TẾT ĐOAN NGỌ (ĐOAN NGỌ TIẾT) TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM. < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Văn hóa Dân gian

TẾT ĐOAN NGỌ (ĐOAN NGỌ TIẾT) TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM.

TẾT ĐOAN NGỌ (ĐOAN NGỌ TIẾT) TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM.


Mồng năm tháng năm âm lịch hằng năm là Tết Đoan Ngọ cũng gọi Tết Đoan Dương, Tết Trùng Ngũ,…Ngày trước, tết này được coi trọng, các cụ thường nói: “Tết mồng năm, rằm tháng bảy” là có ý không thể bỏ qua dịp này được.

Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Đông Dương và có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt văn hoá. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ mười một giờ trưa tới mười ba giờ chiều, và ăn tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương, theo triết lý y học Đông phương thời hoả khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người tại ngày Đoan Ngọ đều lên đến đỉnh điểm.

Trong văn hoá Đại Việt thời xưa ngày mồng năm tháng năm âm lịch lợi là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Dân gian lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương.
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Ở vùng đồng bằng Nam Bộ Việt Nam ngày mồng năm được coi là ngày “Vía Bà”, thờ Linh sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen. Còn ở Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cữu Long nói chung, ngày trùng ngũ gọi là ngày “nước quay”, vì cứ theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn về đến nước ta làm nước sông có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hàng năm.

Ngoài ra, dân ta gòn gọi ngày này là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Nhiều nơi con cháu lo biếu tết ông bà cha mẹ, con rể lễ tết nhạc gia, học trò biếu lễ thầy dạy. Quà biếu tết mồng năm thường là ngỗng với đậu xanh hay dưa hấu với đường.

Tự sáng sớm lúc trẻ con còn ngủ chưa dậy, người ta bôi hùng huỳnh vào thóp thỡ, vào ngực, vào rốn để trừ trùng. Nhiều người mua bùa chỉ ngũ sắc đeo cho con trẻ.

“Chỉ ngũ sắc kết làm vòng
Nhớ tết Đoan Ngọ đề phòng yêu ma
Nhân dân từ trẻ chí già
Quả cầu, quả khế, quạt huê năm màu
Kết nhện kết túi từng sâu
Khánh vòng quả lựu rượu bầu túi thơ
Chỉ ngũ sắc trói yêu tà
Ấy là tục lệ Cô Ba Tây Hồ…”

Lại may áo lụa đem đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý đặng trừ tà ma cho khỏi quấy. Trẽ nhỏ còn được nhuộm móng tay, móng chân bằng lá móng trừ ngón tay trỏ và ngón chân trỏ (không hiểu vì lẽ gì?). Ngay từ sáng sớm người ta ăn rượu nếp, ăn mận, ăn đào, cho là để giết sâu bọ. Nhiều làng có tục ăn trứng luộc, ăn kê (kê ăn lẫn với đường kiết và bánh đa).

Tục hái thuốc mồng năm cũng bắt đầu từ giờ ngọ, đó là giờ có dương khí tốt nhất trong năm, lá cây thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư… Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể. Tuy vậy, nhân dân ta quen dùng thảo mộc chữa các chứng bệnh, biết phân biệt loại có độc, chẵng hạn lá ngón, cà độc dược, lá sắn… dẫu người nặng đầu óc mê tín cũng chẳng dám hái. Nguyên tục hái lá do điển tích Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời nhà Tấn. Hôm mồng năm hai người vào núi Thiên Thai hái thuốc gặp Tiên bởi thế thành tục.

Tục ăn Tết Đoan Ngọ không biết có từ đời nào. Mấy cụ Nho học khi xưa cho là do từ đời Xuân Thu. Bấy giờ nước Sở có một vị trung thần tên là Khuất Nguyên, vì can ngăn vua Hoài không được, bực mình ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La mà tự vẫn. Hôm ấy chính là ngày mồng năm tháng năm, xứ ấy thương tiếc người trung nghĩa, cứ mỗi năm đến ngày ấy thời làm bánh đường bánh ngọt, cuốn chĩ ngũ sắc ở ngoài rồi đua nhau bơi thuyền ra giữa dòng sông mà ném bánh xuống để cúng ông ấy. Cuộn chĩ ngũ sắc là có ý làm cho cá sợ khỏi đớp mất…

Đoan Ngọ đối với người mình là một lễ tiết quan trọng bậc nhì sau Nguyên Đán, cách thức ăn tết có nhiều đặc điểm như nói trên, nhất là lệ biếu quà ông bà cha mẹ, thầy học, nhạc gia…

Photo/ Đỗ Quang Đức

Bài viết liên quan

Bàn về đối tượng thờ phụng trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc.

admin

Vai trò thày mo trong nghi lễ tang ma của người Mường

admin

Gánh hàng hoa “hồn xưa” còn sót lại

admin

Bình luận

Để lại Bình luận