Tại sao áo dài ngũ thân nam lụi tàn ? < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Dân gian Việt Nam Văn hóa Dân gian

Tại sao áo dài ngũ thân nam lụi tàn ?

NHỮNG NGUYÊN DO KHIẾN BỘ TRANG PHỤC ÁO NGŨ THÂN NAM TRUYỀN THỐNG LỤI TÀN


Nhà Nghiên Cứu Đinh Hồng Cường

1 – Khi người Pháp sang mang theo luồng văn hoá phương Tây làm thay đổi mọi mặt đời sống của người Việt.

Suốt 87 năm, kể từ năm 1858, thực dân Pháp khai hỏa, đánh chiếm Đà Nẵng, xâm chiếm và đô hộ nước ta đến năm 1945, đã du nhập một lối sống mới, vừa khắc nghiệt bởi chúng tìm cách bóc lột, vơ vét đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sản vật có giá trị, từ kinh tế đến xã hội, văn hóa, vừa lạ lẫm lại vừa văn minh. Bộ mặt xã hội và đời sống của người dân từ thành thị đến nông thôn bị Pháp chia thành Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ để dễ bề cai trị đã thay đổi ghê gớm.

Trên phương diện văn hóa trang phục: Những kẻ khai thác thuộc địa đã mang vào Việt Nam nào complet, veston, gilet, mũ feurtre (phớt), váy đầm xòe, áo trắng cổ cồn (col-blanc), quần trắng tây ống đứng, giầy đen bóng loáng, guốc, dép cao gót, nước hoa Pháp…khiến dân Việt bản địa bị choáng ngợp, vừa lạ lẫm, vừa hiếu kỳ, đặc biệt là tầng lớp trung, thượng lưu sống ở thành thị và tầng lớp quan lại triều đình nhà Nguyễn. Họ đã bắt đầu may mặc thử nghiệm và thấy được sự tiện dụng, linh hoạt không thể cưỡng nổi khi đem so sánh với những bộ quần áo dài thướt tha, nhiều lớp và cầu kỳ, không mấy thuận tiện ở cái xứ nóng ẩm, mưa nhiều này. Những con em nhà quý tộc được gửi đi du học Pháp, những người phụ nữ thành thị lấy Tây, gái làng chơi, những nhà nho tri thức được tuyển dụng vào làm trong bộ máy hành chính công quyền của Pháp tại Việt Nam, những thương nhân giao thiệp với những tay buôn Pháp…bắt đầu mặc đồ Tây, ăn đồ Tây, ngủ trong những ngôi nhà Tây sang trọng, hiện đại. Quán xá, nhà hàng, tiệm hớt tóc trang điểm, tiệm thời trang, tiệm chụp ảnh, nhà công chánh thuộc địa, dinh thự, trường học, bệnh viện, nhà thờ công giáo, giao thông thủy bộ, cầu cống, nhà máy khai thác…mọc lên như nấm sau mưa, phục vụ cho công cuộc khai hóa, cai trị dân An Nam thành “người văn minh” và vơ vét mọi nguồn lợi chở về mẫu quốc Pháp.

Nếu như trước đây (trước thời Pháp thuộc) xã hội Việt Nam bị bó buộc trong các giá trị đạo Khổng hà khắc (hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến) đối với cả hai giới thì nay họ được tiếp cận với nền văn minh phương Tây tự do, đã làm các đầu óc thủ cựu, khép kín, manh mún của ta dần dần thay đổi theo chiều hướng cởi mở hơn, giao lưu và thích ứng nhanh trong bối cảnh mới. Lối mặc “quần chân, áo chít” dần bị thứ quần xooc, áo sơ mi ngắn tay, áo chiết eo, váy xòe tán rộng cạnh tranh. Thêm nữa, thứ vải nâu sòng, sắc chàm, xám đen, màu bùn, thanh cát là những thứ thường dùng trong dân chúng thì nay, nào là màu hường bông phấn, màu xanh non và dịu, màu da trời nhạt (màu thiên thanh), màu nước biển nhạt (màu hồ thủy), màu vàng nhạt (màu hoàng yến), màu khói lam và màu ngọc thạch sẫm, màu nâu da người, màu cà phê sữa…đã khiến người dân Việt bị choáng ngợp. Và đây cũng chính là những lý do thúc đẩy phong trào cách tân áo dài nữ vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, do hai họa sĩ tiêu biểu Nguyễn Cát Tường (Le Mur) và Lê Phổ khởi sướng đã gặt hái được nhiều thành công, dọn đường cho những cuộc cải cách áo dài nữ tiếp theo vào những năm 60. Theo bà Phan Thị Nga – nữ trợ bút của báo “Ngày nay” – đã tuyên bố rằng: “Phong trào y phục tân thời “đã thắng, thắng rất chóng” (bài “Chị em phụ nữ Hội An với phong trào mặc áo Cát Tường”, báo “Phong hóa” số 5, năm 1935) (Trích trong tác phẩm “Nét cũ duyên xưa” của Bùi Quang Thắng, Nxb Lao Động, năm 2018, tr.207).

Tuy nhiên, trong cuộc tiếp xúc văn hóa “sống sượng” này, một số nhà nho trí thức đã thay đổi tư duy, mặc Âu phục, đi giầy Tây, ngả theo đường lối canh tân đất nước, học hỏi nền văn minh phương Tây cơ hồ đòi Pháp trả lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam khi thời cơ chín muồi. Một số vua quan lại giằng co giữa văn minh hiện đại và truyền thống, giữa cải tổ và bảo thủ, giữa mới và cũ…và dĩ nhiên cũng đẻ ra không ít những “Xuân tóc đỏ”, xu nịnh bợ đỡ Pháp hòng vinh thân phì da và có chỗ đứng trong xã hội đương thời.

(còn nữa)

Bài viết liên quan

Tục thờ chó đá của người Việt có từ khi nào ?

admin

ĐI TÌM NGUỒN GỐC LA HẦU_ HỔ PHÙ TRONG VĂN HOÁ VIỆT 

admin

LUẬT ĂN CƠM: 50 QUY TẮC TRÊN MÂM CƠM VIỆT

admin

Bình luận

Để lại Bình luận