MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ ĐẠO PHẬT NHÌN TỪ VÙNG KINH BĂC < Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam
Nghiên cứu tín ngưỡng

MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ ĐẠO PHẬT NHÌN TỪ VÙNG KINH BĂC

MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU VÀ ĐẠO PHẬT
NHÌN TỪ VÙNG KINH BĂC

Bắc Ninh, xưa là xứ Kinh Bắc, nằm ở phía Bắc sông Hồng, có thế đất núi sông hùng vĩ linh thiêng, hội tụ tinh hoa của đất trời, nên sớm là địa bàn dân cư sinh cơ lập nghiệp và sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú viết vào đầu thời Nguyễn, đã ghi nhận về địa thế núi sông hùng vĩ của xứ Kinh Bắc như sau: “Kinh Bắc có mạch núi cao chót vót, nhiều sông núi vòng quanh, là mạn trên của nước ta… Mạch đất tụ vào đấy, càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần, vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Quả vậy “địa linh sinh nhân kiệt”, Bắc Ninh là một vùng đất có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến và đã được hội tụ, toả sáng ở bản sắc văn hoá.

Với lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển của mình, xã hội người Việt nói chung, vùng Kinh Bắc nói riêng, đời sống tâm linh của người Việt đã có những thay đổi rất mạnh mẽ, luôn theo sát với sự thay đổi của xã hội. Bên cạnh những tôn giáo lớn được du nhập vào Việt Nam với những giáo lý, tổ chức chặt chẽ mang tính hệ thống cao như Ki tô giáo, Phật giáo, Nho giáo… hay những tôn giáo được hình thành ở Việt Nam như Đạo Mẫu, Đạo Giáo, Đạo Tiên… thì còn tồn tại và phổ biến rất nhiều những hình thức tín ngưỡng dân gian, mà sức sống và sự lan toả của nó trong dân chúng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu tiến hành tìm hiểu nhưng vẫn chưa đưa ra được những câu trả lời cuối cùng. Có thể thấy rằng tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm văn hoá của người Việt trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội mà nền tảng của nó chính là chế độ nông nghiệp lúa nước với gia đình tiểu nông phụ quyền làm trung tâm trong một môi trường làng xã khép kín.

Những đặc trưng về văn hoá và tư duy của mình, người Việt trong quá trình phát triển đã thu nhận không ít những giá trị văn hoá, tinh thần ngoại sinh để bồi đắp nên một sản phẩm tinh thần của riêng mình, khẳng định được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều lớp văn hoá khác nhau được tích hợp hoặc chồng xếp lên nhau trong một loại hình tín ngưỡng cụ thể. Chính sự tiếp nhận và điều chỉnh này đã giúp các loại hình tín ngưỡng dân gian có khả năng tự điều chỉnh cao, luôn vận động, thích ứng và bám sát cuộc sống, trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tín ngưỡng Mẫu có thể được hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ – Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu đấng bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của tự nhiên và con người.Trong đó, Thờ nữ thần là thờ những vị thần là nữ. Nữ thần được thờ có thể là nhiên thần như thần Sấm, thần Mây, thần Mưa, thần Chớp (Tứ pháp), Mẹ Lúa, mẹ Chim, mẹ Cá…; có thể là nhân thần như: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan, Bà Trưng, Bà Triệu…Thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần, ở đó chỉ những nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Còn trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm yếu tố này như những “Bà cô” (là những người phụ nữ không có chồng, con hoặc phụ nữ bị chết trẻ chưa có chồng)

Thờ Tam phủ – Tứ phủ chính là mức phát triển cao về nhiều mặt từ thờ Mẫu thần. Ở tín ngưỡng Tam phủ – Tứ phủ đã có sự chắt lọc từ tín ngưỡng đa nữ thần về một số vị nữ thần cơ bản và gọi là Mẹ, Mẫu. Bao gồm: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thuỷ), Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu). Bốn vị mẫu trên đại diện cho bốn không gian địa lý khác nhau; trong đó Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản ở vùng trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản ở vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản ở vùng sông nước, Mẫu Địa cai quản miền đất. Trong quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu không ngừng tiếp nhận sự ảnh hưởng từ các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo…

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới được du nhập vào nước ta từ những năm đầu của thế kỷ I (trước, sau công nguyên) theo các thuyền buôn từ Ấn độ vào nước ta buôn bán đặc biệt là trung Tâm thành cổ Luy Lâu, điển Hình là Chùa Dâu thuộc xứ Kinh Bắc Xưa là nơi lần đầu phật học truyền sâu vào Việt Nam Khác với Nho giáo, Phật giáo vào nước ta bằng con đường hoà bình. Những tư tưởng từ, bi, hỉ, xả… trong giáo lý của nhà Phật khá gần gũi với tinh thần vị tha, bao dung, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau… trong đạo lý truyền thống của người Việt. Vì vậy, Phật giáo đã nhanh chóng hoà nhập với các tín ngưỡng bản địa mà điển hình là các tín ngưỡng nông nghiệp như tục thờ Mẹ hay tục thờ Nữ thần để trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người nông dân Việt. Hình ảnh Man Nương trong “Cổ Châu Phật Bản Hạnh” đã phản ánh sinh động sự gặp gỡ và kết hợp này.

Theo “Cổ châu pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục”, thời Sỹ Nhiếp, ở bên kia sông Đuống, thuộc bờ Bắc, trong chùa Linh Quang, xã Phật Tích phủ Tiên Du trấn Kinh Bắc có vị sư Khâu Đà La lập am truyền đạo. Bên này sông có một gia đình tên là Tu Định có một người con gái tên là Man Nương. Thấy Khâu Đà La có nhiều môn đệ theo học, Tu Định liền cho con gái mình đến học đạo và hàng ngày nấu cơm nước, giúp việc cho nhà sư. Một lần nọ, Khâu Đà La đi giảng đạo về khuya, nàng Man Nương nấu cháo xong, chờ không được bèn ngồi tựa lưng vào cửa và ngủ thiếp đi. Khâu Đà La về thấy Man Nương ngủ ở cửa phòng, người “vô ý” bước qua thế là Man Nương có thai. Hay tin, Tu Định tỏ ý trách nhà sư, nhà sư chỉ nhẫn nhục chịu đựng. Sau 14 tháng vào ngày mồng tám tháng tư, Man Nương sinh hạ được một bé gái và mang đến trả nhà sư. Nhà sư bèn bế đứa bé đến một gốc cây cổ thụ ở ngã ba sông và lấy cây gậy chỉ vào thân cây làm phép, tức thì thân cây tách làm đôi, nhà sư bỏ đứa trẻ vào đó và cây khép trở lại như cũ. Trước khi chia tay, Khâu Đà La trao cho Man Nương một chiếc gậy và dặn rằng khi nào có hạn hán thì cắm chiếc gậy xuống đất, sẽ có nước để cứu dân.

Về sau, nhiều lần trời hạn hán, nhớ lời nhà sư, Man Nương đem cây gậy ra dùng thì đều ứng nghiệm. Vào một bữa nọ có một trận mưa to, gió lớn, cây cổ thụ bị đổ và trôi theo dòng nước đến khúc sông ở làng bà Man Nương thì dừng lại. Trai làng túm vào kéo mà không tài nào di chuyển được Bà Man Nương ra sông chỉ kéo nhẹ mà cây đã ngoan ngoãn theo vào bờ.Thấy sự lạ, người làng cưa thân cây ra làm 4 đoạn và tạc thành bốn pho tượng Phát Vân Phát Vũ, Phát Lôi, Phát Điện đưa vào thờ trong 4 ngôi chùa. Khi đẽo tới giữa cây, người ta thấy có một phiến đá rất cứng, búa của thợ đều bị sứt hết. Ném phiến đá xuống nước thì thấy phiến đá phát ra ánh sáng. Dân làng bèn rước vào điện Phật mà thờ, đặt tên là Thạch Quang Phát. Bà Man Nương sau khi chết được tôn thờ là Phật Mẫu (hay Man Nương Phật Mẫu. Được thờ ở Chùa Dâu Thuận Thành Bắc Ninh ngày nay).

Với sự tiếp nhận Phật giáo, những vị nữ thần nông nghiệp (Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn) đã trở thành những vị phật Bà (Tứ pháp) với những yếu tố cầu mong sự sinh sôi nảy nở trong nền văn hoá nông nghiệp lúa nước vẫn còn đậm nét: Pháp Vân – Thần Mây, Pháp Vũ – Thần Mưa. Pháp Lôi – Thẩn Sấm, Pháp Điện – Thần sét.

Cũng là chùa nhưng điện thần của các ngôi chùa Tứ pháp có cách bài trí không giống với những ngôi chùa thờ Phật bình thường. Pho tượng được thờ ở vị trí trung tâm, chính đều không phải là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mà lại là tượng các Bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Tượng các Bà được đặt ngồi trong khám và được làm to hơn cả. Chùa cũng có các tượng Phật Thích Ca, La Hán, Bồ Tát, Kim Cương nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều và chỉ đặt ở bên cạnh, phía ngoài, trước mặt các tượng Tứ pháp.Trung tâm của hệ thống chùa Tứ pháp là Chùa Tổ, nơi thờ Phật Mẫu Man Nương – người mà nhiều học giả đã ví hình ảnh của bà như là một bà “Mẹ Xứ sở” của người Việt ở hình tượng Man Nương. Chúng ta không chỉ tìm thấy tình thương, sự cứu giúp của Bà đối với dân làng trong hoàn cảnh khó khăn (hạn hán), hay Bà có thể chỉ huy các hiện tượng tự nhiên mà tượng trưng chính là hệ thống các vị thần Tứ Pháp, mà còn hơn thế khi coi Bà là Phật Mẫu, Mẹ Phật – một vị Phật với tư cách là mẹ, rất gần gũi với con người, luôn bao dung, độ lượng, che chở cho con người (như mẹ che chở cho con vậy) chứ không phải những gì là xa xôi và khác lạ.

Có thể thấy rằng sự hình thành và phát triển của hệ thống chùa Tứ Pháp chính là sự khẳng định sức sống và xu hướng đề cao vai trò nữ thần, đề cao vai trò của các bà mẹ trong tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước trước sự du nhập của đạo Phật vào Việt Nam. Cũng có nhiều học giả cho rằng với sự xuất hiện của hình tượng Man Nương trong truyền thuyết cũng như hệ thống chùa Tứ pháp trong thực tế đã đánh dấu một bước phát triển mới của Phật giáo ở Việt Nam, đó chính là bước chuyển từ “Phật giáo ở Việt Nam” thành “Phật giáo Việt Nam”. Nếu như Man Nương là hình ảnh của sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Nữ thần của người Việt trong thời kỳ đầu du nhập vào Việt Nam thì hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh cũng được coi là sự giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trong thế kỷ XVI.

Trong tâm thức dân gian của người Việt, Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử, là Mẹ, là thần chủ điện thờ Tam phủ – Tứ phủ. Nếu như Mẫu thượng Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Thoải cai quan vùng nước, Mẫu Thượng ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Địa cai quản vùng đất, thì Mẫu Liễu Hạnh cai quản nhân gian, cai quản thế giới của loài người. Không chỉ dừng lại ở đó, đối với người Việt, thánh Mẫu Liễu Hạnh còn hoá thân cả vào Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa… và từ đó, có thể sai khiến và chỉ đạo các thế lực của tự nhiên, làm cho cuộc sống của người dân Việt trở nên thận lợi hơn bởi mưa thuận gió hoà… Vì vậy, Mẫu Liễu là một vị nhân thần được người Việt đặc biệt tôn thờ.

Tại Bắc Ninh còn được sử sách và dân gian truyền tụng ca ngợi là “xứ sở” của đình chùa lễ hội. Bắc Ninh với gần hai ngàn di tích, trong đó có những ngôi đình nổi tiếng như đình Đình Bảng, đình Diềm… Đó là những toà đại đình, mái ngói đao cong uốn lượn bồng bềnh, bộ khung gỗ to khoẻ chạm trổ “rồng bay, phượng múa. Những ngôi chùa nổi tiếng như: Hệ thống chùa Tứ Pháp từng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Song hành với lịch sử, những ngôi chùa nổi tiếng của Bắc Ninh còn đó là những di sản văn hoá vô giá như chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Tiêu từng là những đại danh lam thời Lý (thế kỷ XI-XII). Tiêu biểu về giá trị kiến trúc nghệ thuật là Đình Bảng (Từ Sơn) và chùa Bút Tháp (Đình Tổ-Thuận Thành) là những công trình kiến trúc điêu khắc nghệ thuật đặc sắc của thời Lê-Nguyễn còn bảo lưu đến nay. Đặc biệt, chùa Bút Tháp với cây tháp Báo Nghiêm nổi bật trên những lớp mái ngói đao cong, cây cối tươi tốt, sóng nước dập dềnh bên bờ Nam sông Đuống, tựa như cây bút khổng lồ vẽ lên nền trời xanh những nét văn hiến đặc sắc của quê hương. Đình chùa xứ Kinh Bắc còn nổi tiếng với những lễ hội lớn như: hội Dâu, hội Lim, hội Diềm, hội Khám, hội Góng… bởi vậy trong dân gian có câu ca rằng: “ mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu, mồng 9 đâu đâu cũng về hội Gióng” đã kết tinh ở đó hàng ngàn năm những nét tinh hoa văn hoá của xứ Kinh Bắc.

Nếu như Man Nương là hình ảnh của sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Nữ thần của người Việt trong thời kỳ đầu du nhập vào Việt Nam thì hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh cũng được coi là sự giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trong thế kỷ XVI.

Còn đối với phật giáo do được du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam nên nó không thuộc tôn giáo bản địa. Vì vậy Phật Giáo tại Việt Nam đã có nhiều bị thay đổi đi một phần và không còn nguyên bản như chính nơi xuất phát của nó. Phật Giáo ở Việt Nam có rất nhiều dòng khác nhau. Nhưng nguy hại, trong một số bộ phận người dân, Phật Giáo đã bị nhận thức không đúng so với giá trị nguyên bản. Những thế kỷ đầu công nguyên, phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta, áp bức bóc lột nhân dân ta vô cùng tàn bạo. Ngay từ những năm 40, không chịu nổi ách áp bức bóc lột tàn bạo của Thái thú Tô Định, từ vùng núi Mê Linh, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, cùng với các tướng sĩ kéo quân đánh vào thủ phủ Luy Lâu, nhân dân Bắc Ninh đã tham gia khởi nghĩa giải phóng đất nước. Dấu ấn về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn để lại là hàng loạt các di tích quanh thành Luy Lâu ở huyện Thuận Thành thờ các danh tướng của Hai Bà Trưng. Vào thế kỷ VI, dưới cờ khởi nghĩa của Lý Nam Đế và danh tướng Triệu Quang Phục, nhân dân Bắc Ninh đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương; các danh tướng họ Trương là Trương Hống, Trương Hát quê ở Vân Mẫu (Vân Dương, Quế Võ) đã một lòng trung quân ái quốc “sinh vi lương tướng, tử vi thần”-sống anh hùng đánh giặc chết hiển linh làm thần, đã được trên 370 làng xã dọc sông Cầu thờ làm Thành Hoàng gọi là “Thánh Tam Giang”. Đến thế kỷ XI, vương triều nhà Lý có nhiều công lao “bình Chiêm, phạt Tống”, đặc biệt vào triều Vua Lý Nhân Tông, dưới sự chỉ huy của Thái uý Lý Thường Kiệt, quân dân Bắc Ninh đã tham gia đánh bại hàng chục vạn quân xâm lược Tống ở chiến tuyến sông Như Nguyệt (tức sông Cầu). Trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhân dân Bắc Ninh cùng nhân dân cả nước đã đập tan ba lần tiến quân xâm lược của ngoại xâm và âm vang cuộc kháng chiến vẫn còn ở những địa danh, di tích thờ phụng các danh tướng nhà Trần. Những triều đại tiếp theo, Bắc Ninh tiếp tục nổi tiếng là đất của các bậc anh hùng hào kiệt có công đánh giặc giữ nước.

Đến giờ thì một số người dân Việt Nam nói chung vùng Kinh Bắc nói riêng lại có cách nhìn nhận về Đức Phật hoàn toàn sai lệch. Đi lễ chùa, các bạn bây giờ hiểu sai về đạo Phật. Đến chùa cầu tiền tài địa vị, thậm chí còn phân biệt Đức Phật ở chùa nào thiêng hơn chùa nào. Phật Giáo không phải là tôn giáo bản địa của người Việt, đó là một tôn giáo ngoại lai có nguồn gốc từ Ấn Độ. Phật Giáo được du nhập vào Việt Nam không hoàn toàn trực tiếp mà có thêm từ một vài nước thứ ba. Vì vậy Phật Giáo tại Việt Nam đã có nhiều bị thay đổi đi một phần và không còn nguyên bản như chính nơi xuất phát của nó. Vì vậy Phật Giáo ở Việt Nam có rất nhiều dòng khác nhau. Nhưng nguy hại, trong một số bộ phận người dân, Phật Giáo đã bị nhận thức không đúng so với giá trị nguyên bản.

Đó là ở sự nhận thức không đúng đắn về Đức Phật. Lối tiếp nhận đơn giản kiểu quan niệm của nhiều người Việt cho rằng Đức Phật trở thành một vị thần thánh có nhiều phép thần thông. Họ cho rằng Đức Phật càng gần gũi với họ càng tốt để dễ dàng ban phát, phù hộ cho mình. Điều này dẫn đến tình trạng họ tìm đến Đức Phật để cầu xin cho mình những giá trị thực tiễn như tiền tài, may mắn, địa vị… trong cuộc sống mà quên đi rằng Đức Phật chỉ là là một nhà tư tưởng và họ mới chính là chủ thể quyết định chính cuộc sống của mình.

Phật Giáo là một tư tưởng triết học lớn, do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi sướng. Chính vì vậy hình tượng Đức Phật là đại diện Phật Giáo chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân Phật Giáo muốn đem đến cho người dân. Đó là những khuyên răn về việc hướng thiện, về luật nhân quả tức là tự mình làm việc thiện sẽ nhận lại cho mình những điều tốt đẹp.

Chính vì vậy người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà để tìm đến những giáo lý của Phật Giáo để phải tự xuất phát từ bản thân mình làm những việc thiện thì mới mong tự nhận lại cho mình những điều tốt đẹp. Vì vậy Đức Phật ở đây chỉ mang ý nghĩa như một nhà tư tưởng chứ không phải là một vị thần thánh. Xưa kia, vì Việt Nam là một nước nông nghiệp nên trong quá trình tồn tại và phát triển đã phải chịu sự chi phối rất nhiều của tự nhiên, trong đó có những yếu tố ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Thời đó với trình độ nhận thức hạn hẹp đã cho rằng “Vạn vật hữu linh” tức là mọi sự việc xảy ra đều có sự ảnh hưởng của một vị thần nào đó. Chính vì vậy khi du nhập vào Việt Nam với sự dung dị và hòa bình, dẫn đến Phật Giáo đã giảm bớt tính hàn lâm và tự biện vốn có của nó.

Ngày nay, do nhiều tác động của cuộc sống vật chất đặc biệt là sự kém hiểu biết một bộ phận người dân do chỉ đến với Phật Giáo theo tư cách những người không nghiên cứu hay tu hành, cộng thêm tâm lí đám đông mới dẫn sự lệch lạc như vậy về quan niệm về Phật Giáo. Chính vì hiểu sai nên dẫn đến những hành động chưa đúng thậm chí là sai lệch gây ra nhiều sự biến tướng, sai lệch trong các hoạt động văn hóa tâm linh.

Đó cũng là sự hiểu sai về Đức Phật như một vị thánh thần đã nói ở trên. Không có chuyện Đức Phật ở chùa Này lại thiêng hơn ở chùa khác . Bản chất đều là cùng thờ một Đức Phật tư bi hỉ xả, phổ độ chúng sinh. Người đến thờ Phật để tu bản thân mình chứ không phải coi Đức Phật như một vị thánh đem đi điều không may mang đến điều tốt lành mà coi thánh nơi này thiêng hơn thánh nơi khác.

Nước ta với hơn bốn nghìn năm lịch sử, trải qua biết bao thăng trầm từ thời Vua Hùng dựng nước và giữ nước. Đã sảy ra biết bao cuộc binh đao khói lửa, trong cái thời thế loạn lạc đao binh ấy cũng có bao nhiêu người con của Nam Việt anh Hùng được sinh ra. Từ Tản Viên Sơn Thánh đến Đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đạo Tổ tức Chử Đồng Tử và một nhân vật nữ mà giờ đây chúng ta gọi là Mẫu đó là bà Liễu Hạnh. Để sau này bốn người con của Nam Việt được mệnh danh là Tứ Bất Tử. “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê bao đời gây nền độc lập” (Nguyễn Trãi) đã có biết bao người con “Sinh Vi Lương Tướng Tử Vi Thần”, điển hình dưới vương triều Trần có anh hùng dân tộc nhà văn hoá nhà tư tưởng một vị tướng tài của nhân loại, mà vẫn có câu ca tụng là ” toàn tài văn võ lầu thông mọi đường” đó là người anh hùng Hưng Đạo Đại Vương.

Đã có Mẹ thì phải có Cha bởi vậy mới có câu ca ” Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Trong tháng tám từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch là ngày tiệc của Đức thánh trần “Cửu thiên vũ đế nhân võ Hưng Đạo Đại Vương”. Từ ngày 15 đến ngày 22 tháng 8 âm lịch là tiệc của Đức Vua Cha Bát Hải đền Đồng Bằng. Còn tháng ba giỗ mẹ tức bà Liễu Hạnh công chúa, theo sự nghi chép trong cuốn ” Quảng Cung Linh từ phả Bi và Quảng Cung Linh Từ Phả Ký cộng với cuốn Tam thế Thực Lục” thì bà là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng sinh xuống trần, mang theo “tam tòng ,tứ đức, công, dung, ngôn, hạnh”. Để sau này trở thành đạo chủ của tín ngưỡng tứ phủ nói riêng và Đạo Mẫu nói chung.

Ở Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Việt tìm thấy hình ảnh của một người mẹ nhưng rất gần gũi với hình ảnh của một vị Bồ tát: người có thể ban phúc, ban lộc cho những người hiền lành, ăn ở đức độ; cứu giúp những người nghèo khó gặp hoạn nạn khó khăn; nhưng cũng có thể trừng phạt những kẻ tráo trở hay làm việc ác, kể cả quan lại triều đình. Vì vậy cũng không có gì là lạ khi kết thúc câu chuyện về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu đã quy y Phật pháp trở thành một tín đồ của Đạo Phật như bà đã tuyên bố: “Ta là công chúa Quỳnh Hoa ở Cung Tiên thấy Đạo Phật từ bi, nên muốn quy y tụng niệm”.

Chính vì những yếu tố trên đã cho ta thấy được tại sao trong các ngôi chùa ở vùng Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung lại có thêm điện thờ Mẫu. Phải trăng chính là do Mẫu đã quy y tam bảo theo phật và trở thành Phật Mẫu. Như vậy ta có thể thấy được Phật giáo hoà trộn vào Đạo mẫu đã phần nào làm cho Đạo Mẫu lên khuôn với sự phức hợp của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau tạo nên một ngôi nhà Mẫu đa dạng và phong phú, một nét văn hoá sống, một tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Kinh Bắc nói riêng và toàn bộ Việt Nam nói chung.
Nguyễn Sỹ Đông ( Ban quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc )
Tài Liệu Than Khảo
1 – Lịch Triều Hiến Trương Loại Chí ( Phan Huy Chú )
2- Đạo Mẫu Việt Nam ( Ngô Đức Thịnh )
3 – Quảng Cung Linh Từ Phả Bi và Quảng Cung Linh từ Phả Ký ( Bảo Tàng Tỉnh Nam Định )
4 – Bắc Ninh Tỉnh Chí A569 ( Viện Nghiên Cứu Hán Nôm)

Bài viết liên quan

Nghi lễ Tôn nhang bản mệnh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ

admin

PHẦN 1: DÒNG CHẢY TÍN NGƯỠNG THỜ ĐỨC THÁNH TRẦN VÀO ĐIỆN THẦN TỨ PHỦ

admin

Thánh Mẫu hạ trần ở Kẻ Sỏi – Nghệ An

admin

Bình luận

Để lại Bình luận