Thần núi Tam Đảo Lăng Thị Tiêu < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Lễ hội - Đền phủ Nghiên cứu tín ngưỡng

Thần núi Tam Đảo Lăng Thị Tiêu

Ngọc phả và thần tích về Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu kể về vị mẫu chúa tên là Thẩm, húy Nhược Cảm, xuất xứ ở vùng núi Tây Thiên. Vị mẫu này từng tập hợp quân đội, giúp vua Hùng dẹp giặc Thục, sau đó dựng các hành cung ở chân núi Tam Đảo, rồi hóa về trời. Quốc mẫu Tây Thiên đã được xác định là con gái bà Vụ Tiên trong truyền thuyết họ Hồng Bàng, là Mẫu Thượng Thiên trong Tứ phủ, là Tây Vương Mẫu trong Đạo Giáo, là Hậu Thổ Nguyên Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ, bà Lụy Tổ nghề dâu tằm… Tuy nhiên ở Tam Đảo còn một truyền tích về nhân vật nữ tiên khác cũng từ núi Tây Thiên.

Điện thờ với Hoành phi “Tây Thiên thánh mẫu” tại chùa Hoa Long, Việt Trì.

Ngọc phả Hùng Vương (soạn bởi Nguyễn Cố thời Lê Đại Hành) lưu tại Phú Thọ kể, vào đời Hùng Chiêu Vương (đời Hùng Vương thứ bảy), vua Hùng lên núi Tam Đảo, đến ngôi chùa cổ tên là chùa Tây Thiên. Vua cho dựng đàn tràng, làm lễ bái yết, khấn lời cầu nguyện Hoàng Thiên cho các vị thần tiên giáng xuống cho được có dịp hạnh ngộ, thoả lòng mong ước…. Khi về đến dưới núi Vua gặp một mỹ nhân phong tư xinh đẹp, cốt cách thanh cao, biết là thần tiên sai đưa tiên nữ đến cho mình. Vua đón về trở về thành Phong Đô, lập tiên nương làm vương phi chính nhất….

Chưa đầy năm Ngọc Tiêu mang thai, rồi sinh một con trai tư chất bẩm sinh thông minh, anh tài trác việt. Đến tuổi trưởng thành được vua cha lập làm Thái tử nối quốc thống…
Về sau, Vua cùng hoàng phi học được tiên thuật, hưởng nước được 200 năm, Vua truyền cho con lên ngôi trị vì. Vua thọ sánh ngang tuế nguyệt Kiều Bành, hoá sinh bất diệt.

Ở xã Dữu Lâu của Việt Trì, Phú Thọ, từng có đền thờ Lang Liêu và vợ là nàng Lăng Thị Tiêu với sự tích tương tự về việc Lang Liêu đi cầu được tiên ở núi Tam Đảo. Lang Liêu cũng là vị vua Hùng thứ 7 sau khi nối ngôi vua cha. Điện thờ mẫu Lăng Thị Tiêu còn có ở trong chùa Hoa Long tại phường Bến Gót ở Việt Trì.
Như vậy, vị tiên mẫu thứ hai xuất phát ở núi Tam Đảo là bà Ngọc Tiêu hay Lăng Thị Tiêu, lấy vua Hùng đời thứ 7 là Hùng Chiêu Vương hay Lang Liêu. Vị thánh mẫu này đã cùng vua Hùng học được tiên thuật, hóa sinh bất diệt nên được tôn thờ từ thời Hùng Vương. Rõ ràng đây là một nhân vật thần nữ khác so với Tây Thiên Quốc Mẫu được kể ở trên. Ngay sự tích được kể cũng cho biết, khi vua Hùng lên núi Tam Đảo thì nơi đây đã có một ngôi chùa cổ Tây Thiên.
Tại khu di tích Tây Thiên còn dấu vết của của việc vua Hùng cầu tiên là là chùa Phù Nghì. Chùa này tương truyền được xây trên nền Vọng Tiên đài, nơi Hùng Vương thứ 7 đã lập đàn cầu tiên.

Bia ma nhai do Lê Khắc Phục lập khi lên cầu đảo ở núi Tam Đảo.

Sự tích khác liên quan đến vị thần nữ núi Tam Đảo là truyện Thanh sơn đại vương được chép trong Việt điện u linh. Truyện như sau:
Núi Tam Đảo là một danh sơn ở nước ta, dãy núi vòng quanh phương Bắc, dài tới nghìn dặm. Đời Lý, Trần trước có ghi tên núi vào trong tự điển, nhưng chưa được rõ rệt, sau gặp nhiều lần binh lửa nên bỏ mất. Đến đời vua Nhân Tông nhà Lê, trong hai năm Kỷ Tị và Canh Ngọ (1449 – 1450) bị đại hạn luôn, cầu đảo khắp các thần, đều không thấy mưa. Triều đình họp bàn: Tam Đảo là núi có tiếng mà sự thờ cúng lại quá chểnh mảng, nay nên cho lên sửa sang và tế lễ để cầu đảo. Vua liền sai soạn văn, phong thần núi là Thanh Sơn đại vương và cho lên làm lễ cầu mưa. Hôm ấy mây nổi, khắp trời tối trăm, sáng hôm sau mưa xuống như trút, rồi năm ấy được mùa. Từ ấy về sau, hễ gặp đại hạn, lên đền cầu mưa đều ứng nghiệm. Thần núi được tôn làm phúc thần một phương và núi được ghi vào tự điển từ đấy.
Dấu vết của việc cầu đảo này còn lưu trên là tấm bia ma nhai khắc trên vách đá ven suối có tên Bát Nhã tuyền do quan đại thần Lê Khắc Phục lập.
Ngày nay, vị thần núi Tam Đảo này được lập thành một ngôi đền riêng, gần với đền Thượng Tây Thiên. Trong đền có tượng thần hình dáng một mỹ nhân tuyệt sắc.

Điện thờ Thanh Sơn đại vương ở Tây Thiên.

Câu đối ở điện thờ Thanh Sơn đại vương trên núi Tây Thiên:
Vạn cổ càn khôn hưng tái tạo
Cửu tiêu nhật nguyệt ánh trùng quang.

Đáng chú ý ở câu này dùng chữ “Cửu Tiêu”, chỉ chốn trời cao.
Với những thông tin về vị nữ thần chốn Cửu Tiêu, đẹp như một mỹ nhân này thì có thể nhận định: thần núi Tam Đảo chính là bà Ngọc Tiêu (Lăng Thị Tiêu), vị tiên nữ giáng trần người lấy vua Hùng thứ bảy trong Ngọc phả Hùng Vương ở Phú Thọ. Một số sự tích hiển linh khác ở Tây Thiên – Tam Đảo được kể như việc báo mộng cho Trần Nguyên Hãn về khởi nghĩa của Lê Lợi hẳn cũng thuộc về vị nữ thần này.
Hiện tượng ở một nơi nhưng có 2 vị thần thuộc 2 thời kỳ khác nhau là thường gặp trong tín ngưỡng thờ thần ở miền Bắc. Ví dụ, ở Sóc Sơn, trong khi vị thần thờ chính là Phù Đổng Thiên Vương (thánh Dóng), nhưng lại có thờ cả thần núi Vệ Linh là Na Tra thái tử. Sự tích kể Na Tra từng hiển linh trước giặc Tống trên sông Đà ở Thái Nguyên. Trong quần thể đền Dóng Sóc Sơn, có riêng đền Hạ là để thờ vị thần núi Sóc này.

Hay cũng ở núi Sóc còn có chuyện Tỳ Sa Môn thiên vương hiển linh trước nhà sư Khuông Việt. Trong đền Thượng Sóc Sơn ngoài Thánh Dóng được thờ chính còn có cả tượng thờ Na Tra thái tử và Tỳ Sa Môn thiên vương. Những chuyện này làm cho các nhận định về Thánh Dóng khá lẫn lôn, quy kết thành Tỳ Sa Môn thiên vương. Thực tế, Thánh Dóng vẫn là Thánh Dóng, còn cùng nơi đó có những vị thần khác hiển linh, tuy có liên quan, nhưng không phải là hình tượng gốc của Thánh Dóng.

Qua những tư liệu và di tích ở trên, có thể nhận định, ở Tây Thiên có 2 vị nữ thần được thờ phụng:
– Một là Tây Thiên quốc mẫu hay Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu, vị mẫu thời Hùng Vương thứ nhất, giúp vua Hùng dẹp giặc, dựng nước. Đây là vị quốc mẫu tối cao, chiếm nhiều ngôi vị quan trọng trong Đạo Mẫu và Đạo Giáo, cũng như các tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân gian.
– Hai là Thanh Sơn đại vương Ngọc Tiêu (Lăng Thị Tiêu), người lấy Hùng Vương thứ 7, là vị thần núi Tam Đảo, thường được cầu đảo làm mưa và hiển ứng báo mộng qua các thời.

Câu đối ở đền Thỏng (Hữu thần cung), tại xã Đại Đình, Tam Đảo:
石路赴西天靈地存名仙降
高山豋扶議古臺記位母儀
Thạch lộ phó Tây Thiên, linh địa tồn danh tiên giáng
Cao sơn đăng Phù Nghị, cổ đài ký vị mẫu nghi.
Dịch:
Đường đá tới Tây Thiên, đất thiêng còn danh tiên hạ thế
Núi cao lên Phù Nghị, đài xưa ghi ngôi mẫu oai nghiêm.


Bài viết nguồn từ : bachviet18

Bài viết liên quan

THỜ MẪU TỨ PHỦ – TÍN NGƯỠNG ĐA THẦN ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI VIỆT

admin

CAO LỖ – VƯƠNG QUAN ĐỀ NGŨ TUẦN TRANH- SỰ THẬT LỊCH SỬ VỀ VỊ ANH HÙNG ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM CHỐNG NGOẠI XÂM

admin

HIỂU ĐÚNG VỀ CÂU NÓI PHẬT TỪ BI THÁNH MỘT LY CŨNG CHẤP

admin

Bình luận

Để lại Bình luận