(HNMCT) – Sau 4 năm được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nghi thức “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã có những bước phát triển đáng kể, trong đó không thể không nhắc tới sự đóng góp của cộng đồng, các cơ quan nghiên cứu bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.
Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trò chuyện với nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam về những việc cần làm để Tín ngưỡng thờ Mẫu đi đúng quỹ đạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
– Thưa ông, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã có những đóng góp gì trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” (gọi tắt là Tín ngưỡng thờ Mẫu) trong những năm qua?
– Trước yêu cầu của xã hội và nguyện vọng của cộng đồng, ngày 30-10-2008, Trung tâm Hỗ trợ và Nghiên cứu tín ngưỡng – lễ hội dân gian, tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, được thành lập. Khi đó, Trung tâm trực thuộc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam, và tới năm 2012 thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia theo hướng xã hội hóa; nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn văn hóa Việt Nam; đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp để góp phần bảo vệ, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Ngay từ đầu, Trung tâm chọn Tín ngưỡng thờ Mẫu là đối tượng tiếp cận, nghiên cứu và kiên trì mục tiêu này cho đến hôm nay. Đề cao vai trò, tầm quan trọng của chủ thể văn hóa thực hành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Tín ngưỡng thờ Mẫu, năm 2010, Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam được thành lập. Tiếp đó, năm 2012, CLB Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam ra đời. Hoạt động của các CLB này nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tôn giáo – bộ phận hợp thành di sản văn hóa dân tộc, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu như một di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Có thể nói, trong suốt 12 năm kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện nhiều chương trình hội thảo khoa học, tọa đàm, giao lưu nhằm nhận diện, đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của Nhà nước, chính quyền, cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản… Đến nay, trung tâm có 12 hội viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 60 hội viên được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.
Đặc biệt, năm 2017, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Những hoạt động của Trung tâm đã góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận đúng hơn về Tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng trước hết là giúp cộng đồng tham gia thực hành tín ngưỡng này tự điều chỉnh hoạt động, từng bước chuẩn hóa nghi lễ cho đúng với truyền thống, đúng luật pháp và loại bỏ hành vi làm sai lệch các giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm trục lợi. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và những bài học rút ra từ thực tế của Trung tâm cũng như những nỗ lực của cộng đồng đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Ảnh / FB Quynh Nguyen
– Thời gian qua, dư luận nhiều lần lên tiếng về những biểu hiện biến tướng trong hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng này?
– Một phần nguyên nhân là hoạt động thờ Mẫu sau khi được ghi nhận đã phát triển quá nhanh, quá “nóng” và công tác quản lý chưa có sự chuyển biến kịp thời để thích ứng. Việc này có nguyên nhân từ sự phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, như hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu chịu sự quản lý đan xen của hai ngành là Văn hóa và Tôn giáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) được giao nhiệm vụ quản lý về di tích và lễ hội, Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) được giao quản lý ở khía cạnh thực hành nghi lễ. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 của Chính phủ quy định Bộ Nội vụ quản lý các hoạt động tại các cơ sở không phải là di tích đã xếp hạng hoặc chưa nằm trong danh mục kiểm kê. Bộ VHTTDL quản lý về lễ hội tín ngưỡng và các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương. Mục đích của sự phân định này là làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, trong đó có Tín ngưỡng thờ Mẫu, song vẫn bộc lộ sự chồng chéo nhất định do đây vừa là một loại hình tín ngưỡng, đồng thời là di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, vì UNESCO công nhận “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên đây là đối tượng quản lý của Bộ VHTTDL (theo Luật Di sản văn hóa). Lúc này, việc quản lý nhà nước lại vừa phải dựa trên phương diện quốc gia, vừa trên phương diện quốc tế. Vừa qua Bộ Nội vụ và Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản liên tịch về phối hợp nâng cao ý thức ứng xử văn minh trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Nhưng để quản lý tốt, tránh sự biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu thì cần có sự phối hợp cụ thể, chi tiết hơn.
Khi “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiếp theo được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, mặc nhiên Tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có hầu đồng, tồn tại trong xã hội với đầy đủ tính pháp lý, đặt ra yêu cầu mới cho công tác quản lý nhà nước. Việc bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể luôn gắn với thực hành của chủ thể, tức con người đang nắm giữ di sản. Hơn nữa, với những di sản có tính tổng hợp thuộc loại hình “tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội” như Tín ngưỡng thờ Mẫu, không dễ để nhận ra chính xác những thách thức, nguy cơ mai một, sự biến tướng, hành động làm sai lệch giá trị di sản để kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ tốt di sản. Nếu như trước đây, những người tin theo tín ngưỡng này đa phần xuất thân từ nông dân, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công thì hiện nay, thành phần đã mở rộng sang cả công nhân, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ nhà nước, thậm chí cả học sinh, sinh viên… Đến nay, chưa có văn bản pháp luật quy định riêng cho Tín ngưỡng thờ Mẫu mà vẫn áp dụng các quy định pháp luật chung về tín ngưỡng, tôn giáo.
Bên cạnh đó, một lý do khác khiến hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu bị biến tướng, sai lệch nằm ở chính ý thức thực hành của các thanh đồng, bản đền, bản phủ. Tâm lý đua tranh của một bộ phận “đồng đua”, “đồng đú” nhằm tranh giành sức ảnh hưởng để trục lợi, kiếm tiền từ các hoạt động “sấm truyền”, xem bói, chữa bệnh… cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đền, phủ tư nhân đã khiến cho hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu trở nên lộn xộn, khó quản lý hơn. Vì thế, việc chấn chỉnh cách thực hành nghi lễ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm ngăn chặn sự biến tướng trong quá trình thực hành di sản lúc này là vô cùng cần thiết.
– Hà Nội cũng được coi là một trong những trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của cả nước. Theo ông, cần có những biện pháp như thế nào để hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Thủ đô không chệch ra khỏi quỹ đạo?
– Hà Nội dễ bị tổn thương bởi sự phát triển “nóng” trong hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều điều kiện để thực hiện các giải pháp quản lý di sản tốt hơn. Trước tiên, với công tác quản lý nhà nước, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có thể phối hợp Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội cùng Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội để tiến hành nghiên cứu toàn diện về Tín ngưỡng thờ Mẫu, qua đó tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản quản lý đối với hoạt động thờ Mẫu theo phân cấp cụ thể; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác quản lý nhà nước đối với di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cho cán bộ làm văn hóa và tôn giáo các cấp trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, chúng ta cần kiện toàn ban quản lý các đền, phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội; nâng cao vai trò trách nhiệm của các thủ nhang, đồng đền, thanh đồng…; đẩy mạnh hoạt động của CLB Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu thành phố và các cấp nhằm nêu cao vai trò của cộng đồng đối với hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu. CLB Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu các cấp cần tập hợp được các đồng thầy, chủ đền có uy tín để tạo ảnh hưởng tích cực đến các thanh đồng trong giới thờ Mẫu. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của Tín ngưỡng thờ Mẫu và mặt trái, từ đó có ý thức đấu tranh, tẩy chay cái xấu, phát huy cái tốt… Có như thế, tôi tin Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung sẽ đi đúng quỹ đạo.
– Trân trọng cảm ơn ông!