Bước đầu tìm hiểu nghi lễ mở phủ vùng Thái Bình < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Đồng cốt Nghiên cứu tín ngưỡng

Bước đầu tìm hiểu nghi lễ mở phủ vùng Thái Bình

Việt Nam là một quốc gia mà đại đa số các dân tộc đều phát xuất từ nền văn minh lúa nước vốn có tập quán lao động hái lượm và trồng trọt. Điển hình như các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Tày.. Chính vì tập quán lao động này mà hình thế xã hội theo chế độ Mẫu hệ người phụ nữ nắm giữ vai trò chính trong gia đình mãi sau khi có tư tưởng Nho học truyền bá sang thì người Việt mới chuyển dần sang chế độ Phụ Hệ.

Tuy nhiên tâm thức về người mẹ và vai trò người phụ nữ vẫn còn được đề cả cả trong tín ngưỡng. Mới sơ khai là việc thờ Mẹ đất, mẹ nước, rồi đến bốn vị nữ thần tứ pháp từ cách đây 2000 năm và đỉnh điểm là khi có sự giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì từ tục thờ Mẫu thần, nữ thần của người Việt đã bước sang một trang mới thành điện thần tam phủ, tứ phủ.

Việc hình thành hệ thống tín ngưỡng và tiến tới một tôn giáo nội sinh thì việc mở rộng và phát triển tín đồ là một hoạt động thường nhiên. Ở đây với tín ngưỡng tứ phủ thì nghi lễ Trình đồng mở phủ là một nghi lễ được xem như là nghi lễ nhập đạo của tín đồ. Tuy nhiên do tín ngưỡng chưa phát triển thành tôn giáo nên chưa có giáo lý vào giáo luật thành ra nghi lễ ở mỗi địa phương vùng miền, và mỗi một môn phái (tạm gọi) lại có một dị biệt thành ra khó có thể tổng quát thành hệ thống.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta bước đầu tìm hiểu về nghi lễ mở phủ ở vùng Thái Bình một trong những vùng mà tín ngướng tứ phủ phát triển mạnh mẽ. Và sau khi tìm hiểu được các lối mở phủ tiêu biểu cho nhiều vùng miền lúc đó các cuộc hội thảo khoa học mới có thể tìm ra nghi lễ chung nhất cho tín ngưỡng tứ phủ. Do đó rất mong có sự đóng góp của các thanh đồng đạo quan về nghi lễ tứ phủ ở các vùng miền làm tư liệu tham khảo và đối chiếu trong nghiên cứu bước đầu này. Ngõ hầu làm cho tín ngưỡng tứ phủ một tín ngưỡng nội sinh của người Việt được bước sang một trang mới.

Mở phủ được coi như là nghi lễ nhập đạo cho một tân đồng, kể từ ghi lễ này một tín đồ mới chính thức trở thành một thanh đồng tuy nhiên ở nhiều nơi thì kể từ khi người tín đồ thực hiện nghi lễ tôn nhang bản mệnh (cắt tóc làm tôi, nối đời làm con) thì đã trở thành tín đồ rồi.
Ở vùng Thái Bình xưa khi một người được coi là có căn số, căn mạng bởi nhiều cách, có thể do họ đi xem bói mà tin mình có căn mạng, hoặc có thể do nhà Thánh cơ hành mà tin mình có căn mạng, hoặc có thể do nhà Thánh báo mộng mà biết mình có căn mạng, có thể có nhiều lí do nhưng đều xuất phát từ lòng tin và tứ phủ và tin mình có căn mạng tứ phủ. Thì người tín đồ đó phải thực hiện nghi lễ đầu tiên đó là tôn nhang bản mệnh, việc này thường diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa thu. Với quan niệm mùa xuân vạn vật hồi sinh đâm chồi nẩy lộc, mùa thu là mùa mát mẻ sau vụ thu hoạch nông nghiệp nhà nhà đều được no đủ an lành.

Người tín đồ sẽ chọn một bản đền, hoặc bản điện và người đồng thầy mà mình theo để dẫn dắt, và kêu cầu lễ bái cho mình để mà gửi lô nhang bản mệnh, rồi sau đó mới tiến lễ tôn nhang. Nghi lễ này thông thường được tổ chức cho nhiều người trong một ngày lành tốt trong tháng mà đồng thầy chọn cho. Nghi lễ này thì đơn giản bản đền sắm sửa trai nghi cúng Phật lễ mặn cúng thánh. Người thầy cúng sẽ tra căn số của tín đồ theo sách lục thập hoa giáp và thông báo cho họ biết duệ hiệu các vị thánh cai đầu đồng thủ bản mệnh của tín đồ đó, sau đó viết cốt và luyện cốt. Sau khi cúng bái khao thỉnh thì người tín đồ sẽ được đồng thầy phủ khăn và cho đội lô nhang gồm 1 mâm có 1 nghìn vàng chúa, 1 nghìn vàng cô, hải sảo và lô nhang có cốt, 4 cái khăn 4 phủ, . Người tín đồ sẽ đội còn đồng thầy sẽ kêu và cung văn hát bản văn trình. Cho đến khi khất được âm dương thì được. Lô nhang sẽ được lưu giữ tại bản đền cho người căn chủ đó tuần tiết đến lễ bái kêu cầu. Từ đây đã trở thành tín đồ của tín ngưỡng tứ phủ. Và là thành viên của bản hội bản đền đó, hàng năm mỗi khi kỳ thi khóa hội bản hội tổ chức đi lễ bái các đền phủ thì đều tham dự và mang theo theo khăn 4 phủ chít lên đầu cùng trầu cau chè thuốc để tiến trình tôn thánh.

Sau khi tôn nhang bản mệnh và thực hiện việc trình lính tại các đền phủ mà nhà Thánh báo sát thì căn chủ mới tính toán việc trình đồng mở phủ, Ngày trước nghi lễ mở phủ thường diễn ra trong ba ngày. Và trước đó việc chuẩn bị thường diễn ra rất lâu từ việc khăn áo, đến lễ nghi. (Nghi tiết các lễ vật và lễ nghi cho một lễ mở phủ ta sẽ nói đến ở một bài viết khác), ở đây xin miêu tả nghi lễ của lễ CUNG NGHÊNH TỨ PHỦ XUẤT THỦ TRÌNH ĐỒNG.

Trước khi diễn ra lễ thì nhà đền dưới sự chỉ đạo của đồng thầy sẽ cho bày đàn, xắp xếp mã nghi cho chu đáo.

Thường những nhà có điều kiện thì họ sẽ làm lễ phả độ gia tiên trước rồi mới làm lễ mở phủ như vậy tốn kém và kéo dài thời gian. Còn không thì trong ba ngày mở phủ tuần tự sẽ diễn ra như sau.
Ngày thứ nhất các thầy cúng sẽ tiến hành các tiết thứ làm nghi thường thì sẽ có các khoa sau. Đối với một số trường hợp đặc biệt thì có thêm biệt khoa hoặc các khoa khác nhưng thông thường là như thế này.

1. Cúng Phát tấu
2. Cúng phật đại khoa
3. Tụng kinh Dược Sư, kinh Phổ Môn
4. Cúng Tam phủ thục mệnh
5. Cúng An bản mệnh khoa
6. Cúng Điền hoàn thiên khố (trả nợ tào quan)
7. Cúng Minh dương thục án (cắt đoạn tiền duyên)
8. Cúng Tứ phủ trình đồng
9. Cúng Trần triều khoa (ngày nay mới có xưa tứ phủ và Trần triều không đồng nên thường các cụ không thỉnh)
10. Khao sơn trang khoa
11. Luyện ngũ hổ khoa
12. Mông sơn khoa

Ngày thứ hai , sáng sớm cử ba hồi chuông trống thượng đường pháp sư đăng đàn tái thỉnh Phật Thánh sái tịnh đàn tràng. Cung văn dâng văn công đồng thỉnh đồng thầy quang lâm sập công đồng, cung văn dâng tiếp bản văn thờ Thánh Mẫu hoặc văn thờ vị thánh thủ đền, đồng thầy bắt đầu loan giá phụng hành thường thì ở Thái Bình sẽ hầu đủ ngũ vị tôn quan và tứ phủ thánh chầu.
Quan lớn Đệ Nhất về ngự đồng ngài tấu hương xong lại an tọa truyền pháp sư tuyên sớ Thiên phủ, quan lớn chua phê sớ thiên phủ xong mới khởi tọa. Hầu dâng lấy khăn thiên phủ màu đỏ buộc ngang tay trái quan lớn nếu tân đồng là Nam buộc ngang tay phải quan lớn nếu tân đồng là nữ. Lúc đó quan lớn mới khai quang bảo sở, khai quang cho tân đồng, khai quang chứng hình nhân, chứng lốt phủ, chứng mã phủ, ban các phép bí tích thu hồn vía tân đồng vào trứng phủ (đó là lý do tại sao tân đồng phải ăn trứng phủ là vì để lấy lại hồn vía ) ban lộc cho đồng ….. và khai hồ múc nước tưới cho cây phủ cho mộc dục cho tân đồng cuốn cầu. Hầu dâng gỡ khăn trên tay quan lớn chít lên đầu cho tân đồng. Quan lớn thị hiện thần uy múa khăn tấu hương tượng trưng cho cây cờ. Xong các nghi tiết quan lớn ngài mới an tọa chỉ phán thông truyền và phê sổ thiên phủ cho tân đồng. Hoàn tât các thủ tục quan lớn hồi loan để cung văn dâng văn kiều quan lớn đệ Nhị

Quan lớn Đệ Nhị về ngự đồng ngài tấu hương xong lại an tọa truyền pháp sư tuyên sớ nhạc phủ, quan lớn chua phê sớ nhạc phủ xong mới khởi tọa. Hầu dâng lấy khăn nhạc phủ màu xanh buộc ngang tay trái quan lớn nếu tân đồng là Nam buộc ngang tay phải quan lớn nếu tân đồng là nữ. Lúc đó quan lớn mới khai quang bảo sở, khai quang cho tân đồng, khai quang chứng hình nhân, chứng lốt phủ, chứng mã phủ, ban các phép bí tích thu hồn vía tân đồng vào trứng phủ, ban lộc cho đồng ….. và khai hồ múc nước tưới cho cây phủ cho mộc dục cho tân đồng cuốn cầu, Hầu dâng gỡ khăn trên tay quan lớn chít lên đầu cho tân đồng. Thứ đến ngài thị hiện thần uy múa cây trường kiếm Xong các nghi tiết quan lớn ngài mới an tọa chỉ phán thông truyền và phê sổ nhạc phủ cho tân đồng. Hoàn tât các thủ tục quan lớn hồi loan để cung văn dâng văn kiều quan lớn đệ Tam.

Quan lớn Đệ Tam về ngự đồng ngài tấu hương xong lại an tọa truyền pháp sư tuyên sớ thoải phủ, quan lớn chua phê sớ thoải phủ xong mới khởi tọa. Hầu dâng lấy khăn thoải phủ màu trắng buộc ngang tay trái quan lớn nếu tân đồng là Nam buộc ngang tay phải quan lớn nếu tân đồng là nữ. Lúc đó quan lớn mới khai quang bảo sở, khai quang cho tân đồng, khai quang chứng hình nhân, chứng lốt phủ, chứng mã phủ, ban các phép bí tích thu hồn vía tân đồng vào trứng phủ, ban lộc cho đồng ….. và khai hồ múc nước tưới cho cây phủ cho mộc dục cho tân đồng cuốn cầu, ban áo bản mệnh cho tân đồng, Hầu dâng gỡ khăn trên tay quan lớn chít lên đầu cho tân đồng. Thứ đến ngài thị hiện thần uy múa đôi song kiếm. Xong các nghi tiết quan lớn ngài mới an tọa chỉ phán thông truyền và phê sổ thoải phủ cho tân đồng. Hoàn tât các thủ tục quan lớn hồi loan để cung văn dâng văn kiều quan lớn đệ Tứ.

Quan lớn Đệ Tứ về ngự đồng ngài tấu hương xong lại an tọa truyền pháp sư tuyên sớ địa phủ, quan lớn chua phê sớ địa phủ xong mới khởi tọa. Hầu dâng lấy khăn địa phủ màu vàng buộc ngang tay trái quan lớn nếu tân đồng là Nam buộc ngang tay phải quan lớn nếu tân đồng là nữ. Lúc đó quan lớn mới khai quang bảo sở, khai quang cho tân đồng, khai quang chứng hình nhân, chứng lốt phủ, chứng mã phủ, ban các phép bí tích thu hồn vía tân đồng vào trứng phủ, ban lộc cho đồng ….. và khai hồ múc nước tưới cho cây phủ cho mộc dục cho tân đồng cuốn cầu, Hầu dâng gỡ khăn trên tay quan lớn chít lên đầu cho tân đồng. Xong các nghi tiết quan lớn ngài mới an tọa chỉ phán thông truyền và phê sổ địa phủ cho tân đồng. Hoàn tât các thủ tục quan lớn hồi loan để cung văn dâng văn kiều quan lớn đệ Ngũ. (Trường hợp hầu lưu đàn thì kiểu sang hàng chầu luôn, sau khi tân đồng hầu xong thì đồng thầy lại hầu tiếp quan lớn Tuần để tán đàn tứ phủ và hầu một chầu sơn lâm tán đàn sơn trang)

Quan Lớn đệ Ngũ loan giá ngài tấu hương xong Ngài ban cho lệnh tán đàn tiễn gạo muối rồi múa long đao thị hiện thần uy. Sau khi thỉnh quan lớn ngự tọa pháp sư lên kêu thỉnh quan lớn phê sổ phủ bản mệnh cho tân đồng. Ngài phê sổ chí phán thông truyền ban lộc xong thì hồi loan.
Hàng chầu xưa rườm ra các cụ thường kiểu thỉnh cả 4 chầu khâm sai loan giá đàn duyên. Còn không thì đồng thầy chỉ hầu chầu nhị rồi sang khăn, ngày nay mới biến thiên thành chầu lục chầu bé sang khăn.

Chầu đệ nhất ngài về khai quang đền sở chứng sổ bản mệnh cho đồng, khi ngài ngự tọa mới truyền hầu dâng bê lô hương lên cho tân đồng xông hương thanh tịnh trước khi tân đồng được loan giá. Vì quan niệm ngài phụng sự Thánh Mẫu Liễu Hạnh đệ nhất thiên tiên coi sổ tam tòa nên mới có lễ như vậy. Xong các nghi tiết thánh chầu hồi loan cung văn thỉnh Thánh chầu Đông Quang giáng đàn.

Chầu đệ nhị giáng đàn chứng lễ sơn trang, chứng mâm trầu cau, khai quang cho tân đồng nếu chỉ thỉnh một chầu thì chầu sang khăn cho đồng rồi hồi loan.
Một số đồng thầy cẩn thận còn kiều thêm chầu Tam về ngự đồng sau các nghi tiết cho đến khi ngự tọa ngài truyền bưng chậu nước vào để tẩy diện cho tân đồng chầu Nhất ban Danh chầu tam ban diện và ban phép rút bệnh ban sức khỏe cho tân đồng.
Sau khi thánh chầu thoải hồi loan thì chầu đệ tứ giáng đàn, vì quan niệm ngài là hàng địa tiên cai quản cõi nhân gian và đổi số cho đồng nên thỉnh ngài giá ngự để chứng số phủ bản mệnh, và sang khăn cho tân đồng.

Sau khi sang khăn tân đồng hầu thứ tự đúng như nghi tiết bình thường. Kết thức ngày thứ hai.
Ngày thứ ba các bạn đồng công linh sẽ tham gia hầu mừng đàn cho tân đồng số lượng người hầu vui đàn tùy thuộc vào điều kiện hoặc quy định của bản hội. Sau khi các đồng anh lính chị kết thúc hoàn mãn hầu vui đàn thì Đồng thầy vào hầu dẫn trình cho đệ tử, rồi sang khăn cho tân đồng hầu tạ tam nhật nội.

Sau khi hoàn mãn pháp sư cúng chúng sinh thêm một đàn nữa và cúng khoa tạ quá.

Trên đây là sơ lược về một lối trong rất nhiều lề lối mở phủ trong tín ngưỡng tứ phủ chỉ ở vùng Tiền Hải – Thái Bình Ngoài ra chúng ta còn thấy nhiều lối mở phủ nữa của Hà Nội và các tỉnh khác mà không thể nêu hết trong phạm vi bài viết này.

Thiết nghĩ còn rất nhiều lễ nghi phép tắc vi diệu nữa rất mong các Thanh đồng đạo quan, các bạn đồng công lính cùng chia sẻ để chúng ta có thể tập hợp lại thành một nghi lễ chuẩn nhất trong tứ phủ để không còn sự dị biệt vùng miền. Nhằm đưa tín ngưỡng tứ phủ lên một tầm cao mới trong sự thống nhất các thực thể và nghi lễ. Nhằm bảo tồn phát huy giá trị nhân văn to lớn của một tín ngưỡng nội sinh từ nền văn minh lúa nước 4000 năm của dân tộc chúng ta.

Việc đoàn kết cùng chia sẻ và góp ý trong tình thân ái đồng đạo sẽ là một tiền đề tốt cho tương lai của tín ngưỡng tứ phủ chúng ta vươn lên một tầm cao mới. Đồng đạo chúng ta có nên chăng tiết kiệm mà trang nghiêm trong các nghi lễ để bớt phần tài chính vào việc trùng hưng các cung đài sở điện của Thánh đang xuống cấp, đầu tư cho các cuộc hội thảo tọa đàm, các công trình nghiên cứu để nền đạo có được sự thống nhất như nền tảng bền vững để phát triển.

Xin kính chúc chư huynh đệ an lạc cát tường và đại hoan hỉ đại hòa hợp


Ảnh và Bài viết : Sưu Tầm

Bài viết liên quan

PHẦN 1: DÒNG CHẢY TÍN NGƯỠNG THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN VÀO ĐIỆN THẦN TỨ PHỦ

admin

Tìm hiểu thần tích Đền Đồng Bằng

admin

NÓI VỀ VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA BÀ CÔ, ÔNG MÃNH

admin

Bình luận

Để lại Bình luận