Đền Đống Nước tương truyền có từ thời Trần. Thờ: Ngọc Nương công chúa và Tam tòa Thánh Mẫu. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Địa chỉ: ngách 63 ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°2’21″N 105°49’24″E. Cách Hồ Gươm: hơn 4,5km về hướng tây. Điểm dừng bus lân cận: Tiểu học Ba Đình, 72-74 Thuỵ Khuê (xe 09, 14, 45), 195b Đội Cấn (09)
Lược sử
Nghe nói người Pháp đã đặt nhà máy bia trên đường Hoàng Hoa Thám vì nơi đó có một nguồn nước cực ngon, về sau tạo nên thương hiệu nổi tiếng Bia Hà Nội. Tương truyền làng Ngọc Hà xưa kia có những cột nước từ dưới đất phun thành từng đống, vì vậy dân ở đây đã lập đền thờ và gọi là đền Đống Nước. Thuyết phong thuỷ cho rằng thế đất nằm trên vòi con rồng nên mỗi khi trở trời nước lại phun ra.
Cổng ngõ đền Đống Nước
Bản ngọc phả trong đền chép rằng nơi đây có một người con gái là Bạch Ngọc Nương sinh ra vốn khác thường. Khi nàng hoá vào ngày 17 tháng Tám, trời tối sầm, mưa to, nước sông dâng. Từ đó, đất này có nước phun, dân thấy linh thiêng bèn lập miếu thờ. Đến đời Trần Nhân Tông (1279-1293), khi vua dẫn quân đi đánh giặc Nguyên đã nghỉ tại đền và mộng thấy người con gái tự xưng là con của Long Vương xin theo để ngầm giúp đánh giặc. Khi trở về, vua cho dân ở trại Đống Nước tu sửa miếu thờ, phong thần hiệu là “Nữ Bạch Ngọc Hồ, thuỷ thần Lân Tinh công chúa”.
Ngôi đền nằm gần giữa vùng “Thập Tam Trại” được lập từ thời Lý mà nay còn để lại nhiều di tích. Phía đông có đình Hữu Tiệp, chùa Bát Mẫu và đình Ngọc Hà. Phía nam có chùa Bát Tháp (Vạn Bảo). Phía tây có đình Đại Yên, chùa Vĩnh Khánh và đình Liễu Giai. Phía bắc có chùa Bà Đanh, chùa Châu Lâm, đền Voi Phục (Thụy Khuê) ở ven sông Tô Lịch và Hồ Tây, v.v..
Ngày 11-5-1993, đền Đống Nước đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Dấu vết kiến trúc cổ cho biết sang thời Nguyễn, đền Đống Nước đã được đại trùng tu. Năm 1954 và đến gần đây đền lại được nhân dân góp tiền sửa sang. Xung quanh đền có nhiều cổ thụ, mặt đền quay về hướng nam nhìn ra một hồ nước hình vuông rộng 6 sào nhưng nay không còn do bị đô thị hóa. Tam quan gồm 2 trụ biểu có đắp câu đối, cửa chính và 2 cửa phụ đều xây kiểu 2 tầng mái giả chồng diêm.
Sau cổng đền là sân gạch nhỏ. Bên tả là dãy nhà khách rộng 5 gian. Bên hữu là điện thờ Ngọc Nương công chúa gồm 2 nếp nhà 3 gian xếp song song theo hình “chữ Nhị” xây kiểu vì kèo trốn cột 2 lớp mái. Liền với tả hữu mạc còn có lầu Cô và lầu Cậu. Đền Mẫu nằm ở cuối sân, tiền đường 3 gian 2 chái, xây song song với trung đường theo hình “chữ Nhị”, trung đường nối với hậu cung thành hình chuôi vồ.
Di sản
Trong toà trung đường, bên phải có tượng Đức Ông, bên trái có tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn đặt trong khám, gian giữa có bàn thờ ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Mười. Tại hậu cung có sập thờ và bệ thờ, trên có đặt 1 khám lớn thờ Tam toà Thánh Mẫu. Những đồ trang trí trong đền Mẫu và hậu cung như cửa võng, hoành phi, câu đối, bộ bát bửu… đều được chạm trổ tinh vi và sơn son thếp vàng.
Ngoài ra, trong đền lại có những sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá, hương án gỗ cong với những hình chạm nổi tứ quý… có giá trị mỹ thuật. Ngôi đền hiện bảo lưu được nhiều câu đối ca ngợi cảnh đẹp linh thiêng và công lao của Ngọc Nương, chẳng hạn:
Đắc địa lâu đài, như nhật chi hằng, như nguyệt chi thăng, như sơn chi thọ
Kình thiên trạch trụ, nhược mộc hữu căn, nhược thương hữu thực, nhược thuỷ hữu nguyên
Dịch nghĩa:
Lầu đặt đúng đất, như trời bền vững, như trăng mọc lên, như núi trường thọ
Nhà xây đội trời, như cây có gốc, như kho có của, như sông có nguồn.
Hiện nay trong đền còn giữ được cuốn ngọc phả soạn năm 1572, hai sắc phong và một bản khoán ước. Hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Ngọc Nương công chúa sinh và hoá, nhân dân ở đây tổ chức lễ hội. Đám rước đi từ Đống Nước sang làng Liễu Giai, làm sớ dâng tên đầy đủ những suất đinh trong làng, lại làm cỗ để tế lễ, rồi sau đó mời dân làng thụ lộc.