TẠI SAO LẠI GỌI ÔNG " BÌNH VÔI " ? < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dân gian Việt Nam Văn hóa Dân gian

TẠI SAO LẠI GỌI ÔNG ” BÌNH VÔI ” ?

Vì sao gọi bình vôi là “Ông”?

Trong các hiện vật cổ của người Việt, chiếc bình vôi là một trong những đồ dùng hiếm hoi nhất được gọi bằng danh xưng kính cẩn: Ông bình vôi. Một trong những lý giải rằng Việt Nam gắn với nền nông nghiệp lúa nước, trong thờ cúng dân gian có loại hình tín ngưỡng đa thần giáo, theo quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, thế nên hễ vật gì mà con người sợ làm hại đến họ, sẽ được tôn thờ với niềm tin vật ấy (thần ấy) không đụng chạm đến con người nữa. Và bình vôi được thiêng hoá từ sự tích trầu cau, có khả năng mách nước cho gia chủ những chuyện hay dở của cuộc sống để né tránh, do vậy trong nhiều gia đình, tối đến, khi không dùng cau trầu sẽ lấy chìa vôi trong bình ra cho miệng bình mở để bình vôi mới mách nước nghe chuyện nhà. Trộm cắp khi vào nhà cũng từ suy nghĩ ấy mà thường dùng vải nút miệng bình vôi để cả nhà sẽ ngủ say, hoặc có tỉnh giấc cũng không thể kêu la được. Từ góc độ thiêng hoá ấy, người Việt kính cẩn gọi thành Ông bình vôi.

Khi vôi đầy bình người sử dụng không đổ bỏ vôi ra ngoài, mà mua bình vôi mới, bình cũ sẽ được đem treo ngoài gốc đa đầu làng, hay đặt tại các đình chùa, bàn thờ trên gia đình, thờ cúng như một vật linh.

Nhiều địa phương lưu truyền những chuyện thú vị về lối sản xuất bình vôi, do là vật thiêng nên không phải lò gốm nào cũng có thể làm, và người thợ làm bình vôi sẽ phải chọn sản xuất đúng vào tháng nhuận, năm nhuận, người thợ gốm phải giữ mình sạch sẽ, gia đình êm thấm, không trong giai đoạn chịu tang chế, khi ấy mới tiến hành sản xuất bình vôi.

Ở một lý giải khác, trong phong tục dân gian Việt Nam, hễ cái gì có thể làm hại đến đời sống con người, thường được gọi bằng “ông”, ví như ông cọp – ông ba mươi, hay những “ông” chuyên được người lớn đem hù doạ con nít là “ông kẹ”. Những vật dụng quan trọng trong đời sống thường ngày của mọi gia đình cũng được nhân cách hoá thành ông, ví dụ ba cục gạch gác bếp được gọi là Ông đầu rau. Và bình vôi dùng thường ngày trong mọi nghi thức lớn nhỏ của gia đình, nên được kính cẩn gọi thành ông bình vôi là vì thế.

Nguồn bài viết từ : Di SẢN VIỆT

Bài viết liên quan

Tìm hiểu hình tượng ‘Lưỡng long chầu nguyệt’ trong văn hóa Việt Nam

Cuối Mùa Rơm

Sơ lươc về tín ngưỡng dân gian người Việt

admin

TẬP TỤC THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở VIỆT NAM.

admin

Bình luận

Để lại Bình luận