CHIẾC NÓN LÁ
Nhắc đến một trong những hình ảnh gắn liền với đời sống của con người Việt Nam, chắc hẳn nhiều người sẽ dễ dàng liên tưởng tới chiếc nón lá, một vật dụng không chỉ bảo vệ con người khỏi những tác động xấu từ thiên nhiên, mà còn là vật trang sức hàm chứa trong đó những giá trị văn hoá sâu sắc song hành cùng chiều dài lịch sử Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi xin phép được tập trung đề cập tới dạng nón hình chóp(hay còn gọi là nón Trung Kỳ), có xuất xứ từ miền Trung nước ta, được sử dụng chủ yếu bởi nam giới trong cả nước và nữ giới Trung Bộ, nhất là xứ Huế, trở nên phổ biến trong cả nước kể từ những năm 40 của thế kỷ XX.
Những chiếc nón lá của tầng lớp nhân dân lao động thường được làm từ những nguyên liệu mộc mạc, đơn sơ gắn liền với làng quê. Nón được lợp bằng lá lụi, lá gồi, xếp lên những khung tre mảnh uốn thành hình tròn và khâu bằng sợi móc rất chắc chắn. Giữa 2 lớp lá nón là 1 lớp lót bằng mo nang(bẹ tre) hay mo cau, giúp cho nón cứng và bền hơn. Tuy giản dị, khiêm nhường nhưng những chiếc nón này được nhân dân ta coi là người bạn đồng hành, cùng nhau san sẻ bớt những gánh nặng của cuộc đời lam lũ. Những chiếc nón che mưa, che nắng cho những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn; các bà các cô tần tảo sớm hôm nơi có thể dùng nón làm chiếc rổ đựng hàng tiện dụng; người mẹ trở về từ phiên chợ, mang theo chiếc nón đầy ắp quà bánh và cả niềm vui mừng của những đứa trẻ; người khách bộ hành trong ngày nắng nóng chỉ việc dùng nón múc nước sông, nước giếng ven đường uống giải khát, hay dùng nón thay thế cho chiếc quạt phe phẩy giải nồng, . . .
Đối với tầng lớp vương tôn, quý tộc, những chiếc nón dứa(hay nón ngựa) lại mang một vẻ đẹp sang trọng và thể hiện óc thẩm mỹ cùng tay nghề tài hoa của người thợ thủ công xưa. Phần khung nón được đan cầu kỳ bằng những nan tre, nan giang chẻ nhỏ, tạo thành một bộ khung tuy thanh mảnh nhưng rất bền. Bên trong nón glà những hoa văn đầy màu sắc được thêu tinh xảo với các đề tài phong phú như rồng, phượng, bát bửu, hoa lá, cảnh vật, câu đối, bài thơ, . . . Nón thường được kết bằng nhiều lớp lá dứa hoặc lá cọ, khâu bằng những đường chỉ mảnh khéo như dệt vải, đội vừa nhẹ lại vừa mát. Người giàu sang thường bịt chóp nón bằng đồi mồi hoặc kim loại(đồng, thiếc, bạc, vàng) chạm trổ công phu hình Tứ linh(Long, Ly, Quy, Phượng), Tứ quý(Mai, Lan, Cúc, Trúc) cùng với những chữ Hán mang ý nghĩa chúc tụng như “Phúc Như Đông Hải”(福如東海), “Thọ Tỷ Nam Sơn”(壽比南山), “Vạn Sự Như Ý”(万事如意). Quai nón là một dải lụa tơ tằm mềm mại, có thể thắt lại ở 2 bên, hoặc thắt nút ở giữa, rủ chùm tua xuống ngực, thậm chí tới đầu gối người đội. Không chỉ mang chức năng che đội, những chiếc nón của giới phong lưu còn là phụ kiện làm tôn lên vẻ đẹp, nét duyên dáng khi phối với trang phục cũng như khẳng định quyền lực và vị thế của người đội.
Mọi người có thể dễ dàng liên tưởng tới vẻ đẹp vừa tế nhị, vừa duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam là vẻ đẹp gắn liền với vành nón lá. Hình ảnh người con gái trong tà áo dài thướt tha, với vàng nón bài thơ nghiêng che không những đi vào thơ ca nhạc hoạ mà còn để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng bao con người đã từng đặt chân tới xứ Huế mộng mơ:
“Nhớ Vỹ Dạ một chiều hoa bắp nở,
O đi về nghiêng nón giấu mặt anh.
Thẹn thùng chi, tình chỉ thoáng mong manh,
Áo O trắng như bóng mờ hư ảo . . . “
Hình ảnh cô gái với dải khăn rằn, chiếc áo bà ba, chiếc nón lá đội đầu mang đậm sắc hương đằm thắm, đặc trưng của đất và người Nam Bộ. Chiếc nón ấp ôm nét dịu dàng của cô thôn nữ Bắc Bộ gặt hái hăng say trên cánh đồng lúa vàng tươi ngày mùa. Chiếc nón theo chân những gánh hàng hoa bước qua từng con phố cổ là hình ảnh in đậm trong ký ức của bao thế hệ người Hà Nội, . . .
Trong đời sống hiện đại ngày nay, tuy nón lá không còn được sử dụng phổ biến như xưa, nhưng đâu đâu trên khắp dải đất hình chữ S này, chúng ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp vành nón thân thương ấy, từ những miền nông thôn Bắc Bộ hiền hoà, qua dải đất miền Trung đầy nắng và gió cho tới vùng sông nước Cửu Long. Chiếc nón lá không đơn thuần nằm trong những phạm vi xưa cũ nữa mà luôn luôn được cải tiến để mang theo những hơi thở mới của thời đại. Chiếc nón lá bước lên sàn diễn thời trang cùng những bộ sưu tập đương đại, đi cùng lời ca, tiếng hát, điệu múa của người nghệ sĩ. Chiếc nón lá trở thành món đồ trang trí đặc sắc, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, món quà lưu niệm được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng khi ghé thăm Việt Nam, . . . Từ xưa tới nay, hay mãi mãi về sau, chiếc nón lá vẫn mang một sức sống mạnh mẽ trường tồn với thời gian.