Thánh Mẫu hạ trần ở Kẻ Sỏi - Nghệ An < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Lễ hội - Đền phủ Nghiên cứu tín ngưỡng Tin tức

Thánh Mẫu hạ trần ở Kẻ Sỏi – Nghệ An

Thánh Mẫu hạ trần ở Kẻ Sỏi – Nghệ An

Lại nói Tiên Chúa khi rời Tây Hồ vào làng Sóc Nghệ An năm Hoàng Định (1609). Đây là nơi núi bọc phía nam, khe núi róc rách chảy phía bắc, lại có rừng đào. Cảnh sơn thuỷ hữu tình nơi đây thật hữu tình.

Tiên Chúa ngồi tựa gốc lan bên hòn đá trắng, ngắm nhìn mấy cánh hoa rơi rồi lại bách bộ bên bờ suối nhặt mấy bông hoa bồng bềnh trên mặt nước. Trời xế chiều đàn quạ già kêu vang ủ rủ nhau về tổ. Bỗng dưới chân núi có một thư sinh tuấn tú, tư cách thanh kì đi tới, Tiên Chúa liền đứng từ xa nói :

– Thiếp nây nhân quá bước xem hoa, lạc đường muốn đến nhà trọ nhà ông một đêm, xin đừng câu lệ thế tình.

Thư Sinh còn gọi Mai Sinh, ngờ vực người con gái trăng hoa nên tảng lờ rảo bước đi nơi khác. Hoá ra như sinh nguyên là chồng cũ của Tiên Chúa, vì sầu não mà thác. Nay lại đầu thai ở vùng này thành người có tài “ Tựa ngựa mình làm thơ ”, lại tuấn tú khiến gái yêu tung hoa vứt quả làm duyên. Nhưng phiền nỗi mẹ cha sớm khuất tứ cố vô thân, vợ con chưa có anh em thì không, bởi chưa rõ tiền duyên nên chàng thờ ơ lảng tránh.

Lại một hôm, Mai Sinh dạo chơi thấy cây đào bên đường có bức hoa tiên đề thơ, Xem thơ, Mai Sinh cảm phục khen:

– Lời thơ tươi đẹp, không ngờ trong thế gian lại có nữ sĩ dường này, nói song liền hoạ thơ để lại. Đề thơ song chàng mơ màng như trong mộng, muốn vào rừng tìm bạn lại e đường đột, đành ngồi dưới gốc cây, bàng hoàng nhìn quanh, mãi đến hoàng hôn xuống mới uể oải bước về nhà. Mưa xuân rả rích như gợi thêm sầu, chàng liền lấy bút đề thơ để nói lên tình cảm nồng nàn của mình với ai đó mà chưa được gặp.

Ngày hôm sau, trời quang mây tạnh, Mai sinh vừa đi vừa tưởng tượng bài thơ hôm trước gửi cành đào, chắc đã rách nát không còn nhưng lạ thay! Khi Sinh đến thì hoa đào tháng hai vẫn nở rộ, cành lá tốt tươi và bài thơ của mình cài lại còn lại nguyên nét mực, chỉ hận không thấy nữ nhân tài hoa, xúc động trước sự kì dị, Mai Sinh mường tượng người đẹp mới gặp hôm trước, lại giận mình kém cỏi không biết nhìn nhận nên đã làm ngơ, chàng lấy bút hoạ thơ :

“ Vạn chủng tương tư thân nhận tài

Tầm phương nhẫn phụ tử trùng lai

Sổ hàng cầm tư nhân như tại

Nhất trận xuân phong hoa chính khai

Thuỳ cố trùng mông quân hữu ý

Khiên kì thác hận ngã vô môi

Hu ta kì ngộ thành ô hữu

Sầu hải mang mang lãng đô bôi ”.

Tạm dịch:

Muôn gốc tương tư chăm bón hoà

Tìm hoa sao nỡ để lạt phai

Chữ gấm còn kia người đâu nhỉ

Một trận gió xuân hoa đầy cành

Những tưởng giai nhân thương hạ cố

Nào ngờ đang dở biết cậy ai

Than ôi kì ngộ thành nỡ dở

Bể sâu chén rượu biết sao đây

Lạ thay vừa đề thơ xong thì xa xa có tiếng người:

– Chàng quân tử đến đấy à?

Mai Sinh trông rõ người tiên cốt cách đường hoàng, vội rảo bước tới cúi chào đáp:

– Hôm trước được mỹ nhân để ý, tự nghĩ tài mọn không xứng nào dè hận tình nhã ý, quyến luyến không quên, hôm nay được tái ngộ là điều vinh hạnh, không rõ kiếp tu nào bao giờ mà được hạnh ngộ.

Tiên Chúa mời Mai Sinh cùng ngồi lên phiến đá nói :

– Thiếp là con nhà quan ở huyện bên, Song thân mất sớm, nhà cửa đều tiêu điều, có ý muốn yên số phận nhưng ngại chẳng gặp duyên lành. Thiếp muốn xa lánh nơi phồn hoa, ẩn nơi rừng núi tránh những kẻ phàm phu tục tử. Nhận thấy chàng là người nho nhã nê đem lòng quyến luyến, liệu có phải đây là duyên kiếp ba sinh không vậy ?

Mai Sinh cả mừng nói:

Tiểu Sinh vô cùng cảm tạ, xin nhờ cậy người làm mối cho đôi ta thành sự.

Nghe vậy Tiên Chúa cười nói:

– Kẻ trượng phu không cần câu chấp lễ nghi lặt vặt. Xem như nàng Văn Quân, nàng Hồng Phất tự tìm đến tình yêu, đời sau ai có chê cười là trái lễ, mà khen là biết yêu tài .

Thiếp và lang quân trên không còn cha mẹ, dưới không có thân thích, tri kỉ gặp nhau, một lời tựa đá vàng còn cần chi mai mối.

Nghe vậy Mai Sinh yên tâm, hai bên đề thơ xướng hoạ rồi về nhà bày bàn thờ vái lạy trời đất, đính ước vợ chồng. từ đó sắt cầm hoà hợp, kính yêu lẫn nhau rất là đằm thắm.

Nhưng cũng từ đó Mai Sinh mải mê khuê phòng, lơ là việc học hành. Một đêm Tiên chúa đang ngồi dệt cửi, Sinh cũng vừa học ở trường về, liền ngồi đứng dưới trăng đốt hương uống rượu vui vẻ. Sinh lại cao hứng bảo vợ :

– Sắc thu sáng, mặt trăng trong, hai mươi tám ngôi sao phân minh, ái khanh, ái khanh với đêm thanh này tính sao ?

Nhận biết chồng có ý lả lơi, Tiên Chúa liền nhận lời Sinh lấy 28 ngôi sao làm đề viết thành thơ :

Nữ nhan thuỳ vị viễn thư phòng

Tất bả nguy lâm định phủ trường

Lân Chấn thất hư phân bích diễm

Nguyệt đê mão giác tá lâu quang

Liễu văn tinh bỉnh tu tham cứu

Cơ phó ngưu mao yến tỉnh tường

Thuỷ thổ khuê hàn tranh quỉ đầu

Vũ món dực vĩ sấn dương cang.

Tạm dịch:

Nữ sắc ai khuyên lánh thư phòng

Để yên việc học chống cuồng ngông

Nhờ ánh sao soi trên vách sáng

Mượn trang chiếu tỏ dọc làn thông

Văn chương sách sử chuyên khảo cứu

Đạo học gần xa phải tỏ tường,

Nhả ngọc phun châu tên ngời sáng

Cửa rồng rộng mở bước thênh thang.

Sinh thấy Tiên Chúa dùng thơ khuyên mình chăm học có vẻ liền phật ý lièn hoạ ngược lại, tỏ rõ ta là bậc tài cao tạm dịch như sau:

Nuốt sao Ngưu, đào giếng xá chi

Đạo học xưa nay kém nỗi gì

Chữ để trên vách quỉ thần khiếp

Thơ ngâm lầu nọ động trăng sao

Tài so Liễu Tôn Nguyên đời Đường

Học so Trương Tử Phòng đời Hán

Tiên nữ đêm thanh sao chẳng biết

Đem cánh hoa quế vào phòng ta.

Xem thơ của Mai Sinh, Tiên chúa nói:

– Nhà thơ đã học phải biết mình, trước lấy văn thơ tiến thân, sau phải đem tài kinh luôn giúp đời. Nếu chỉ đẽo gọt từng câu chữ, sính lạ khoe tài, chuộng cái hư danh của nhà nho giả liệu có ích chi ?

Nghe ra, Mai Sinh nhận ra lỗi mà ràng:

– Tiểu Sinh đã tự phụ đôi chút tài mọn, đến lỗi ngông cuồng, nay được nghe lời vàng ngọc, xin ghi nhớ không phóng túng như trước nữa .

Nghe chồng nói, Tiên Chúa mừng thầm, hy vọng sự thành đạt của Mai Sinh .

Thấm thoát đã trọn một năm, Tiên Chúa sinh con trai khôi ngô, vợ chồng hoan hỷ khôn xiết. Sang năm sau việc vui lại đến, Mai Sinh thi đỗ được làm quan tại viện hàn Lâm. Vợ chồng sống hạnh phúc, lại có phần hãnh diện. Nhưng khi dảnh việc quan, Mai Sinh thường về cùng với Tiên Chúa chăm con và xướng hoạ làm vui.

Bỗng một đêm cuối mùa xuân, vợ chồng đang ngồi bên lò trầm hương thì tiên Chúa ứa nước mắt, âu sầu ủ rũ, Mai Sinh kinh ngạc vỗ về và hỏi nguyên cớ, buộc lòng Tiên Chúa nói :

– Chàng ơi, thiếp không phải là người trần gian, mà chính là Tiên nơi Thưọng giới, vì mắc tội đánh vỡ chén ngọc nên bị trích giáng xuống trần gian, cùng chàng kết duyên vợ chồng là duyên từ kiếp trước đã định. Nay thời hạn đã hết, thiếp phải về Tiên cung. Nghĩ đến chồng, đến con thơ mà phải chia lìa sao cầm được nước mắt. Nhưng chàng ơi! Dẫu thiếp có đầy lòng thương cảm cũng không thể làm khác được !

Sinh nghe vợ nói hết sức bàng hoàng, đau khổ không nói lên lời, nước mắt chứa chan nhìn vợ. Tiên Chúa cảm thương vội vàng cầm tay và trao con chồng nhưng không nỡ rời nhau. Nhưng tiến xe loan đã văng vẳng đâu đây và người Tiên cũng đã biến mất, chỉ còn hương thơm thoảng qua làn gió, khiến Mai Sinh rầu rĩ, chán trường nước mắt lưng tròng ngày ngày sầu cảm, không biết việc quan nữa. Đôi lúc hoa sớm trăng lên, lòng buồn man mác chỉ biết gửi tình trên trang giấy, lời lẽ ai oán không sao kể xiết….

Từ ngày Tiên Chúa về trời, Mai Sinh buồn bã sinh ốm đau, nhiều khi ôm con than thở :

– Người ta dấn thân vào chỗ quan trường, trước lo phò nước, sau để nuôi cha mẹ vợ con. Nay ta tài hèn sức mọn, việc nhà dở dang thì còn trói buộc trong danh lợi làm gì nữa?

Mai Sinh liền xin cáo quan, về rừng đào làm nhà trú ngụ, nuôi dậy con cái, lúc nhàn hạ thì gửi tâm hồn vào bầu rượu túi thơ, trọn đời ở vậy ôm ấp kỷ niệm xưa. gửi gấm tình thương nhớ vợ vào việc dậy con cái lên người, sống cuộc sống tiêu diêu ngày tháng.

Bài viết liên quan

Bàn về tương quan giữa Hai dòng tín ngưỡng Thờ Nhà Trần và Tứ Phủ với Thánh Mẫu

admin

Dòng chảy nghi lễ hầu bóng từ Bắc vào Nam

Cuối Mùa Rơm

Nghi lễ Then của người Tày

admin

Bình luận

Để lại Bình luận