ÁO BẢN LĨNH CỔ ĐỨNG HOÀNG TRIỀU VUA ĐỒNG KHÁNH < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dân gian Việt Nam Văn hóa Dân gian

ÁO BẢN LĨNH CỔ ĐỨNG HOÀNG TRIỀU VUA ĐỒNG KHÁNH

ÁO BÀN LĨNH CỔ ĐỨNG CỦA HOÀNG HẬU TRIỀU VUA ĐỒNG KHÁNH (1885-1889) VIỆT NAM, CUỐI THẾ KỶ XIX Chiều dài thân áo : 116 cm Chiều rộng sải tay : 230 cm Chiều rộng thân áo : 93 cm Áo bàn lĩnh cổ đứng (áo tấc) của hoàng hậu làm từ vải sa nam màu vàng chính sắc, sợi kim tuyến và chỉ tơ ngũ sắc nhiều sắc độ (trắng, lục, lam, cam, tím). Mặt trước và mặt sau áo đều được thêu chín con chim phượng, trong đó con phượng lớn nhất nằm chính giữa thân áo và ôm lấy chữ « Thọ ». Bốn con phượng nhỏ hơn được thêu xung quanh và bốn con còn lại được thêu trên hai tay áo. Chín con chim phượng được bao quanh bởi các họa tiết trang trí mang ý nghĩa may mắn và trường thọ như dơi (phúc), khánh, bát bảo, hồ lô và vô tận kết bồ, trong đó hình thêu con dơi lớn bao lấy phần gáy là biểu tượng cho may mắn và hạnh phúc.

Chân áo thêu hồi văn thủy ba cùng tản vân ôm lấy tam sơn. Hình ảnh từng ngọn sóng xô vào vách núi dựng đứng, tung bọt trắng xóa làm lộ ra những nhánh san hô đang lẩn khuất được phác họa một cách tinh tế và sống động.

Áo được trang trí theo lối tứ tượng ngũ hành, tượng trưng cho sự hình thành và sinh sôi của vạn vật. Trong văn hóa dân gian Việt Nam và Trung Quốc, chim phượng tượng trưng cho vẻ đẹp cùng đức hạnh của người phụ nữ. Hình ảnh con chim phượng do đó trở thành biểu tượng cho hoàng hậu, cũng như hình ảnh con rồng đại diện cho hoàng đế. Thường được sử dụng trên trang phục của hoàng hậu và phụ nữ hoàng thất nhưng kể từ thời vua Khải Định (1916-1925), họa tiết trang trí hình chim phượng cũng được sử dụng trên trang phục của hoàng đế. Trên thực tế, quy định về trang phục cung đình Huế được biên soạn dưới sự trị vì của vua Minh Mạng (1820-1841) vẫn luôn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhưng có thêm một vài điểm cải cách mang tính tự do hơn. Màu sắc trên trang phục hoàng gia được quy định rất rõ ràng : màu vàng chính sắc dành cho hoàng đế và hoàng thái hậu, màu cam dành cho hoàng hậu và hoàng thái tử; chỉ tơ ngũ sắc dùng để thêu trang trí gồm : năm màu sắc cơ bản dành cho hoàng đế (lam,vàng, đỏ, trắng và đen), màu tía, màu đỏ và màu hồng dành cho hoàng hậu, màu vàng dành cho hoàng tử.

Ngoài ra, tới gần cuối thế kỷ XIX, tà áo trang phục cung đình vốn vẫn rất dài đã được cắt ngắn lại còn khoảng 100 cm.

Mặc dù kiểu dáng của trang phục này lấy cảm hứng từ trang phục cung đình triều nhà Thanh của Trung Quốc, chủ yếu là chiều dài thân áo và chiều rộng ống tay áo, nhưng kỹ thuật thêu thùa điêu luyện vẫn là bí quyết riêng của người Việt. Các mũi thêu đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác tới từng chi tiết và tuân theo quy định nghiêm ngặt về độ dài mũi thêu cũng như khoảng cách giữa các hình thêu và cúc áo. Như vậy, một chiếc áo đơn giản cần tới bốn thợ thêu làm việc trong năm tháng. Dáng áo tay thụng, mở rộng dần về phía cuối cùng với màu sắc và họa tiết thêu trên áo chứng tỏ rằng trang phục này đã được hoàng hậu mặc trong các ngày lễ tết và các buổi thiết triều.

Tình trạng : sờn chỉ ở những phần thêu dùng sợi màu xanh lam ; một vết bẩn trên tay áo.

Xuất xứ : Chiếc áo này đã được mang tới Châu Âu vào đầu thế kỷ 20 bởi một gia đình người Pháp làm việc tại Cục Hải Quan giữa Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng những năm 1880 – 1900. Hiện vật được lưu giữ một cách đặc biệt cẩn thận cho tới tận bây giờ.

Hiện nay chiếc áo này đã thuộc sở hữu của nhà sưu tầm trong nước.

Nguồn bài viết: https://www.aguttes.com/cn/lot/93581/9664520

Ảnh: Hiếu Trần

Bài viết liên quan

Khám phá hệ thống ma thuật, tín ngưỡng ở chợ Việt

admin

KÝ ỨC TẾT QUÊ (TẾT MÙNG 5 THÁNG 5 – ĐOAN NGỌ)

admin

Sai lầm của chúng ta là: NỔI NÓNG với NGƯỜI THÂN nhưng lại KHOAN DUNG với NGƯỜI LẠ

admin

Bình luận

Để lại Bình luận