BỔ TÚC TƯ LIỆU VỀ THỜI ĐIỂM XUẤT HIỆN CỦA PHỦ TÂY HỒ: BÀN VỀ TÍNH XÁC THỰC CỦA SẮC PHONG MANG NIÊN ĐẠI 1887 VÀ HIỆU CHỈNH NỘI DU < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Nghiên cứu tín ngưỡng

BỔ TÚC TƯ LIỆU VỀ THỜI ĐIỂM XUẤT HIỆN CỦA PHỦ TÂY HỒ: BÀN VỀ TÍNH XÁC THỰC CỦA SẮC PHONG MANG NIÊN ĐẠI 1887 VÀ HIỆU CHỈNH NỘI DU

BỔ TÚC TƯ LIỆU VỀ THỜI ĐIỂM XUẤT HIỆN CỦA PHỦ TÂY HỒ: BÀN VỀ TÍNH XÁC THỰC CỦA SẮC PHONG MANG NIÊN ĐẠI 1887 VÀ HIỆU CHỈNH NỘI DU

CHU XUÂN GIAO

ThS. Viện Nghiên cứu Văn hóa

Tháng 7 năm 2009, cuốn Làng Tây Hồ – Phủ Tây Hồ (LTH-PTH) của hai tác giả Hoàng Giáp và Trương Công Đức, một cuốn sách được nhiều người mong đợi, đã được ấn hành bởi Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, thuộc thể loại “Sách tham khảo” (200 trang, khổ 13-19). Cuốn sách đã công bố rộng rãi tới học giới và bạn đọc phổ thông nhiều tư liệu quan trọng của làng Tây Hồ nói chung và phủ Tây Hồ nói riêng. Trong đó, về phần mình, chúng tôi có chú ý đến đạo sắc phong mang niên đại Đồng Khánh thứ 2 (1887) “cho phép phường Tây Hồ, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội phụng sự [Liễu Hạnh công chúa] như xưa” [Hoàng Giáp, Trương Công Đức 2009: 94-95]. Nói một cách nôm na, đó là sắc phong năm 1887 chuẩn y cho làng Tây Hồ được thờ phụng Mẫu Liễu như trước (hàm nghĩa Mẫu Liễu đã được thờ phụng tại làng Tây Hồ từ rất lâu trước đó).

Khi đọc tư liệu đó, chúng tôi đã ngay lập tức đặt nghi vấn về tính chân thực của dòng niên đại (“Đồng Khánh nhị niên” – 1887) và địa chỉ tiếp nhận sắc (“phường Tây Hồ”). Phải chăng thực sự có một sắc phong mang niên đại 1887 cho làng Tây Hồ ở thời điểm đó được tiếp tục thờ Mẫu Liễu ? Nếu trên thực tế, sắc phong đó thực sự tồn tại thì giả thiết về thời điểm xuất hiện rất muộn của phủ Tây Hồ (từ đây trở xuống viết tắt là PTH) trong một nghiên cứu đã công bố trước đây của chúng tôi [Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương2008a, 2008b] không còn đứng vững được nữa, hoặc nói rõ hơn, là hoàn toàn sụp đổ.

Bằng những dẫn giải ở dưới đây, chúng tôi sẽ đi đến một nhận định tạm thời rằng, không có sắc phong mang niên đại 1887 cho làng Tây Hồ được phép thờ phụng Mẫu Liễu như xưa. Cụ thể hơn, niên đại năm 1887 là không sai, nhưng địa chỉ địa phương nhận sắc (“phường Tây Hồ”) là không đúng; đó là đạo sắc phong cho một nơi khác cũng thờ phụng Mẫu Liễu, mà không phải cho làng Tây Hồ hay cho PTH ngày nay (tiền thân của nó là Bảo Khánh linh từ).
Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh rằng, bản thân nguyên vật của đạo sắc này hiện đang được lưu giữ tại PTH, theo khảo chứng của chúng tôi, cũng chỉ là một bản sao mà không phải là bản chính (người làng Tây Hồ hay có liên quan đến làng Tây Hồ đã đi tới Phố Cát và thực hiện việc sao chép bản chính ở đó).

Giả thiết về hai khả năng như sau: có thể nói các tác giả LTH-PTH đã vô ý nhầm lẫn trong khi tiến hành phiên dịch tư liệu; cũng có thể nói các tác giả đã chủ ý sửa dòng ghi địa chỉ địa phương nhận sắc trong khi tiến hành phiên dịch, để biến đạo sắc đó (vốn cho một nơi khác) thành sắc phong cho phường Tây Hồ.

Dưới đây, cùng với việc khảo chứng về tính xác thực của sắc phong mang niên đại 1887 (từ đây trở xuống viết tắt là SP-1887), chúng tôi cũng sẽ đề xuất hướng chỉnh lí cách hiểu của các tác giả sách LTH-PTH về nội dung chính của nó, thông qua việc cụ thể là hiệu chỉnh bản phiên âm và bản dịch nghĩa mà họ công bố, để đi đến một nhận thức sát thực hơn về các Mẫu được thờ phụng tại PTH.

1. Hiệu chỉnh nội dung sắc phong mang niên đại 1887 được công bố trong LTH-PTH

Trước khi đề cập đến SP-1887, thiết nghĩ, cần giới thiệu sâu thêm một chút nữa về LTH-PTH.

Như trên đây đã viết, tác giả chính của sách này là Hoàng Giáp và Trương Công Đức; một vị là nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), người đã làm điều tra điền dã bền bỉ ở vùng Hồ Tây trong nhiều năm qua để sưu tập tư liệu Hán Nôm; một vị là Trưởng ban Quản lí Di tích phủ Tây Hồ, (tức là người có trách nhiệm cao nhất tại PTH), trong mấy chục năm qua. Ngoài ra, sách còn ghi tên các cộng sự khác có tham gia biên soạn(1). Như vậy, có thể xem đây là thành quả của một quá trình phối hợp điều tra điền dã và biên soạn được thực hiện nhiều năm qua giữa nhà đền (PTH) và một nhóm các nhà nghiên cứu.

Sách gồm hai phần. Phần I là Khái quát về làng Tây Hồ – phủ Tây Hồ, đúng như tên gọi của nó, bao gồm các tiểu mục: đình Tây Hồ, chùa Tây Hồ, đền Kim Ngưu, phủ Tây Hồ. Phần II là Tư liệu Hán Nôm, “giới thiệu các tư liệu Hán Nôm quý giá thể hiện ở hoành phi, câu đối, văn bia, sắc phong trong các di tích đình, chùa, đền, và phủ Tây Hồ. Phần này trình bày theo kết cấu nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán – Việt, dịch nghĩa” [Hoàng Giáp, Trương Công Đức 2009: 5]. SP-1887 nằm trong phần II.

Đoạn công bố SP-1887 trong sách trên chỉ có hai phần là “phiên âm Hán – Việt” và “dịch nghĩa”, mà không có phần “nguyên văn chữ Hán” (tức bản chữ Hán khôi phục từ nguyên vật)(2), và tất nhiên, theo kết cấu chung của sách, cũng không có ảnh chụp nguyên vật. Bản phiên âm và dịch nghĩa của các tác giả sách LTH-PTH như sau (những chỗ tô đậm để nhấn mạnh, tiện cho việc chỉnh lí tiếp theo, là bởi chúng tôi).

Sắc phong [phủ Tây Hồ]

Phiên âm:

Sắc Hoằng thí phổ độ Anh linh tĩnh chính Diệu hóa trang vi Đế Thích Tiên đình Liễu Hạnh Công chúa Thượng đẳng thần. Linh thông diệu cảm, Nhàn uyển Quỳnh Anh phu nhân chi thần Linh thông phù thuận, Nhàn uyển Quảng cung Phu nhân chi thần. Hướng lai hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Hà Nội tỉnh Vĩnh Thuận huyện Thượng tổng, Tây Hồ phường y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho Hoằng thí phổ độ, Anh linh tĩnh chính, Diệu Hóa trang vi Đế Thích Tiên đình Liễu Hạnh Công chúa Thượng đẳng thần. Linh thông diệu cảm, Nhàn uyển Quỳnh Anh phu nhân chi thần Linh thông phù thuận, Nhàn uyển Quảng cung phu nhân chi thần. Từ trước đến nay đã hộ quốc giúp dân tỏ rõ linh ứng, từng được ban cấp sắc phong để thờ tự. Nay (trẫm) được nối mệnh lớn (lên ngôi vua) nhớ đến công lao của thần đáng gia tặng: Dực bảo trung hưng Thượng đẳng thần. Cho phép phường Tây Hồ, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo hộ dân ta. Hãy nhận.

Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).

Tạm gác lại vấn đề tính xác thực của dòng ghi địa chỉ địa phương nhận sắc (sẽ giải quyết ở các mục tiếp theo của bài viết), thì theo kinh nghiệm khảo sát sắc phong cho Mẫu Liễu ở các nơi của chúng tôi, cả bản phiên âm và bản dịch của các tác giả LTH-PTH đều vướng một số lỗi. Ở đây, do khuôn khổ bị hạn chế, chỉ đề cập đến các lỗi chính gây ảnh hưởng lớn đến việc đọc hiểu nội dung của sắc phong, như sau.

Thứ nhất, bản phiên âm ngắt câu không rõ ràng, và vì thế, bản dịch không thể hiện một cách mạch lạc về ba vị thần được sắc phong. Nếu chỉ đọc bản dịch trên của LTH- PTH (vốn không có những chỗ đã được chúng tôi tô đậm để nhấn mạnh), dễ chừng độc giả phổ thông sẽ nghĩ rằng đó là sắc cho riêng một mình Mẫu Liễu. Nhưng chính xác thì đó là sắc cho ba vị sau (các chữ Hán đi kèm bên cạnh phiên âm Hán Việt là dựa theo nguyên vật trong Ảnh 3 ở dưới):

– Liễu Hạnh công chúa 柳杏公主(LTH-PTH dịch là “Liễu Hạnh Công chúa Thượng đẳng thần”). Theo sắc phong thì, vị này đã từng được ban mĩ tự là “Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang vi” (12 đơn vị chữ(3)).

– Quỳnh Anh phu nhân瓊英夫人(LTH-PTH dịch khó hiểu là “Quỳnh Anh phu nhân chi thần”). Vị này đã từng được ban mĩ tự là “Linh thông, diệu cảm, nhàn uyển” (6 đơn vị chữ).

– Quảng Cung phu nhân 廣宮夫人(LTH-PTH dịch khó hiểu là “Quảng cung Phu nhân chi thần”). Vị này đã từng được bạn mĩ tự là “Linh thông, phù thuận, nhàn uyển” (6 đơn vị chữ).

Qua kinh nghiệm, chúng tôi nhận thấy: một bộ gồm 3 vị thần như trên thường có xuất nhập ở tên của hai vị sau, chẳng hạn: ngay ở SP-1887 thì là Quỳnh Anh phu nhân và Quảng Cung phu nhân, còn ở sắc phong cho Phủ Nấp (huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) thì là Quỳnh Cung Duy Tiên phu nhân 瓊宮維仙夫人và Quảng Cung Quế Anh phu nhân廣宮桂英夫人(4). Nhưng vị đầu tiên thì bao giờ cũng là Liễu Hạnh công chúa. Ba vị này thường được gọi là “Vân Hương tam vị thánh mẫu” (chẳng hạn xem Tư liệu Hán Nôm 1): đệ nhất thánh mẫu, đệ nhị thánh mẫu, đệ tam thánh mẫu. Trong phạm vi văn bản sắc phong, có khi 3 vị được phong chung trong cùng một sắc (như trường hợp SP-1887 ở đây), cũng có khi mỗi vị được một sắc phong riêng (ba vị ba sắc, như ba sắc phong mang niên đại Khải Định thứ 9 – 1924 cho Phủ Nấp — xem bản chữ Hán khôi phục trong Trần Quang Minh – 2010).

Thứ hai, từ lí do đã trình bày ở trên, các tác giả LTH-PTH đã chỉnh sửa một chữ trong nguyên bản sắc phong. Trong nguyên bản (sẽ trình bày tiếp ở dưới đây), vốn là “Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực bảo Trung hưng các đẳng thần”, đã được chỉnh thành “Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần”, tức là chữ “các đẳng thần各等神” được sửa lại thành “Thượng đẳng thần上等神”. Sở dĩ nguyên bản là “các đẳng thần” là vì ba vị Vân Hương thánh mẫu có khi không phải tất cả đều được phong là “Thượng đẳng thần”, mà chỉ có “Liễu Hạnh công chúa” được phong ngôi vị như vậy, còn hai vị sau đều là “Trung đẳng thần”. Như vậy, đoạn “Dực bảo Trung hưng các đẳng thần” trong sắc phong phải được hiểu đó là cách nói gộp lại, và nếu cần diễn giải cụ thể thì nó gồm “Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần” và “Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần”. Khi chỉnh sửa chữ “các各” thành chữ “thượng上”, có lẽ các tác giả LTH-PTH đã mặc định rằng SP-1887 chỉ là sắc cho riêng một mình Mẫu Liễu.

Thứ ba, bản dịch của các tác giả LTH-PTH không phản ánh rõ được sự “gia tặng” (ban thêm, tặng thêm) mĩ tự cho ba vị thần nói trên. Đọc bản dịch chúng ta sẽ không thấy rõ được sự gia tặng như sau. Liễu Hạnh công chúa vốn đã được tặng mĩ tự là “Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang vi” (12 đơn vị chữ), thì nay (năm 1887) tặng thêm các chữ “Dực bảo trung hưng” vào sau, để thành 16 đơn vị chữ. Quỳnh Anh phu nhân vốn đã được tặng mĩ tự là “Linh thông, diệu cảm, nhàn uyển”, nay cũng được tặng thêm các chữ “Dực bảo Trung hưng”. Tương tự như vậy, các chữ “Dực bảo Trung hưng” cũng được tặng thêm vào các chữ “Linh thông, phù thuận, nhàn uyển” đã được tặng trước đây của Quảng Cung phu nhân. Hiểu sự gia tặng là như vậy, thì chúng ta sẽ hiểu nghĩa của chữ “các đẳng thần” trong nguyên văn sắc phong.

Đến đây, đã có thể hiệu chỉnh bản phiên âm và dịch nghĩa được các tác giả LTH-PTH công bố như trên, để đưa ra một bản phiên âm và dịch sát nghĩa hơn, nhưng vì còn vướng dòng đề địa chỉ nơi nhận sắc cần phải khảo chứng, nên công việc đó sẽ được làm tiếp ở dưới đây.

2. Khảo chứng về tính chân thực của sắc phong mang niên đại 1887

SP-1887 là sắc cho một nơi khác, mà không phải cho làng Tây Hồ. Điều này sẽ không cần phải lập luận thêm nữa, nếu xem lại một tấm ảnh mà chúng tôi đã công bố trong một bài viết trước đây trên tạp chí Văn hóa Dân gian (xem Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương2008a: 31), tức là bài viết đã ra đời trước sách LTH-PTHkhoảng gần 1 năm, và Ảnh 3 trong bài viết này.

Tấm ảnh trong bài viết đã công bố năm 2008 đó của chúng tôi được ghi chú thích là: “Ảnh 1: Hai đạo sắc phong cho xã Phố Cát tỉnh Thanh Hóa, hiện được lưu giữ tại Phủ Tây Hồ (sắc sao, có niên đại 1878 và 1887; 01.2008”. Đó là ảnh do chúng tôi trực tiếp chụp tại PTH vào tháng 1 năm 2008 với sự đồng ý của nhà đền, tức là đến thời điểm đó hiện trạng của SP-1887 là như vậy.

Xin nhắc lại, liên quan đến tấm ảnh, trong bài viết đã công bố năm 2008 nói trên, với kết quả cuộc khảo sát số tư liệu sắc phong hiện được Ban Quản lí di tích phủ Tây Hồ lưu giữ vào tháng 1 năm 2008, chúng tôi cũng đã diễn giải rằng, không có sắc nào liên quan đến Mẫu Liễu dành cho chính PTH (hay tiền thân của nó là Bảo Khánh linh từ), đó chỉ là sắc phong chính thức của các điểm tín ngưỡng khác (Phủ Giày, Phố Cát) mà người làng Tây Hồ hay ai đó liên quan đi sao về. Có 3 đạo sắc được sao trên 2 tờ rời, cụ thể là:

– Một tờ sao riêng 1 đạo sắc mang niên đại Minh Mệnh thứ 20 (1859) cho xã An Thái huyện Thiên Bản. Ba vị được phong trong sắc là: Đế Thích tiên đình Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị ngọc nương Quỳnh Cung Duy Tiên công chúa, Đệ tam ngọc nữ Quảng Cung Quế Hoa công chúa(5).

– Một tờ sao chung 2 đạo sắc mang niên đại Tự Đức thứ 31 (1878) và Đồng Khánh thứ 2 (1887) cho xã Phố Cát tổng Hòa Luật huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa.

Xem lại tấm ảnh trên (tấm ảnh chụp tờ sao chung 2 đạo sắc cho xã Phố Cát đã công bố năm 2008), và Ảnh 3 ở dưới đây, chúng ta sẽ thấy rõ dòng ghi địa chỉ nhận sắc là xã Phố Cát tổng Hòa Luật huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa清化省石城縣和律總甫葛社(6) có ở cả 2 đạo sắc.

Việc khảo chứng SP-1887 đến đây tạm như có thể kết thúc. Tuy nhiên, để bao quát hơn, chúng tôi cần nhấn mạnh rằng: trong các ghi chép mang tính kiểm kê từ trước đến nay liên quan đến sắc phong cho Mẫu Liễu hiện lưu giữ tại PTH đều không thấy ghi một đạo sắc nào cho làng Tây Hồ mà có niên đại năm 1887. Có thể diễn giải nhanh như sau.

Ở thời điểm hiện tại, thì như đã trình bày ở trên (nhắc lại kết quả khảo sát văn bản đã công bố của chúng tôi), không có, hay không còn một tờ sắc nguyên bản nào cho làng Tây Hồ được thờ phụng Mẫu Liễu cả. Tuy nhiên, hồi cố bằng một ghi chép khác, chúng tôi giả định rằng, có thể trước đây, vào thập niên 1930, tại làng Tây Hồ vẫn còn thấy các sắc sau:

– Một đạo mang niên đại Duy Tân thứ 5 (1911), chi tiết là “ngày mùng 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân thứ 5”, phong Mẫu Liễu là “Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang vi, Dực bảo Trung hưng, thượng đẳng thần”

– Một đạo mang niên đại Khải Định thứ 9 (1924), chi tiết là “ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9”, chỉ ghi lại các mĩ tự đã phong cho Mẫu Liễu là “nguyên tặng Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang vi, dực bảo trung hưng, thượng đẳng thần”.

Sở dĩ chúng tôi biết được thông tin về hai đạo sắc trên là căn cứ vào bản kê khai của Lý trưởng làng Tây Hồ vào năm 1938. Bản kê khai ấy hiện được lưu tại Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội [Tư liệu Viện Thông tin Khoa học xã hội 1938: 293; và xem Ảnh 1].

Bản kê khai năm 1938 có ghi tóm tắt về các vị thần được thờ trong làng (tại đình, đền), và ghi các sắc phong cho từng vị mà ở thời điểm đó còn thấy (chỉ ghi tóm lược, mà không sao luôn cả sắc vào như thấy ở một số bản kê khai khác). Với riêng Mẫu Liễu, bản kê khai cho biết: hàng năm dân làng Tây Hồ “ngày mùng 2 tháng 3 làm lễ ở đền Đức Liễu Hạnh công chúa”, và “Đức Thiên tiên Liễu Hạnh công chúa thờ ở mé hồ nổi nóc độ hơn 60 năm nay ” [Tư liệu Viện Thông tin Khoa học xã hội 1 1938: 295; xem Ảnh 2].

Như vậy, với bản kê khai trên, chúng ta có thể thấy rằng: 1/ Ở thời điểm thập niên 1930, ngôi đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở làng Tây Hồ chỉ là một ngôi đền trong phạm vi một làng, được gọi đơn giản là “đền Đức Liễu Hạnh công chúa”, và qui mô chắc hẳn là nhỏ hẹp. Cái tên “Phủ Tây Hồ” mà ngày nay quen dùng chắc hẳn chưa thể xuất hiện ngay ở thời điểm đó; 2/ Đến thời điểm đó, đền Đức Liễu Hạnh công chúa mới “nổi nóc” được khoảng 60 năm, tức là có thể hiểu rằng, mãi đến cuối thế kỉ XIX (thập niên 1870) đền mới được xây cất. Chúng tôi phỏng đoán rằng, đó chính là ngôi đền Bảo Khánh (Bảo Khánh linh từ) của làng Tây Hồ trước đây, nó là tiền thân của PTH ngày nay.

Bản kê khai không nhắc gì đến SP-1887. Phải chăng là đến thập niên 1930, người ta vẫn chưa đi sao sắc đó ở Phố Cát về (hoặc vì không phải là sắc cho làng Tây Hồ, nên không khai). Ở bài viết trước, chúng tôi đã suy đoán rằng, vào thời Bảo Đại hay muộn hơn nữa, là thập niên 1940, công việc sao sắc để thờ vọng mới được thực hiện. “Phải chăng vào thời Bảo Đại, vì những lí do nào đó hiện chưa rõ, Bảo Khánh linh từ đã chuyển sang dạng như Phủ Tây Hồ ngày nay, và vì thế, người ta đã đến Phủ Giày và Phố Cát để xin sao chép các sắc phong ở đó về thờ vọng. Các tờ sắc này, dù là bản sao, nhưng về mặt tâm linh, là một chứng tin quan trọng cho việc thờ phụng Mẫu Liễu tại đây” [Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương2008a: 31-32]

Thêm nữa, các tài liệu kê khai hay khảo thuật bằng quốc ngữ khác liên quan đến làng Tây Hồ, trước và sau năm 1938 cho đến nay (Tư liệu làng Tây Hồ 1920; Tư liệu Viện Thông tin Khoa học Xã hội 2; Hà Đình Thành 1993, 2002; Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội 1994, 2006; Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ 2000; Nguyễn Vinh Phúc 2004; Phan Bá Vượng 2007) cũng đều không ghi rõ về SP-1887. Trong đó, có lẽ do không nắm vững được số tài liệu Hán Nôm hiện đang được PTH lưu giữ mà tác giả Lưu Thị Oanhđã viết như sautrong Lý lịch di tích Phủ Tây Hồ (trang 15):

“Đồ giấy: Mười đạo sắc phong thần do các triều vua ban, trong đó có ba đạo sắc phong cho Liễu Hạnh công chúa, Quỳnh Hoa và Quế Hoa, bảy đạo sắc phong cho vị thần Trâu Vàng (Kim Ngưu). Thời Lê có sắc: Cảnh Hưng nguyên niên (1740), Cảnh Hưng thứ 28, Cảnh Hưng thứ 44. Thời Tây Sơn có sắc Quang Trung năm thứ 5. Thời Nguyễn có niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 20, Đồng Khánh nhị niên, Khải Định cửu niên, Tự Đức tam niên…” .

Một ghi chép không rõ ràng, nếu không muốn nói là quá hỗn độn ! Cuối cùng, một chi tiết không kém quan trọng là, theo chúng tôi, bản thân dòng ghi địa chỉ “Hà Nội tỉnh Vĩnh Thuận huyện Thượng tổng, Tây Hồ phường y cựu phụng sự” mà giả định là các tác giả LTH-PTH đã đưa vào (để thay thế cho địa chỉ của xã Phố Cát) cũng không sát thực. Là vì, theo khảo cứu của chúng tôi, ở thời điểm năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), tỉnh Hà Nội vẫn còn tồn tại cấp hành chính phủ, mà chưa có liên thông trực tiếp giữa tỉnh và huyện. Tức là, địa chỉ chuẩn của phường Tây Hồ ở thời điểm năm 1887 phải là: “Hà Nội tỉnh Hoài Đức phủ Vĩnh Thuận huyện Thượng tổng Tây Hồ phường”.

Dựa vào việc khảo sát Hà Nội địa bạ [Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Hựu biên soạn 1866] và Đồng Khánh địa dư chí [Không rõ tác giả 1888], nhóm tác giả Nguyễn Thúy Nga – Nguyễn Văn Nguyên đã đưa ra các nhận định rằng: từ năm 1831 đến năm 1887 (Đồng Khánh thứ 2), Hà Nội gồm 4 phủ (Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân) bao quát 15 huyện (127 tổng, 1104 xã/ thôn/ phường). Trong thời gian đó, phủ là một cấp hành chính cứng ở trên huyện. Sang năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp, cấp phủ vẫn tồn tại [Nguyễn Thúy Nga – Nguyễn Văn Nguyên chủ biên 2007: 10-11]. Mãi đến năm Thành Thái thứ 5 (1893), trong văn bản viết tay “Tây Hồ phường địa bạ” (nằm trong tài liệu hiện còn được lưu tại đình Tây Hồ — Tư liệu làng Tây Hồ 1920: 21), chúng tôi vẫn thấy cách ghi địa chỉ của phường Tây Hồ như sau (trong văn bản, dòng trên là chữ quốc ngữ, dòng dưới là chữ Hán):

“Hoài Đức phủ Vĩnh Thuận huyện Thượng tổng Tây Hồ phường 懷德府永順縣上總西湖坊”(6).

Như vậy, ở thời điểm năm 1887, khi đề cập đến địa chỉ mang tính hành chính của phường Tây Hồ, nếu thật sự chính xác, người ta phải ghi “Hoài Đức phủ” lên trước “Vĩnh Thuận huyện”, mà không nhảy cách để ghi là “Hà Nội tỉnh Vĩnh Thuận huyện”.

3. Nguyên bản của sắc phong mang niên đại 1887 và bản hiệu chỉnh của chúng tôi

Phần việc cuối cùng, chúng tôi sẽ trình ảnh chụp nguyên bản của SP-1887 hiện đang được lưu giữ tại PTH, sau đó là hiệu chỉnh toàn bộ bản phiên âm và dịch nghĩa.

Như trên đã nói, nguyên bản của SP-1887 có thể tạm xem trong bài viết đã công bố năm 2008 của chúng tôi. Tuy nhiên, ở lần công bố đó, do sơ suất về kĩ thuật, SP-1887 bị thiếu một hàng chữ quan trọng, đó là hàng ghi niên đại. Bởi vậy, bây giờ chúng tôi xin bổ túc bằng tấm ảnh dưới đây (xem Ảnh 3(7)).

Và sau đây là bản phiên âm và dịch nghĩa của chúng tôi (hiệu chỉnh bản đã công bố trong LTH – PTH).

Phiên âm:

Sắc “Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang vi” Đế Thích Tiên đình Liễu Hạnh công chúa Thượng đẳng thần, “Linh thông, diệu cảm, nhàn uyển” Quỳnh Anh phu nhân chi thần, “Linh thông, phù thuận, nhàn uyển” Quảng Cung Phu nhân chi thần. Hướng lai hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng “Dực bảo trung hưng” các đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Thanh Hóa tỉnh Thạch Thành huyện Hòa Luật tổng Phố Cát xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai !

Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho vị thượng đẳng thần là Đế Thích Tiên đình Liễu Hạnh công chúa [vốn đã được ban mĩ tự là] “Hoằng thí phổ độ, anh linh tĩnh chính, diệu hóa trang vi”, cho vị thần là Quỳnh Anh phu nhân [vốn đã được ban mĩ tự là] “Linh thông, diệu cảm, nhàn uyển”, cho vị thần là Quảng Cung phu nhân [vốn đã được ban mĩ tự là] “Linh thông, phù thuận, nhàn uyển”. Từ trước đến nay [các vị] đã giúp nước và che chở cho dân, tỏ rõ sự linh ứng, [nên] từng được ban cấp sắc phong để thờ tự. Nay [trẫm] được gánh vác mệnh lớn, nhớ đến công lao của [các] thần, đáng gia tặng [mĩ tự] “Dực bảo trung hưng” cho từng vị. Cho phép xã Phố Cát tổng Hòa Luật huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa được phụng thờ như xưa. Thần hãy bảo hộ dân ta.

Kính thay !

Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).

Như vậy, sau khi khảo chứng và hiệu chỉnh bản phiên âm dịch nghĩa của SP-1887 như trên, chúng tôi có thể nhận định rằng, SP-1887 là sắc cho xã Phố Cát được tiếp tục thờ bộ ba Thánh mẫu Vân Hương. Nó không phải là sắc cho làng Tây Hồ.

Kết luận

Ở phần mở đầu, chúng tôi đã đặt ra hai giả thiết rằng, hoặc các tác giả LTH-PTH đã vô ý nhầm lẫn trong khi phiên dịch văn bản, hoặc họ đã cố ý chỉnh sửa dòng ghi địa chỉ địa phương tiếp nhận.

Sở dĩ mạnh dạn mà không kiêng tránh để đặt giả thiết về khả năng thứ hai như trên, là vì, qua trường hợp này, chúng tôi muốn đưa ra một dẫn lệ cụ thể về việc: tựa như các tín đồ của Mẫu Liễu và của PTH đều tâm niệm hay mặc định về sự xuất hiện từ rất sớm của PTH với tư cách là một điểm thờ phụng Mẫu Liễu ở tầm quốc gia, và khi có dịp, trong suy nghĩ hay trong hành động cụ thể, người ta sẽ đẩy lùi thời điểm ấy về sâu hơn trong quá khứ. Bản thân các tác giả LTH-PTH thì cho rằng PTH “được xây dựng vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn như một số tư liệu đã khẳng định” (sđd: 90(9)).

Có thể gọi đó là “truyền thống cổ hóa thời điểm xuất hiện”(10) cho di tích lịch sử – văn hóa nói chung và cho PTH nói riêng. Đây là câu chuyện thường thấy không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở các quốc gia khác, như Nhật Bản hay Hàn Quốc (những nơi mà chúng tôi đã có thời gian làm điều tra điền dã dài hạn hoặc ngắn hạn). Nếu điều kiện cho phép, ở những bài viết sau, chúng tôi sẽ khảo chứng một số trường hợp tiêu biểu ở Nhật Bản qua tư liệu điều tra điền dã, và tiến hành so sánh với Việt Nam.


Chú thích:

(1) Trang 4 sách có ghi “Các thành viên tham gia: Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Thúy Ngà, Hoàng Văn Toàn, Mai Phi Nga, Mai Thị Hương, Mai Bích Phượng” (Hoàng Giáp, Trương Công Đức 2009: 4).

(2) Cũng có một số tư liệu khác trong sách LTH-PTH chỉ có hai phần “phiên âm Hán – Việt” và “dịch nghĩa”, mà không có phần “nguyên văn chữ Hán”. Chẳng hạn: 1) Bia hậu thần hai mặt đặt tại sân đình(trang 117-125); 2) Sắc phong đình Tây Hồ (trang 126-131); 3) Sắc phong cho đình Kim Ngưu (trang 168-173).

(3) Về việc tính số lượng “mĩ tự” của sắc phong, chúng tôi sẽ viết riêng thành một bài ở dịp khác, ở đây tạm sử dụng cách nói “đơn vị chữ”.

(4) Xưng hiệu Quỳnh Cung Duy Tiên phu nhân 瓊宮維仙夫人và Quảng Cung Quế Anh phu nhân廣宮桂英夫人có thể thấy trong các sắc phong cho Phủ Quảng Cung (tức Phủ Nấp) ở xã Yên Đồng huyện Ý Yên tỉnh Nam Định (Phủ Nấp cách không xa Phủ Giày, được xem là nơi Mẫu Liễu giáng sinh lần thứ nhất, mà Phủ Giày là lần giáng sinh thứ hai). Các sắc phong hiện còn ở Phủ Nấp có niên đại Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924). Ở thời điểm hiện tại, có thể xem nguyên văn chữ Hán (bản khôi phục), phiên âm, dịch nghĩa của các sắc này trong một bài giới thiệu tổng quan của Trần Quang Minh (Trần Quang Minh – 2010: 224-233).

(5) Như vậy, xưng hiệu 3 vị trong sắc phong này gần với xưng hiệu trong sắc phong cho Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) ở huyện Ý Yên tỉnh Nam Định đã nói ở chú thích số 4.

(6) Chữ Phố ở đây chúng tôi tạm dùng mã甫, vì chưa tìm được mã chữ đúng như sắc phong trong Word. Mã chữ đúng như sắc phong là chữ甫nằm trong bộ广 (xem Ảnh 3).

(7) Cuối văn bản này có ghi ngày tháng và tên người kí xác nhận, như sau (vừa ghi bằng quốc ngữ, vừa ghi bằng chữ Hán): “Thành Thái ngũ niên thập nguyệt nhị thập tứ nhật, Lý trưởng Lê Khanh áp triện,…”

(8) Từ bài viết trước (Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008a), chúng tôi đã được đại diện phía nhà đền, là ông Trương Công Đức, đồng ý cho sử dụng một số ảnh do chúng tôi chụp (trong đó, có tấm ảnh này) vào mục đích nghiên cứu. Nhân đây, một lần nữa xin trân trọng cảm ơn.

(9) Theo kết quả khảo cứu đến thời điểm hiện tại của chúng tôi (xem các bài của chúng tôi trong mục Tài liệu tham khảo/ trích dẫn), thì không tìm thấy bất cứ một tài liệu xác thực nào để có thể khẳng định PTH được xây dựng vào cuối Lê đầu Nguyễn.

(10) Dụng ngữ “truyền thống cổ hóa thời điểm xuất hiện” đã được chúng tôi sử dụng từ bài viết trước (Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008a: 24-29).

Tài liệu tham khảo/trích dẫn

[1] Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội), 1994, Lý lịch di tích phủ Tây Hồ (thôn Tây Hồ – xã Quảng An – huyện Từ Liêm – thành phố Hà Nội), Người lập hồ sơ: Lưu Thị Oanh.

[2] Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội), 2006, Lý lịch di tích đình Tây Hồ (Phường Quảng An – Quận Tây Hồ – Tp. Hà Nội), Người lập hồ sơ: Nguyễn Thị Phượng.

[3] Chu Xuân Giao: “Quảng Cung linh từ trong nguồn tư liệu Hán Nôm: Sơ bộ tổng quan đến thời điểm ấn tống Cát thiên tam thế thực lục (1913)”. Nhiều tác giả (Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Ủy ban Nhân dân huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), 2010.

[4] Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương (2008a): Truy tìm những khoảnh chân thực riêng lẻ: về thời điểm xuất hiện của Phủ Tây Hồ từ góc nhìn nhân loại học lịch sử, Tạp chí Văn hóa dân gian số 3 (117) – 2008.

[5] Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương (2008b): Nghiên cứu cơ bản về Phủ Tây Hồ – Báo cáo số 1: Di tích và lễ hội Phủ Tây Hồ, Công trình nhận giải 3B năm 2008 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

[6] Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương: “Ngọc Quýnh Hoa hay “Ngọc Kinh Hoa”: Về cách đọc và hiểu một câu trong bài thơ tiên của Chúa Liễu, Tạp chí Hán Nôm số 2 (99) – 2010.

[7] Hà Đình Thành: Phủ Tây Hồ, Nxb. Văn hóa dân tộc, H. 1993.

[8] Hà Đình Thành: in trong Phủ Tây Hồ và sự phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh, Ngô Đức Thịnh chủ biên, 2002.

[9] Hoàng Giáp – Trương Công Đức: Làng Tây Hồ – Phủ Tây Hồ, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2009.

[10] Đồng Khánh địa dư chí, 1888 (?), Không rõ tác giả, phần Tỉnh Hà Nội) Nguyễn Thúy Nga – Nguyễn Văn Nguyên (nguyên văn chữ Hán: tr.1111-1167; bản dịch tiếng Việt, tr.657-746), 2007.

[11] Đạo Mẫu ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh chủ biên, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H. 2002.

[12] Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Hựu: Hà Nội địa bạ, 1866. In trong Nguyễn Thúy Nga – Nguyễn Văn Nguyên – 2007 (nguyên văn chữ Hán: tr.917-973; bản dịch tiếng Việt: tr.95-144).

[13] Nguyễn Vinh Phúc: Mặt gương Tây Hồ, Nxb. Trẻ, H. 2004.

[14] Địa chí Thăng Long – Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm. Nguyễn Thúy Nga – Nguyễn Văn Nguyên chủ biên, Nxb. Thế giới, H. 2007.

[15] Nhiều tác giả (Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Ủy ban Nhân dân huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), Phủ Quảng Cung trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H. 2010.

[16] Phan Bá Vượng: Lịch sử làng Tây Hồ (sách tự xuất bản, đã đăng kí bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả văn học – nghệ thuật 26-10-2007), 2007.

[17] Tư liệu làng Tây Hồ, 1920, Hương ước làng Tây Hồ tổng Thượng huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông (có phụ thêm các văn bản khác như “Tây Hồ phường địa bạ”, “Lão Thọ giáp khoán ước”, “Bản phường tế văn thức”,…), Tư liệu viết tay quốc ngữ và Nôm gồm 89 trang, Bản gốc hiện lưu tại đình Tây Hồ [19] Tư liệu Viện Thông tin Khoa học Xã hội 1, 1938, Thần tích – Thần Sắc làng Tây Hồ tổng Thượng huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, Kí hiệu TTTS.0513.

[18] Tư liệu Viện Thông tin Khoa học xã hội 2, 1942, Hương ước làng Tây Hồ tổng Thượng huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông, Tư liệu đánh máy gồm 22 trang, chỉ có quốc ngữ (không có chữ Nôm), kí hiệu Hư.571.

[19] Tư liệu Hán Nôm 1, Tam vị Thánh mẫu cảnh thế chân kinh, Chùa Hưng Phúc (Bắc Ninh) in năm Thành Thái Bính Ngọ (1906), bản chữ Hán, Chu Xuân Giao sưu tầm tại làng Triều Khúc – Hà Nội.

[20] Trần Quang Minh: Bước đầu nghiên cứu nội dung bốn đạo sắc phong về Thánh mẫu Đệ nhất tại di tích phủ Quảng Cung, Nhiều tác giả, in trong (Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Ủy ban Nhân dân huyện Ý Yên tỉnh Nam Định), 2010.

[21] Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ: Danh tích Tây Hồ: Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2000./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 6(103) 2010; Tr. 63-74)

Bài viết liên quan

Thông tin và số điện thoại các Đền phủ thờ Mẫu

admin

Tìm hiểu văn bia và thần tích Đền Bắc Lệ

admin

Phật – Mẫu trong tín ngưỡng dân gian người Việt

admin

Bình luận

Để lại Bình luận