Phần 1 : Vai trò quan trọng của Chầu văn trong hoạt động hành lễ “Lên Đồng”
Âm nhạc đáp ứng nhiều nhu cầu của cuộc sống con người, trong đó có mục đích phục vụ tôn giáo. Chúng ta tạm thời bỏ qua 1 số lý thuyết nhân chủng , nhân học để thừa nhận luận điểm trên là đúng vậy Chầu văn ra đời cũng là để phục vụ cho mục đích tôn giáo. Chúng ta gọi nó là “lễ nhạc”.
Lên đồng hay còn gọi là “hầu đồng, hầu bóng” là nghi lễ quan trọng, cốt yếu nhất của tục thờ Mẫu Tam Tứ phủ và Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Việt Nam. Chầu văn là linh hồn của nghi lễ lên đồng. Nói đến Chầu văn là đồng nghĩa nói đến hoạt động diễn xướng hầu bóng. “Chầu Văn” ra đời để phục vụ cho mục đích đó, phục vụ cho tôn giáo. Các giai điệu hát hầu là yếu tố đầu tiên, quan trọng chi phối toàn bộ hành trình 1 buổi lễ. Không có Chầu văn thì không thể hình thành được 1 vấn hầu. Đã có rất nhiều người cho Chầu văn là nhạc rock của Việt Nam. “Trong Shaman giáo nói chung và Lên đồng của Việt Nam nói riêng, âm nhạc có vai trò quan trọng, nó cùng với các yếu tố màu sắc, động tác múa, mùi vị chất kích thích (rượu, thuốc lá…) đưa ông bà đồng vào trạng thái ngây ngất (Ecstacy), nhập đồng” ( Trích “Đạo Mẫu Việt Nam; Ngô Đức Thịnh; Nxb Tôn Giáo; năm 2010, tr 97”).
Nhận định của Gs Ngô Đức Thịnh là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Tôi xin góp ý một điểm nhỏ nữa, theo tôi “hát văn” không chỉ là yếu tố gây thăng hoa, nó không đơn thuần là chất kích thích, vì tất cả các dòng nhạc đều có tác dụng gây hưng phấn chẳng phải riêng Chầu văn. Các tế bào thần kinh trong não bộ con người tiết ra một loại hóc môn gọi là dophamine khi chúng ta làm những công việc mà mình cho là hứng thú, gây cảm giác hưng phấn khoái cảm. Dophamine chỉ là một trong rất nhiều hóc môn gây khoái cảm (ngoài ra còn có adrenaline …), tính chất của hóc môn này mang tính hoạt động hướng ngoại, giác cảm mạnh. Tình dục ăn uống là hai hoạt động kích thích não bộ tiết ra nhiều là dophamine nhất. Ngoài ra khi chúng ta chơi game, dùng chất kích thích bia, rượu, thuốc lá, ma túy hay các hoạt động thể thao thì dophamine cũng được sản sinh ra với cường độ thấp nhưng liên tục, lâu dần nó sẽ tạo tập tính quen thuộc và gây nghiện. Âm nhạc cũng là một thứ gây kích thích với vùng não sản sinh dophamine. Người ta nghiên cứu chầu văn thấy rằng sự thay đổi tiết tấu, làn điệu liên tục trong một giá hầu cùng với nhịp ngoại, đảo phách tạo ra sự mông lung huyền ảo. Nó tác động não mạnh mẽ sản sinh ra dophamine gây khoái cảm, thích thú, say mê. Người đã có đồng đa phần “nghiện” hát văn và coi đó là tiên dược điều trị bệnh tâm lý. Sự sản sinh ra chất dophamine khi lên đồng cũng tương đương với khi con người thực hiện những nhu cầu khác trong cuộc sống. Nếu như những người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác theo điều tra tâm lý xã hội thì đa phần khi đã có tuổi thường mắc những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc hoặc Alzheimer. Vì những người này sử dụng quá nhiều chất kích thích phá hủy tế bào thần kinh và rối lọa vùng não sản sinh dophamine khiến cho chất này tiết ra không đều. Còn những người “nghiện” Chầu văn, lên đồng thì tới hiện giờ chưa thấy một nghiên cứu tâm lý học xã hội nào liên quan đến các bệnh thần kinh của những người tham gia hoạt động này. Và theo tôi thấy thì cũng chưa có ông bà đồng nào mắc những bệnh liên qua đến thần kinh khi đang có đồng cả (nếu có thì chỉ có trước khi họ tiễn căn,trình đồng, mở phủ mà dân gian gọi là cơ đầy). Thường những người hành lễ, những đồng thầy này lại rất minh mẫn tỉnh táo lúc không Hầu Thánh họ sống như người bình thường, lúc hành lễ thì họ tỉnh hơn bất cứ những người dự hầu. Vấn đề này quả thực là rất khó giải thích, có lẽ ta nên tin một phần vào tôn giáo, và dường như có một yếu tố thần bí nào chi phối họ, khiến cho họ có khả năng khác lạ so với người thường nhưng họ vẫn sống như người thường. “Vấn đề hầu đồng chỉ là một nghi thức đưa những người có tâm sinh lý khác biệt này trở về với cuộc sống thực tại” ( theo lý thuyết của GS Ngô Đức Thịnh trong “Lên Đồng hành trình của thần linh và thân phận”).
Tháng 7 năm 2011 “Trung tâm bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam” có sang giao lưu diễn sướng Hầu Bóng, Shaman giáo tại Hàn Quốc. Tuy văn hóa hai nước Việt Hàn rất khác xa nhau, nhưng cuộc lưu diễn đã để lại ấn tượng rất cao cho người dân Hàn Quốc. Và trong đó Hát văn là loại hình nghệ thuật kiến cho các ông bà đồng Hàn Quốc say mê nhất. Khi các cung văn hát các điệu Xá miền thượng, cả hội trường cả bị kích động và hùa theo nhịp múa của thanh đồng. Đó là do ý nghĩa của nghệ thuật là “không biên giới” hay do “ma lực” của Chầu văn? Tôi xin giải thích hiện tượng này như sau:
“Một thể loại nhạc xa lạ với người nghe nếu được phát lặp đi lặp lại để ám thị thính giả, nó đánh trực tiếp vào tâm lý cái lạ,biến từ cái lạ thành cái quen thì chắc chắn sẽ gây sung động tâm lý với người tiếp nhận nó. Hát văn chính là như vậy, trong lối hát hầu chúng ta sẽ bắt gặp những làn điệu lặp đi lặp lại, không phải vì Chầu văn có quá ít làn điệu mà là do hiệu quả kích động tâm lý mà nó mang lại. Cần phải biết Chầu văn là tập hợp của rất nhiều làn điệu dân ca Việt Nam, càng hiện đại thì nó càng tích hợp nhiều thể loại nhạc khác cho phù hợp với thị hiếu thực tế của người sử dụng.”
Ngoài ra ca từ của Chầu văn còn mang tính ám thị rất cao. Ca từ của Chầu văn thường có nội dung kể lại công lao của thánh thần, những lời tán tụng hoa mỹ vị thánh mà người hành lễ cầu đảo. Người hành lễ, các ông bà đồng thường coi mình là cái ngai, là cái ghế để cho “bóng” thánh chiếu vào, họ phải “tự ngã ám thị”với mức độ rất cao mới gây được hiệu quả “đổi diện” cho giống thánh thần (khái niệm này còn được gọi là bắt sát), để người xem, những con nhang đệ tử thấy được “bóng thánh” trong đó, làm nên thành công hào quang cho đồng thầy. Lời ca từ kể thần tích thánh thần có tác động ám thị rất cao với người hành lễ, để càng tạo cho họ niềm tin mình đang là thánh thần, đang có 1 vị thánh ngự trị trong tâm hồn mình, mới đạt được hiệu quả “thoát hồn, vong ngã” được. Chính vì tác dụng tâm lý của Chầu văn quá lớn, mà có một thời gian Chầu văn bị cấm rất nghiêm ngặt và bị coi là mê tín dị đoan, tất cả các hoạt động liên quan nó không còn được coi trọng như 1 hoạt động văn hóa đơn thuần nên mai một rất nhiều.
Bài viết : Trần Quốc Linh