NGUỒN GỐC CỦA MẪU THƯỢNG NGÀN TRONG CÁC BẢN VĂN CHẦU VÀ TRUYỀN THUYẾT TẠI ĐỊA PHƯƠNG   < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Nghiên cứu tín ngưỡng Thần tích Thánh Mẫu

NGUỒN GỐC CỦA MẪU THƯỢNG NGÀN TRONG CÁC BẢN VĂN CHẦU VÀ TRUYỀN THUYẾT TẠI ĐỊA PHƯƠNG  

NGUỒN GỐC CỦA MẪU THƯỢNG NGÀN TRONG CÁC BẢN VĂN CHẦU VÀ TRUYỀN THUYẾT TẠI ĐỊA PHƯƠNG  


ThS. Nguyễn Thị Hường

Tổ Văn học Việt Nam I- Khoa Ngữ văn- ĐHSP Hà Nội

Mẫu Thường Ngàn còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau: Lê Mại Đại Vương, Diệu Tín Thiền sư, Đông Cuông công chúa, Lâm Cung thánh mẫu, Mẫu đệ nhị Nhạc Phủ, Sơn Tinh công chúa. Mỗi tên gọi gắn với một sự tích riêng của bà mẹ rừng. Đây là vị thánh mẫu có nguồn gốc mang tính truyền thuyết, gắn với địa bàn sinh tụ đầu tiên của loài người là ở vùng rừng núi trung du. Cùng với mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn là một trong hai vị thần được thờ phụng sớm nhất. Từ bà mẹ Rừng chung chung của tín ngưỡng dân gian đến vị trí đệ nhị thánh mẫu trong điện thờ đạo mẫu là cả một quá trình phát triển lâu dài và phức tạp. Có thể nói, ở đâu có rừng núi thì ở đó có đền thờ Mẫu Nhạc phủ nhưng có một số nơi thờ chính là Bắc Lệ (Lạng Sơn), Suối Mỡ (Bắc Giang) và Đông Cuông (Yên Bái). Ở ba nơi này lưu giữ những truyền thuyết có phần khác nhau về Mẫu Đệ Nhị.

“Mẫu đệ nhị là ai? Nguồn gốc từ đâu?”- Những câu hỏi này có vẻ đơn giản vì tất nhiên Mẫu Thượng ngàn phải là bà mẹ rừng, cai quản các cửa rừng, các lũ các lang của miền Nhạc phủ. Tuy nhiên, khi đặt hình tượng này trong sự đối sánh giữa các bản văn chầu và các truyền thuyết lưu truyền ở địa phương mới thấy tính phức tạp của vấn đề.

Chúng tôi có trong tay bảy bản văn chầu Mẫu Thượng ngàn: Văn thỉnh mời Mẫu Đệ Nhị thượng ngàn, Văn Mẫu Thượng ngàn, Văn chầu Lê Mại Đại Vương, Văn chúa Đông Cuông, Nhạc Tiên Sơn Lâm thánh mẫu, Văn chúa Thượng ngàn, Diệu tín Thiền sư- văn chúa Sơn trang, Đông Cuông công chúa. Nội dung các bản văn này thường tập trung ca ngợi sắc đẹp, tài năng và công lao cứu dân, cứu đời của thánh mẫu. Về nguồn gốc thì cơ bản là đại đồng tiểu dị, mẫu có nguồn gốc từ tiên giới được đầu thai làm người trần gian, có quyền cao phép cả. Trong bảy bản văn chầu kể trên thì có sáu bản đề cập tới nguồn gốc của Mẫu Sơn trang theo bản thống kê dưới đây

Theo các bản văn chầu này thì Mẫu Thượng ngàn có nguồn gốc tiên giới, giáng sinh vào các gia đình danh gia vọng tộc làm người trần gian. Do vậy, ngay từ khi ra đời, Mẫu đã có sự giáng sinh kì lạ, hương hoa thơm ngát, ánh hào quang rạng rỡ và lớn lên thì lập được công trạng hiển hách,được vua sắc phong. Ở hầu hết các bản văn chầu, Mẫu Thượng ngàn được miêu tả có hình dong xinh đẹp: “Vốn sinh ra hình dong tươi tốt/ Da tựa ngà má phấn môi son/ Hài xanh dạo bước lên non” (Văn Chúa Thượng ngàn); “Môi son má phấn tóc đà cách điệu/ Giá thanh tân điệu đà sở vân/ Đóa phù dung dương liễu nhởn nhơ/ Vẻ nào mà chẳng trai lơ/ Hoa xuân mới nhú nguyệt thu dương trong” (Văn chúa Đông Cuông). Riêng trong bản văn Diệu Tín Thiền sư lại miêu tả chúa Sơn Trang với hình dáng “Oan trái sinh ra quái dị” khiến cho “song thân luống đêm ngày lo sợ/ bỏ vô miền hang hổ rừng sâu”. Vì có cơ mầu huyền vi nên không những đứa trẻ không chết mà còn được tiên ông dạy cho phép tu thiền tập đạo, lập nên nhiều công trạngrồi được Phậtphong là “Diệu Tín Thiền sư”. Ở trường hợp này chúng ta có thể thấy rõ sự dunghợp giữa đạo Mẫu với đạo Phật. Vị thần rừng nguyên thủy không chỉ bước lên điện thờ đạo mẫu với cương vị Đệ Nhị thánh mẫu mà còn đi vào Phật Giáo, trở thành vị thiền sư, đắc đạo chân như. Điều này không còn lạ lẫm với những người say mê, nghiên cứu đạo mẫu. Bằng chứng là hầu hết các ngôi chùa Việt đều có kết cấu tiền Phật hậu Mẫu, trong đó Mẫu Thượng ngàn được thờ cùng Mẫu Thượng thiên và Mẫu Thoải hoặc được thờ riêng ở ban Sơn Trang. Đây là mối quan hệ hai chiều, chính Phật Bà quan âm và nhiều chư phật cũng xuất hiện trên điện thờ đạo Mẫu. Để bắt đầu một buổi lên đồng hầu thánh, người hầu đồng phải khấn thỉnh các thần linh,trong đó bao giờ cũng phải khấn Phật trước sau đó mới thỉnh mời Ngọc hoàng thượng đế và các vị thánh của đạo mẫu:“ Việt Nam thuở điện an vương thất/ Chuyển pháp luân Phật nhật tăng huy/ Kim niên, kim nguyệt, nhật thì/ Đệ tử tâu quỳ Phật thánh mười phương/ Nước khói hương chiên đàn giải thiats/ Thoảng mùi hoa ưu bát thơm bay/ Nam Mô Phật ngự phương tây/ Sen vàng chói lọi hiện ngay Di Đà/ Ngự trước tòa lưu ly bảo điện/ Phật Thích ca ứng hiện tự nhiên (…) Quan Âm ngự trước án tiền/ Tả hữu bồ tát Tăng thiền, già na/ Đức Hộ Pháp Vi Đà thiên tướng/ Vận thần thông vô lượng vô biên” (Văn công đồng). Khi thực hiên các động tác ma thuật để phù chú, thay cung đổi mệnh hay cầu xin một điều gì bao giờ cung văn và người hầu đồng cũng sử dụng ngôn ngữ và hành động đậm màu sắc Phật giáo.

Nhìn chung, trong các bản văn chầu, nguồn gốc của Mẫu Thượng ngàn đều được giới thiệu chung chung (là công chúa Thiên cung, giáng sinh vào nhà họ Lê, họ Quách hoặc một gia đình không xác định nào đó). Điều này hoàn toàn khác với các truyền thuyết lưu giữ tại đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Suối Mỡ (Bắc Giang) và đền Đông Cuông (Yên Bái). Trong lòng các con nhang đệ tử, Mẫu Thượng ngàn được thờ ở Suối Mỡ là Mỵ Nương Quế Hoa, con của Vua Hùng Định Vương và hoàng hậu An Nương. Hoàng hậu sinh ra nàng bên gốc quế rồi mất. Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền. Nàng được tiên ông ban cho phép thuậtnên đãcùng 12 thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành. Khi nhân dân các bản mường đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoacùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Ở đền Bắc Lệ lại lưu truyền câu chuyện Mẫu Thượng ngàn là công chúa La Bình, con gái Sơn Tinh, cháu ngoại vua Hùng. Nàng thường cùng với cha đi chu du các bản mường, hang động, giúp cho cuộc sống dân lànhđược sung túc. Ngọc hoàng đã phong nàng là bà chúa Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng cõi Nam Giao. Vào thời Lê, bà đã hiển linh, âm phù, hóa thành bó đuốc dẫn quan quân Lê Lợi thoát khỏi sự truy kích của quân giặc. Công cuộc bình Ngô đại thắng, Lê lợi lên làm vua vàcho dựng đền Bắc Lệ để ghi nhớ công ơn của bà. Như vậy,căn cứ theo truyền thuyết và các bản văn chầu thì đền Bắc Lệ chính là nơi Lâm cung thánh mẫu hiển linh, âm phù; đền Suối Mỡ là thắng tích lưu lại dấu vết bà tu tiên luyện đạo còn đền Đông Cuông (Yên Bái) là nơi bà giáng sinh và ngự.Cũng như Mẫu Liễu Hạnh tuy được thờ ở nhiều nơi (Phủ Giầy- Nam Định, đền Sồng- Thanh Hóa, phủ Tây Hồ- Hà Nội) nhưng nơi thờ chính vẫn là ở Phủ Giầy- nơi bà đã giáng sinh và để lại gốc gác lai lịch. Chính vì thế Mẫu Thượng ngàn còn được gọi là Mẫu Đông Cuông, Đông Cuông công chúa, Đông Cuông Tuần Quán thượng ngàn tối linh- cách gọi theo bản quán ( Lê Mại Đại Vương là gọi theo sắc phong; Diệu Tín Thiền sư là cách gọi khi bà đã đắc đạo chân như nhà Phật…). Trong Văn Mẫu Đông Cuông- bản văn chuyên dùng để hát thờ đã định vị danh tính cũng như nơi thờ chính Mẫu Sơn trang:“Khắp đâu đâu nức danh tiên nữ/ Tự Lê triều quốc sử còn ghi/ Danh thơm nam bắc trung kì/ Bảo dân hộ quốc độ trì tứ phương/ Sắc Lê Mại Đại vương trường trị/ Đông Cuông từ đích thị danh lam”. Nếu đặt trong tương quan so sánh với đền Bắc Lệ và Suối Mỡ thì đền Đông Cuông rõ ràng có vị trí quan trọng nhất, là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn. Tuy nhiên, điều kì lạ là khi nhắc đến các nơi thờ Chúa Sơn trang, người ta lại biết đến đền Bắc Lệ và đền Suối Mỡ nhiều hơn. Điều này hẳn có lí do từ chính bản thân việc thờ tự ở bản đền.

Ở Bắc Lệ và Suối Mỡ, việc phụng thờ Mẫu Thượng ngàn tương đối thống nhất, tức là không có sự phối thờ với các nhân vật nằm ngoài hệ thống điện thờ Đạo Mẫu. Từ kiến trúc đền, các nghi thức thờ cúng đến truyền thuyết đều tập trung ngợi ca tài năng, sắc đẹp và công trạng Mẫu, tạo điều kiện để khắc sâu vào tâm trí con nhang đệ tử và muôn dân về một ngôi đền thiêng nơi miền sơn cước. Ở đền Đông Cuông, hình tượng Chúa Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng đã bị pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau và trong sinh hoạt thực hành tín ngưỡng, màu sắc đạo Mẫu cũng có phần mờ nhạt. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi thần rừng có từ thời Đường. Bản thân các tên gọi khác nhau của bản đền: “Đông Quang linh từ”, Mẫu Đông, Đông cung, Đông Cuông đã cho chúng ta thấy “đền Đông Cuông còn gắn với các tên gọi chỉ phương hướng, đấy chính là phương Đông, phương của hành mộc, của màu xanh, của đại ngàn” (Nguyễn Đức Dũng. Đền Đông Cuông một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt. Tạp chi di sản. Số 3/ 2006) . Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền nên ở truyền thuyết mới. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” thì ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh. Bà là vợ đại vương núi Sơn Vi (Nay thuộc Lâm Thao- Phú Thọ) (1). Trong phần ghi chép của mình, Lê Quý Đôn chỉ tập trung kể lại sự linh thiêng của đền mà không giải thích tường tận về nguồn gốc lại lịch của Đông Quang công chúa.

Thần tích của họ Hà giải thích tường tận, chi tiết hơn về nhân vật được phụng thờ ở đây: Đông Quang Công chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc Hà Bổng (trại chủ Quy Hóa) bị hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được 1 đứa con trai. Khi ông tạ thế, bà Kiểm cùng contrai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bên tả ngạn, đối diện với miếu.Người mẹ Rừng chung chung, đến đây đã được lịch sử hóa, gắn với lai lịch cụ thể của một con người trần thế. Điều này làm cho hình tượng Mẫu vừa linh thiêng vừa lại có sự gần gũi song cũng tạo nên độ vênh lệch so với các bản văn chầu và quan niệm của những tín đồ đạo Mẫu. Theo Đại Nam nhất thống chí, vùng Đông Cuông thuộc phủ Quy Hóa xưa, “thổ tù Phụ đạo là họ Hà và họ Lê thế tập, sau người khác họ là họ Sầm (người Thanh) và họ Cầm nối đời cai quản” (Nxb Lao động- Trung tâm văn hóa Đông Tây. H. 2012. Tr1522). Tục truyền đền Đông Cuông chính là đình Cả, thuộc hệ thống đình Mường Khà xưa trong đó đình Cả do họ Hà quản lí, giữ chức năng đình trạm, chuyên tống đạt công văn thư chỉ giữa trung ương và cơ sở; các đình nhỏ thì do họ Hoàng, Lương đăng nhang. Những người họ Hà cho rằng ông Hà Văn Thiên- người được vua cử lên quản lí vùng Đông Công và ngoại vi chính là ông tổ của họ. Vậy thì việc thờ ông Hà Văn Thiên (tức Đức Ông) ở Ghềnh Nhai và thờ bà Lê Thị Thiết cùng con trai ở đền Đông Cuông chính là biểu hiện của tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ tổ tiên đã hòa nhập vào với tín ngưỡng thờ Mẫu. Bà mẹ Rừng được gắn cho một lai lịch trần thế và trong hậu cung đền thờ không chỉ có tượng Mẫu tối linh như ở các đền phủ khác mà còn xuất hiện tượng của Vua Báo tức là con trai của hai ông bà. Hai bức tượng này sẽ được rước ra bến sông để sau đó Vua Báo ở lại bên bờ còn Vua Me thì qua sông sang đền Ghềnh Ngai làm lễ cưới lại với Đức Ông. Ngoài ra để tiến hành lễ hội, nhân dân địa phương còn cho giết trâu trắng, lấy máu mang ra bến sông cúng thần. Những hoạt động này chỉ diễn ra vào dịp lễ cầu mùa tháng giêng chứ không có trong lễ tạ ơn Mẫu ngày Mão tháng chín. Người dân tin rằng chỉ khi tiến hành đầy đủ các nghi lễ này thì Mẫu mới vui lòng phù trợ cho nhân dân một năm no ấm, mùa màng bội thụ. Đây là hai nghi lễ hoàn toàn không xuất hiện trong các lễ hội liên quan đến đạo Mẫu ở các nơi khác. Chúng mang đậm nét tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng tôn thờ nước của các cư dân làm nông nghiệp thuộc cơ tầng văn hóa Đông Nam Á cổ đại (2). Ngoài phần hậu cung đã có sự phối thờ Vua Me- Vua Báo (Vua Mẹ- Vua Con) các phần khác trong kiến trúc điện thờ của bản đền cũng có sự pha trộn rõ nét. Ngũ vị tôn ông không chỉ là năm vị quan Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ và Đệ Ngũ mà đã được đồng nhất với năm người Tày họ Hà, Hoàng, Lương, Nguyễn quê ở Đông Cuông đã nổi dậy chống Pháp năm Giáp Dần (1914) nhưng thất bại. Hai anh em Hà Bặc, Hà Chương- những anh hùng có công lớn trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên Mông cũng được thờ ở đây. Chính vì vậy đền Đông Cuông còn có tên là Đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn đã được ghi chép cụ thể trong Đại Nam nhất thống chí. Rõ ràng, xuất xứ của bản đền là thờ nhiên thần trong đó có Mẹ Rừng nhưng theo thời gian lớp tín ngưỡng này đã có sự pha trộn, thậm chí là bị che phủ bởi các tín ngưỡng khác nhau. Huyền tích về Lâm cung thánh mẫu được lịch sử hóa, địa phương hóa để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của nhân dân. Nếu Mẫu Sơn Trang ở Bắc Lệ (Lạng Sơn) là công chúa Quế Hoa, ở Suối Mỡ (Bắc Giang) là La Bình thì ở Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn vừa là bậc tôi tú anh linh, quyền cao tối thượng vừa gần gũi, bình dị trong hình hài một người vợ, người mẹ trần thế có lai lịch, gốc tích rõ ràng. Đến với Mẫu cũng là về với mẹ để vừa thành kính chiêm bái vừa thể hiện sự biết ơn đối với những người đã có công khai sơn phá thạch, mở mang bản làng, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của đạo Mẫu cũng là ở đó. Là một tín ngưỡng dân gian mang đậm tính chất bản địa, đạo Mẫu đã luôn phải tìm cách thâm nhập vào các đạo khác (Đạo Phật, Đạo Giáo) để tồn tại, lan tỏa và cũng đưa rất nhiều nhân vật, tiếp thu nhiều quan niệm của Phật giáo, Đạo giáo vào trong điện thờ, trong nghi lễ của mình. Điều này rõ ràng phát huy tác dụng để Đạo Mẫu, vượt qua sự cấm đoán của các triều đại phong kiến, không những không bị mất đi mà còn ngày càng sâu rễ bền gốc trong lòng dân chúng. Tuy nhiên, bên cạnh cái được thì nhiều khi chính đặc điểm này lại ít nhiều làm cho mầu sắc đạo Mẫu trở nên mờ nhạt mà trường hợp đền Đông Cuông là một thí dụ. Nói cách khác, việc phối thờ, chồng lớp tín ngưỡng ở bản đền cho thấy một trong những nét điển hình của văn hóa Việt Nam, đó là tính hỗn dung. Sự bàng bạc trong niềm tin tôn giáo và tính dụng dẫn đến việc thực hành các nghi lễ thờ cúng của người dân không được rạch ròi. Người có ta thể vừa đến đền, vừa đến chùa để cầu xin cũng như có thể thờ ở cùng một nơi những vị thánh thần rất khác nhau miễn là thỏa mãn được nhu cầu, tình cảm và niềm tin được phù trợ.

Trong niềm tin tâm linh của những con nhanh đệ tử đạo Mẫu thì đền Đông Cuông có vị trí vô cùng quan trọng, là nơi ngự chính và giáng sinh của chúa Thượng ngàn. Tuy nhiên sự chồng lớp tín ngưỡng và khuynh hướng địa phương hóa, lịch sử hóa, một mặt làm cho huyền tích về Chúa Sơn Trang phong phú hơn song mặt khác lại khiến cho việc thực hành sinh hoạt tín ngưỡng nơi đây không còn thể hiện rõ đặc trưng của một ngôi đền thờ Mẫu. Đền Đông Cuông, đối với con nhang đệ tử của Đạo Mẫu là nơi để tìm về với bà mẹ Thượng ngàn tối linh, với người dân địa phương lại là nơi để tưởng nhớ các vị anh hùng có công với bản làng, là nơi để cầu xin một năm mùa màng tươi tốt, con cái đông đàn, dân khang vật thịnh; còn đối với những người say mê, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian thì di tích này lại âm thầm nói cho chúng ta biết rất nhiều điều về quy luật vận động và biến đổi của một loại hình tín ngưỡng bản đền.


Chú thích:

(1) “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn viết: “Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba, nay thuộc địa phận Lâm Thao-Phú Thọ,, là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720-1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên- Yên Bái). Bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa nổi tiếng anh linh. Tục truyền công chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại Vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về để báo cho Đại vương biết”. Nói xong liền biến mất. Đường thủy mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày thế mà hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sang sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến song như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi” ((Nxb Văn hóa thông tin. 2007. Tr512)

(2). Đền Đức Ông và đền Mẫu được đặt ở vị trí đối xứng, kiệu Bà được rước sang với Đức Ông thể hiện tính hòa hợp âm dương, là tiền đề để vạn vật sinh sôi nảy nở; trong các công trình nghiên cứu đều đã thống nhất tính tương hợp giữa hình dáng sừng trâu với mặt trăng, các đặc điểm về thói quen sinh sống của loài trâu dẫn đến việc nó được dùng như một biểu tượng liên quan tới mặt trăng, tới nước.

Tài liệu tham khảo

1. Đại Nam nhất thống chí (2 tập). Nxb lao động- Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. H. 2012

2. Đạo Mẫu Việt Nam. Ngô Đức Thịnh. Nxb Thế giới. 2012

3. Nguyễn Đức Dũng. Đền Đông Cuông một điểm khởi đầu của tục thờ nữ thần Việt. Tạp chi di sản. Số 3/ 2006

4. www. Hatoc.org 

Bài viết liên quan

Một Số Phương Pháp Xác Định Căn Đồng, Thánh Bản Mệnh

admin

Trích thần tích Thánh mẫu đệ tam, Đền Dầm

admin

Khái quát về các loại hình tín ngưỡng bản địa của Việt Nam

admin

Bình luận

Để lại Bình luận