Phần 3 : Các cuộc đàm đạo từ 1986-1989
Về nơi đất tổ của hát văn, tôi xin trích nguyên văn lời thầy nói :
« Nhiều người cũng nhầm, nói không có suy luận. Chỗ nào đông người thì người ta gọi là đất tổ. Thánh tích thì thầy không biết, chỉ nhà chủ họ biết. Mình chỉ biết về sáng tác văn thơ. Thầy láy lại điểm vừa rồi ai nói rằng hát văn từ thời cụ Cả Mã đặt khuôn phép là sai, hát văn biến chuyển từ thời ấy là sai. Những người đồng thời, là đã hát có khuôn phép lắm rồi. Bác Sinh con, bác Tư Quất, bác Tư Sinh, bác Lân, bác Dũng Hàng châu, cụ Viêm… các nơi du nhập vào Hà Nội, khi nghe Hà Nội hát chững chạc, thì bị theo Hà Nội thôi. Bây giờ hội đền Thái Bình, hội đền Nam Định thì vẫn là Hà Nội; thì các ông cứ nói đùa rồi nói rằng Nam Định là tổ hát văn. Tổ hát văn phải là nơi nào nhiều thi nhất, nhiều khách nhất thì là nơi chủ. Thì là Thăng Long. Bây giờ nếu muốn tìm nơi Thái Bình, Nam Định chính xác, mà có trình độ thì phải xuống Hải Phòng. Người ta biết như thầy trên này, hoặc là chú Giáp, chú Khang. Biết cụ thể đấy, chứ không phải là biết vớ vẩn đâu
Ngoài phần đặt điệu, đặt nhạc trên văn, thầy còn sáng tác hoặc cải biên nhiều bài văn cổ. Thầy cho tôi mượn tất cả các văn của thầy, tôi đánh máy làm ba bản, biếu thầy bản chính còn giữ lại hai bản phụ. Nhưng lúc đó, chưa hiểu gì về tín ngưỡng thờTứ phủ, chẳng bíêt gì nhiều hơn về các chư vị trong hàng thánh quan, tôi chỉ đánhmáy một cách máy móc chứ không hiểu gì nhiều. Giờ đây, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, tôi mới biết rằng tôi giữ một kho báu không đâu có được đây là bản có nhiều văn nhất so với những công trình nghiên cứu và thống kê mới ra: 72 bản văn. Các nguồn khác chỉ thống kê được khoảng hơn ba mươi bản. Thầy có nói với tôi rằng trong hàng các thánh, chỉ có thứ bậc là không thay đổi, nhưng bản thân từng vị thánh thì mỗi vị một vẻ, và hàng thánh càng ngày càng đông hơn bởi sự tôn vinh của địa phương. Và đó là điểm quan trọng nhất phải nêu ra trong một công trình nghiên cứu, vì nó chính là sự sống còn của nghệ thuật hát văn. Để kết thúc tôi xin nhường lại lời cho thầy,
Về sự phát triển của hát văn:
«Từ thời cụ Cả Sửu hay Cả Mã, có từ lời ca cho đến nhạc, giai điệu. Nhưng đến bây giờ, hơn ba chục năm vừa rồi, nối cho đến bây giờ, là sự hát văn có kinh nghiệm. Nhưng chỉ kết hợp với một số người có tâm học có tâm đàn. Chứ không kết hợp với những kẻ vô đạo, chỉ dựa vào cái nghề đó kiếm tiền. Đi nghe mấy điệu, cũng đòi hát văn. Có những người đi ăn cắp văn, chép văn. Có một số chuyên môn đi ăn cắp văn. Cái nghề gì cũng thế, có những người là lưu manh».
Về sách về hát văn:
«Dở lắm nhưng tôi phải nói là Nhà in Phúc tri đã in một lần. Có vài chục bản, nhưng văn nhặt lung tung, không đâu vào với đâu».
Về các thiện tín:
«Bây giờ chẳng còn những thiện tín như thế nữa. Thiện tín thì phải có ác tín. Nhưng thiện tín hoặc là ác tín, người ta có thể bỏ ra 300.000-400.000 đồng, hoặc hơn thế nữa, để đi lễ. Trong sự lễ người ta nặng về danh vọng, để tên người ta nổi bật lên. Thì tư tưởng lễ là không có nữa. Nghĩ đến danh của mình là không tốt. Nếu danh của mình tốt thì là do người đời làm nên, thì mới tốt. Còn nếu mua danh, bằng hình thức này hoặc hình thức khác, thì không thể biết được, đó không phải là danh chính».
Về quyển văn của thầy và hiểu biết về các hàng thần thánh trong Tứ phủ:
“Không tôi chỉ biết có một số thôi, còn các vị khác trong nước, thì làm sao mà tôi biết các vị nơi khác được ? Các cụ bây giờ cũng không chính xác. Tại sao lúc tôi vào đền Dâu, Ông đồng Thịnh có công đức rất lớn. Các cụ cứ nói là đền thờ Quang Trung. Câu đối rành rành đấy, tại sao các cụ lại nhầm. Đây là đền thờ Chúa Liễu, là nơi chúa Liễu mở quán bán hàng chơi. Quan vua cái thời ấy đi qua, lả lơi trêu chọc. Các người phụ nữ anh hùng người ta có tài. Hoặc như chúa Bát nàn, thất bại,chạy về Thái Bình, bị nó bắt, nó chặt làm 8 mảnh. Cái hồi chúng tôi đi lễ lần đầu tiên ở đây, người địa phương người ta nói cho mình một cái quyển. Ông ấy về mở tìm hiểu và sưu tầm mới đặt ra bài văn chúa Bát nàn. Người có công lao, có anh tài và có công với đất nước. Vậy thì ông ấy mới đặt ra văn bản nói để ca tụng tài năng của người đó”.
Về làn điệu hát văn, và sự biến chuyển:
“Làn điệu hát văn thì theo tôi biết, từ 60 năm nay. Các cụ mà còn sống đến bây giờ, cụ Cả Mã có sáng tác văn. Những bản văn ấy tôi cũng có thuộc. Cụ sáng tác theo như hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Nhưng không có bản văn nào đầy đủ. Người thứ hai là cụ Hai Sách đền Sòng, có sáng tác, nhưng không để lại bản nào, có sáng tác kịp thời chứ văn học thì không có. Người thứ ba là cụ Cả Gốc ở mạn Phú Xuyên. Di tiên, có sáng tác, nhưng gọi là sáng tác cho nó thanh tao. Chứ thật ra là thuận miệng, kịp thời thế thôi. Chứ văn bản thì không có. Tôi chỉ biết có ba người thế thôi. Cụ Cả Mã có bằng chứng sáng tác rõ ràng, là bản chầu bé Bắc Lệ.”
LÊ Y Linh : Đây là bản văn hầu phải không ạ? Làn điệu là như thế nào?
Thầy : Theo như tôi, đọc là làm nền. Thế nhưng mà cảnh thế nào thì phải hát theo như thế
Linh : Có quy định không , ai cũng phải theo thế không ?
Thầy : Quy định nhất định thì đa số theo nhau. Mở đầu thì lúc nào cũng là dọc. Nhưng mấy người mới có biết đâu, lớp ở đài hát lại còn dở nữa, phải nói cho họ biết. Xanh hát xá, trắng hát cờn, hát thoải mái dựa theo cảnh. Phù ảo đó. Nhưng còn có kiến thức và tài nghệ thuật của cái người trình diễn. Nghe nhìn văn tả cảnh. Chứ còn cái loại ABC, bạ đâu hát đấy, thì kể làm gì?
Linh : Con có nghe nói là trước thời cụ Cả Mã, hát văn không có khuôn phép gì nhiều.
Thầy : Tôi năm nay 68 tuổi, làm nghề đã 50 năm rồi, tôi biết chứ. Cụ Cả Mã lúc ấy năm 40 tuổi kém tuổi tôi bây giờ. Không đúng đâu. Có nhiều người khác. Cụ cả Mã chỉ là người sáng tác ra cái nhịp xình chát xình, là cái nhịp tay trong cái điệu xá mạn ngược đấy thôi. Cụ sáng tác bản gì thì tôi cũng thuộc.
Về việc tín ngưỡng, thờ cúng:
Thầy: cái này tuỳ căn mạng, ai muốn cầu thì cầu. Nếu tôi ốm thì tôi cầu phật bà quan âm. Không cứ là bệnh, nói về sự cầu nguyện thì có nhiều. Tại sao có những người suốt đời không lễ ai, mà vẫn không việc gì, «đỏ như hoa vông, đông như miếng tiết». Chúng ta mong mỗi ngày chúng ta làm được một việc tốt. Ta là người có số, là phụ nữ , Ta đẻ, người ta ăn thịt trâu không việc gì, mình ăn thì chết. Nhưng cũng có những người thành đạt, mà không cầu đến ai, mà truyền đạt đến con cháu.Vô đức, rồi cái đức nó mất dần. Sẽ tự mất đức. Gia đình nhà ấy địa vị như thế, mà con cái lại bị như thế…Vì con nó cậy mình cậy mẩy, làm việc xấu cũng có người bênh. Đó là những người máu xấu, đi ăn cắp, bị nó đánh, không có ô dù là chết.
Lê Y Linh : Nếu con chỉ cầu một người, mà không cầu người khác, thì có phạm thượng không ?
Thầy : Tuỳ, chỉ cần cầu một người là đủ, tin hay không là ở mình. Nếu có thần thánh ngồi đây, thì truyền cảm đến cho người. Thầy cũng thờ cúng, nghiêm trang đẹp đẽ, chứ không lèm nhèm. Nhưng có phải cái gì cũng cần đâu. Thầy không làm thì thầy cũng chết đói, thánh có bốc của người khác cho mình đâu. Có người cái gì cũng cầu. Cũng không đúng.
Về cung văn, về cách sử dụng làn điệu Văn Hầu:
“Tuỳ tính đồng, sân khấu của thánh đường. Còn thờ, nguyên xi, văn thế nào, tình huống thế nào thì mình phải đặt cái giai điệu vào quãng ý cho hợp. Nhưng cũng phải là người biết, còn các ông thợ đàn thì có biết gì đâu? Ông ấy miễn là hát khoẻ, đàn cứ phăng phăng là được.”
Lê Y Linh: Quyền của thầy?
Thầy: Bản hơn 300 dòng là văn thờ, nhưng cũng có đoạn sử dụng vào văn hầu.
Linh: Thế còn có bản nào chỉ là văn hầu mà không để thờ ?
Thầy: Không, vì nếu muốn lấy văn hầu ra hát cũng được. Ví dụ như là Song đăng thấp thoáng bên lầu, ngắn quá, thì là hầu. Nhưng nếu muốn dùng cho sinh động, có thể cho vào gia trẻ, thì cũng thờ được. Nói chung tất cả các bài văn đều sử dụng được cả hai loại được hết. Còn nếu cách sử dụng thế nào, thì do người nghệ sĩ.
Về việc sưu tầm và nghiên cứu hát văn.
Thầy : “Thỉnh thoảng, có những ông ở viện nọ viện kia đến xin thu thanh thầy hát.Tôi cho họ Văn hầu, văn thờ, chả giải thích gì. Họ cũng cứ thu thế thôi, tôi nghĩ là họcũng không cần biết gì đến việc thờ cúng, lễ bái nhiều lắm. Tất nhiên là tôi có hát cho họ thu thanh, đây là nhiệm vụ của tôi. Nhưng con ạ, nghệ thuật hát văn phức tạp và khó vô cùng, mình hành nghề để sống, nhưng phải có hồn trong đó. Đây là nhạc thờ, không phải nhạc để chơi, mà muốn hát đàn chỗ nào cũng được, nhạc này chỉ dâng cho Tứ phủ mà thôi…”
Thay cho lời kết
Thầy mất năm 1998, ra đi một cách nhẹ nhàng, mặc dù bị ung thư trước khi mất. Lúc mới sang Pháp, khi tôi làm phần một luận văn, tôi có viết cho thầy vài lần. Sau đó, vì không tiếp tục được sự nghiệp nghiên cứu, tôi không viết thư cho thầy nữa. Thầy không biết là bây giờ tôi tiếp tục công trình còn dang dở trước khi thầy mất.Vì điều kiện sưu tầm khó khăn khi tôi còn ở Việt Nam, tôi chỉ mang theo được một phần rất nhỏ trong cả kho tàng hiểu biết của thầy, in trên hơn một trăm băng từ 90 phút. Trong cả giai đoạn dài mà tôi không có dịp trực tiếp nghiên cứu, những kỉ niệm về thầy đã thôi thúc tôi một ngày kia phải tiếp tục sự nghiệp dở dang. Thầy Kiêm ơi, từ năm 2000, con đã chính thức quay lại tiếp tục nghiên cứu hát văn, xin thầy hãy cấp cho con sức mạnh để đi đến cùng sự nghiệp. Thầy mất vài năm sau khi đổi mới, khi mà nhà nước lại cho phép đệ tử thờcúng lại và các đền phủ được hoạt động một cách bình thường hơn. Nhưng thầy đã mất rồi, và trong cả cuộc đời, nghệ thuật hát văn đạt đến đỉnh cao của thầy không được nhận một danh dự chính thức nào về phía chính quyền và nhà nước, không một sự nhìn nhận nào về phía các nhà nghiên cứu âm nhạc. Liệu có nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền nào đủ can đảm để đưa thầy lên đúng vị trí vinh quang mà thầy được hưởng? Thanh-Hà, trong những bài báo về hát văn và cuốn “Âm nhạc hát văn ” cũng chỉ để tên thầy như tên một nghệ nhân đã phục vụ cho việc thu thanh và hát vài bài, không một dòng tiểu sử, không một điểm nào về sự nghiệp sáng tạo của thầy. Thế rồi ở danh sách cuối cuốn sách có đề tên Phạm Kiêm, đọc đi đọc lại rồi tìm trong cả cuốn sách vẫn không biết có phải là thầy không ! Anh Hiển, người con cả, sống ở ngõ chùa Vua, trong căn nhà của thầy, lo việc đèn hương ngày rằm, mùng một. Nhưng thời oanh liệt cùng những buổi hầu (mặc dù dấu diếm) tại điện nhà đã qua, không có người con nào theo đạo cả. Thầy mất đi, trước khi mất, hồn thơ vẫn còn, khẩu khí vẫn sang sảng, ở tuổi cận tám mươi:
Tưởng rằng nửa triệu hoá triệu tư
Phật Tiên Thần Thánh thật nhân từ
Thương tôi bệnh nặng không đình đám
Tám chục tuổi rồi lộc vẫn dư ./.