LÊN ĐỒNG, NƠI GẶP GỠ CON NGƯỜI VÀ THẦN LINH < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Đồng cốt Nghiên cứu tín ngưỡng

LÊN ĐỒNG, NƠI GẶP GỠ CON NGƯỜI VÀ THẦN LINH

Loài người có ba ước vọng lớn, đó là ước vọng hòa hợp với thiên nhiên, môi trường sống của bản thân, hòa hợp với thần linh, lực lượng siêu nhiên, nhưng trong tâm tưởng của con người nó luôn hiện hữu và là lực lượng che chở cho con người và hòa hợp với đồng loại, tạo nên mối quan hệ gắn kết xã hội. Các giá đồng trong nghi lễ Hầu Bóng của Đạo Mẫu chính là một trong những phương cách mà con người tạo ra để hiện thực hóa ước vọng đó của mình.

Mỗi tôn giáo tín ngưỡng đều có những phương cách riêng để con người và thần linh có thể hòa hợp với nhau. Với Đạo Mẫu, đó chính là ở các đền, phủ, điện, nơi hàng năm, hàng tháng diễn ra nghi lễ Lên đồng với 36 giá, mà mỗi một giá như vậy một vị Thánh (Đạo Mẫu có khoảng trên dưới 50 vị Thánh khác nhau) sẽ nhập hồn vào thân xác phàm trần của bà đồng, ông đồng để mang đến cho họ sức khỏe, tiền tài, quan lộc (Phúc, Lộc, Thọ), ước vọng vĩnh hằng của con người ở mọi thời đại.

Để có được cuộc “gặp gỡ” thần thánh như vậy, các tín đồ Đạo Mẫu phải có đức tin mãnh liệt vào các vị Thánh, trong đó khá nhiều vị là các nhân vật lịch sử có công với dân với nước (sinh vi tướng, tử vi thần) hay là các vị thần linh nhưng đã được lịch sử hóa, gắn với các triều đại, các chiến công dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là sự kết hợp giữa niềm tin tín ngưỡng với ý thức lịch sử, ý thức xã hội, tạo nên tình cảm yêu nước đã được linh thiêng hóa.

Không thể có được cuộc gặp gỡ giữa người trần và thần linh nếu như không có sự hiện hữu các bà đồng, ông đồng. Họ là những người có căn số (căn cao, số nặng), có những đặc trưng riêng về sinh lý và tâm lý, dẫn đến những rối loạn, lệch chuẩn về hành vi, ảnh hưởng tới chất lượng sống; trước khi ra trình đồng họ phải chịu những thử thách cơ đày ở những mức độ khác nhau, nhiều khi đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, sau khi ra trình đồng, phần lớn họ đều khỏi bệnh “âm” này và trở lại cuộc sống của người bình thường, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Sau bước ngoặt này của cuộc sống, họ tin vào sự trợ giúp của thần linh, ở một số người xuất hiện các khả năng đặc biệt, mà ngày nay người ta gọi nó là “ngoại cảm”.

Như thế vẫn chưa đủ, để có cuộc gặp gỡ thần thánh này còn đòi hỏi một không gian tâm linh thực sự. Đó là các di tích đền, phủ, điện có tuổi đời hàng trăm năm với bao huyền thoại và truyền thuyết về các vị thánh thần, có các điện thờ với tranh tượng, đồ thờ cúng, đặc biệt là các đồ vàng mã với hình nhân, voi, ngựa, thuyền bè… Đặc biệt là một không gian với 4 màu biểu trưng : Đỏ biểu tượng cho trời, vàng cho đất, xanh cho núi rừng và trắng cho sông nước, một không gian ngập tràn âm nhạc chầu văn với các giai điệu phong phú, đa dạng, các ca từ giầu hình ảnh thiên nhiên, con người, đất nước.

Chính trong thời khắc huy hoàng, thiêng liêng ấy, các vị Thánh hiện ra với áo mũ, sắc diện phù hợp với vị thế, tính cách từng vị thánh. Lúc này còn đâu hình hài các bà đồng, ông đồng, họ chỉ còn là cái xác để thần linh nhập vào (hiện bóng vào), chỉ còn là cái “ghế” để thánh thần ngồi. Đấy là lúc thần linh tái sinh trong thân xác bà đồng, ông đồng. Các Ngài làm nghi lễ, nhảy múa, ban phát lộc, phán truyền những điều hay điều tốt, cầu mong cho quốc thái dân an, nhà nhà may mắn, hạnh phúc, an lành…Còn con nhang đệ tử bao quanh, khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc, thành kính đón nhận những đồng tiền, món quà với niềm tin “Một chút lộc thánh hơn gánh lộc trần” !

Các cuộc gặp gỡ giữa con người và thần linh ấy đã diễn ra hàng mấy trăm năm nay, từ đó đã tích hợp và sản sinh ra cả một văn hóa – văn hóa Đạo Mẫu, mang đậm bản sắc dân tộc, là bảo tàng sống văn hóa Việt Nam.

GS.TS. NGÔ ĐỨC THỊNH
Nguồn : Đạo Mẫu Việt nam

Bài viết liên quan

NÓI VỀ VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA BÀ CÔ, ÔNG MÃNH

admin

Huyền tích về Quan Lớn Đệ Tam và ngôi đền thiêng bên bờ Lục Đầu Tam tòa Tứ phủ

admin

NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG “LÊN ĐỒNG” CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ “KUT” CỦA NGƯỜI HÀN

admin

Bình luận

Để lại Bình luận