Bàn về đối tượng thờ phụng trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc.
Đây là điều khác biệt giữa ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ với ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ. Trong các ngôi chùa Khmer, theo truyền thống của Phật giáo Nam tông, lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường được thể hiện qua các bức tranh vẽ trên tường và trên trần ngôi chính điện.
1. Tượng thờ trong chùa Việt ở miền Bắc diễn tả lịch sử Đức Phật Thích Ca
Đó là những sự kiện quan trọng liên quan đến Phật Tổ từ khi giáng sinh, trưởng thành, lập gia đình, xuất gia tu hành, tu tập đắc đạo, quá trình truyền giáo,… cho đến khi nhập Niết bàn vào năm 80 tuổi, dưới hai cây Sa La.
Trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc, chủ yếu theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa, lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thể hiện qua các pho tượng bài trí từ thấp đến cao trên Phật điện. Cụ thể, ở tầng thấp nhất, thường là lớp tượng thứ năm từ trên xuống, là pho tượng Cửu Long. Tượng này mô tả về sự kiện khi Đức Thích Ca Mâu Ni vừa giáng sinh từ nách phải của Hoàng hậu Ma Da, có chín con rồng phun nước xuống cho Ngài tắm, đoạn Ngài đi bảy bước, mỗi bước chân nở một hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý hơn cả). Cho nên, bộ Cửu Long được tạo tác theo kiểu ở chính giữa có pho tượng nhỏ đứng một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, vây bọc trên cao và xung quanh là chín con rồng, chư Phật, chư Thiên, bát bộ Kim Cương, nhã nhạc, cờ phướn.
Trong nhiều Phật điện ở miền Bắc, thường là lớp tượng thứ tư hoặc thứ ba từ trên xuống, bày tượng Tuyết Sơn. Tượng mô tả cảnh Thích Ca tu khổ hạnh/đầu đà ở núi Tuyết Sơn, ban đầu mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng/hạt kê, rồi tiến tới bảy ngày ăn một hạt, nên thân hình gầy còm ốm yếu. Do vậy, tượng Tuyết Sơn được làm theo hình dáng một người mặc áo nhưng gầy yếu tới mức da bọc lấy xương, nên dân gian còn gọi là “ông nhịn ăn mà mặc” để đối lập với “ông nhịn mặc mà ăn” là tượng Phật Di Lặc béo tốt, chỉ mặc có manh áo lơ thơ, để phơi cả bụng và ngực ra, miệng luôn cười hớn hở.
Ở lớp tượng thứ ba hoặc thứ hai từ trên xuống thường bày bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh: ở giữa là tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bên trái hoặc đứng trên tòa sen hoặc ngồi trên con sư tử xanh là tượng Bồ tát Văn Thù, bên phải hoặc đứng trên tòa sen, hoặc ngồi trên con voi trắng và Bồ tát Phổ Hiền. Nhiều Phật điện, ở vị trí này, lại bày tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi cầm hoa sen (Niêm hoa/Niêm hoa vi tiếu), bên trái là tượng Ca Diếp với vẻ mặt già, bên phải là tượng A Nan với vẻ mặt trẻ, hai đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca khi Ngài còn tại thế. Pho tượng Đức Phật trong bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh hay trong bộ Niêm Hoa đều nhằm diễn tả Thích Ca đã tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.
Ngoài ra, trên một số Phật điện ở miền Bắc còn bày tượng Phật Thích Ca Nhập Niết bàn. Tượng Phật Tổ được tạo tác theo dáng nằm, áo phủ toàn thân, tay phải gấp lại chống lên đầu, tay trái để tự nhiên thẳng lên trên chân, hai chân duỗi thẳng, hai mắt hơi nhắm lại như đang ngủ ngon lành.
Các pho tượng Thích Ca sơ sinh/Cửu Long, Tuyết Sơn, Hoa Nghiêm Tam Thánh, Niêm Hoa và Thích Ca Nhập Niết bàn đều nhằm minh họa cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc ngài giáng sinh, xuất gia tu hành nhưng chưa đắc đạo ở giai đoạn đầu, đến lúc thật sự thành đạo, quá trình thuyết pháp độ chúng, cuối cùng là nhập diệt/nhập Niết bàn.
2. Tượng thờ trong chùa Việt ở miền Bắc diễn tả lịch sử Phật giáo Đại thừa
Lớp trên cùng trên hầu hết Phật điện ở miền Bắc bày ba pho tượng để ngang một dãy, hình dáng giống nhau, gọi là Tam Thế Phật, nói tắt là bộ Tam Thế. Có nhiều cách phân chia Tam Thế Phật.
Nếu phân chia theo thời gian/thế hệ, Tam Thế Phật bao gồm Phật Nhiên Đăng, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc. Đây là ba vị Phật đại biểu của Tam Thiên Tam Thế Phật, nghĩa là ba nghìn vị Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Cụ thể, Phật Nhiên Đăng là đại biểu của 1.000([1]) Phật ở quá khứ thế Trang Nghiêm Kiếp. Phật Thích Ca Mâu Ni là đại biểu của 1.000 Phật ở hiện tại thế Hiền Kiếp. Phật Di Lặc là đại biểu của 1.000 Phật ở vị lai thế Tinh Túc Kiếp. Bộ Tam Thế trong các Phật điện ở miền Bắc, chính giữa là Phật Thích Ca, bên trái là Phật Nhiên Đăng, bên phải là Phật Di Lặc.
Theo giáo lý Phật giáo Đại Thừa, Phật Quá Khứ Nhiên Đăng là người thầy đầu tiên khai sáng của Thích Ca. Khi Thích Ca còn là một cậu bé, có lần thấy một cô gái vương gia cầm một bó hoa sen xanh, Ngài liền dùng 600 quan tiền để mua 5 bông cúng giàng Phật Nhiên Đăng. Lần khác, Thích Ca đi cùng Phật Nhiên Đăng ra khỏi thành, thấy trước mặt có một vũng bùn nhão, Ngài liền cởi áo phủ ngay lên vũng bùn, trân trọng mời thầy bước lên trên đó mà đi tiếp. Phật Nhiên Đăng thấy cậu bé này ngoan ngoãn, liền tiên đoán rằng, nhất định 91 kiếp sau, tức Hiền Kiếp, con sẽ thành Phật, hiệu là Thích Ca Văn Như Lai([2]).
Phật Vị Lai trong Phật giáo Đại thừa là Phật Di Lặc. Di Lặc là dịch âm từ chữ “Maitreya”, nghĩa là “Từ Thị” (người có lòng từ bi). Ngài tên là A Dật Đa nghĩa là Vô Năng Thắng (không ai bằng), là một đệ tử được đứng ngay bên cạnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để nghe pháp. Phật Thích Ca dự báo, Di Lặc sẽ kế vị ngôi Phật của mình và trở thành Phật Vị Lai. Di Lặc tu luyện thành đạo, cũng nhập diệt như Phật Thích Ca, được thăng thiên sống ở cõi trời Đâu Suất hưởng rất nhiều điều vui vẻ và tốt lành. Kinh sách Phật giáo Đại thừa nói rõ, Phật Di Lặc sẽ ở trời Đâu Suất trong thời gian 5.607 triệu năm trước khi hạ sinh xuống trần gian kế tục vị trí của Đức Phật Thích Ca.
Nếu chia theo không gian/khu vực, Tam Thế Phật bao gồm: Phật Dược Sư của thế giới Tịnh Lưu Ly Đông Phương, Phật Thích Ca của thế giới Ta Bà/Sa Bà, và Phật A Di Đà của thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của thế giới Ta Bà. “Ta Bà” là dịch âm từ chữ “Saha” trong tiếng Phạn, nghĩa là “biết chịu đựng, biết nhẫn nhục”. “Thế giới Ta Bà” cũng có thể gọi là “thế giới biết nhẫn nhục”. Thế giới Ta Bà chính là thế giới hiện tại, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tiến hành giáo hóa chúng sinh.
Phật Dược Sư, còn được gọi bằng một số danh hiệu khác như Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, Phật Đại Y Vương, Phật Y Vương Thiện Thệ, là giáo chủ của Tịnh Lưu Ly Đông Phương. Ngài đã phát nguyện 12 điều, trong đó đáng chú nhất là nguyện tiêu trừ tất cả bệnh tật cho chúng sinh. Vì lời phát nguyện này mà dân gian thường tôn thờ Phật Dược sư như là một Dược Vương tiêu họa trừ bệnh cho mọi người.
Giáo chủ của thế giới Tây Phương Cực Lạc là Phật A Di Đà. Ngài có đến hàng chục danh hiệu khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Phật Vô Lượng Thọ và Phật Vô Lượng Quang. Với Phật giáo Mật tông, Ngài còn được gọi là Cam Lồ Vương, nghĩa là vua của loài nước ngọt. A Di Đà là một vị Phật có ảnh hưởng rộng lớn đối với Phật tử và quần chúng nhân dân nhiều nước theo Phật giáo Đại thừa, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh các vị Phật trong bộ Tam Thế, lịch sử Phật giáo Đại Thừa còn được thể hiện qua việc các chùa miền Bắc thờ phụng phổ biến các vị Bồ tát, tiêu biểu là Quan Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền; nhiều vị hộ trì Phật pháp, tiêu biểu như Phạm Thiên, Đế Thích, Thiên Vương, Kim Cương, Khuyến Thiện, Trừng Ác, Long Vương,… Những đối tượng thờ này đều là sản phẩm của giáo lí Phật giáo Đại Thừa. Thân thế, chức năng, nhiệm vụ của những nhân vật Phật giáo huyền thoại này sẽ được trình bày ở những phần tiếp theo dưới đây.
3. Tượng thờ trong chùa Việt ở miền Bắc là nơi hội tụ của hai dòng nhân vật Phật giáo Đại thừa: Nhân-Thần và Thần-Nhân
Trên Phật điện Phật giáo Nam Tông, tiêu biểu là chùa Khmer ở Nam Bộ, chỉ thờ một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni với tư cách là một người Thầy, một nhân vật lịch sử. Trong khi đó, trên Phật điện Phật giáo Đại Thừa/Bắc Tông, tiêu biểu là chùa Việt ở miền Bắc, bên cạnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn thờ nhiều vị Phật và vị Bồ tát khác đều với tư cách là những vị thần linh.
Dựa vào tính chất, Nguyễn Duy Hinh đã phân chia các nhân vật Phật giáo được thờ cúng thành hai dòng: những nhân vật lịch sử thần hóa và những thần linh hư cấu nhân hóa. Những nhân vật Phật giáo lịch sử thần hóa được ông mệnh danh là Nhân-Thần, còn những thần linh hư cấu nhân hóa được mệnh danh là Thần-Nhân([3]).
Tượng thờ thuộc dòng nhân vật Phật giáo Nhân-Thần phổ biến nhất trên các Phật điện ở miền Bắc là bộ Niêm Hoa, thờ Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và hai đại đệ tử của Ngài là Ma Ha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (gọi tắt là Ca Diếp) và A Nan Đà (gọi tắt là A Nan). Ca Diếp là đệ tử xếp hàng thứ nhất của Phật Tổ Thích Ca, được tôn xưng là Đầu Đà đệ nhất, tức là người tu hành khổ hạnh tốt nhất. Còn A Nan chính là người em họ của Tất Đạt Đa, sau khi xuất gia (năm 20 tuổi), luôn được theo cạnh Đức Phật Thích Ca nên ông được mệnh danh là Đa Văn đệ nhất, nghĩa là người nghe được lời Phật nhiều nhất. Ông là người có công đầu trong việc kiết tập kinh tạng Phật giáo. Nhiều bộ kinh Phật mở đầu bằng câu: “Như vầy ta nghe…” đều chỉ ý A Nan đã trực tiếp nghe Thích Ca nói/thuyết kinh này ở địa điểm nào đó.
Trên Phật điện ở miền Bắc còn thường gặp 3 pho tượng thuộc dòng Nhân-Thần liên quan đến cuộc đời Đức Phật là tượng Phật Thích Ca Sơ Sinh, tượng Tuyết Sơn và tượng Thích Ca Nhập Niết bàn như đã trình bày. Bên cạnh đó, thuộc dòng nhân vật Phật giáo này còn phải kể tới tượng Thiền sư Bồ Đề Đạt Ma cùng với các vị Tổ đã từng trụ trì chùa được thờ trong Nhà Tổ/Tăng Đường phía sau gian chính điện, và tượng các vị La Hán (16 vị hoặc 18 vị) được thờ ở hai dãy nhà hành lang hai bên chùa đi thông vào hậu đường.
Ngoài những Nhân-Thần nêu trên, các đối tượng thờ còn lại trong chùa miền Bắc là những nhân vật Phật giáo thuộc dòng Thần-Nhân. Về các vị Phật, có thể khẳng định, Phật Quá Khứ Nhiên Đăng và Phật Vị Lai Di Lặc trong bộ Tam Thế theo thời gian, cũng như Đông Phương Dược Sư Phật và Tây Phương A Di Đà Phật trong bộ Tam Thế theo không gian đều hoàn toàn là những nhân vật hư cấu.
Sự hư cấu của dòng nhân vật Phật giáo Thần-Nhân trong các ngôi chùa miền Bắc biểu hiện rõ rệt nhất và tiêu biểu nhất ở tên gọi và ý nghĩa tên gọi của các vị Phật trong bộ Tam Thế và bộ Tam Thân, hai bộ tượng vốn rất hay bị lầm lẫn với nhau vì về mặt tạo tượng cơ bản đều giống nhau. Trong bộ Tam Thế, tên gọi Nhiên Đăng của Phật Quá Khứ chỉ ý ngọn đèn, tên gọi Di Lặc của Phật Vị Lai chỉ ý từ bi. Còn ở bộ Tam Thân, cả ba pho tượng Phật này đều không mang tên người mà hoàn toàn chỉ là những khái niệm. Cụ thể, Pháp Thân Phật hay Pháp Phật chỉ biểu hiện của Pháp tức Pháp Tính chỉ Như Lai Tạng. Báo Thân Phật hay Báo Phật chỉ Pháp Thân huân tập thành Phật quả. Ứng Thân Phật là Phật hiển hiện dưới dạng nhân thế để hưởng ứng lời cầu cứu của chúng sinh. Như vậy, Pháp Thân là hình thức thể hiện Pháp, là Chân Như; Báo Thân chỉ là người có Phật tính tu hành đắc đạo; Ứng Thân là Phật hưởng ứng lời kêu cứu của chúng sinh mà giáng thế thành một nhân vật cụ thể như Thích Ca Mâu Ni chẳng hạn([4]).
Các vị Bồ tát tiêu biểu của dòng Thần-Nhân được thờ phụng phổ biến trên Phật điện ở miền Bắc gồm Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm và Đại Thế Chí. Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền thường được thờ cùng với Phật Thích Ca tạo thành bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh. Còn hai Bồ tát Quan Âm và Đại Thế Chí được thờ cùng với Phật A Di Đà tạo thành bộ Di Đà Tam Tôn, hay còn gọi là Tây Phương Tam Thánh.
Thuộc dòng Thần-Nhân được thờ trong chùa ở miền Bắc còn phải kể đến: bộ tượng Đế Thích và Đại Phạm Thiên (thường gọi tắt là Phạm Thiên), là hai vị đại thiên vương luôn hộ trì Thích Ca khi ngài chưa thành Phật; bộ tượng Tứ Thiên Vương, gồm 4 vị thiên vương làm nhiệm vụ hộ thế; bộ tượng Bát Bộ Kim Cương, gồm 8 vị thiên tướng đã phát Bồ Đề tâm đem thần lực hộ trì Phật pháp; bộ tượng Khuyến Thiện (thường gọi là Ông Thiện) và Trừng Ác (thường gọi là Ông Ác) là hai vị thiên thần chuyên coi việc hộ trì Phật pháp; tượng Long Thần, tương truyền là một Long vương đã quy y theo Phật và có công hộ trì Phật pháp, v.v…([5])
Nhìn chung, những nhân vật Phật giáo thuộc dòng Nhân-Thần đều có một tên họ nhân gian hay được coi là tên họ nhân gian chẳng hạn như Tất Đạt Đa, và một pháp danh chẳng hạn như Thích Ca Mâu Ni. Pháp danh thể hiện nội hàm nhân vật, tức thể hiện cái Thiêng của họ. Cái Thiêng đó có rất nhiều phương diện như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có đến 10 danh hiệu, mỗi danh hiệu thể hiện một phương diện Thiêng. Trong khi đó, những nhân vật Phật giáo thuộc dòng Thần-Nhân không có lý lịch trần gian, không có tục danh mà chỉ có pháp danh. Tên các vị thần linh đó là một khái niệm Thiêng, chẳng hạn: Nhiên Đăng là ngọn đèn; Di Lặc là từ bi; A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang; Văn Thù Sư Lợi là tinh thông giáo lý Phật, là trí tuệ; Phổ Hiền là chân lý có thể dứt sạch mọi vô minh; Quán Thế Âm là đâu đâu cũng nghe thấy, v.v…([6])
Nhân đây, cũng cần nói thêm rằng, các nhà khoa học đã phân tượng Phật ra làm hai loại. Một là tượng phàm tướng: tượng được tạo tác giống như người trần tục nhưng có thêm một số dấu hiệu của người tu tập thành đạo như tóc soắn ốc, ngực ngấn chữ Vạn, dái tai chảy dài như giọt nước,… Hai là tượng thần tướng: tượng được tạo tác có nhiều đầu, nhiều mặt, nhiều mắt, nhiều tay,… tiêu biểu nhất là các pho Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Nếu như tượng Phật ở chùa Khmer chỉ có loại tượng phàm tướng, thì tượng Phật chùa Việt ở miền Bắc có cả loại phàm tướng lẫn loại thần tướng. Điều này cũng phản ánh tính chất thần linh hóa đối tượng thờ cúng của Phật giáo Đại Thừa ở người Việt vùng Bắc Bộ.
4. Tượng thờ trong chùa miền Bắc thể hiện sự hỗn dung giữa ba tông phái tiêu biểu của Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam: Thiền-Tịnh-Mật
Yếu tố Thiền tông thể hiện trong Phật điện ở miền Bắc trước hết ở bộ Niêm Hoa: chính giữa là tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi cầm hoa sen, hai bên là hai đại đệ tử Ca Diếp và A Nan. Tượng Phật Thích Ca được tạo tác dựa theo điển tích Ngài thuyết pháp ở núi Linh Thứu. Trong buổi thuyết pháp đó, Đức Phật nhặt một bông hoa giơ lên cho đồ chúng xem. Tất cả đại chúng đều im lặng, chỉ có Ca Diếp tủm tỉm cười. Đức Phật liền nói: Ta có phép chính pháp nhãn, Niết bàn diệu tâm, pháp môn vi diệu, thực tướng vô tướng, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, nay giao lại cho Ca Diếp. Do vậy, sau này, Ca Diếp được coi là Đệ nhất Tổ/Sơ Tổ của Thiền tông Ấn Độ.
Yếu tố Thiền tông còn được thể hiện rất rõ qua việc, trên hầu hết bàn thờ Tổ ở Tăng Đường/Nhà Tổ các ngôi chùa Việt ở Miền Bắc đều thờ Thiền sư Bồ Đề Đạt Ma, nói tắt là Đạt Ma, dân gian thường gọi là Đức Tổ Tây. Tương truyền, Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ, và là Sơ Tổ của Thiền tông Trung Hoa. Trước khi viên tịch, Ngài đã truyền đạo pháp và áo cà sa cho đệ tử Huệ/Tuệ Khả làm Đệ nhị Tổ của Thiền tông Trung Hoa.
Trong các Phật điện ở miền Bắc, yếu tố Tịnh Độ thể hiện tiêu biểu ở bộ tượng Tây Phương Tam Thánh, còn gọi là bộ tượng Di Đà Tam Tôn: chính giữa là Đức Phật A Di Đà, giáo chủ của thế giới Tây Phương Cực Lạc; hai bên là hai vị trợ thủ của Ngài gồm Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Trong truyền thuyết Phật giáo, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí là hai đại Bồ tát có nhiệm vụ giúp đỡ Đức Phật A Di Đà phổ độ chúng sinh. Cách thức phổ độ chúng sinh của Bồ tát Quán Thế Âm là dùng đại từ đại bi, còn của Bồ tát Đại Thế Chí là dùng ánh sáng của trí tuệ chiếu khắp mọi nơi.
Yếu tố Mật tông thể hiện đậm nét trong nhiều ngôi chùa ở miền Bắc chính là các pho tượng Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay, Quan Âm Chuẩn Đề. Quán Thế Âm([7]), như đã nói ở trên, vốn là một vị thần của Tịnh Độ tông, nhưng sau này, Ngài đã được Mật tông mượn làm thần tượng của mình.
Theo kinh sách của Phật giáo Mật tông, ở vô lượng ức kiếp xa xưa, Quán Thế Âm nghe được vị Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai nói một câu “Đại Bi, Tâm Đà La Ni” liền phát nguyện muốn cứu độ tất cả chúng sinh, lập tức trên người liền mọc ra 1000 cánh tay và một nghìn con mắt. 1000 cánh tay biểu thị sự che chở và bảo vệ chúng sinh, 1000 con mắt biểu thị sự quan sát toàn bộ thế gian. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay trên Phật điện ở miền Bắc thường được tạo tác có nhiều đầu và rất nhiều cánh tay, chính giữa mỗi bàn tay đều có một con mắt.
Một pho Quán Thế Âm khác cũng được thờ nhiều trong chùa miền Bắc thuộc dòng Phật giáo Mật tông là Quan Âm Chuẩn Đề. Tượng Quan Âm Chuẩn Đề thường được tạo tác với 3 mắt, 18 tay: hai tay trên bắt ấn thuyết pháp, 8 tay bên phải cầm kiếm, chuỗi ngọc, búa, câu, quả,…; 8 tay bên trái cầm ngọc như ý, hoa sen, bình, dây, bánh xe,…; ngồi trên một hoa sen đỏ nổi lên mặt nước, phía dưới có hai Long Vương chống đỡ.
5. Tượng thờ trong chùa Việt ở miền Bắc thể hiện sự hỗn dung giữa Phật giáo với các tôn giáo và tín ngưỡng khác
Ngôi chùa Việt truyền thống ở miền Bắc thờ phụng không những các vị Phật và Bồ tát cũng như các vị hộ trì Phật pháp, mà còn nhiều vị thần của các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Tựu trung lại, có thể quy các đối tượng thờ ngoài Phật giáo này vào mấy nhóm cơ bản sau:
Thần tự nhiên và thần nông nghiệp, tiêu biểu là hệ thống Tứ Pháp. Tứ Pháp vốn là bốn vị thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp, biểu trưng tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Khi đặt chân vào vùng đất Việt, Phật giáo đã nhanh chóng kết hợp với tín ngưỡng Tứ Pháp. Kết quả là, bốn vị thần nông nghiệp này đã được hóa thân thành bốn vị Phật: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện – cùng với bà Man Nương, tạo nên một hệ thống toàn Phật Bà, điều chưa từng thấy ở vùng đất phát tích của đạo Phật. Chức năng thần linh của những vị Phật đặc biệt này song hành trong tín ngưỡng của người dân bản địa. Ở miền Bắc, Tứ Pháp được thờ phụng ở nhiều tỉnh thành vùng Đồng bằng Sông Hồng, trong đó, trung tâm và điển hình là ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thần của các tôn giáo khác. Trong ngôi chùa Việt ở miền Bắc, tượng thần của Đạo giáo hiện diện khá phổ biến, tiêu biểu là bộ ba Ngọc Hoàng-Nam Tào-Bắc Đẩu; hay bộ đôi Nam Tào-Bắc Đẩu. Các vị thần Đạo giáo này thường được đặt ở lớp tượng thứ tư hoặc thứ năm trên Phật điện, sát với lớp tượng Cửu Long/Thích Ca sơ sinh. Do hình thức tương đối giống nhau, nên Phật tử và nhân dân hay nhầm tượng Nam Tào và Bắc Đẩu với tượng Phạm Thiên và Đế Thích. Tượng của Khổng Tử và các vị Á Thánh của Nho giáo có thấy được thờ trong các ngôi chùa ở miền Bắc tuy không nhiều.
Ngoài Đạo giáo và Nho giáo, trong một số ngôi chùa ở miền Bắc, chúng ta còn thấy dấu vết của các tôn giáo, tín ngưỡng ngoại lai khác. Một vài ngôi chùa có thờ Tứ Vị Hồng Nương, tương truyền là bốn mẹ con một cung phi đời Tống ở Trung Hoa, vì chạy giặc Nguyên nên đã bị chết đuối dạt vào vùng biển Cửa Cờn (Nghệ An). Nhưng Tạ Chí Đại Trường đã dẫn nhiều nguồn tư liệu của H.Maspero và chứng minh rằng, Tứ Vị Hồng Nương chính là thần Po Riyak trong hệ thống thần linh của người Chăm([8]). Dấu vết của thần linh Chăm còn thể hiện khá rõ ở việc thờ phụng thần Po Yan Dari tại chùa Bà Đanh, làng Thụy Khuê, Hà Nội([9]).
Thần linh của đạo Mẫu. Hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc đều có gian thờ Mẫu. Thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa lâu đời. Đối tượng thờ phụng của tín ngưỡng này ban đầu gồm Mẫu Thủy/Thoải cai quản Thủy/Thoải phủ (nước), Mẫu Thiên cai quản Thiên phủ (trời), Mẫu Địa cai quản Địa phủ (đất), Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc phủ (rừng). Đến thế kỷ XVII, đối tượng thờ của đạo Mẫu xuất hiện thêm một vị thánh mẫu có vị trí rất quan trọng trong tín ngưỡng Việt, Mẫu Liễu Hạnh, tức Công chúa Liễu Hạnh, người được coi là một trong “Tứ bất tử” ở Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở người Việt có cơ sở thờ tự riêng biệt. Nhưng để tồn tại và phát triển, từ thế kỷ XVII, Mẫu đã bước vào chùa nương bóng Phật. Đây là sự kết hợp hai chiều giữa đạo Phật và đạo Mẫu. Chùa là nơi lý tưởng cho Mẫu dừng chân, ngược lại, nhờ Mẫu mà số lượng Phật tử và nhân dân đến chùa đông vui nhộn nhịp hẳn lên.
Các vị nhân thần có công với đất nước. Một đối tượng khác cũng hay được thờ trong chùa ở miền Bắc là những vị quan lại, tướng lĩnh có nhiều công lao với đất nước, tiêu biểu như: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Đức Thánh Trần), vua Lê Thánh Tông, Hoàng đế Quang Trung, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, v.v… Một số chùa còn thờ cả thành hoàng làng và các vị Tổ nghề.
Người gửi hậu và người có công xây dựng hoặc trùng tu chùa. Ở người Việt có nhiều hình thức thờ hậu như hậu đình, hậu nhà thờ họ; sau này còn có cả hậu nhà thờ Công giáo, hậu thánh thất đạo Cao Đài, v.v… nhưng có lẽ sớm nhất và phổ biến nhất là hậu chùa. Trong ngôi chùa ở miền Bắc, việc thờ hậu thường đặt trong gian Bái Đường hoặc một gian nhà kiến trúc theo kiểu tường hồi bít đốc hai bên ở phía sau chùa. Nơi thờ hậu là một hành lang với những bát hương đặt trước tấm bia hậu ghi rõ tên tuổi, quê quán, số lượng tiền của gửi hậu, ngày tháng cúng giỗ hậu, v.v… của những người được cúng hậu. Những người được cúng giỗ khi còn sống có đóng góp tiền của, ruộng đất cho chùa thường với điều kiện là sau khi chết được nhà chùa hương khói thờ cúng. Do đó, những người gửi hậu thông thường là người không có con cháu nối dõi([10]). Nhiều vị có công lớn với chùa khi mất được tạc tượng, tạc phù điêu để thờ. Những bài văn khắc trên bia hậu có tính chất như những bản “hợp đồng” về việc thờ cúng giữa nhà chùa với người gửi hậu.
Cũng trong gian thờ hậu, nhiều chùa còn thờ những người đã bỏ ra một số lượng lớn tiền của, ruộng đất, đứng ra chủ trì việc trùng tu hay xây dựng chùa. Đối tượng này đôi khi chỉ là một người dân bình thường, nhưng đa phần là các công chúa, cung phi, quận chúa hay phu nhân của các quan đại thần, quý tộc các thời kỳ, trong đó chủ yếu là thời vua Lê-chúa Trịnh. Sự thờ cúng đối tượng này phần nào thể hiện tấm lòng biết ơn với những người có công với nhân dân trong vùng. Việc có nhiều người bỏ tiền của xây dựng hay trùng tu chùa đã làm cho miền Bắc nói riêng, cả nước Việt Nam nói chung, tuy không có những tự viện to lớn như ở nhiều nước, nhưng hầu như trong mỗi làng, mỗi khu vực đều có ít nhất một ngôi chùa nhỏ làm nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn và bảo lưu thuần phong mỹ tục, giáo dục truyền thống quê hương cho Phật tử và nhân dân trong vùng([11]).
TS. Lê Tâm Đắc,
Viện Nghiên cứu Tôn giáo,
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
[1] “Nghìn” chỉ là số cực lớn trong khái niệm “Thiên” của Phật giáo Đại Thừa.
[2] Một số nội dung cụ thể hơn của Tam Thế Phật theo thời gian và theo không gian, xin xem thêm, chẳng hạn: Mã Thư Điền. Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc. Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.
[3] Xem: Nguyễn Duy Hinh. Chương VI: Bồ tát Quán Thế Âm: nội hàm và nghệ thuật, trong: Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Duy Hinh. Bồ tát Quán Thế Âm trong các chùa vùng Đồng bằng Sông Hồng. Nxb Khoa học Xã hội, 2004, tr.386.
[4] Xem: Nguyễn Duy Hinh. Chương VI: Bồ tát Quán Thế Âm: nội hàm và nghệ thuật, trong: Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Duy Hinh. Bồ tát Quán Thế Âm trong các chùa vùng Đồng bằng Sông Hồng. Nxb Khoa học Xã hội, 2004, tr.433-434.
[5] Truyền thuyết và vị trí thờ tự cụ thể của các đối tượng Phật giáo này, xin xem thêm, chẳng hạn: Trần Trọng Kim. Phật Lục. Nxb Tôn giáo. Hà Nội 2002, tr.107-126.
[6] Xem: Nguyễn Duy Hinh. Chương VI: Bồ tát Quán Thế Âm: nội hàm và nghệ thuật, trong: Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Duy Hinh. Bồ tát Quán Thế Âm trong các ngôi chùa vùng Đồng bằng Sông Hồng. Nxb Khoa học Xã hội, 2004, các trang 433-434 và 444-445.
[7] Quán Thế Âm là dịch ý từ tiếng Phạn Avalokitesvara, còn được dịch thành Quang Thế Âm, Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại. Vào thời Đường ở Trung Quốc, để tránh chữ húy của Thái Tông Lý Thế Dân, người ta đã lược bỏ đi chữ “Thế”, rút gọn thành “Quán Âm”. Ở Việt Nam, chữ “Quán Âm” hay được đọc thành Quan Âm.
[8] Xem: Tạ Chí Đại Trường. Thần, Người và Đất Việt. Văn Nghệ xuất bản. California, USA, 1989, tr.194.
[9] Tạ Chí Đại Trường. Thần, Người và Đất Việt. Sđd, tr.187.
[10] Trên thực tế, không phải những người có tiền của không có con cái nối dõi đều cúng hậu, và cũng không phải việc cúng hậu chỉ xuất phát từ một nguyên nhân là không có người nối dõi, phụng thờ.
[11] Cụ thể các đối tượng ngoài Phật giáo được thờ trong ngôi chùa Việt ở Miền Bắc và nguyên nhân của hiện tượng này, xin xem thêm: Lê Tâm Đắc, Tạ Quốc Khánh. Tính hỗn dung của người Việt thể hiện qua đối tượng thờ trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2/2003, tr.39-48