HÁT VĂN CÓ TỪ BAO GIỜ ?
Hiện các tài liệu ghi chép về hát chầu văn còn rất ít, nhưng các tài liệu đều thống nhất: Hát chầu văn có lịch sử hình thành lâu dài, ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác. Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) có ghi: “Thời Trần (1225 – 1400) có lối hát trước mặt Đế Vương, gọi là hát Chầu”.
Từ thế kỷ XVII, chầu văn phát triển mạnh ở Nam Định cùng với quá trình hình thành quần thể các di tích trọng điểm ở Nam Định như phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định)…, sau đó phát triển ra các vùng lân cận như Hà Nam, Thái Bình và ngày càng lan tỏa ra nhiều vùng trên cả nước.
Giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) là thời kỳ thịnh vượng nhất của nghi lễ hát chầu văn của người Việt nói chung, ở Nam Định nói riêng, có sự tham gia của các quan lại địa phương và triều đình.
Từ năm 1954, hát văn dần dần bị mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan. Từ năm 2000 đến nay, cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, với các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, Nghi lễ này được khôi phục, phát triển trở lại và nay còn được sân khấu hoá, trình diễn để phục vụ đời sống đương đại.