Di sản đối diện nỗi lo bị biến tướng, trục lợi ? < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Tin tức

Di sản đối diện nỗi lo bị biến tướng, trục lợi ?

Di sản đối diện nỗi lo bị biến tướng, trục lợi ?


Nghi thức hầu đồng cần được hiểu và thực hành đúng đắn. Trong ảnh: Thanh đồng Trần Thị Kim Huệ đang thực hành nghi thức tại di tích Phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định. Font Size: |
Ngay trước thềm các hoạt động chuẩn bị cho lễ đón bằng vinh danh di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, những hồi chuông cảnh báo thực trạng giá trị di sản đang bị trục lợi lại vang lên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Nhiều biểu hiện lệch lạc

Bất kỳ ai nếu đã xem những clip chứa đựng các hình ảnh phản cảm lại được gắn “mác” di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang được lan truyền trên mạng xã hội, hẳn sẽ khó kìm nén được sự bức xúc. Sử dụng cả bản quốc ca thiêng liêng để nhảy đồng một cách kệch cỡm, thậm chí nhảm nhí đến mức thanh đồng để khách nhét tiền vào ngực trong khi hầu thánh, rồi phổ biến là hình ảnh các thanh đồng nhảy múa tưng bừng, không theo bài bản của một nghi lễ chính thống, cung văn lộn xộn… khiến cho người xem có cảm giác những giá đồng này như được tổ chức để mua vui.

Thanh đồng Trần Thị Kim Huệ (Phủ Giầy, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) chia sẻ, những hiểu biết phiến diện trong cộng đồng về giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt là nghi lễ hầu đồng ngay từ khi di sản được vinh danh đã khiến cho nhiều tín đồ đạo Mẫu băn khoăn. Nỗi lo biến tướng, làm cho di sản trở nên sai lệch với nguyên gốc đang tạo nên không ít lo lắng, với những biểu hiện như sân khấu hóa tràn lan, lợi dụng bảo tồn di sản văn hóa để trục lợi… Thanh đồng Trần Thị Kim Huệ cho rằng, không ít trong những biến tướng được nhìn thấy là các hành động lệch chuẩn, báng bổ thần thánh và nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ khiến cho tín ngưỡng này ngày càng đi chệch đường ray, mang đến cái nhìn sai lệch đối với di sản vốn dĩ là niềm tự hào của dân tộc.

Quyền Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, PGS,TS Từ Thị Loan cho rằng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, với nghi thức trung tâm là hầu đồng cần được gắn với môi trường tâm linh, không gian thiêng liêng, trang trọng. Những trường hợp mang hầu đồng ra biểu diễn trên sân khấu, thậm chí trong nhà hàng, hội chợ, đám tiệc mang tính mua vui đang làm cho tín ngưỡng này bị biến tướng.

Tại cuộc họp báo chuẩn bị cho lễ đón bằng vinh danh di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Nhiều người đã không hiểu chính xác giá trị cốt lõi của tín ngưỡng và cho rằng, lên đồng là toàn bộ nội hàm của di sản. UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một trong những cơ sở quan trọng để hiểu đúng và đầy đủ giá trị của di sản, đặc biệt với nghi lễ lên đồng – nghi lễ chính, trung tâm của thực hành tín ngưỡng…”.

Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, không thể để di sản bị ứng xử, lợi dụng một cách vô lối như thời gian qua. Những hiện tượng đề cập nói trên chỉ là những thí dụ điển hình để bàn đến câu chuyện về cách thức tổ chức thực hành tín ngưỡng thế nào cho chuẩn xác. Một trong nhiều giải pháp được các chuyên gia nhấn mạnh chính là vai trò của các thanh đồng trong thực hành tín ngưỡng. Cần tuyên truyền, phổ biến để chính các thầy đồng hiểu được những giá trị nhân văn cao đẹp, bản sắc văn hóa trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận. Những thầy đồng cần giữ phẩm chất của tín đồ thờ Mẫu, không “phán truyền”, không lợi dụng kiếm lợi, không lôi kéo và xúi giục thực hiện các hành vi mê tín dị đoan. Từ đó, những người thực hành sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và kế thừa, phát huy giá trị di sản.

“Loạn” danh hiệu cũng vì trục lợi

“Mở rộng hơn nữa là câu chuyện lạm dụng giá trị của nhiều di sản khác, không chỉ riêng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi…”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ VHTTDL mới đây đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về quản lý việc chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân”; công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự” và “Cây di sản”. Theo công văn, thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức vinh danh và công nhận “Cây di sản”, cấp bằng cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam, Bằng công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự”, Bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Bằng chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân”.

Bộ VHTTDL khẳng định, theo các quy định của pháp luật thì việc tổ chức vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận như trên là trái với thẩm quyền của các tổ chức Hội. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng không tổ chức các hoạt động nêu trên trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; hướng dẫn lập hồ sơ xếp hạng di tích và hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu Liên hiệp các Hội không có thẩm quyền dừng ngay việc tổ chức vinh danh công nhận “Cây di sản”; cấp bằng cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam; Bằng công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự”; Bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Bằng chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân” khi những hoạt động này chưa có quy định pháp luật cho phép thực hiện.

Đại diện Thanh tra Bộ lưu ý, những danh hiệu do các Hội không có thẩm quyền cấp là hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, việc xử phạt những trường hợp này cũng rất khó bởi thiếu các chế tài, cũng như chưa có tiền lệ. “Khi chúng ta ngày càng có nhiều di sản được thế giới vinh danh thì cũng có không ít hiệp hội, tổ chức lạm dụng, bám vào đó để trá hình, trục lợi. Nếu cứ để tiếp diễn thì sẽ dẫn đến tình trạng “loạn” danh hiệu, dùng các danh hiệu không có giá trị thật để thu tiền, thậm chí rất nhiều tiền…”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Những nguy cơ đã được báo trước. Đáng buồn là, cơ quan quản lý vẫn luôn chậm chân so với thực tế. Nếu không cấp thiết hành động, hậu quả sẽ là điều khó đoán.


MỘC MIÊN

Bài viết liên quan

TẬP TỤC THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM.

admin

Những nghi lễ ma thuật trong Tết Đoan Ngọ xưa

admin

Các Tứ trấn ở Việt Nam: Phong thủy hay tín ngưỡng ?

admin

Bình luận

Để lại Bình luận