Bà cụ là người gốc Nam Định, cháu của cố nghệ nhân Đào Thị Sại ( một cố nghệ nhân hát văn nổi tiếng đất Nam Định xưa ).
Không hiểu vì lý do gì nhưng chưa khi nào thấy bà Phòng kể về việc về quê Nam Định hay kể về người thân.
Dáng người nhỏ thó nhanh nhẹn, đặc biệt là còn rất minh mẫn. Ở tuổi của bà cụ thì nhiều người đã tìm riêng cho mình một chỗ nhàn tản. Nhưng riêng cụ thì lại không. Tháng nào tiệc này, là bà cụ lại túi bóng, tay nải đi đến các đến phủ có tiệc để dự hội và xin lộc Thánh.
Kẻ cũng đến lạ, hơn 10 năm kể từ ngày tôi mới lò dò đi tìm hiểu về hát văn. Gặp lễ hội đền nào, đến nơi là đã thấy bà cụ ở đấy rồi. Bất kể xa gần, Bắc Nam, miền xuôi hay miền ngược.
Bà cụ được cái nết quý hóa, gặp con cháu hỏi thăm là vồn vã tiếp chuyện. Khi thì cho đồng tiền đài Âm Dương, khi thì cái bánh quả chuối lộc. Chắc cũng bởi cái tính sởi lởi mà Thánh thương, không nghe thấy bà cụ kể về việc ốm đau bao giờ.
Lần gần nhất là tiệc quan lớn Tam Phủ tôi gặp bà cụ và chụp được mấy bức hình. Vui vẻ nhanh nhẩu chuyện và rất biết làm dáng khi tôi đề nghị chụp ảnh tự sướng.
Có đám hầu là bà cụ vào dự rồi cầm trống cái. Phải thú thực là gừng càng già càng cay. Những câu hát, nhịp điệu đã ăn vào máu bà cụ. Tuy đã móm mém, câu hát lúc rõ lúc mờ nhưng lời thì chân chất mộc mạc.
Của nả nhiều nhất của bà cụ chắc là bó dùi trống. Xong đám hầu nào là bà cụ nhanh chóng bó cẩn thận mấy cái dùi trống lại rồi cho vào túi bóng cất đi. Là nữ nhưng phải nói là giời phú cho bà cụ được đôi tay nhịp, đôi chân đi. Ở tuổi xưa nay hiềm nhưng dẻo chân bước, vững tay nhịp là điều quý lắm rồi.
Nguồn FB – Bài Viết – Ảnh – Youtube : Đại Đao