Thờ Mẫu ở Tây Thiên và đời sống tâm linh của người đương đại
Th.S Văn Thị Bích Thảo –
Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Khoa học xã hội Việt Nam).
Mẫu ở Tây Thiên
Khác với nhiều tôn giáo lớn vốn được xem là ngoại nhập ở nước ta hiện nay thì có lẽ tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với tín ngưỡng dân gian bản đ+ịa của người Việt là một đối trọng tư tưởng với các hệ tôn giáo khác trong suốt chiều dài lịch sử của nước ta. Tuy nhiên, lâu nay, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn ít nhiều bị định kiến là mê tín dị đoan, là bùa chú, phù thủy. Song với nhiều nét tích cực như quan tâm đến đời sống thực tại của con người, kết tinh dưới dạng nguyên hợp nhiều giá trị văn hóa dân gian như ca, múa, nhạc trong một sân khấu tâm linh thì tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và thờ Mẫu ở Tây Thiên nói riêng đang là vấn đề đặt ra để chúng ta nghiên cứu, đánh giá và nhìn nhận một cách thấu đáo và công bằng hơn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người ở mọi tầng lớp khác nhau, không phân biệt địa vị xã hội, già trẻ, gái trai bị thu hút bởi tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có Mẫu ở Tây Thiên. Do vậy, trong khuôn khổ bài viết này, từ việc tìm hiểu đến khảo sát thực tế tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tây Thiên, người viết muốn bước đầu gợi mở để nghiên cứu và khám phá đời sống tâm linh của con người hiện đại.
Hệ thống đền, chùa, miếu thờ Mẫu ở nước ta nằm rải rác khắp ba miền Bắc, Trung, Nam với nhiều sắc thái, dấu ấn bản địa và cấp độ tín ngưỡng khác nhau. Nơi thì thờ nữ thần bản địa, nơi thì thờ các nhân vật nữ, những người được xem là những anh hùng dân tộc hay có nhiều công trạng với đất nước, được mệnh danh là Quốc Mẫu, còn nhiều nơi khác thì thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà cốt lõi của nó là suy tôn và thờ các yếu tố của thiên nhiên như trời, đất, nước và núi rừng. Tuy nhiên, quá trình tồn tại, giao lưu và tiếp biến lẫn nhau đã tạo nên những biến ứng linh hoạt trong tín ngưỡng thờ Mẫu và một hệ quả là nhiều nơi, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hấp thụ và tiếp thu cả ba cấp độ trên của tín ngưỡng thờ Mẫu mà thờ Mẫu ở Tây Thiên là một trong những trường hợp điển hình.
Thờ Mẫu ở Tây Thiên chủ yếu là thờ bà Lăng thị Tiêu, tương truyền là người Sán Dìu, được phong là Quốc Mẫu Tây Thiên Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương mà theo truyền thuyết bà là tiên nữ núi Tam Đảo, được thác vào gia đình họ Lăng ở thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Bà đã có nhân duyên cùng vua Hùng thứ VII là Hùng Chiêu Vương khi nhà vua đến dãy Tam Đảo để cầu tiên tử. Bà đã được tuyển làm Hoàng phi và từ bà đã mở ra một triều đại mới với bảy đời vua Hùng khác nhau. Trên núi Thạch Bàn, đền thờ bà tọa lạc cùng với chùa Tây Thiên (còn gọi là đền Thượng Tây Thiên). heo khảo cứu của nhiều nhà khoa học, dưới chân núi Tam Đảo, có tới 54 điểm thờ cúng bà và chỉ xét riêng trong xã Đại Đình đã có hệ thống gồm 5 điểm thờ Quốc Mẫu Tây Thiên gồm: đền Thượng Tây Thiên; đền Mẫu Sinh (thôn Đông Lộ) mà xưa kia nơi đây thờ bà, gọi là đình Đông Lộ và sau này, nhân dân phục dựng lại và gọi là đền Mẫu Sinh; đền Mẫu Hóa (tọa lạc ở gò Xóm Xím, thôn Động Nội), theo truyền thuyết thì hiện vẫn còn lưu giữ dấu tích cái giếng bà đã tắm trước khi bay về trời, được gọi là Mộc Dục Tỉnh; đình thôn Lan Thông (thôn Sơn Đình) nơi bà hiển linh, tập luyện quân sĩ để âm phù Hùng Duệ Vương đánh quân Thục; đền Thỏng Tây Thiên.
Bên cạnh thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, các đình, đền ở đây còn phối thờ các thần khác như Mẫu Thiên (thờ trời), Mẫu Thoải (thờ nước), Mẫu Địa (thờ đất), Mẫu Thượng Ngàn (thờ núi rừng) và các ông Hoàng, bà Chúa. Một giả thiết được đặt ra trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tây Thiên là rất có thể, thờ Mẫu ở Tây Thiên khởi thủy từ việc thờ nữ thần bản địa (thờ Bà Chúa Rừng). Điều này cũng rất có lý và logic bởi với một địa thế, địa hình hùng vĩ, trùng điệp như núi Tam Đảo thì trong quá khứ, tín ngưỡng dân gian khó có thể bỏ qua việc thờ nữ thần bản địa là Bà Chúa Rừng. Và trong quá trình tiếp biến để tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Rừng đã nhập vào hệ Hùng Vương để trở thành Quốc Mẫu (gắn nhân duyên bà Lăng Thị Tiêu với Hùng Chiêu Vương và công trạng với đất nước); đồng thời hòa nhập vào tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (thờ Mẹ) lại đặt đối xứng với việc thờ Tản Viên Sơn Thánh (dãy núi Ba Vì với hệ thống tín ngưỡng thờ Cha) đã tạo ra việc nâng quyền – uy linh để từ tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ thành diện mạo hoàn chỉnh của tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên hiện nay. Hiện tượng nhập và kết nối một cách linh hoạt các hệ thần linh này đã tạo ra việc nâng quyền theo cấp số nhân và sức lan tỏa quyền linh sâu rộng của thờ Mẫu ở Tây Thiên. Điều đó cũng lý giải được vì sao tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây lại ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều người như vậy, dù rằng không phải ai trong số họ cũng là con nhang đệ tử, ông đồng, bà đồng.
A. Thành phần đến với Mẫu Tây Thiên
Qua tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tây Thiên, chúng tôi thấy chưa bao giờ thành phần tìm đến đền, chùa, miếu ở Tây Thiên lại đông đúc và phong phú đến như vậy, không chỉ tấp nập vào những ngày lễ, hội (ngày giỗ của Quốc Mẫu Tây Thiên và chư vị đồng tử) mà ngày bình thường cũng náo nhiệt; các thành phần tìm đến đây không phân biệt già trẻ, gái trai, đủ các thành phần từ các địa vị xã hội khác nhau. Điều này, khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người là chỉ có người già, phụ nữ, những người có căn số thường hay lui tới những nơi như thế này. Theo ông, N.T.N (xóm Cao, Long Trì, thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc) một người hay lui tới đây cho biết, thành phần đến với hệ thống thờ Mẫu ở Tây Thiên ngày càng có nhiều nam giới mà trong số họ, nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, có địa vị xã hội và bên cạnh đó còn có rất nhiều trẻ em. Trong thành phần đa dạng đó, chúng tôi tạm chia làm bốn đối tượng.
Ông đồng, bà đồng và con nhang, đệ tử
Ông đồng, bà đồng là những người có căn duyên tiên định, căn số nặng nên buộc phải ra trình đồng. Bà P.T.N (sinh năm 1946, thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), mọt người đã làm nghề hầu bóng hơn 20 năm nay là một trường hợp điển hình. Theo lời kể của bà, bà không phải là người trình đồng ngay từ đầu nhưng do cuộc sống của bà thời con gái bôn ba, lận đận, định theo nhiều nghề khác nhau nhưng rốt cuộc chẳng thành, kinh doanh rất phát đạt nhưng cuối cùng bị tiêu tán hết tài sản. Trong cuộc đời bà đã gặp nhiều chuyện ngẫu nhiên, linh ứng khác thường và khi biết mình có căn số với Mẫu, bà đã quyết định ra trình đồng.
Bên cạnh đó, theo ông đồng N.V.C, Ban Quản lý đền Mẫu Hóa, xã Đại Đình thì các ông đồng, bà đồng khắp nơi trong cả nước, từ Nam ra ngoài Bắc đến đây để làm lễ. Nhiều ông đồng, bà đồng dù ở Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp nhưng được gia chủ đề nghị và mời làm lễ hộ thì vẫn đến đền Mẫu Hóa để làm lễ. Có gia chủ ở Đồng Nai đã bỏ tiền mua vé máy bay để ông đồng cùng con nhang, đề tử và gia chủ gia đình đến đền Mẫu Hóa để làm lễ. Tuy nhiên, ông N.V.C cũng cho biết, số lượng các ông đồng, bà đồng ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Hà Nội đến Tây Thiên nói chung và đến đền Mẫu Hóa làm lễ vẫn đông đúc và thường xuyên hơn cả.
Ngoài ra, con nhang, đệ tử cũng là một bộ phận hay lui tới hệ thống đình, đền thờ Quốc Mẫu ở đây. Họ là những người theo hầu, giúp việc cho các ông đồng, bà đồng trong các buổi hầu đồng. Theo lời ông T.V.N (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) một con nhang, đệ tử thường nhiều lần theo hầu các buổi hầu đồng ở đền Thượng và đền Chân Suối ở Tây Thiên thì ông là con nhang, đệ tử của ông đồng N.V.L (gần chùa Cửa Tiền, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) khoảng 10 năm nay. Từ nhỏ, ông T.V.N là người thích thú xem các buổi lên đồng, hát chầu văn và nhiều lần lui tới các phủ ông đồng, bà đồng để xem người ta lên đồng. Sau này, ông được ông N.V.L nhận làm con nhang, đệ tử. Ông T.V.N cho rằng, ông cũng là người có căn số (tuy không nặng lắm), là người được thánh thương, nhiều lần được Mẫu ban ơn và che chở nên trong cuộc đời đã thoát nhiều hiểm họa, tai ương. Mỗi năm, ông đồng N.V.L lên Tây Thiên khoảng 2-3 lần để hầu đồng và ông T.V.N đều đi theo để giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu có người gặp hạn nặng, gia sự có nhiều chuyện tai ương mà đến nhờ và để giải hạn, cầu an thì có thể lên Tây Thiên nhiều hơn 2-3 lần. Và do đi cùng các ông, bà đồng nên các con nhang, đệ tử cũng đến từ khắp mọi miền đất nước nhưng chủ yếu đến đây nhiều và thường xuyên vẫn là con nhang, đệ tử ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Hà Nội.
Khách thập phương
Cùng với sự phát triển của vùng du lịch sinh thái Tam Đảo, khách thập phương tìm đến Tây Thiên nói chung và hệ thống thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nói riêng ngày càng đông đúc; đặc biệt là từ khi Thiền viện Tây Thiên được xây dựng và khánh thành; đồng thời tỉnh Vĩnh Phúc có chiến lược khôi phục hệ thống đình, đền, chùa, miếu để thu hút và phát triển du lịch sinh thái Tam Đảo. Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn khách thập phương đến Tây Thiên là để tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh và không khí trong lành ở đây và nhân tiện, họ ghé thăm các đình, đền, miếu thờ Mẫu để thắp nén hương, cầu xin bình yên cho cả gia đình. Đại đa số họ đều không biết rõ về Mẫu, lai lịch, nguồn gốc của Mẫu Tây Thiên và cũng không nắm được ở đây thờ những vị thần nào. Chị N.T.N (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) cho biết, chị và gia đình (chồng và hai đứa con nhỏ) mỗi năm đến Tây Thiên khoảng 4-5 lần để thắp hương xin Mẫu che chở, phù hộ; đồng thời cũng nghỉ dưỡng, du lịch tại đây. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi chị về Quốc Mẫu Tây Thiên thì chị tỏ ra lúng túng và không rõ ở đây thờ những ai, chỉ nghe mọi người kháo nhau là Mẫu Tây Thiên rất thiêng, gia đình chị lại là gia đình kinh doanh, buôn bán nên vào dịp đầu năm và cuối năm, chị thường tới đây để xin Mẫu phù hộ cho có sức khỏe, ban lộc cho làm ăn chứ về gốc tích của Mẫu và chư vị đồng tử được thờ ở đây chị cũng không quan tâm lắm. Điều này cũng cho thấy, trong tín ngưỡng tôn giáo, xác tín – thiết lập niềm tin là hết sức quan trọng và sau đó người ta mới quan tâm đến những yếu tố khác.
Khách thập phương đến với hệ thống thờ Mẫu của Tây Thiên cũng hết sức đa dạng, không chỉ là đến từ các vùng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh kế cận mà gần như đến từ khắp mọi miền đất nước. Minh chứng là ở các tấm bia công đức của những người tham gia tu bổ, tôn tạo đền Mẫu Hóa, đền Mẫu sinh, đền Thỏng ở Tây Thiên (đây là hệ thống đền thờ Quốc Mâu Tây Thiên, được tu tạo, nâng cấp xây dựng từ năm 1998 trở lại đây) thì có đủ tên tuổi của các khách thập phương đến từ: thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Đồng Nai, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội. Điều này chứng tỏ, sức lan tỏa của Quốc Mẫu Tây Thiên là rộng lớn, có thể nói là trên phạm vi cả nước. Đó là chưa kể đến những quyển sổ vàng công đức ở các đền, đình, miếu thờ Mẫu Tây Thiên đang ngày càng dày lên tên tuổi của khách thập phương từ Nam chí Bắc.
Nhân dân địa phương
Nhân dân trong vùng, không kể già, trẻ, gái, trai có lẽ là những người hay lui tới các đền, đình, miếu thờ Quốc Mẫu Tây Thiên nhất. Họ là những người trực tiếp tham gia vào việc xây dựng, tôn tạo, nâng cấp hệ thống thờ Mẫu ở đây. Đồng thời, họ cũng là người vẫn hàng ngày, hàng giờ, trông coi, bảo vệ, tu sửa hệ thống thờ Quốc Mẫu; đồng thời dẫn dắt, giới thiệu, đón tiếp các du khách thập phương tìm về với Mẫu Tây Thiên.
Khác với khách thập phương, nhân dân địa phương, ngoài công đức bằng tiền bạc hoặc lễ vật thì họ có thể đóng góp công sức trong việc tu bỏ, xây dựng, trông coi hệ thống đền, đình, miếu thờ Mẫu Tây Thiên. Và nếu như các đối tượng khác thường đến Tây Thiên vào các dịp đặc biệt như những ngày lễ, ngày giỗ của Mẫu Tây Thiên và chư vị công đồng, những lúc có công chuyện thì người dân địa phương lại lui tới đây một cách thường xuyên nhất. Trong số đó, nhiều người đã xem việc trông nom, giữ gìn hệ thống thờ Mẫu Tây Thiên là một phần cuộc sống hàng ngày của họ. Mỗi khi vào các dịp đặc biệt, các ông đồng, bà đồng thập phương kéo về đây để hầu đồng thì họ là lực lượng đông đảo tham gia vào buổi lên đồng, đóng vai trò là khán giả, nhân chứng cho sân khấu tâm linh ấy. Sự có mặt của nhiều người dân địa phương trong các buổi hầu đồng đã làm không khí được coi là linh thiêng này trở nên náo nhiệt hơn. Bà P.T.T (phường Trưng Trắc, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, bà là người hay tham gia vào các buổi hầu đồng ở các đền thờ Mẫu Tây Thiên. Trong buổi hầu đồng, bà cùng nhiều người dân địa phương có mặt cổ vũ, khen ngợi các ông đồng, bà đồng khi họ diễn các giá đồng khác nhau; đồng thời nhận lộc (những đồng tiền hoặc những lễ vật nhỏ như hoa quả, bánh kẹo) do các ông đồng, bà đồng bân phát qua các giá đồng. Theo quan sát của chúng tôi trong những lần điền dã ở Tây Thiên thì trong các buổi hầu đồng lại có sự có mặt của khá nhiều trẻ em địa phương và chúng tỏ ra đặc biệt thích thú với các màn phát lộc của các ông đồng, bà đồng.
Doanh nghiệp và các nhà khoa học
Khi mà tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tây Thiên ngày càng phát triển và cùng với chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc thì só lượng các nhà khoa học và doanh nhân đến Tây Thiên cũng ngày càn tăng. Các nhà khoa học, những người như chúng tôi đến Tây Thiên thì quan tâm các vấn đề về Mẫu, tìm hiểu những nét đặc sắc của Quốc Mẫu Tây Thiên với hệ các Mẫu được thờ ở những vùng khác trong cả nước. Còn các doanh nhân đến Tây Thiên để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Ông N.Q.T, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Thành Phát (Hà Nội), người từng tham gia xây dựng con đường dốc lên Thiền viện Tây Thiên cho biết, ông rất tự hào vì mình đã góp sức xây dựng hệ thống các công trình ở Tây Thiên dù quy mô công trình ở đây không lớn so với những công trình mà ông đã từn thi công. Tuy nhiên, đây lại là một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh có tiếng trong cả nước, vì thế ông có ý định sẽ xây dựng khách sạn để kinh doanh dịch vụ du lịch ở Tây Thiên. Theo ông N.Q.T, Tam Đảo có khí hậu rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày; không gian rất đẹp, lại chỉ cách Hà Nội có hơn 80km; cộng thêm xu hướng ngày càng có nhiều người lên Tam Đảo để du lịch tâm linh nên rất có tiềm năng để phát triển du lịch và rất có thể đây là khu nghỉ mát lý tưởng nhất miền Bắc.
B. Mục đích của việc tìm đến Mẫu Tây Thiên
Thể hiện lòng thành, tín ngưỡng với Quốc Mẫu Tây Thiên
Đây là hiện tượng hầu vui của các ông đồng, bà đồng ở Tây Thiên, nghĩa là mục đích chính của họ khi lên đồng là để ca tụng thần linh, tôn vinh Quốc Mẫu Tây Thiên. Thông thường, những ngày lễ, giỗ của Mẫu, các ông đồng, bà đồng lại định kỳ lên Tây Thiên để hầu đồng. Tất nhiên, ngoài việc ca tụng thần linh, công trạng của Quốc Mẫu Tây Thiên, các ông, bà đồng cũng có thể nhân tiện thực hiện và đạt được những mục đích khác. Với nhiều ông, bà đồng lên đồng chẳng khác nào hành hương di dưỡng tinh thần, về với Mẫu là tìm đến sự che chở, họ yên tâm và lên đồng thực sự là một ngày hội. Bà P.T.N (thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, sau mỗi lần lên đồng, bà thấy khỏe ra, tinh thần sảng khoái mà không cần đến thuốc men gì cả. Giải thích cho lý do này, ngoài yếu tố tâm linh mà theo các ông, bà đồng là sự che chở, phù hộ của Quốc Mẫu Tây Thiên, thì theo chúng tôi, rất có thể quá trình lên đồng đã tạo những khoái cảm cực độ ở các ông, bà đồng. Lúc lên đồng, các ông, bà đồng được sống trong sân khấu tâm linh, có ca, múa, nhạc, có sự tán thưởng nồng nhiệt của con nhang, đệ tử và đông đảo người xem, các ông, bà đồng lại trong vai diễn của các vị thần thánh, đứng ở cương vị thần thánh, hành động, lời nói, cử chỉ của họ được coi là của thánh thần – một địa vị mà các ông, bà đồng không dễ gì có được trong cuộc sống đời thường. Vì thế, sống trong không khí thưa có người dạ, nói có người nghe, tinh thần của họ dễ thăng hoa, dễ đạt được những khoái cảm tinh thần nên họ cảm thấy phấn chấn, sảng khoái hơn. Theo đó, đây cũng rất có thể là một phương thức để nhiều người đương đại tìm đến nhằm xả căn bệnh streess của mình, vì thế dân gian có câu “thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng quan”.
Giải trừ bệnh tật, cầu an, cầu tài lộc
Hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và sung túc là mục đích chính của số đông người, đủ mọi thành phần khi đến các đình, đền, miếu thờ Mẫu ở Tây Thiên. Tìm đến Mẫu để mong Mẫu che chở và phù hộ, ban cho sức khỏe, tài lộc để làm ăn, gia đình được yên ấm là lý tưởng chung của rất nhiều người. Nhiều người tìm đến tín ngưỡng thờ Mẫu như một chỗ dựa tinh thần để tăng thêm niềm tin vào cuộc sống, không chỉ những người gặp phải những cảnh đời éo le, ngang trái, phiền muộn trong cuộc sống tìm đến Mẫu mà có rất nhiều người, gia sự bình yên nhưng vào đầu năm, hàng tháng, ngày rằm, mồng một họ vẫn thường đến các đền thờ Mẫu để thắp hương, mong Quốc Mẫu Tây Thiên che chở, phù hộ để gia đình họ luôn được bình yên, mạnh khỏe. Bà P.T.T (phường Trưng Trắc, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, nếu có thời gian và sức khỏe là cứ ngày rằm, mồng một bà thường lui đến các đền Mẫu Hóa ở Tây Thiên để thắp hương cho Mẫu, xin Quốc Mẫu linh từ che chở cho gia đình bà mọi người được khỏe mạnh, làm ăn tấn tới, con cháu trưởng thành, ngoan ngoãn. Và, vì hay lui tới đây nên bà P.T.T cho rằng, nếu gia đình bà có gặp khó khăn thì chắc chắn cũng sẽ vượt qua được vì gia đình bà sẽ được Quốc Mẫu Tây Thiên che chở và giúp đỡ.
Chính vì thế, Quốc Mẫu Tây Thiên đã trở thành một chỗ dựa tâm linh, tinh thần để nhiều người vững tin hơn vào cuộc sống. Chị N.T.T (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội) cho biết, đứa con trai của chị hay ốm đau, bệnh tật, theo kinh nghiệm dân gian, chị đã đưa cháu gửi cho Quốc Mẫu Tây Thiên ở đền Thỏng hai năm nay, nên mỗi năm chị thường lên đây ba, bốn lần để làm lễ tạ và cầu xin Mẫu che chở cho cả gia đình.
Du lịch, thương mại và tìm hiểu văn hóa
Đây cũng là một xu hướng mới của bộ phận những người đến Tây Thiên gồm cả khách du lịch, doanh nhân và các nhà khoa học. Với nhiều khách du lịch, họ lên Tây Thiên để vãn cảnh núi non trùng điệp, kỳ vĩ, khí hậu trong lành, nhân tiện tham quan hệ thống đền, đình, miếu thờ Mẫu ở đây. Cùng với sự phát triển của dịch vụ du lịch thì lượng khách đến Tây Thiên để nghỉ dưỡng, tham quan, trong đó có đến thắp hương, xem hệ thống đền, đình, miếu thờ Mẫu ở đây cũng tăng lên đáng kể. Theo những ghi chép về công đức ở đền Thượng, đền Thỏng, đền Mẫu Hóa thì số lượng khách đến du lịch đến tham quan và công đức ngày càng nhiều và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Giải thích cho việc vì sao nhân dân các tỉnh, thành lại lặn lội tìm về Tây Thiên để công đức dù hệ thống thờ Mẫu có ở khắp nơi trong cả nước thì theo người quản lý của đền Mẫu Hóa, một bộ phận trong số họ dù làm ăn, sinh sống ở mọi miền đất nước nhưng quê ở Vĩnh Phúc hoặc các tỉnh phụ cận; một bộ phận khác là do một nhân duyên nào đó, nhiều khi là tình cờ, trong đó cũng không ngoại trừ việc Tây Thiên đã và đang trở thành một địa chỉ tâm linh có tiếng trong cả nước. Tuy nhiên, theo quan sát sơ bộ của chúng tôi, lượng khách du lịch đến Tây Thiên chủ yếu vẫn là các, thành phụ cận với tỉnh Vĩnh Phúc và rất hiếm có khách nước ngoài đến đây.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng ở Vĩnh Phúc chưa thực sự phát triển. Dù so với khoảng 8-10 năm trở về trước, vùng núi Tam Đảo mới chỉ rất hoang sơ thì nay, một bộ mặt mới của thị trấn Tam Đảo đã hình thành và nhiều khu du lịch sinh thái, điều đó cho thấy dấu ấn của các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, việc đầu tư vào Vĩnh Phúc hiện nay mới mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún và chưa có quy mô lớn. Theo đó, muốn thu hút hơn nữa khách tham quan du lịch cũng như phát huy thế mạnh của mình, tỉnh Vĩnh Phúc cần có một chiến lược dài hơi đẻ phát triển đồng bộ các yếu tố nói trên. Có như thế, việc thu hút và kêu gọi đầu tư vào tỉnh nhà mới thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đến Tây Thiên hôm nay còn có sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học, khảo cổ học. Qua các công trình viết về Tây Thiên mà các nhà khoa học đã công bố trong các hội thảo thời gian qua đã cho thấy, số lượng các nhà khoa học đến Tây Thiên để nghiên cứu về Mẫu, bên cạnh đó là tìm hiểu về Phật là khá nhiều. Với nhiều bằng chứng khoa học và dấu tích lịch sử, các nhà khoa học đã gợi mở và đưa ra nhiều vấn đề thú vị về thờ Mẫu ở Tây Thiên, nhiều giả thiết khoa học được đặt ra và khẳng định tính độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu ở đây như Quốc Mẫu Tây Thiên là người Sán Dìu, không phải người Kinh như Mẫu ở các vùng khác trong cả nước và mâm cúng Mẫu ở ngày lễ là do người Sán Dìu ở đây làm; hiện tượng nâng quyền của Mẫu ở Tây Thiên; giao lưu giữa Phật và Mẫu ở Tây Thiên…
Mua vui, giải trí
Đây là một xu hướng khá phổ biến hiện nay của các du khách đến hệ thống các đền thờ Mẫu ở Tây Thiên. Ông T.V.M, thủ nhang đền Mẫu Sinh (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, đầu xuân rất đông khách thập phương cũng như nhân dân trong vùng tụ tập về đền Mẫu Sinh để tham gia các trò chơi dân gian như: vật, kéo co. Thông thường thì các bậc cao niên, hội người cao tuổi của xã Đại Đình đứng ra tổ chức các trò chơi này và đã thu hút được đông đảo trẻ em, thanh niên đến những người già cả tham gia.
Bên cạnh đó, các buổi hầu đồng diễn ra trong suốt cả năm cũng thu hút được rất nhiều trẻ em trong vùng tham gia. Theo ông K.V.S, thủ nhang đền Trình (còn gọi là đền Thỏng, tọa lạc tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo) thì hầu hết các trẻ em tham gia vào buổi lên đồng để thỏa mãn sự hiếu kỳ, tòm mò và đặc biệt thích thú với các màn ban phát lộc của các ông, bà đồng. Dù giá trị vật chất của các món quà mà ông, bà đồng tung ra trong các buổi lên đồng là không lớn (thường là những đồng tiền với mệnh giá nhỏ và vừa, hoa quả, bánh kẹo và thực phẩm hàng ngày) nhưng hầu như ai tham dự các buổi hầu đồng đều thích thú, vui vẻ đón nhận. Với quan niệm đó là lộc thánh ban nên người nào nhận được nhiều quà thì người được nhận cũng được đồng nhất là được thánh thương nhiều và có những tín hiệu tốt lành ch những điều tốt đẹp sắp đến. Vì vậy, qua tâm trạng hồ hởi của những người tham dự lễ lên đồng để chờ ban phát lộc cũng cho thấy, tín ngưỡng thờ Mẫu ở những người này rất trong sáng, hồn nhiên và lên đồng chẳng khác một này hội. Theo đó, sự có mặt của những đối tượng này trong các buổi lên đồng làm cho không khí của sân khấu tâm linh trở nên vui nhộn hơn, đời thường hơn. Trên phương diện nhất định, lên đồng có những ý nghĩa rất tích cực chứ không hoàn toàn như những định kiến cực đoan về tín ngưỡng thờ Mẫu là bùa chú, mê tín dị đoan.
Một số mục đích khác
Hiện nay, không ít người đã nói nhiều, bàn nhiều về hiện tượng nhiều ông, bà đồng đua nhau lên đồng cả về số lượng lẫn quy mô các ván đồng để phô trương thanh thế, tiêu xài tiền một cách xa hoa lãng phí. Nhiều ông, bà đồng đã lợi dụng việc lên đồng của mình để tuyên truyền nhảm nhí, mượn gió bẻ mang, lấy cớ thánh phán lúc lên đồng để phục vụ mục đích không trong sáng của cá nhân, thậm chí là vu khống, bịa đặt và xuyên tạc, bóp méo sự thật. Ông H.V.V, Ban Quản lý đền Mẫu Hóa (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo) cho biết, nhiều ông, bà đồng lên đồng để trục lợi ở những người dân cả tin, có người phải bỏ ra 80 triệu đồng để cầu con trai theo đề nghị của các ông, bà đồng. Trong số tiền khổng lồ đó, chỉ một phần được dùng để sửa soạn, lo mâm cỗ, tiền lộc và các chi phí khác, còn một phần lớn là vào túi các ông, bà đồng. Lên đồng cũng là một nghề kiếm cơm của các thanh đồng. Chính những xu hướng biến tướng này đã đẩy lùi nhiều giá trị tích cực của lên đồng khiến lên đồng bị đánh giá là mê tín dị đoan, bùa chú, phù thủy.
Trong những năm trở lại đây, người ta thấy gần như bùng nổ hiện tượng lên đồng với sự gia tăng đáng kể của các ông, bà đồng. Liệu có phải là do xã hội phát triển, đời sống vật chất được nâng cao mà đời sống tinh thần nói chung và đời sống tâm linh nói riêng cũng được nâng lên hay là xã hội hiện đại tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro đối với cuộc sống con người nên người ta thường tin vào những điều may rủi ở đâu đấy là do một lực lượng siêu nhiên nào chi phối? Không ít người cũng băn khoăn sao ông đồng bà cốt, những người có căn cao số nặng ngày nay lại nhiều đến thế? Có một thực tế hiện nay là nhiều người đội lốt ông, bà đồng để chiêu tập con nhang, đệ tử, mở phủ cầu cúng, hành nghề xem bói, cúng bái để trục lợi. Nhiều người trong số họ không hẳn là cao số nặng, thậm chí là không có căn số gì mà chỉ tìm hiểu sơ qua tín ngưỡng về Mẫu để khua chiêng gõ trống trước con nhang, đệ tử và bàn dân thiên hạ.
Nhìn chung, do sự đa dạng về đối tượng và mục đích khi tiếp cận với tín ngưỡng thờ Mẫu nên cách thể hiện ở mỗi đối tượng là khác nhau. Tuy nhien, nổi cộm và đặc sắc nhất, linh đình nhất vẫn là hình thức hầu đồng (lên đồng). Đây được xem là ngày hội của các ông, bà đồng và hệ thống con nhang, đệ tử, những người tham gia vào buổi hầu đồng trong một không khí tâm linh vui nhộn có ca, múa, nhạc.
Còn thông thường thì hầu hết những người lên đình, đền, miếu của Tây Thiên thắp hương, dâng một số lễ vật tùy thuộc vào điều kiện và lòng thành cá nhân, công đức tiền bạc và cầu xin Quốc Mẫu Tây Thiên ban cho sức khỏe, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Việc cung tiến của những người hay lui tới các đình, đền, miếu thờ Mẫu ở Tây Thiên cũng tương đối đa dạng, có người cung tiến bằng tiền mặt, có người lại trực tiếp mua các đồ đạ (bình hương, khánh, chuông), lại có người tự bỏ công, bỏ tiền để xây dựng, tôn tạo một bộ phận nào đó trong các đình, đền, miếu như thường hợp ông Chiến, bà Nga (Hà Nội) tự bỏ tiền của tôn tạo lại ngôi mộ tổ ở đền Mẫu Hóa. Theo tài liệu ghi chép của Ban Quản lý đền Mẫu Hóa thì trước khi tôn tạo lại khang trang như ngày nay, ngôi mộ được tương truyền rất linh thiêng này là một tổ mối khổng lồ nằm gọn trong khuôn viên của đền Mẫu Hóa.
Có thể nói, đời sống tâm linh của người đương đại rất đa dạng, nhiều chiều và xu hướng sẽ ngày càng phong phú hơn. Phú quý sinh lễ nghĩa và đó cũng là mảnh đất cơ sở để tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và thờ Quốc Mẫu ở Tây Thiên nói riêng với những giá trị nhân sinh tích cực, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của người Việt phát triển lâu bền. Cho đến nay, lên đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn là một hiện tượng văn hóa tâm linh mà bên cạnh những giá trị đã được khẳng định vẫn còn có những ẩn số phức tạp. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đánh giá đúng, chân thực và khách quan những giá trị lịnh sử và văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và Quốc Mẫu Tây Thiên nói chung để không ngừng phát huy những mặt tích cực, hướng thiện cho con người hôm nay; đồng thời hạn chế tối đa những mặt tiêu cực, những biến tướng của tín ngưỡng này để nâng cao những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của người Việt.
Nguồn : BlOg Nam Khánh