Không biết rõ ta có thói nhai trầu từ đời nào. Trong “Văn hiến thông khảo” có chép:” Năm Thuận Hoá thứ nhất (990), vua Tống sai sứ sang tuyên phong cho Lê Hoàn chức đặc tiến, khi về sứ thần là Tống Cảo thuật lại rằng:… Lê Hoàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả cùng đi, rồi lấy trầu mời ở trên mình ngựa, đây là phòng tục mời khách rất quý…”
Năm sáu mươi năm về trước đây, đàn ông đàn bà người nào cũng ăn trầu, trừ trẻ nhỏ, có người nhai suốt ngày, tối lên giường ngủ cũng vẫn nhai, đàn bà ăn trầu thì cắn chỉ, một vệt đỏ bằng sợi chỉ như vẽ lên hai bên mép, được coi là dễ thương. Có những người còn nhai trầu với một chút thuốc lào, ta gọi là trầu thuốc, đây là một hình thức nghiện trầu khá nặng.
Hạt cau và lá trầu là chất sát trùng, lại thêm vôi, khiến nên miếng trầu nhai làm cho răng thêm sạch thêm vững và đồng thời ” tẩy uế” cả miệng cho nên ngày xưa các cụ ít bị đau răng, ít hư hỏng răng.
Còn trước đó, sách “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khử Phi, người đời Tống soạn vào thế kỷ XII cho rằng: “Từ Phúc Kiến, miền dưới Tứ Xuyên và miền Tây Quảng Đông, đều có tục ăn trầu…”, viên sứ thần Giao Chỉ cũng ăn trầu; hỏi vì có gì mà thích ăn trầu như vậy thì họ đáp rằng: “Trừ được lam chướng, hạ khí, tiêu thực, ăn lâu đã quen, nếu không ăn không chịu được, miệng lưỡi chua, và hôi lắm”.
Trầu đã trở thành một triết lý sống Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (thế kỷ XVII), người được cho là khai sinh chữ quốc ngữ cho biết “người Bắc có tục ăn trầu là thứ có lợi cho sức khỏe và có vị ngon, bao giờ họ cũng giắt vào thắt lưng một giỏ con hay một bao đầy trầu cau, ra đường gặp bạn bè thì mở ra, rồi sau khi chào nhau lễ phép, mọi người nhận lấy một miếng trầu têm sẵn của người kia mà ăn. Vì thế trong tỉnh kẻ nào hơi khá giả thì sai đầy tớ sửa sắm thứ quà nhỏ ấy, đem biếu lẫn nhau để tỏ tình thân mật; còn thường dân không có kẻ hầu têm sẵn ở nhà thì đã có tới năm vạn hàng bán trầu lẻ rải rác khắp kinh thành”.
Tục ăn trầu không chỉ riêng ở người Nam ta mới có. Nhưng có điều chắc chắn, khó vùng đất nào, đất nước nào mà miếng trầu lại mang nhiều ý nghĩa, thấm đượm nhiều triết lý như ở Việt Nam
Một điều thú vị là, trong rất nhiều cuộc khai quật mộ cổ ở Việt nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những túi đựng trầu cau. Trải qua hàng trăm năm mà trầu cau vẫn tươi, cảm giác như vẫn còn có thể ăn được.
Học giả Phan Kế Bính từng tổng kết: “Trầu cau là một thứ đầu các sự lễ nghĩa. Phàm việc tế tự, tang ma, việc cưới xin, việc vui mừng, việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng”.
Cố giáo sư sử học nổi danh Trần Quốc Vượng thì cho rằng “… phép biện chứng của miếng trầu là nó vừa mang nặng bản sắc xã hội (phương tiện giao tiếp), vừa mang nặng tình người và chỗ nặng tình người nhất…”
Miếng trầu còn tàng ẩn, tiềm ẩn tình nghĩa anh em ở nơi sự tích Trầu – Cau – Vôi. Đôi vợ chồng và người em trai bất hạnh: Sống chia rẽ anh em là chết, sự hối hận đền bù cho cái chết…. Chết rồi nhưng Trầu – Cau – Vôi hòa hợp nơi miếng trầu.
Người thời nay dẫu đa số chẳng ai ăn trầu, song vẫn âm thầm nhớ, da diết nhớ cái duyên nghĩa trầu cau…
( Trích tục ăn trầu trong Đất lề quê thói)