Tìm hiểu nghi lễ thờ cúng Thổ Công < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dân gian Việt Nam Văn hóa Dân gian

Tìm hiểu nghi lễ thờ cúng Thổ Công

Ngài Thổ Công là vị thần trông coi, cai quản trong nhà, định sự họa phúc cho mọi gia đình, thường được gọi là Đệ Nhất Gia Chi Chủ.


1. Ý NGHĨA.

– Thổ Công là vị Thần trông coi, cai quản trong nhà, định sự họa phúc cho mọi gia đình, thường được gọi là Đệ Nhất Gia Chi Chủ. Nhờ có vị Thần này nên các hồn ma quỷ không xâm nhập được vào nhà để quấy nhiễu gia đình.
– Bàn thờ Thổ Công không chỉ thờ một vị, mà thờ ba vị thần với ba danh hiệu khác nhau.
– Trong Bài vị, người ta để danh hiệu của cả ba vị thần này, mỗi vị trông coi một việc khác nhau.
+ Thổ Công: Trông coi việc bếp núc.
+ Thổ Địa: Trông coi việc nhà.
+ Thổ Kỳ: Trông nom việc chợ búa cho phụ nữ, hoặc việc sinh sản các vật ở vườn đất.
Bài vị của ba Thần được lập chung và viết như sau:
+ Bản gia Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
+ Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần
+ Bản gia Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức chính thần.
– Mỗi gia đình có riêng một Thổ công.
– Hàng năm các Thổ công này được thay thế vào ngày 23 tháng chạp (gọi là ngày ông Táo lên trời). Vào ngày này gia đình sửa lễ cúng ông Công , rồi đốt bài vị cũ, thay bài vị mới.


2. MŨ THỔ CÔNG
– Mũ Thổ Công là một cỗ gồm ba chiếc: 1 mũ đàn bà và 2 mũ đàn ông không có hai cánh chuồn. Nếu thờ 3 chiếc là thờ đủ mũ cho ba vị thần còn nếu thờ 1 mũ thì đó là mũ Thổ Công.

– Mũ được làm bằng giấy, mũ thường đi kèm với một chiếc áo và một đôi hia. Dưới mũ đặt 100 thoi vàng giấy.

– Mũ, Áo, Hia mỗi năm một màu hợp với ngũ hành: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ tương ứng với màu: Trắng – Xanh – Đen – Đỏ – Vàng. Mỗi năm có một hành riêng, mỗi hành có một màu nhất định:
+ Năm có hành Kim: cúng mũ màu Trắng.
+ Năm có hành Mộc: cúng mũ màu Xanh.
+ Năm có hành Thủy: cúng mũ màu Đen.
+ Năm có hành Hỏa: cúng mũ màu Đỏ.
+ Năm có hành Thổ: cúng mũ màu Vàng.
– Cũng như bài vị Thổ Công, hàng năm mũ cũng được đem hóa vào ngày tết Táo quân và được thay cỗ mũ khác để thờ cho đến tết Táo quân năm sau.


3. CÚNG THỔ CÔNG

Cúng vào ngày giỗ Tết, Sóc Vọng. Có thể cúng chay hoặc mặn. Trong ngày Sóc Vọng, ngày mồng Một, ngày Rằm, các Gia đình thường cúng chay; đồ lễ gồm: giấy vàng, bạc, trầu, nước, hoa quả. Tuy vậy, cũng có gia đình cúng mặn có thêm các đồ: rượu, xôi, gà, chân giò…. Những khi làm lễ cúng Gia tiên, bao giờ cũng cúng Thổ Công trước. Khấn cầu sự phù hộ của Thổ Công cũng giống như khấn Gia tiên. Mặc dù gọi là cúng Thổ Công, nhưng khi cúng phải khấn đủ các Thần linh ghi trong bài vị.


4) TẾT THỔ CÔNG
Thổ Công là vị Thần có nhiệm vụ ghi chép mọi việc tốt xấu xảy ra trong mỗi Gia đình. Lễ cúng Thổ Công quan trọng nhất là ngày tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp (còn gọi là tết ông Công). Trong ngày lễ này, sau khi cúng xong, Thổ Công lên chầu Thượng Đế để báo cáo những điều tai nghe, mắt thấy ở trần thế mà mình đã ghi chép được. Còn các gia đình sẽ hóa vàng, mũ, áo, hia của năm trước đổ tro ra sống và phóng sinh cho con cá chép để cho ông cưỡi lên trời. (quan niệm dân gia cho rằng: cá chép sau khi được phóng sinh sẽ hóa thành rồng để cho ông Táo cưỡi.).


-Tín Ngưỡng Dân Gian Thuần Việt

Bài viết liên quan

Nam Bang Hữu Tứ Bất Tử

admin

PHONG TỤC CÚNG LỄ TẠI GIA TỪ MỘT CUỐN GIA PHẢ

admin

KÝ ỨC TẾT QUÊ (TẾT MÙNG 5 THÁNG 5 – ĐOAN NGỌ)

admin

Bình luận

Để lại Bình luận