Tìm hiểu âm nhạc nghi lễ người dân tộc Tày < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dòng nhạc dân gian

Tìm hiểu âm nhạc nghi lễ người dân tộc Tày


NATIONAL GEOGRAPHIC Magazine October 1935 (13)


Để trở thành một người làm then được cộng đồng công nhận, trước hết họ phải là những người có căn số, nhẹ vía và được trời hay tổ tiên có nghề then “hạm” (lựa chọn). Sau đó những đối tượng này thường có nhiều trận ốm thập tử nhất sinh, thứ duy nhất để họ cầm hơi là uống nước sôi để nguội có thả lá chanh tươi, nếu có ăn được thì chỉ là chút cháo hoa cùng muối trắng. Có nhiều trường hợp ly kì, người khác thấy họ như điên như dại. Có người suốt ngày ngồi vắt vẻo trên ngọn tre gai, dầm mình dưới suối trong mùa đông băng giá, hoặc ngày phải dầm mưa nắng, đêm phải dầu dãi phơi sương; cũng có khi họ mắc chứng bệnh lạ, không cách nào chữa khỏi. Họ chỉ trở lại bình thường khi đồng ý theo nghiệp then để gia đình lập bàn thờ then, thành tâm tu luyện và trải qua các kì làm lễ chính như sau:

Tíu bàn – Lảu son chàng: Đây là nghi lễ đầu tiên của người bắt đầu bước vào nghiệp then. Ý nghĩa của lễ là dựng bàn thờ then – làm lễ nhận thầy. Khi được một then có đầy đủ quyền năng cho phép theo làm đệ tử, gia đình có người cần phải theo nghiệp then sẽ sắm sửa lễ vật, mời thầy đến nhà làm lễ. Đến làm lễ cùng thầy còn có các đệ tử của thầy (là bạn đồng môn của người được thầy thu nhận lần này – gọi là bạn chàng).

Lảu son chàng là một buổi lễ thông báo cho tổ nghề có một người chính thức theo nghiệp then. Người này đã chính thức nhận thầy làm lễ là sư phụ và sẽ thực hiện đầy đủ các kiêng khem theo quy định.

Lảu khay pác – khay tàng (mở lời – mở đường): Nghi lễ này được thực hiện sau khi tíu bàn (lập bàn thờ) được một thời gian. Sau thời gian ốm kéo dài, lúc này nhân vật được tổ tiên “hạm” đã hồi phục, đủ điều kiện về sức khỏe và nhiều điều kiện khác để theo học các đường then (các bài then khi hành lễ). Thực hiện buổi lễ này là sư phụ và các bạn chàng. Ý nghĩa của buổi lễ là báo cáo với tổ nghể là người này đã đủ điều kiện để theo nghiệp then, xin các bậc tiền bối và tổ tiên ban cho quyền năng để có thể thực hiện được thông thạo các nghi lễ then.

Khay pác – khay tàng là một nghi lễ tương đương với nghi lễ khai quang trong tín ngưỡng hầu đồng. Sau lễ khay pác – khay tàng, người này sẽ được sư phụ cho phép đi theo khi hành lễ để quan sát và học. Theo như các then kể lại thì sau buổi lễ này, mỗi lần các then hành lễ sẽ được tổ nghề “nhập” sau công đoạn thỉnh mời. Bởi vậy, có những đường then dài thâu đêm suốt sáng mà các then vẫn diễn xướng trôi chảy; khi trao đổi bình thường thì các then không thể nhớ được hết nội dung của các đường then.

Lảu khao binh (Lễ tiệc khao binh mã): Đây là nghi lễ để sư phụ cấp binh mã cho then. Sau Lảu khao binh, then sẽ có đủ quyền năng để chính thức độc lập đi thực hiện các nghi lễ then.
Trong lễ này, ngoài sư phụ và các bạn chàng đến để hành lễ, gia đình còn mời thêm họ hàng thân cận đến để liên hoan chúc mừng sự trưởng thành của then. Then sẽ nhận được quà tặng như đàn tính, quạt, vải tơ…, được nhận những lời chúc mừng liên quan đến việc hành nghề.

Lảu Khẩn làu (lễ lên lầu): Là công đoạn quan trọng nhất của nghi lễ. Tổ chức lễ lần này, ngoài những nghi thức tương tự như các lễ then trước, còn có nghi lễ lên lầu – tức là đoàn quân then sẽ dẫn người làm lễ lên lầu then làm nghi thức trình Ngọc Hoàng để ngài ban phép, ban quyền cho then. Sau nghi lễ này, người làm then bắt đầu được phép nhận và truyền nghề cho đệ tử. Then lúc này vừa là đệ tử của sư phụ mình (cùng với nhiều bạn chàng khác), đồng thời lại vừa là sư phụ của một số đệ tử theo nghiệp then.

Khi đã là then, đồng nghĩa với việc đã được trao một sứ mệnh cao cả là cứu giúp người đời. Khi có người đến cậy nhờ thì không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, gần hay xa then đều phải lập tức đến nhà thân chủ để hành lễ. Đa số lễ then phải làm trọn trong một ngày hoặc trong một đêm. Người làm then phải luôn giữ mình trong sạch, kiêng khem nhiều thứ như: Không đến gần người hoặc súc vật mới sinh đẻ, không đến đám tang của người không phải người thân trong họ. Không được làm những việc như phơi hoặc gánh phân chuồng để bón rau, bón lúa. Không bao giờ được phép ăn những thức ăn có liên quan đến thịt gia súc.

Các then đi hành lễ đương nhiên là không thể có thời gian chuyên tâm sản xuất cùng gia đình. Công xá họ được trả đôi khi chỉ là miếng thịt, con gà và vài đồng tiền lẻ. Gian nan là vậy, các then vẫn luôn hoàn thành tốt sứ mệnh. Bởi thế dưới những nếp nhà xinh xắn của các bản làng vẫn luôn rộn rã tiếng cười, tiếng hát then đàn tính vẫn cất lên trầm bổng với ước vọng đem đến bình yên và sung túc cho gia chủ.

Vị trí của then trong cộng đồng

Từ xưa, trên vùng đất Bình Liêu, cộng đồng người Tày thường cư trú thành các bản cạnh suối hoặc trong các thung lũng thuận tiện cho việc canh tác lúa nước. Ở thời kì cuộc sống còn nghèo nàn, y tế chưa phát triển, sự hưởng thụ văn hóa chưa có thì Then được coi như một biện pháp trị liệu tinh thần của cộng đồng người Tày. Ốm đau, tai họa hay cầu mong, ước vọng… họ đều tìm đến then. Mỗi dịp tháng giêng, các gia đình lại sắm sửa lễ vật để mời then về nhà làm lễ. Anh em, họ hàng cùng bà con trong bản lại được dịp quây quần nghe then giải hạn. Tan buổi lễ vào lúc trời gần sáng, không ai thấy mệt mỏi mà trái lại, như thấy mình phấn chấn hơn, khỏe mạnh hơn để bắt tay vào công việc mới.

Bài viết liên quan

Tìm về đất Kinh kỳ xưa trong Chuyện nhạc Phố cổ

admin

Quách Thị Hồ – Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây

admin

Bình luận

Để lại Bình luận