Bài viết : GS Vũ Ngọc Khánh
Nguồn : Daomauvietnam
Liên quan với tín ngưỡng Saman, ở Việt Nam có hiện tượng giáng bút, cũng là hình thức giao lưu giữa con người trần tục và con người ở thế giới bên kia. Người ta thường tin rằng thần thánh đã về phán bảo với các con tin bằng hình thức giáng bút. Giáng bút là có chữ nghĩa, có thơ ca. Như vậy việc giao lưu ở đây là giao lưu với người có học (hoặc có liên quan với học vấn), không hoàn toàn là tín ngưỡng vật linh nguyên thuỷ của người dân bình thường.
I. THỰC RA THÌ HÌNH THỨC GIAO LƯU NÀY CŨNG CÓ NHIỀU TRÊN THẾ GIỚI
Trong cuốn sách Religion on Primitive Culture của Edward Tylor (1832 – 1917), tác giả đã đề cập đến hiện tượng này. Ông kể ra hai trường hợp và gọi là việc viết chữ của các linh hồn:
*”Ở Trung Quốc, có lẽ có nguồn gốc xa xưa, giống như những nghi thức bói toán. Nó được gọi là hạ bút và đặc biệt được các giai tầng có học dùng. Khi một người Trung Quốc muốn hỏi một vị thần bằng cách đó, anh ta sai tìm một người cầu đồng chuyên nghiệp. Trước hình ảnh vị thần này, người ta thắp nén và hương, và để dâng cúng, người ta đặt nước trà và vàng mã. Ở phía trước trên một cái bàn khác, người ta đặt một chiếc mâm hơi dài đựng cát khô. Dụng cụ viết có cán gỗ hình chữ V, còn đầu mũi thì để ở trong cát. Những lời cầu nguyện và tụng niệm thích hợp được cất lên để xin thần cho biết sự hiện diện của mình bằng sự chuyển động của đầu dụng cụ trong cát. Câu trả lời được nhận bằng cách đó, và sau đó chỉ còn có việc đoán ra một cách khá khó khăn và đáng ngờ. Nghi thức này thuộc về phái nào, điều đó có thể xét theo những chữ khắc được ghi trên thân cành mơ được dùng làm bút cho linh hồn”.
Trường hợp ở nước Anh, Tylor kể lại như sau:
“Mặc dầu có sự khác nhau giữa Trung Quốc và Anh về mặt thần học, thuật viết cầu đồng ở cả hai nước đều giống nhau. Loại ván viết cầu đồng này có lẽ đã có ở châu Âu vào thế kỷ 17. Thứ dụng cụ mà ngày nay có thể mua ở các quầy hàng đồ chơi này gồm có một tấm bàn nhỏ hình trái tim dài khoảng 7 tấc, có ba chân, trong đó hai chân mang bánh xe, còn chân thứ ba là cây bút đặt vào chỗ lỗ cạnh bàn. Dụng cụ này được đặt trên một tờ giấy, và hai người đặt nhẹ ngón tay của mình lên bàn, chờ cho tới khi nó chuyển động và viết ra các câu trả lời cho các câu hỏi mà những người tham gia không cần có một cố gắng chú ý nào. Không phải ai cũng có thể viết theo sự giúp đỡ của linh hồn, mà chỉ có người cầu đồng thực mạnh mới làm được như vậy. Bản thân những người cầu đồng đôi khi cũng cho rằng có một sức mạnh bên kia vào đó, tác động tới họ; tóm lại, họ bị linh hồn ám ảnh”.
Những điều mà Tylor nói đến, cũng được gặp ở Việt Nam, cố nhiên là có nhiều chi tiết xuất nhập.
II. CÓ THỂ THẤY LÀ VIỆT NAM CÓ HAI HÌNH THỨC GIAO LƯU GIỮA LINH HỒN VÀ NGƯỜI THỰC HIỆN ĐỂ CẦU XIN NHỮNG LỜI DẠY BẢO BẰNG LỜI HAY BẰNG CHỮ
1. Hình thức giao lưu bình dị:
Không có thần Saman, không có lễ đường, tiến hành ở đâu cũng được. Nhiều trường hợp đây cũng là một kiểu trò chơi của thanh thiếu niên. Hồi còn nhỏ tuổi, chính bản thân tôi cũng có tham gia vào các trò chơi này. Bọn học sinh chúng tôi gọi là chơi cầu cơ… Phải tiện một miếng gỗ, được cho là gỗ ở một cái hòm đã chôn người chết (khi cải táng, người ta đưa tàn cốt vào tiểu sành, hòm gỗ đem đốt đi, nhưng vẫn có thể kiếm ra được mảnh ván còn sót). Miếng gỗ được gọt thành hình quả tim, chỉ nhỏ bằng một cái nắp bình trà, là một tấm bia giấy trắng, kẻ ô nhỏ chung quanh một vòng tròn làm tâm. Trên các ô đề đủ 25 chữ cái: a, b, c, mỗi ô một chữ. Khi chơi chúng tôi thắp vài cây hương cắm ở đầu bàn, rồi cùng ngồi quanh nhau, ngón tay đặt vào quả cơ, rồi cùng lẩm nhẩm khấn. Ai thuộc một bài thơ, bài ca nào đấy thì cứ đọc lên (là những bài văn chúng tôi đã được nghe các cung văn đọc trong các buổi lễ bái trong làng). Chúng tôi lấy bút ghi các chữ ấy lại. Điều ngạc nhiên kỳ thú là các chữ được ghép thành lời hẳn hoi. Chúng tôi hỏi và cái cơ trả lời cho đến khi nó tự động dừng lại, tức là linh hồn đã rời đi xa. Cách chơi này phổ biến ở các thành phố thị xã khoảng những năm ba mươi của thế kỷ trước. Bản thân tôi, không gặp một dịp nào ứng nghiệm. Nhưng các bạn tôi nhiều người đều cho là họ đã được gặp. Thậm chí có người nói là anh ta gặp cả một hồn ma người Pháp nhập vào cơ. Vì khi cơ chạy, lại chỉ vào các ô chữ, ghép lại thành câu: tôi là một người Pháp (Je suis un Francais).
Tôi đã tưởng đây là một trò chơi không hơn không kém. Nhưng hình như không phải thế. Vì sau này, nhà thơ Nguyễn Vũ viết cuốn sách dày: Tuấn, chàng trai nước Việt, ông đã kể lại rõ ràng có câu chuyện cầu cơ ở toà thánh Tây Ninh. Vậy chuyện cầu cơ là có ở các lễ đường. Rất tiếc, tôi không được thêm thông tin gì khác.
2. Hình thức thứ hai là những cuộc giao lưu đã diễn ra ở các lễ đường, các nơi thờ thần thánh. Tất cả các nơi thờ theo tín ngưỡng bản địa và theo đạo giáo, đều thấy hiện tượng này, nhưng không thấy có ở Phật giáo và Gia tô giáo. Hai đạo này đều có các kinh phúc âm, các lời phán truyền của Chúa, của Phật, nhưng không có hình thức giáng bút. Trái lại, những người dân không theo một đạo nào, nhưng có tin vào thần thánh, thì ngoài việc xin xâm, đoán mộc, cầu đồng v.v… đều có tìm đến hình thức giáng bút, nhưng chủ yếu là ở những người có chữ nghĩa mà thôi.
a) Những thần thánh nào thường giáng bút
Các vị thần thánh được cầu để cho lời giáng bút – rất đáng chú ý – đều là những người có công với lịch sử dân tộc, lịch sử văn hoá nước nhà.
– Phổ biến nhất là các vị anh hùng dân tộc, các danh tướng: Bà Trưng, Bà Triệu, Phủ Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão rồi đến Hoàng Diệu. v.v…
– Các nhà văn hoá lỗi lạc: Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
– Những thần thánh danh nhân nước người như Văn Xương đế quân, đức Thánh Quan (có cả tướng của ông như Châu Xương), các vị tiên. Rồi có cả Lý Bạch, Victo Huy Gô ở Pháp nữa.
– Song nhiều nhất là các bà thánh Mẫu: chủ yếu là bà Chúa Liễu (Vân Hương Thánh Mẫu) rồi Dao Trì Vương Mẫu và các bà công chúa, tả hữu của các Mẫu.
b) Việc tổ chức các cuộc giáng bút
Việc tổ chức các buổi cầu xin giáng bút tại các lễ đường tổ chức rất nghiêm minh chặt chẽ, so với những điều mà Tylor đã kể ở trên tại Trung Quốc hay Anh, có phần tương tự mà cũng có chỗ bị dị biệt. Lễ cầu xin thường diễn ra ở các đền thờ, các chùa (thật ra là chùa thờ thần). Bàn thờ, đền miếu, các tranh tượng thần linh đều để nguyên như cách trang trí hàng ngày. Đền thờ riêng một vị thần, nhưng khi cầu thì cầu chung tất cả.
Những trường hợp cầu xin qui mô nhỏ thì không nói làm gì, nhưng trường hợp có qui mô lớn thì phải lập đàn. Người ta bảo là ông Thánh Văn Xương đã bày cho cách lập đàn như sau:
– Phía trên hết, chính giữa đặt tôn vị Ngọc Hoàng
Ngoài cửa cấm môn, đặt hương án thờ các vị thần ở điện Thông Minh.
Bên tả ở ban trên thờ Trần Hưng Đạo, Phù Đồng Thiên Vương. Ban giữa thờ thần Tản Viên và Lý Phục Man, ban dưới thờ nhị thập bát tú.
Bên hữu ở ban trên thờ Dao Trì Vương Mẫu, ban giữa thờ Quan Âm Bồ Tát và Vân Hương Thánh Mẫu (Liễu Hạnh), ban dưới thờ các công chúa nước Nam (những phụ tá của Mẫu).
Ngoài sân bày một hương án để thờ các thần trung nghĩa âm dương (trai gái).
Kê bút thì dùng một cành đào mọc ở phương đông dài ba thước (ta) chu vi ba tấc (ta); đầu lấy ba vuông sô vàng bọc lại, trên xuyên một lỗ lấy tơ ngũ sắc bện dây xâu qua cho hai đầu ra hai bên, mỗi bên tả hữu cho một tiểu đồng cầm đầu dây. Ở dưới bút đặt cái long kỷ cao 3 thước, trên kỷ đặt bàn gỗ đào bọc vải đỏ, trước mặt chừa một lỗ nhỏ.
Quan Thánh Đế cầm thanh long đao đứng hầu bên kê bút để nhận chữ (viết trên gạo hay cát) để trên bàn gỗ đào.
Văn Lã Nhị Đế (Văn Xương và Lã Đồng Tân) đứng hầu tả hữu. Bên hữu cửa cầm môn, Đồng Vương cầm gươm dài đứng hầu[1].
Như vậy, ta nhận ra cách bài trí này là chịu ảnh hưởng của đạo giáo: đưa nhiều thần đạo giáo vào. Nhưng lại phải nói là một thần điện rất Việt Nam. Khuynh hướng tâm linh tỏ ra khá bao dung mà không thuần nhất.
Những đàn cầu giáng bút như vậy, được tổ chức chủ yếu là vào khoảng đầu thế kỷ 20. Thời gian này, phong trào duy tân tự cường ở nước ta lên mạnh, nhưng các cuộc vận động cách mạng đều bị đàn áp, ta chỉ có cách khêu gợi tinh thần ái quốc hợp đoàn bằng văn chương. Các đàn cầu giáng bút này được thành lập rất nhiều, gọi là các thiện đàn ở khắp hai miền Trung Bắc. Một sự kiện cũng khá đặc biệt – (do dụng ý tuyên truyền hay có phần nào là sự thực) là các vị thánh thần ta kể trên đã giáng bút rất nhiều. Riêng ở miền Bắc: Hà Đông, Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Sơn Tây, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Kiến An, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên v.v… đều xuất hiện thiện đàn, và ở đây cũng thấy có các Mẫu, các Thánh Giáng Bút. Cùng một lúc, các ngài đã xuất hiện ở nhiều nơi. Các thiện đàn này nhờ công sức của quần chúng đã cho in các bài giáng bút thành sách. Có tập nổi tiếng là Minh Thiện Chân Kinh, và Kinh Đạo Nam (Kinh Đạo Nam ra đời ở Nam Định tại xã Hạc Châu). Người phụ trách việc in các tài liệu giáng bút này, sau đã bị chính quyền thực dân bắt đi đầy. Các kinh bản đều bị tịch thu, nhưng có một số được thu thập lại, lưu ở Thư viện Khoa học xã hội.
c) Nội dung và nghệ thuật các bài giáng bút.
Hầu hết các bài giáng bút đều là thơ phú. Một số nôm na viết theo lối lục bát hay song thất lục bát, song không có trường hợp nào xuống đến mức tầm thường, có phần còn hơn cả một vài truyện nôm thô sơ và bình dị… Còn có những ngâm khúc khá dài những bài thơ thất ngôn, những bài phú chặt chẽ và điêu luyện. Thường hay vận dụng các biện pháp tu từ, nhất là lộng ngữ (chơi chữ). Có nhiều bài được viết bằng chữ Hán cũng có phong vị nhất định. Một trình độ học lực tầm thường không thể làm được những bài như thế.
Hầu hết các bài giáng bút đều là những bài học đạo đức luân lý, dựa theo lương tri và lý thuyết “trung, hiếu, tiết, nghĩa” của các nhà nho. Có một loạt bài giáng bút vào những năm thập kỷ hai mươi của thế kỷ trước thì khuynh hướng duy tân, khuynh hướng dân tộc rất rõ ràng, song lại rất có mức độ, kêu gọi tự cường song không thúc giục chiến đấu, chê trách thói hư tật xấu, nhưng không thẳng thắn đấu tranh xâm lược hay đả kích phường phản bội.
Tình hình đã trở nên phức tạp những bài giáng bút không còn là những tác phẩm lẻ tẻ, được nhắc đến trong một số giai đoạn hay trong câu chuyện tâm linh của một số người, mà đã thành một phong trào thực sự: một phong trào của các Thánh Thần dân tộc về trò chuyện với nhân dân. Song có thực như vậy không? Lại nảy ra một cách suy nghĩ khác. Chuyện giáng bút là chuyện hoang đường. Có thể đây chỉ là việc làm kín đáo khôn ngoan của các sĩ phu yêu nước, mượn cái vỏ giáng bút của Thánh Thần mà thôi! Giải thích như vậy có phần dễ xuôi, nhưng lại có phần hình như… không đúng!
d) Chuyện linh thiêng chung quanh vấn đề giáng bút.
Bởi vì trừ những trường hợp việc cầu xin không đưa đến kết quả gì, lại có khá nhiều thực tế không giải thích được.
* Trước hết là những tác phẩm giáng bút đã khiến cho ta phải ngạc nhiên. Người cầm cây bút hoặc là những tiểu đồng không được học hành, hoặc là những người lớn nhưng chữ nghĩa kém, làm sao có thể viết ra được những bài thơ phú rất xuất sắc như vậy. Những câu hỏi hoài nghi đã được đưa ra, đều không có cơ sở:
– Không thể có chuyện có người sáng tác trước rồi cho người cầm cơ bút học thuộc lòng.
– Không có chuyện người ta sáng tác sau này để bịa thêm, vì tác phẩm được công bố tại chỗ.
– Không có chuyện nhà văn, nhà thơ nào vào cầm kê bút mà ứng tác với cái tài thơ thánh: ngay một lúc có được nhiều bài… Nếu có thì người ấy đã nổi tiếng ai cũng biết.
-Nội dung các sáng tác là rất có tính cách thời sự. Nghệ thuật lại rất cao. Nhiều nhà nho có tiếng lúc bấy giờ vẫn phải khâm phục.
Như vậy tác giả các bài chỉ có thể là tiên hay thánh mà thôi.
+ Lại còn có những mẩu chuyện mà người đương thời phải công nhận là chuyện huyền bí có tính cách thánh thần. Trong sách Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh đã kể rõ là các viên quan sở tại lúc bấy giờ theo lệnh người Pháp cho người đến dò la xem có phải là tổ chức chính trị hay không đã phải nhận đây là chuyện thần thánh thiêng liêng. Họ bí mật cho người nhà đến xui lời giáng bút, trà trộn vào đám đông, nhưng thánh đã giáng cho những câu thơ gọi thẳng tên người ra, gây kinh ngạc lớn. Tri phủ Xuân Trường (Nam Định) là Bùi Bằng Đoàn được câu:
Côn dược thiên trùng thương hải ngoại
Bằng đoàn vạn lý tử tiêu gian
Án sát Mai Toàn Xuân được câu:
Đấu cành Mai mới điểm hoa
Non sông bốn bể đâu mà chẳng xuân
Tên tuổi được vạch ra như vậy, mà lời văn lại rất hay. Họ phải công nhận đây là việc chỉ có thánh thần mới làm được.
+ Vẫn theo lời kể của Đào Duy Anh, ông đã được trực tiếp trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, nhà nho, đảng viên, nguyên công tác ở Viện Sử học (từ sau 1954), là người chủ trì thiện đàn ở Hạc Châu, đã nhiều lần cầm kê bút. Ông Tỉnh đã thuật lại rõ ràng trạng thái con người và tâm lý mình khi cầm kê bút là có được chỉ đạo thôi thúc vì một sự thiêng liêng huyền bí nào, chứ bản thân ông không có trình độ sáng tác nổi.
Vì vậy, cho chuyện giáng bút là chuyện hoang đường bịa đặt, hay là chuyện mưu toan lừa bịp gì đó của con người phàm trần thì không thể chấp nhận được, trong những trường hợp cụ thể trên đây.
Vậy thì nên suy nghĩ thế nào vấn đề giáng bút:
Giáo sư Đào Duy Anh cũng đã tỏ ra rất băn khoăn: Ông cho rằng “đây không phải là một hiện tượng thần bí gì, chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà khoa học chân chính, tức khoa học trên cơ sở duy vật chưa giải thích hay chưa xem là đối tượng nghiên cứu” Ông lại nói thêm “phải nhận là có sự tham gia của tập thể một cách hơi lạ lùng” (sách đã dẫn trang 201).
Ngày nay đã hàng chục năm qua – ngay trên đất nước Việt Nam, đã diễn ra nhiều thực tế khiến nhiều người phải quan tâm. Có nhiều câu chuyện về sự tồn tại của một thế giới bên kia, có sự phát hiện không thể chỗi cãi của những nhà ngoại cảm. Vấn đề giáng bút có lẽ phải đặt ra một cách nghiêm túc hơn để theo dõi. Có khả năng đây không phải chỉ là dấu vết của những tín ngưỡng và tập quán có gốc rễ cổ xưa, rồi trở thành một sự phục hồi chuyện thần linh ma quái. Đây chính là chuyện giao tiếp với thế gới linh hồn, là vấn đề của lý thuyết thông linh (Spiritualism) đang phải tiếp tục nghiên cứu chung.
Riêng ở Việt Nam, thì vấn đề có khía cạnh khác, hầu như cũng có thể mang sắc thái riêng tư. Chúng tôi mạnh dạn suy nghĩ rằng, người Việt rất tôn sùng các thánh và vẫn tin vào thánh. Họ có thông cảm và hình dung ra các Thánh cũng là chuyện bình thường. Lịch sử Việt Nam lại có giai đoạn mà nhiệm vụ cứu nước trong hoàn cảnh mới đòi hỏi sự nhất tề đấu tranh. Hiện tượng giáng bút đã cho tất cả các thánh thần ở cõi xa xăm phải trở nên rất hiện hữu để cùng tiến lên với xã hội trần gian. Điều đó chắc chắn rất ít xẩy ra với toàn thế giới, và là một nét riêng của thuyết thông linh ở đất nước này.
[1] Lời thuật gủa giáo sư Đào Duy Anh, trong sách Nhớ nghĩ chiều hôm (Nxb Trẻ 1989 trang 205)