mantico +hatvan.vn+ : Cuộc sống thường nhật của con người không phải lúc nào cũng êm đẹp, mọi việc đều hanh thông, thuận lợi, sức khoẻ tốt… mà thường xuyên gặp nhiều sự không may, thậm chí xẩy ra liên tiếp , ví dụ : ốm đau không tìm ra nguyên nhân gây bệnh; làm ăn buôn bán thất bại; vợ chồng xích mích; con cái có sinh mà không có dưỡng, hao người tốn của .v.v.. Những người tin vào tâm linh thì hay đi lễ bái các chùa, đền, phủ, làm sớ sám hối, tổ chức giải hạn, cầu an… nhưng vẫn không thoát qua. Đối với những người là tín đồ trong Tứ Phủ thì cho rằng: Sở dĩ gặp những điều không may trong cuộc sống thường nhật là tại căn cơ, duyên nợ của mình với các Ngài trong Tứ phủ quá nặng, các Ngài đã chọn, đã chấm mình (chấm đồng bắt lính) nhưng không chịu ra hầu nên bị các Ngài hành hạ . Để giải quyết tình hình này, tín đồ Tứ phủ phải ra “đầu” các quan – trình diện để các quan thu nhận, thì mới khỏi. Lễ đó gọi là lễ trình đồng.
Lễ trình đồng – còn gọi là hầu bóng, là một loại hình sinh hoạt đặc biệt trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần được vời đến sẽ nhập vào người hầu đồng, nghe lời cầu nguyện của người đi lễ, phán truyền công việc và ban phát lộc. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ, đôi khi mới do nam giới đảm nhận. Ngày nay, rất nhiều thầy tứ phủ đảm nhiệm công việc hầu đồng. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Do đó, không có qui định chuẩn mực, trình tự tiến hành nào cụ thể cho quá trình hành lễ.
Các giá đồng biểu hiện qua các điệu múa linh thiêng là một phần quan trọng của nghi lễ. Về lý thuyết thì có 38 vị thánh được thờ trong Tứ phủ, ứng với 38 giá đồng, nhưng thực tế có thể hầu được tới 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô, ông Lốt, quan Ngũ hổ… Trên thực tế, chỉ có một số Ngài về mở phủ và chứng đàn trong lễ trình đồng.
Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn hay còn gọi là hát chầu văn. Hát văn là một thể loại hát nói – vừa hát vừa nói. Hát văn do ban hát biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người hầu đồng múa điệu múa thần linh theo nhịp điệu và nội dung bài hát văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.
Lễ sơ khởi là lễ đội bát nhang. Lễ này thực hiện không tốn kém nhiều… Nếu mọi việc vẫn chưa ổn thì phải ra làm lễ trình đồng. Sau khi đã được tôn lô nhang mà căn mạng vẫn còn quá nặng thì đệ tử (con đồng) phải ra đàn Tứ Phủ sơn trang làm lễ trình đồng để chính thức trở thành ghế đệm cho các Ngài thì mới hết bị Ngài hành.
Người muốn đội bát nhang hay trình đồng phải nhờ một vị sư hoặc chủ đồng đền và một thầy viết sớ, thầy bói coi tuổi để biết mình thuộc căn cơ nào? thuộc con nhang của Phủ nào trong 4 phủ? do vị Quan nào cai quản? Thí dụ: Tuổi Canh Thìn thuộc căn Bơ phủ (Phủ Thoải), quan cai đầu đồng là ông Hoàng Bơ. Tức tuổi ấy có căn với ông Hoàng Bơ và là ghế của ông Hoàng Bơ. Tuy nhiên, trong hàng vạn người may ra mới có một người có căn thực sự, do đó, cần phải lập Tử Vi và Bát tự xem mệnh có căn đồng thực sự không? Ngày nay, nhiều khi chỉ đi gặp Thầy tứ phủ, nghe Thầy phán truyền về căn mạng là về thu xếp làm lễ trình đồng ngay, không biết đúng sai đến đâu.
Lễ trình đồng có mục đích trình diện con đồng với chư vị Mẫu, Mẹ, Vua, Cha, với các ông Hoàng, bà Chúa của bốn phủ . Sau lễ ấy, con đồng mới được chính thức làm ghế đệm để các Ngài về phán bảo và làm việc quan. Ghế đệm chính là thân xác con đồng, được các Ngài nhập vào để phán truyền với các con nhang, đệ tử Tứ phủ.