Đền Bắc Lệ < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Lễ hội - Đền phủ Tin tức

Đền Bắc Lệ

Người Việt có câu “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Tục thờ Mẫu trở thành nét độc đáo mang đậm cốt cách tâm hồn Việt. Chính vì vậy, khắp nơi trên đất Việt đều có sự hiển linh của thánh Mẫu. Các trung tâm thờ Mẫu Liễu lớn đều gắn liền với các huyền thoại giáng trần của bà. Mẫu Liễu giáng trần lần thứ nhất ở Vụ Bản Nam Định. Ở đây có Phủ Giầy. Mẫu Liễu gặp gỡ các văn nhân bên Hồ Tây, nơi đây có Phủ Tây Hồ. Mẫu Liễu giáng trần ở Thanh Hóa. Và Mẫu Liễu đi vân du lên Lạng Sơn, nơi đây cũng trở thành một trung tâm thờ Mẫu và tiêu biểu là đền Bắc Lệ.
Tiệc Công Đồng Bắc Lệ hay nói gọn là tiệc sơn lâm hội đồng tức là hội chung các đền Thánh của tỉnh Lạng Sơn mà trung tâm vân tập chính là ở đền Bắc Lệ, Hữu Lũng.

Xưa nghe hóng chuyện các đồng trưởng thấy các cụ chỉ dạy đón tiệc sơn lâm hội đồng tại đền Bắc Lệ, lấy ngày 20-21/9 âm lịch hàng năm là kỳ nghênh tiệc chung, do bởi không rõ ngày tiệc riêng của từng vị nên kể cả tiệc trên đền Suối Lân, Mỏ Ba, Chi Lăng, Chín Tư kéo xuống dưới có đền chúa Đèo, chúa Dầu, Suối Ngang, Voi Xô Y Đồng cũng y theo chính hội thu mà bái Thánh. Lấy ngày đó là ngày tiệc chung nên mới gọi là tiệc hội đồng.

Chứ không như hiện nay các vị có thần tích rõ ràng, có ngày tiệc riêng như các lính bốn phủ vẫn công khai viết trên các trang page về Tứ Phủ (chưa kiểm chứng được cụ thể). Cũng có thể là đúng, mà có thể là hiểu lầm hoặc do một số nguyên nhân khác dẫn đến…

Nhớ ngày hội mùa, trước là mừng mùa gặt hái bội thu mà người vật được sung túc ấm no nên tạ ơn Phật, Thần. Sau là mừng cơm mới cúng dâng tiên tổ, tiền nhân và mở hội vui cho dân được nhớ ơn mưa móc. Vậy nên các xứ lấy làm trọng ngày hội mùa Thu để từ ấy có nên truyền thống lễ hội này trên khắp các miền sông, núi thượng du xứ Bắc. Ơn vậy nên nhớ vậy, cảm vậy và mừng vậy

Đông Cuông Thánh Ngự Một Ngôi
Dưới Thời Bắc Lệ Đôi Nơi Quê Nhà
Kẻ Xuôi Ngược Cúc Cung Vọng Bái
Nhớ Tiền Đông Hậu Bắc Quy Lai.

Ban thờ Mẫu ở đền Bắc Lệ thuộc xã Tân Thành huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn thì có bốn pho tượng Mẫu, bốn Mẫu cai quản bốn phủ: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền nhân gian), Nhạc phủ (miền rừng), Thoải phủ (miền sông nước). Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Địa, cai quản miền nhân gian. Các Mẫu đội mũ có hình Mặt trời, chân ngồi xếp bằng, tay trái đặt trên đùi, tay phải giơ lên ngang bụng, ngón cái và hai ngón giữa nắm hờ, ngón trỏ và ngón út để thẳng, gương mặt nghiêm nghị. Lạng Sơn gắn liền với huyền thoại Thánh Mẫu Liễu Hạnh chờ đón Trạng Bùng (Phùng Khắc Hoan) ở nơi địa đầu của tổ quốc trên đường ông đi sứ Trung Quốc về, nhắc nhở ông lập đền ở đây. Ở Lạng Sơn thường phối tự thờ Mẫu theo kiểu “tiền Phật hậu Mẫu” (rước Mẫu vào thờ trong chùa). Riêng có Đền Bắc Lệ là đền thờ Mẫu, thờ tứ phủ công đồng (thờ tất cả các chư vị ở bốn miền vũ trụ) nhưng đặc biệt coi trọng các vị thần linh miền nhạc phủ (miền rừng núi) mà đứng đầu là Mẫu Thượng Ngàn (Bà Chúa Sơn Trang). Cô Bé Thượng Ngàn – Cô Bé Bắc Lệ (Chầu Bé) thay mặt thực hiện các ý đồ sáng tạo của Mẫu trở thành linh hồn của đền Bắc Lệ. Yếu tố địa phương đặc biệt nổi trội trong tín ngưỡng Thờ Mẫu ở Lạng Sơn. Tuy nhiên yếu tố này không phá vỡ tính thống nhất tương đối trong quan niệm thờ Mẫu của người Việt.
Sự ảnh hưởng của Mẫu Liễu sâu đậm đến mức được kể thành truyền thuyết và được ghi thành văn tự tại Bắc Lệ, đó chính là hiện tượng đồng nhất.
Phong tục thờ Mẫu nói chung và bà Chúa Thượng Ngàn ở đền Bắc Lệ nói riêng là một tín ngưỡng dân gian có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc. Từ xa xưa, đền Bắc Lệ trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh thờ Mẫu sâu rễ bền gốc của các tầng lớp nhân dân từ khắp mọi miền tổ quốc thậm chí cả du khách nước ngoài. Cùng với thời gian và lòng thánh kính của nhân dân, “Bắc Lệ linh từ” ngày càng nổi tiếng linh thiêng trong hệ thống đền thờ Mẫu của cả nước.

Bài viết liên quan

Đền Phong Mục Hàn Sơn

admin

NÓN LÁ VÀ ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG CHƠI PHỐ.

Cuối Mùa Rơm

Bản văn Chúa Bà Năm Phương

admin

Bình luận

Để lại Bình luận