Để tưởng nhớ thầy Phạm Văn Kiêm, cung văn.
Bài viết của LÊ Y Linh ( con gái của nhạc sỹ Hoàng Vân ), làm luận án tiến sĩ tại trường đại học Paris IV, Sorbonne.
Bài báo in trong « Cahier de musique traditionnelle », « Histoires de vies », Genève, 2002. « Tập san âm nhạc cổ truyền », số đặc biệt trên chủ đề « Đời nghệ sĩ », xuất bản tại Genève năm 2002. Tác giả lược dịch từ bản tiếng Pháp
Lời mở đầu
Phần 1 : Về tín ngưỡng tứ phủ
Tín ngưỡng thờ Tứ phủ và hình thức lên đồng Hầu-bóng ( hoặc Hầu-đồng) là một tín ngưỡng của cộng đồng người Việt, tồn tại song song cùng với việc thờ Phật (dòng đại thừa), và những tín ngưỡng khác. Chúng ta có thể nói rằng người Việt ở đâu là có một cộng đồng thờ Tứ phủ ở đó (Bắc, Trung, Nam, Lào, Pháp, Mỹ…) nhưng phạm trù nghiên cứu của chúng tôi chỉ giới hạn ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Nam Định. Thầy Phạm Văn Kiêm, chủ đề chính của bài viết, là một trong những cung văn tại Hà Nội. Tín ngưỡng thờ Tứ phủ (còn có tên khác là thờ Mẫu) có một hệ thống thần linh tương đối phức tạp, thuộc về bốn phủ Thiên, Địa, Thuỷ, Nhạc. Mỗi vị thần linh thuộc một phủ được tượng trưng bằng một hệ thống mầu sắc (khăn áo, trang sức, lễ vật…), một hệ thống âm nhạc (điệu, nhịp…). Mỗi vị thần linh được phân biệt bằng các cửchỉ lúc giáng trần (múa, cử chỉ, dáng bộ), và bởi phần âm nhạc (lời hát, bài hát). Mỗi vị thần, thánh có một sự tích, một khả năng, một câu truyện riêng của từng vị, tất cảđược tổ chức và sắp đặt có lớp lang, có trên dưới. Cách sắp đặt các vị thần tương đối gần gũi với tổ chức của một triều đình. Những người theo đạo thờ Tứ phủ (có căn) có nhiệm vụ phải tổ chức lễ thường là mỗi năm một lần, (nhất niên nhất lễ). Trong mỗi buổi lễ, người hầu đồng xin linh hồn của các chư vị trong Tứ phủ về giáng vào người hầu đồng (gọi là ghế quan). Người hầu đồng được nhập linh hồn từng vị thánh vào mình, làm việc quan, ban lộc cho công chúng rồi thăng. Xin nhắc rằng với người có căn chính thống, việc phải sửa lễ hầu thánh là việc họ cảm thấy bắt buộc phải làm, như một nhiệm vụ chứ không phải nhằm mục đích khoe mẽ. Trong mỗi buổi hầu đồng (từ bốn đến sáu tiếng tuỳ người), khoảng độ hai mươi đến ba mươi vị thánh giáng xuống người hầu đồng. Mỗi buổi lễ chỉ có một người hầu (ở miền Bắc), mỗi một vị thánh giáng được gọi là một giá đồng. Các vị thánh giáng, mặc dù thay đổi theo mỗi người hầu, nhưng nhạc hát kèm theo phải theo một tôn ti trật tự của cấp bậc từng vị thần linh trong điện thờ. Cung văn là người hát để dẫn nhịp cho mỗi buổi lễ. Lúc hát để theo lễ, cung văn đó gọi là Văn-hầu. Nhưng một người cung văn hoàn hảo và chính cống còn phải biết hát Văn-thờ nữa. Trong tất cả các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ phủ và nghi thức hầu bóng, chưa có nhà nghiên cứu nào nêu nên sự khác nhau giữa Văn-hầu và Văn-thờ. Thậm chí khái niệm Văn- thờ cũng hiếm người nêu đến, mặc dù đó là điều đầu tiên cung văn đề cập đến khi họ nói về nghề của mình. Tất nhiên, việc phân biệt này chủ yếu đề đạt đến quan hệ giữa lễ giáo và âm nhạc. Cũng có thể vì lí do này, các nhà nghiên cứu chưa đề cập đến khía cạnh đó. Vai trò của cung văn Chúng tôi muốn nhấn mạnh trên một khái niệm, thường được hiểu nhầm cho đến nay người theo đạo Tứ phủ, quần chúng ngoại đạo, và kể cả một vài nhà nghiên cứu, đó là vai trò của cung văn. Có lẽ là do từ Ông thầy trong tiếng Việt, thường hay bị mọi người hiểu nhầm là Thầy cúng để dẫn buổi lễ, nhưng theo chúng tôi, chữ thầy này chỉ để chỉ đến vai trò âm nhạc của cung văn. Để thấy được sự khác nhau này, chỉ cần thấy trong thực tế, nếu người cung văn nào biết về cúng bái, hay được mời đi làm thấy cúng, thầy bói, thậm chí thầy phù thuỷ. Nhưng ngược lại, những người hành nghề thầy bói hoặc thầy cúng không bao giờ có thể làm được cung văn.
Lúc hát văn thịnh vượng (một số bằng chứng do các cung văn kể lại vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), để chọn được những cung văn giỏi nhất, những cuộc thi hát văn (hát Văn-thờ) được tổ chức thường xuyên. Trong những cuộc thi này công văn không còn phải hát theo tiến trình của buổi lễ, mà chỉ hoàn toàn biểu lộ tài năng âm nhạc của mình. Bởi vì để học nghề cung văn, việc khó nhất là đào tạo để phát triển khả năng âm nhạc là chính, thứ mới đến học hỏi về các nguyên tắc lễ bái. Chỉ cần quan sát một buổi lễ là có thể thấy được sự khác nhau này. Hơn nữa, mặc dù được gọi là ông thầy, cung văn không bao giờ coi mình là chủ trì buổi lễ. Vai trò của họ cũng ngang hàng như những người khác (hầu dâng chẳng hạn), họ dâng văn cho Tứ phủ, cùng với những người khác lo cho buổi lễ được tiến hành trong một nghi thức quy định. Họ được đồng đền (thay mặt cho người hầu hôm đó) trả tiền để đến hát, được thánh ban lộc. Lúc thầy Kiêm hát cho bác Kiêm gái đang hầu, thầy vẫn xưng “lạy quan, xin cho con được hưởng ân sủng của quan” .Một người cung văn có thể có căn tứ phủ (có đồng), có thể không. Môi trường nghiên cứu Từ thời đổi mới, đầu những năm 90, nhà nước có nới dần luật lệ, để cho các tín chủ được tổ chức lễ bái nhẹ nhàng, chứ không cấm ngặt nghèo như trước.
Nhưng vào năm 1986, khi tôi bắt đầu nghiên cứu tín ngưỡng thờ Tứ phủ và nghi lễ hầu bóng, nghi lễ này vẫn còn bị nghiêm cấm, vì được coi là mê tín dị đoan. Hơn nữa trong cộng đồng những người theo đạo, vấn đề cũng rất tế nhị và khó khăn. Một mặt họ sợ bị phạt và bắt bớ (tôi là cán bộ của Viện Nghiên Cứu, là cơ quan nhà nước), mặt khác, họ sợ những người ngoại đạo, vì không hiểu hết tín ngưỡng, chế giễu họ, thậm chí khinh bỉ và nhạo báng tín ngưỡng của họ. Cũng cần phải nói rằng thái độ nhạo báng của những người ngoại đạo không phải là không có căn cứ. Kể cả trong hàng ngũ những người theo đạo, từ xưa đến nay vẫn có sự phân biệt những người thật sựcó căn, có nợ với tứ phủ (có lòng tin thật sự), và một phần tín đồ theo đòi, để khoe giàu khoe của, hoặc để đua đòi nhảm nhí. Những người “đồng đua, đồng đòi” làm cho công chúng có cái nhìn nhạo báng chung cho tín ngưỡng. Dần dần, khi các bác các cô biết rằng tôi chỉ quan tâm chủ yếu đến vấn đề âm nhạc, họ bắt đầu tin tưởng tôi hơn. Họ bắt đầu cho tôi tên tuổi của một số cung văn còn đang hành nghề. Cũng cần biết rằng kể cả giữa những tín đồ mộ đạo nhất, không phải ai cũng hiểu biết và có thể giải thích được rành rẽ về bài hát, về điện thờ, về sự tích các vị thánh. Bố tôi, nhạc sĩ, giới thiệu cho tôi ông Lương N.D., là một tín đồ có hiểu biết và có điện riêng ở nhà. Hơi có nét nữ tính, chạc tuổi bốn mươi, vẫn độc thân, ông Lương bảo tôi “ cô phải đến gặp cụ Kiêm chùa Vua, chỉ còn cụ là biết nghề thật sự, có truyền thống”. “Thầy ở đâu ?”. “trong chùa Vua gần chợ trời”. Tôi không còn nhớ ấn tượng lần gặp thầy đầu tiên. Nhưng chỉ nhớ rằng, mặc dù thầy ở tận trong sâu một ngõ hẻm, mọi người đều biết thầy. Bọn trẻ con dẫn tôi vào tận sân nhà. Trong toàn bộ thời gian được thầy dậy dỗ, tôi không dám hỏi gì về thầy cả, mà chỉ hỏi về nghề thôi. Rất nhiều thông tin về đời tư của thầy, tôi chỉ có được sau này, do các con thầy cho tôi, sau khi thầy mất.
Trong ba năm, từ 1986 đến 1989, tôi được theo thầy đi dự rất nhiều buổi lễ hầu đồng ở các đền phủ xung quanh Hà Nội và thậm chí ở các điện tư nhà riêng. Tôi được gặp các thầy Kha, thầy Giáp, cụ Phán, ba cung văn hay đi cùng với thầy Kiêm. Với những phưong tiện ít ỏi tự tạo, tôi được ghi âm toàn bộ những buổi lễ mà các thầy cho phép tôi tới và ghi âm, nhưng không một ai muốn tôi đến phỏng vấn và học nghề như thầy Kiêm chấp nhận cho tôi làm. Ngoài ra, thầy Bùi Trọng Đang gốc Nam Định và cụ Thanh Lâm ở Nam Định trước khi mất, cũng cho phép tôi đến ghi âm một số buổi. Nhưng cả hai thầy đều nói với tôi rằng chỉ hát cho tôi những gì các thầy còn nhớ được thôi, chứ không còn hành nghề nữa .