Các di tích ở Phủ Dầy hạ biển chỉ dẫn: Cần gọi đúng tên < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Tin tức

Các di tích ở Phủ Dầy hạ biển chỉ dẫn: Cần gọi đúng tên

(Thethaovanhoa.vn) – Liên quan đến vụ việc đặt biển chỉ dẫn sai tên di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định), theo chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa và Thanh tra Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL Nam Định đã đề nghị huyện Vụ Bản, xã Kim Thái tổ chức cuộc họp về việc đặt tên gọi của các di tích thuộc quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy.

Những ngày qua, nhiều di tích trong quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy tự ý thay đổi tên gọi đã phải tiến hành hạ biển tên. Bên cạnh đó, một số ý kiến của các thủ nhang và người dân địa phương vẫn mong muốn những vấn đề liên quan đến tên gọi của từng di tích cần được làm rõ, cũng như các di tích sớm được đổi lại tên gọi đúng với hồ sơ.
Quần thể di tích ở Phủ Dầy hạ biển tên…

Chúng tôi vừa có mặt tại Phủ Tiên Hương, một trong những di tích thuộc quần thể di tích Phủ Dầy khi ở đây đang tiến hành hạ hai tấm biển ghi “Phủ Chính Tiên Hương”. Theo bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương, tấm biển này đã được treo tại di tích từ lâu. “Người dân địa phương và du khách về lễ bái vẫn thường gọi nơi đây là Phủ Chính. Tuy nhiên, chấp hành chỉ đạo của chính quyền, chúng tôi đã hạ xuống những tấm biển tại di tích cũng như biển chỉ dẫn phía bên ngoài đường đi”, bà Huệ cho biết. Cùng thời gian này, khi chúng tôi có mặt tại Phủ Vân Cát thì các biển đề “Phủ Dầy – Phủ Chính Vân Cát” ở xung quanh di tích cũng đã được hạ xuống. Còn tấm biển ở cổng chào nằm cách di tích chừng hơn 100 mét vẫn còn nguyên nội dung “Phủ Dầy – Phủ Chính Vân Cát kính chào quý khách”.
Chú thích ảnh

Chấp hành chỉ đạo của chính quyền địa phương, thủ nhang Phủ Tiên Hương đã hạ biển tên di tích được treo lâu nay

Trước đó, như Báo Văn Hóa đã thông tin, trong năm 2018 thủ nhang Phủ Vân Cát là ông Trần Văn Cường đã đổi từ tên gốc Phủ Vân Cát thành “Phủ Chính Vân Cát”. Tại di tích cũng treo nhiều biển, bảng không đúng với tên gọi di tích như trong hồ sơ xếp hạng, gây hiểu lầm trong dư luận. Tại thời điểm đó, ông Trần Lê Hưng, đại diện dòng họ Trần Lê đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền về việc treo sai tên gọi di tích. Theo ông, những tấm biển ghi danh sai lệch hồ sơ này sẽ khiến cho du khách thập phương hiểu nhầm, dẫn đến những hệ lụy không đáng có. Khi đó ông Hưng cũng đã bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn để trả lại đúng tên gọi cho di tích.

Trả lời về những vấn đề liên quan đến tên gọi các di tích trong quần thể Phủ Dầy, ông Nguyễn Tài Sinh, Trưởng phòng VHTT huyện Vụ Bản (Nam Định) cho biết, sau cuộc họp ngày 10.9 vừa qua do huyện Vụ Bản, xã Kim Thái tổ chức, các di tích đã cơ bản chấp hành việc hạ biển ghi danh. Sau khi hạ, các di tích sẽ đổi lại tên gọi đúng với nội dung Quyết định số 09/VHQĐ ngày 21.2.1975 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) ban hành về việc xếp hạng Khu Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy. Trong đó, quần thể di tích được xếp hạng gồm: Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và các di tích có liên quan thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản.

“Các di tích thuộc quần thể tự thay đổi tên gọi đang triển khai việc hạ biển và dự kiến trong tháng 9 này sẽ hoàn tất việc thay biển tên mới theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau này, di tích nào thấy tên gọi chưa phù hợp, không đúng với lịch sử, hồ sơ lưu giữ thì cần có ý kiến bằng văn bản trình lên các cấp có thẩm quyền để xem xét…”, ông Sinh cho biết.
Chú thích ảnh

Gỡ biển Phủ Chính Phủ Vân Cát xung quanh di tích, nhưng biển tên chỉ dẫn sai lệch này vẫn chưa được tháo ở cổng chào (ảnh chụp sáng 17.9)

Đề nghị tổ chức hội thảo làm rõ tên gọi các di tích

Thủ nhang Phủ Tiên Hương, bà Trần Thị Huệ chia sẻ, với trách nhiệm của một công dân, một thủ nhang trông coi di tích quan trọng, gắn liền với di sản văn hóa Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt được UNESCO ghi danh, việc chấp hành các chỉ đạo của chính quyền, cơ quan quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, đối chiếu với các hồ sơ lưu trữ, nguyện vọng của người trông coi di tích và nhân dân địa phương vẫn mong muốn di tích sẽ được trả lại tên gọi đúng với hồ sơ. Trên thực tế, qua nhiều thập kỷ số đông người dân và du khách thập phương đều gọi Phủ Tiên Hương là Phủ Chính, Phủ Vân Cát là Phủ Vân. Bên cạnh đó, ở các văn bản có giá trị pháp lý cũng như một số sắc phong, đồ thờ tự cổ tại di tích Phủ Tiên Hương đang lưu giữ đều có ghi “Phủ Chính” hoặc “Phủ Chính linh từ”.

Theo kết quả khảo sát, nghiên cứu tên gọi các di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy của Ban quản lý di tích danh thắng (Sở VHTTDL Nam Định) công bố ngày 5.3.2019 cũng nêu rõ một số hiện vật cổ có giá trị về thời gian và lịch sử tại Phủ Tiên Hương gắn liền với từ Phủ Chính, gồm: Bia “Tiến cúng Điền Bi” bằng đá, niên đại Thành Thái 4 (năm 1892); Bia “Thập phương cúng ngân bi ký” bằng đá, niên đại Duy Tân 8 (1914); Bia “Quan lại cúng ngân bi ký” bằng đá, niên đại Duy Tân 8 (1914); Bia “Tiên Hương phủ từ tự điền bi ký” bằng đá, niên đại Duy Tân 8 (1914); Chóe bằng sứ, niên đại cuối thế kỷ 19; Đỉnh hương bằng đồng, niên đại đầu thế kỷ 20; Con dấu bằng đồng, niên đại thế kỷ 20; Chuông đồng, niên đại Thành Thái 8 (1896). Bên cạnh đó, bát hương, lọ, hạc, khánh… đều có ghi “Phủ Chính” hiện vẫn đang được lưu giữ tại di tích.
Về Phủ Vân Cát, cũng theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Nam Định, qua tổng hợp các hiện vật, đồ thờ tự cùng các nguồn tư liệu khác cho biết, tên di tích được gọi là Phủ Vân Cát chứ không phải là “Phủ Dầy- Phủ Chính Vân Cát”. Bà Huệ cho biết thêm, theo ý kiến của chính quyền địa phương, với tư cách thủ nhang Phủ Tiên Hương, bà sẽ gửi đơn đề nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để đề đạt nguyện vọng xin đổi tên di tích đúng với các hồ sơ lưu giữ nói trên. Theo bà Huệ, tháng 3.2019, bà đã đề nghị các cấp có thẩm quyền, các cơ quan nghiên cứu khoa học tổ chức cuộc hội thảo để làm sáng rõ tên gọi các di tích thông qua các văn bản pháp lý, sắc phong, đồ thờ cổ đang được bảo vệ và lưu giữ tại di tích, từ đó có cơ sở để đề nghị chính thức được thay đổi tên di tích “Phủ Tiên Hương” thành “Phủ Chính”; đổi tên di tích “Lăng Liễu Hạnh” thành “Lăng Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa”.



Theo Hoàng Vy – Báo Văn hóa

Bài viết liên quan

‘Tiền chùa’ có chủ liệu có hết tranh chấp ?

admin

NGUỒN GỐC MÊ TÍN

admin

Góc nhìn về Mê tín

admin

Bình luận

Để lại Bình luận