Nơi phát tích tục thờ Tứ Vị Thánh Nương < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Lễ hội - Đền phủ Nghiên cứu tín ngưỡng Thần tích

Nơi phát tích tục thờ Tứ Vị Thánh Nương

Sự tích Đền Cờn và tục thờ Tứ vị Thánh Nương có khá nhiều sách vở, cả chính sử lẫn truyền thuyết dân gian đều đề cập tới. Xâu chuỗi những chi tiết tương đồng, loại trừ những yếu tố dị biệt giữa các sách vở và truyền thuyết chúng ta có thể hình dung câu chuyện diễn ra như sau.

Vào khoảng năm 1279, quân Mông- Nguyên từng bước thôn tính triều đình nhà Nam Tống ở Trung Quốc. Trong một trận chiến ở Nhai Sơn, quân Nam Tống tan vỡ, Tả Thừa tướng Lục Tú Phu đã ôm vua Đế Bính (lúc này mới khoảng 8 tuổi) nhảy xuống biển tự vẫn. Thái hậu và ba công chúa (có tích nói Thái hậu, hai công chúa và một nữ tỳ) ôm lấy cột buồm trôi dạt đến một ngôi chùa ven biển, được một nhà sư cứu vớt và nuôi dưỡng. Mấy tháng sau, khi Thái hậu và các công chúa lại sức, vẻ mặt trở lại nét đẹp quý phái, sư động lòng trần tục nên tỏ ý muốn tư thông.

Bị cự tuyệt, sư xấu hổ liền gieo mình xuống biển. Mẹ con Thái hậu nước Nam Tống nghĩ rằng nhà sư đã cứu sống mình, nay sư vì mình mà chết nên cùng nhau trầm mình xuống biển. Xác bốn mẹ con trôi dạt đến cửa Càn Hải (Cửa Cờn) xã Phương Cần (nay là xã Quỳnh Phương). Thấy vẻ mặt vẫn còn tươi như lúc còn sống, người dân địa phương liền mai táng, thấy rất hiển linh nên lập đền thờ.

Từ đó, thuyền bè mỗi khi vào lộng ra khơi, gặp sóng to gió lớn đều qua đây cầu xin được bình an. Vào năm 1311, vua Trần Anh Tông thân chinh cất quân đi đánh Chiêm Thành, dừng chân ở cửa Càn Hải, đêm chiêm bao thấy có một nữ thần khóc và nói: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến đây, Thượng đế phong cho làm Thần Biển ở đây đã lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”(Đại Việt sử ký toàn thư).

Qủa thật, khi vua tiến quân, biển không nổi sóng, tiến thẳng đến Chiêm Thành và bắt sống được vua Chiêm. Lúc trở về, qua Càn Hải vua sai hữu ti làm lễ tạ và xuống chiếu cho làng Phương Cần bốn mùa cúng tế. Sau này, vua Lê Thánh Tông xuất quân đi đánh Chiêm Thành, qua Càn Hải cũng dừng lại cầu xin nữ thần phù hộ. Và nhà vua- thi sỹ bỗng trào dâng thi hứng và làm bài thơ “Dạ nhập Xước Cảng thi” (Đêm tiến vào Xước Cảng), trong đó có hai câu:

Đồi Ôi sơn thượng tình lam áo,Thánh Nữ từ tiền tịch thủy sinh

(Trên núi Đồi Ôi khí núi che phủ, Trước đền Thánh Nữ nước triều dâng)

Thắng trận trở về, vua Lê Thánh Tông không quên dừng lại ở Đền Cờn để cảm tạ công đức của Thánh nữ, ban sắc là “Đại Càn Thánh Nương Quốc gia, Nam Hải Tứ vị Thượng đẳng thần”. Đồng thời, sáng tác bài thơ “Càn Hải môn lữ hành” (Nghỉ lại ở cửa biển Càn Hải), trong đó có hai câu:

Phong đào cửu tỉnh Anh Tông mộng. Hương hỏa do khâm Thánh Nữ từ

(Sóng gió làm ta sớm tỉnh giấc mộng về vua Anh Tông. Khói hương còn kính thừ ngôi đền Thánh Nữ)

Từ đó, Đền Cờn ngày càng linh thiêng hơn, là chốn gửi gắm tâm linh của người dân làng Phương Cần mỗi khi vào lộng ra khơi. Thuyền bè từ nơi khác qua lại cũng vào thắp hương cầu xin Tứ vị Thánh Nương cho bình yên, phúc lộc. Hàng năm, người dân Phương Cần tổ chức Lễ hội Đền Cờn vào dịp đầu xuân, lễ hội kéo dài gần tháng trời.

Lễ hội Đền Cờn hấp dẫn với các trò chơi chạy ói, bơi trai, bơi cọc, bơi Giải Vàng, bơi Giếng Giá, bơi Ông Cộc… Mỗi một trò chơi gắn liền với một huyền thoại quanh ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ này (Nhất Cờn, Nhì Qủa, Bạch Mã, Chiêu Trưng). Sách Đại Nam nhất thống chí viết về Lễ hội Đền Cờn: “Đền này vẫn thường linh ứng. Hàng năm cứ đến tháng chạp có hội đua thuyền, thiên hạ đến xem rất đông”.

Sac_phong_thoi_Khai_Dinh_den_conLàng Phương Cần ngày càng khấm khá, dân số ngày một sinh sôi nên có nhu cầu di dân đi khai phá những vùng đất mới. Dù vào Nam hay ra Bắc, người dân Phương Cần thường chọn những vị trí tương tự như làng cũ (ven biển hoặc các cửa sông, cửa biển) để lập làng. Đến vùng đất mới, các thế hệ người dân làng Phương Cần không nguôi nhớ về cố hương với ngôi đền linh thiêng nên mang theo cả tục lệ của quê nhà.

Đó là chưa kể người dân các xứ khác qua lại Cửa Cờn thấy ngôi đền linh nghiệm liền xin chân hương về làng và lập đền thờ tự. Nhờ đó, tục thờ Tứ vị Thánh Nương đã lan tỏa đến nhiều làng ven biển trên địa bàn cả nước. Đó là Đền Ninh Cường, Đền Tống Hậu, Đền Xã Hạ (Nam Định), Đền Mẫu (Hưng Yên), Đền Đại Lộ (Hà Tây cũ), đền ở phố Sinh Từ (Hà Nội). Rồi vùng ven biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà NΩng đến các tỉnh vùng đất Nam Bộ rộng lớn đều có đền thờ Tứ vị Thánh Nương và Đại Càn Thánh Mẫu.

Theo một số tư liệu, ở Quỳnh Lưu ngoài làng Phương Cần còn có khoảng 30 nơi khác thờ Tứ vị Thánh Nương, toàn tỉnh Thanh Hóa có 81 làng thờ Tứ vị. Điều đáng nói là tục thờ Tứ vị Thánh Nương lan tỏa đến vùng đất nào đều phát sinh những truyền thuyết, thần tích mới nhưng vẫn có nhiều chi tiết có mối liên hệ nhất định với truyền thuyết ở làng Phương Cần và thần tích Đền Cờn.

Do điều kiện tự nhiên giữa các vùng khác nhau mà công tích của Tứ vị Thánh Nương cũng có những thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống, niềm mong ước và hi vọng của từng vùng, miền.

Như vậy, làng Phương Cần (xã Quỳnh Phương- Quỳnh Lưu ngày nay) nói riêng, Nghệ An nói chung có thể tự hào là nơi phát tích tục thờ Tứ vị Thánh Nương, một nét đẹp trong đời sống tâm linh của cư dân ven biển. Trên con đường giao lưu và hội nhập hôm nay, nét đẹp văn hóa này cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy hơn nữa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…


Nguồn: Thế giới tâm linh

Bài viết liên quan

Bàn về đối tượng thờ phụng trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc.

admin

QUÁ TRÌNH TIẾP THU HẦU ĐỒNG TRƯỚC KHI MỞ PHỦ

admin

LẬP ĐIỆN THỜ TỨ PHỦ TẠI GIA – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

admin

Bình luận

Để lại Bình luận