉ được dự một buổi lễ duy nhất tổ chức tại điện ở nhà, đó là lần cụ Kiêm gái hầu. Lần đó là lần đầu cụ cho phép tôi được thu thanh trong buổi lễ. Về sau, những buổi lễ khác mà thầy cho tôi đến dự trong vòng mấy năm sau đều làm ở nơi khác, trong đó rất thường được làm bên chùa Vua. Một lối đi nhỏ luồn lách qua mấy nhà bên cạnh lối sân nhà thầy với cửa sau của chùa. Lối đi bí mật này còn được dùng như đường thoát chẳng may lúc đang hầu mà có kiểm tra của công an phường. Cuộc sống hàng ngày của thầy được điểm nhịp bằng việc theo lịch dẫn tiệc của các chủ vị trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ. Chủ yếu thầy dâng văn thờ vào dịp ngày rằm, mồng một, và những ngày dẫn tiệc của các Thánh. Vào dịp tiệc một vị thánh, cụ bà bầy biện bàn thờ và cụ ông mặc áo the, khăn xếp, ngồi trước điện thờ và hát văn của vị Thánh đó. Thường thầy chỉ có một mình. Thầy ngồi xếp bằng tròn trước bàn thờ, tay nâng đàn nguyệt, miệng hát, còn cái que gõ phách kẹp giữa hai ngón chân để điểm nhịp bằng phách. Lúc ngơi tay đánh đàn, thầy dùng chuông và mõ để giữ nhịp cho bản nhạc. Không khi nào thầy quên hoặc lơ là được dịp dâng văn thờ hàng tháng, như một nhiệm vụ phải hoàn thành cho lòng thầy được thanh thản. Nhưng để có thể tồn tại được về mặt hành chính, thầy đi làm như mọi người khác. Thầy không nói bao giờ, nhưng qua ý gần xa trong những cuộc nói chuyện với thầy, tôi hiểu rằng từ lúc việc lễ bái bị cấm đoán, thầy và các đồng nghiệp của thầy phải đi làm chính thức ở một cơ quan nhà nước, cho có được một tư cách chính thức đối với chính quyền. Việc ở những nhà hát đó thì cũng tương đối nhàn hạ, một tuần phải có mặt hoặc đi diễn vài buổi, để có được một chân cán bộ nhà nước, là điều bắt buộc trong hoàn cảnh lúc đó, và có được một số luơng bổng tối thiểu như mọi người. Nhưng số lượng ấy thì làm sao nuôi nổi một gia đình với bẩy người con. Thầy đi hát văn cho khắp những tín chủ làm lễ hầu đồng và đủ để sống với nghề tay trái này, nuôi đủ bảy người con trưởng thành và thành đạt. Những tháng bận rộn nhất là sau rằm tháng giêng cho đến hết tháng hai ta, sau đó đến tháng sáu, tháng bảy , tháng tám, tháng chín. Trong những tháng cao điểm, có khi thầy đi hát đến ba bốn lần một tuần .

Thầy chưa bao giờ nói với tôi rằng thầy có đồng, cả cụ bà cũng thế. Sau này tôi mới biết được rằng thầy có đồng từ lúc còn rất trẻ (trước khi trưởng thành, 18 tuổi). Theo như tôi được biết, trong tất cả những cung văn còn sống cùng thời với thầy mà tôi đã gặp, chỉ có thầy là có đồng mà thôi. Theo lệ, mỗi năm thầy hầu bốn vấn. Trong thời gian chiến tranh và sau này, lúc thầy đã lớn tuổi, thì thầy hầu nhất niên nhất lễ, hoặc có thể đến hai lần. Khi thầy hầu, các cụ Giáp, Kha và Đan hát cho thầy. Tuy nhiên những điều này là về sau tôi mới được biết, chứ trong vòng bốn năm cắp máy ghi âm đi theo thầy thu thanh các buổi lễ, chưa bao giờ thầy cho phép tôi đến dự khi thầy hầu. Lần nào cũng vậy, thầy nói với tôi lúc đã hầu xong, với một lời giải thích nào đó để nói rằng thầy không mời tôi đến được. Lần duy nhất tôi được dự là lúc thầy làm lễ cho một cô thiếu niên mới ra đồng lễ Tứ phủ trình đồng. Trong buổi lễ đó, không những thầy chỉ giữ vai trò cung văn như thường lệ, mà thầy còn là chủ buổi lễ nữa. Có lẽ rằng thầy cho phép tôi đến dự vì nghĩ là ít nhất tôi cũng cần phải được đi dự buổi lễ Tứ phủ trình đồng. Đây cũng là lần duy nhất tôi được dự một buổi Tứ phủ trình đồng trong suốt quá trình nghiên cứu. Trong năm đầu tiên, khi tôi mới biết thầy, mặc dù thầy chấp nhận cho tôi được tới nhà và bàn chuyện hát văn thường xuyên, thỉnh thoảng thầy cho đi lễ cùng thầy, nhưng tôi không được phép thu thanh bằng máy. Thầy giữ tương đối lâu một khoảng cách nhất định. Thế rồi dần dần, thầy gọi tôi bằng con, và giới thiệu tôi với các cụ lúc đi lễ là «đây là con gái nhận của tôi, nó theo học nghề hát văn».

Kể từ lúc đó tôi mới bắt đầu thực sự làm việc và học nhịp, học hát, đủ để có thể nghe và phân biệt được các sắc thái của nghề. Mỗi cung văn phải học hàng năm bẩy năm để có thể biết theo một cuộc hầu: phải biết các thể lệ lễ bái, tích của các chư vị, lời văn, lúc nào hát câu gì, để dẫn và theo cuộc lễ. Ngoài việc phải thuộc hết các văn và các điều để hát ra, cung văn nào cũng phải biết chơi một trong những nhạc cụ: đàn nguyệt, mõ, chuông, phách. Nghệ thuật hát văn chỉ học theo truyền khẩu, chứ chả bao giờ có trường lớp, hay sách ghi. Thầy kể cho tôi rằng, lúc thầy bắt đầu học nghề, cũng như các học trò khác, thầy phải cắp tráp theo hầu các cụ trước, «tiên học lễ, hậu học văn». Thế rồi thầy được cầm nhịp, để đệm cho các cụ hát. Dần dần, các cụ mới cho phép hát đệm theo các cụ, thế rồi thay vào chỗ các cụ lúc các cụ nghỉ lấy hơi. Thầy Kiêm theo dần từng bước như thế, vào được làng nghề. Khi bắt đầu, các trò bắt đầu học bằng cách tập các điệu chính của văn hầu (phú, dọc, cờn, xá) và cách xử lý lời văn vào từng điệu để hát văn hầu. Lúc mới học thì ai cũng phải học kiểu hát chân phương, không lèo lá. Rồi sau đó là học đàn nguyệt (cung văn phải giữ nhịp và đệm cho hát bốn năm tiếng đồng hồ không nghỉ, nên ngón đàn phải thật là điêu luyện và sắc sảo để theo và biến tấu).

Thầy Kiêm đã đạt được trình độ điêu luyện để giữ vai trò cung văn chính ở phủ Tây Hồ khi thầy chưa được 18 tuổi. Thế rồi thầy ra đồng và tiếp tục làm cung văn. Nhưng thầy không chỉ dừng ở mức cung văn hát cho các đệ tử hầu. Thầy đi sâu vào tìm hiểu văn cổ, tìm hiểu lề lối hát, đặt ra những lời mới, sưu tập các văn cổ, học hát văn thờ và đi thi văn ngay từ ngày còn niên thiếu. Năm hai mươi tuổi, thầy đạt được giải nhất, thầy vẫn còn nhớ và kể cho tôi nghe rằng phần thưởng chỉ là một vuông lụa đỏ thôi, nhưng đây là lần đầu, niềm tự hào thật là lớn lao với một cung văn còn trẻ tuổi. Được đà, thầy càng say sưa đi vào tìm hiểu nghệ thuật hát văn đến tận nguồn cội, được toàn bộ đồng nghiệp kính nể và tôn làm cung văn đàn anh, để trở thành người thầy lớn nhất trong làng cung văn ở miền Bắc.

Có một điều mà tôi sẽ đi sâu tìm hiểu kỹ trong luận văn đang thảo, nhờ thầy mà tôi khám phá ra. Thật ra, một số công trình nghiên cứu cho đến nay, phiến diện bởi nhiều lí do, không nêu được vấn đề một cách chính xác và rõ nét để tiện tra cứu. Phát hiện này vô cùng quan trọng, vì nhờ vào phạm trù âm nhạc mà chúng ta có thể hiểu ra nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu tổng thể của tín ngưỡng. Không chỉ hát hầu Tứ phủ, thầy Kiêm (và các cung văn giỏi) còn biết «chế tạo» ra những vị thánh mới. Chẳng hạn, theo như thầy kể lại cho tôi nghe, nhiều lần khi thầy đi hành hương, đến một làng nào đó, có vị thành hoàng làng với một sự tích, hoặc trong đình làng có một bản văn. Thầy Kiêm, trên cơ sở truyền thuyết hoặc bản văn đó, sáng tác và đặt làn điệu hát văn, để thành một bản văn thờ. Ở làng quê Việt Nam, khi có một số phận khác người, hoặc một người nào đó có công với dân với nước, dân làng bắt đầu bằng sự mến phục, khâm phục, tôn vinh và hiển thánh. Một ông thầy đồ của làng làm một bài văn tế, lưu ở đình làng. Có bận thầy Kiêm đi hành hương, người gác đình, kính trọng sự uyên thâm của thầy, bèn khoe với thầy bản văn cống hiến cho vị thần làng đó. Thầy Kiêm, dựa trên bản văn, hát vào làn điệu hát văn. Và từ đó, các cung văn có thể dâng văn trên bản văn thờ đó vào ngày dẫn tiệc của vị thần đó hoặc vào dịp lễ hội của làng. Cứ dần dần như thế, bộ sưu tập của thầy Kiêm ngày càng nhiều các bản văn, các sự tích của các vị thần ở khắp các vùng miền Bắc. Nếu có đồng nghiệp nào muốn trau dồi học hỏi, thầy Kiêm cho văn, bày điệu. Chính vì thế mà thầy trở thành người được ngưỡng mộ nhất trong làng cung văn ở thế hệ mình, không những thông thuộc lề lối cổ, mà còn phát triển nghệ thuật hát văn để đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo trên nền tảng những hiểu biết mà các lớp đàn anh để lại. Ngược lại, khi nói về lịch sử nghệ thuật hát văn, thầy không quan tâm bằng khi nói chuyện về kỹ thuật hát và đàn. Thầy cho rằng nhạc này là nhạc thiêng, nhạc lễ. Không có lễ thì không có thể có nhạc, nhạc chỉ là một trong những cấu trúc của lễ Tứ phủ.

Thầy vẫn thường nói với tôi là không hiểu tại sao lại có những nhà nghiên cứu in sách ra, lược lời văn, mà không có giải thích, không có trình bầy, thì làm sao người ngoại đạo có thể hiểu được nghệ thuật hát văn. Khi cuộc chiến tranh ở vào giai đoạn khốc liệt nhất, âm nhạc truyền thống sống vật vờ, không được đặt đúng vị trí và giá trị của nó. Từng lớp học sinh, sinh viên được đi ra nước ngoài đào tạo ở Liên Xô, Trung Quốc, ở CHDC Đức… Họ mang về nước một nền giáo dục kinh điển của âm nhạc châu Âu, một nền âm nhạc hoàn thiện, hoàn mỹ, với hệ thống lý thuyết và lý luận chặt chẽ, những yếu tố về lý thuyết, vềlịch sử rõ ràng, khúc triết, minh bạch… Trong cả giai đoạn đó 1954-1980, âm nhạc dân tộc bị coi nhẹ, đưa xuống hàng thứ yếu, bị coi là « âm lịch », « không chính xác», «truyền miệng», v.v… Một số nhà nghiên cứu cũng cất công tìm hiểu và ghi âm một số thể loại nhạc dân gian bằng hệ thống ghi âm cổ điển châu Âu là chủ yếu, trên đó có thêm vào một số khái niệm để dung hoà cho đúng nhịp, điệu, ngón chơi … Những tín ngưỡng lên đồng hoàn toàn bị cấm, gần như không có nhà nghiên cứu nào thực sựkhởi điểm nghiên cứu hát chầu văn. Với thầy Kiêm, khi thầy đi làm ở dàn nhạc nhà hát cải lương, hoặc nhà hát tuồng, những khám phá mới làm cho thầy bị băn khoăn rất nhiều. Trong một lần nói chuyện, thầy bảo tôi «người ta cứ nói rằng hát văn là không có điệu, nhưng mà như thế là nói sai». Thầy hát cho tôi nghe điệu Dọc, rồi hỏi tôi «con xem, nếu như thầy sắp xếp như thế này, thì có thể gọi là một bài được không nhé?». Hoặc khi thầy hát cho tôi nghe năm, hoặc sáu biến thể của điệu Cờn, thầy bảo tôi «con thấy không thầy có thể hát điệu này trên 4 mesures (khuôn nhịp, tiếng Pháp trong nguyên bản); nhưng nếu thầy muốn thầy có thể hát trên 8 mesures cũng được, con thấy đấy, hát văn cũng nhiều bài bản lắm đấy chứ».

Nhiều lần, khi được dự những buổi thầy cho theo để học hỏi, tôi thấy chỉ cần thầy nói khẽ một câu với người hát cùng hai chữ đầu của câu hát. Thế là cả hai cùng hát theo kiểu vay trả, hoặc kiểu phức điệu, hoặc kiểu đối đáp, mà chả cần một tổng phổ nào, không bao giờ bị lỗi điệu. Khi thầy nói «sắp xếp» tôi hiểu rằng thầy muốn nói về cách thức hát trên một điệu, hoặc trong một mức độ cao hơn, sáng tác cả một bài đặc biệt cho một điệu múa hoặc một vị thần trong Tứ phủ. Một số người khẳng định rằng những lề lối của hát văn hiện nay mới chỉ được đặt ra hồi đầu thế kỷ, chủ yếu là nhờ cụ Cả Mã (thầy dậy của thầy Kiêm). Thầy nhắc lại với tôi nhiều lần rằng lề lối của nghề hát văn không phải do một mình cụ Cả Mã đặt ra từ hồi đầu thế kỷ. Tôi nghĩ rằng cụ Cả Mã là một nhân vật nổi tiếng trong hàng cung văn đầu thế kỷ 20, có lẽ cũng như thầy Kiêm, không những thực hành nghề, mà còn bảo tồn và phát triển trên những hiểu biết do các cụ truyền lại. Những người đồng lứa với cụ cũng theo các lề lối cổ truyền lại từ các thế hệ trước và phát triển thêm lên. Thầy Kiêm cũng cho tôi biết rằng các cung văn như Sinh con, Tư Quất, Tư Sinh, Lân, Dũng Hàng châu, Viêm đều rất nổi tiếng. Mỗi người, sinh trưởng ở một vùng ra Hà Nội hành nghề, nhìn và học các cung văn Hà Nội, sau đó mỗi người có một cá tính và một cách hát riêng, mang lại nhiều phong cách của hát văn. Khi họ về lại quê, họ mang luôn hết tinh hoa học được ở các cung văn Hà Nội, và sáng chế thêm cách hát của từng vùng vào kiểu hát của từng người. Khi thầy dậy tôi học, ngoài gần mười tiếng băng từ trong đó thầy nói chuyện với tôi về nghề, về nhạc, về đạo, thầy còn hát từng điệu, đánh từng khổ đàn, chơi từng khổ nhịp để thu thanh. Thỉnh thoảng thầy còn cho tôi hát bè cùng, hoặc giữ nhịp theo thầy hát. Ngoài những tư liệu này, thầy cho tôi đi theo khắp nơi những lúc nào có lễ, và cho phép tôi được ghi âm. Ngoài ra, nghĩ rằng tôi sẽ biết sử dụng vào đúng mục đích bảo tồn và giữ giá trị của nghề, thầy còn cho tôi rất nhiều văn thờ mà thầy hát và thu trước đó

Nguồn từ : Diễn đàn hát văn việt nam ( hatvan.vn )

photo : Từ trái qua phải ( Trường – chị Y Linh và con trai cụ Kiêm )

Bài viết liên quan

Nghe một số bản văn QUAN HOÀNG BƠ – Nghệ nhân cung văn

admin

Văn Chầu Lục Cung – Do nghệ nhân cung văn trình bày

admin

TÍNH VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT ĐẶC BIỆT CỦA CHẦU VĂN

Cuối Mùa Rơm

Bình luận

Để lại Bình luận