Về Quảng Cung nghe hát Văn < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Chầu văn Nghệ nhân hát văn

Về Quảng Cung nghe hát Văn

 

Mỗi mùa xuân gõ cửa là đâu đây tiếng người mê hát Văn hẹn nhau về “Đệ Nhất Quảng cung Phủ Nấp” (thôn Nam Đồng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định) nghe hát. Không phải ngẫu nhiên mà người mê hát lại chọn địa điểm này. Vùng đất với nhiều huyền sử và những con người đa tài, đa tình dày công, nặng lòng với Hát văn luôn mời gọi du khách thập phương về nghe hát.

Nghệ nhân hát Văn trăm tuổi

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã xuất hiện từ bao đời nay và có biết bao đền phủ được dựng lên để thờ Mẫu Liễu Hạnh ở khắp nơi: Phủ Dày ghi dấu bà giáng sinh, đền Bắc Lệ xứ Lạng ghi dấu bà với họ Phùng, Phủ Tây Hồ huyền tích bà ngao du ngày tháng cùng các đạo cô, đền Sòng Sơn, Phố Cát ở Thạch Thành xứ Thanh ghi chiến công lừng lẫy của bà, chùa Hương một mình bà một biệt điện trang nghiêm… Thế nhưng giới nghiên cứu đã khẳng định di tích Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp, Phủ Quảng Nạp) chính là nơi ghi dấu cuộc giáng sinh đầu tiên của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Phủ Nấp không chỉ nổi tiếng bởi đền phủ đẹp, pho tượng mẫu đẹp, mà còn bởi lối hát Văn độc đáo.

Tìm về Đệ Nhất Quảng Cung, ngay từ khi bước chân vào đầu làng người ta không khỏi bị cuốn hút bởi tiếng hát văn văng vẳng vang ra từ một ngôi đình rất khang trang. Men theo tiếng hát ấy bắt gặp một nhóm các bạn trẻ tuổi đang thành tâm học hát. Nhìn lớp học say sưa ta mới hiểu tại sao mảnh đất này lại sản sinh ra nhiều cung văn tài hoa nhường ấy. Trong đó, không thể không kể đến nghệ nhân lão làng Đào Thị Sại, người đã có hơn 80 năm gắn bó với nghề hát văn, nay đã gần trăm tuổi.

Cháu trai của cụ đã kể cho chúng tôi một câu chuyện hết sức cảm động về lòng yêu nghề của cụ. Những năm ngoài bảy mươi tuổi đôi mắt cụ đã có phần lòa đi, các bác sĩ khám cho cụ và yêu cầu cụ phải tránh xa khói nhang, ít lui lại đền chùa vì nó sẽ làm mắt cụ yếu đi, thậm chí sẽ không nhìn được nữa. Thế nhưng tình yêu nghề tha thiết vẫn đưa cụ đến đền, đến phủ để hát. Chẳng những thế khi hai chân đã yếu không thể đi lại được nữa, hàng tháng cụ vẫn nhờ con cháu chở ra Phủ Nấp để hát dâng Ngài. Tuổi cao, sức khỏe suy giảm song cụ vẫn hát, cho dù khán giả của mình không có ai. Và nơi cụ hát không phải là sân khấu hay trong đền, phủ, mà chỉ là một chiếc giường cá nhân. Khi còn sức khỏe, hát văn là nghề kiếm sống của cụ, còn khi đã yếu, hát văn cũng chính là niềm vui, là động lực sống của người nghệ nhân này.

Dòng họ 4 đời cung văn

Ở thời điểm hiện tại, có thể nói rất khó tìm thấy một hệ phả cung văn như dòng họ Đào ở Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định này. Nghệ nhân Đào Thị Sại là thế hệ thứ tư hát văn của dòng họ. Bà đã học hát văn từ khi còn rất nhỏ, người thầy của bà không ai khác chính là người cha, ông Đào Tiến Mành. Từ khi lên 10 tuổi, bà đã cùng cha đi hát ở khắp các đền phủ của Nam Định. Năm 13 tuổi, bà bắt đầu đi hát cùng chị ở Nam Định, Hải Phòng. Chị gái của bà Đào Thị Sại cũng là một cung văn nổi tiếng thời đó, bà Đào Thị Sợi. Chồng của bà Sợi chính là một nghệ nhân đàn nguyệt, ông Vũ Văn Sĩ.

Chính những năm tháng này đã giúp bà Sại có được sự trau chuốt trong giọng hát và quá trình tích lũy các bài, các điệu và lối hát khác nhau, để rồi năm 18 tuổi, bà ra Hải Phòng lập nghiệp ở đền Nghè. Cũng tại nơi đây, bà đã gặp và yêu một người chơi đàn nguyệt– ông Vũ Đình Thức (sinh năm 1908 – mất khoảng năm 1945). Vì ông quá mê tiếng hát của bà, nên dù không phải là một người chơi đàn quá xuất sắc, nhưng cách ông chơi đàn bắt nhịp, bén hơi vào câu hát đã hòa quyện và đẩy giọng ca của bà lên. Họ yêu nhau cũng chính vì điều đó.

Làm nghề hát văn, để tìm được một người chơi đàn hợp với giọng mình không hề dễ, mà phải có được sự ăn ý với nhau, “người chơi đàn phải học câu hát, còn tiếng nhịp gõ phách phải gọi được tiếng đàn theo giọng hát và người ta giở đàn lối nào mình phải đón để hát theo lối ấy”. Bà Sại không biết đánh đàn vì bà bảo “tay phụ nữ ít gân”. Nhưng nếu nói về tiếng hát và ngón phách của bà, người ta phải đưa bà vào hàng tài danh. Khi còn khỏe, bà Sại đã thường xuyên đi lưu diễn ở khắp các nơi như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Lệ, Bảo Hà, Phố Lu, Trái Hút, Đồng Mỏ, Đồng Đăng, Lạng Sơn. Câu chuyện đang cao trào thì bất giác cụ Sại có nhắc đến người cháu là nghệ nhân Đào Thị Phòng, người duy nhất trong dòng họ tiếp tục theo nghề nhưng năm nay cũng đã 66 tuổi. Hai cô cháu, hai nghệ nhân đều đã bước vào độ tuổi vui vầy bên con cháu, thế nhưng họ vẫn có khao khát được đi hát ở các đền, các phủ.

Về chiều, khi loa của xã vang lên tiếng hát văn từ trong Phủ Nấp, bà Sại nghe và lẩm nhẩm hát theo. Bà lắc đầu: “Bây giờ người ta hát khác trước nhiều quá, chẳng hiểu hát theo kiểu gì nữa, văn cũng chỉ có ít bài. Ngày xưa Hát văn một câu hát cũng khó nhọc lắm. Bây giờ nghe người ta hát cứ như là hát cho xong, hát cho được việc, nhưng… hát kiểu này thì đỡ mất công mất sức hơn là hát theo kiểu cũ”. Nỗi trăn trở của nghệ nhân trăm tuổi ấy cứ vấn vít, níu kéo con người đến với mảnh đất linh thiêng và người nghệ nhân trăm tuổi này.

Bài viết : MAI KHANH

Bài viết liên quan

Nghe một số bản văn QUAN HOÀNG BƠ – Nghệ nhân cung văn

admin

NGHỆ NHÂN HOÀNG TRỌNG KHA  – NGƯỜI LƯU GIỮ TINH HOA CHẦU VĂN ĐẤT HÀ THÀNH

admin

Văn lối cổ Ông Hoàng Bơ Thoải

admin

Bình luận

Để lại Bình luận