[TABLE="width: 100%"] <tbody>[TR] [TD="colspan: 7"] Tín ngưỡng Phủ Na là tín ngưỡng thờ Mẫu, tôn vinh Mẫu Liễu Hạnh là vị thánh chính. Bà là một trong bốn bậc “Tứ bất tử” của đất nước. Đó là Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh công chúa.[/TD] [/TR] [TR] [TD="colspan: 7"] Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVI, ngôi đền đầu tiên của tín ngưỡng Mẫu là Phủ Giày, xây dựng năm 1663 - 1671. Phủ Na nằm ở địa phận tổng Xuân Du(1) theo Reberquin tác giả sách “Le Thanh Hoa” thì tổng Xuân Du do một thổ ti họ Quách thành lập vào năm 1858. Cư dân ở đây hầu hết là người Mường từ tỉnh Hòa Bình di cư vào, họ mang theo trong tâm thức một hệ thống tín ngưỡng dân gian Mường. Đây được xem là một hành trang trên đường chinh phục tự nhiên, tìm nơi cư trú, tìm cách làm ăn sinh sống và trở thành tín ngưỡng bản địa. Trước khi người Mường đến đây, vùng này là đất trống, chưa có dấu vết gì về thờ cúng thần linh. Phủ Na được xây dựng vào thập niên đầu của thế kỷ XX, khoảng 1905 - 1910. Với môi trường sinh thái của vùng đất này, cùng bối cảnh lịch sử, xã hội và xu hướng tâm linh của nhân dân thuở ấy, người xưa chọn tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Na là hợp lý. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Phủ Na có những biểu hiện khác biệt rất đáng lưu ý. Nhìn vào cung cách thờ tự, cùng sự phân bố các đền thờ theo ngôi thứ trong khuôn viên Phủ Na, từ eo En trên lưng chừng núi Nưa xuôi hướng đông theo dòng suối, nơi có vị trí cao nhất đặt bệ xây bằng gạch lộ thiên là đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (thần núi), ngang sang phải cũng đặt một bệ xây gạch lộ thiên là đền thờ Thượng Ngàn công chúa; bên kia suối về phía phải đặt một bệ rộng hơn xây bằng gạch lộ thiên là đền thờ Cô Chín, đồ đệ thân cận của Liễu Hạnh công chúa; xuôi theo suối về phía trái, một ngôi đền xây bốn cung tường gạch mái ngói. Từ ngoài vào nội thất đều trang trí nhiều hoa văn màu sắc rực rỡ, có bệ thờ lớn, chính giữa nơi cao nhất đặt ngai Mẫu Liễu, bệ bên cạnh đặt ngai thờ bà Âu Cơ, trên đại tự có bốn chữ Hán “Mẫu nghi thiên hạ”; bên kia suối về phía phải thấp hơn một chút, đặt bệ xây bằng gạch lộ thiên là đền thờ 12 Quan Hoàng, ngang sang trái bên kia suối, một ngôi đền cũng tường gạch mái ngói, trang trí đẹp, bệ thờ trang nghiêm là đền thờ Đức Ông, tức Trần Hưng Đạo và Ngọc Hoàng Thượng đế. Cuối cùng đặt một bệ xây gạch lộ thiên là đền thờ cô Ba Đón, tức đền Trình. Tất cả những nơi thờ được gọi là đền ở đây đều được xây dựng vào cuối thế kỷ XX. Cách phân bố vị trí thờ và kiến trúc đều phản ánh quan niệm tín ngưỡng của cư dân bản địa, đối chiếu với đền phủ gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu như Phủ Giày, đền Sòng, phố Cát, thấy bộc lộ nhiều nét khác biệt. - Một là Tản Viên Sơn Thánh hay thần Núi, vốn được gọi là “Đại vương núi Tản Viên” là một trong 50 người con theo cha xuống biển, Vương từ hải quốc qua cửa biển Thần Phù trở về, tìm nơi đất thanh y, dân tục đôn hậu, chất phác mà ở. Thánh Tản Viên mà ta biết được là qua hai truyền thuyết “Truyện núi Tản Viên”, sách “Lĩnh Nam chính quái” của Vũ Quỳnh, Kiều Phú, “Truyện Sơn Tinh - Thủy tinh” trong sách “Thế pháp thi tập”, nhưng còn một truyền thuyết nữa có tên là “Vua Ba Vì” cũng có nơi gọi là “Truyện Thánh Tản Viên” hoặc “Vua Cả”, lưu hành bằng truyền miệng trong dân tộc Mường thì còn ít người biết đến. Tuy tình tiết và nhân vật ở truyện này có khác, nhưng về nội dung cơ bản không khác hai truyện trên. Thánh Cả Ba Vì đượm nhuần ân nghĩa trong tâm thức tín ngưỡng Mường. Tuy người Mường không xây dựng đền miếu nguy nga, to lớn, nhưng Thánh Cả Ba Vì luôn hiện diện trong phần lớn các nghi lễ của người Mường. Thánh Cả Ba Vì không phải thánh trong hệ thống thánh của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng ở Phủ Na lại được đặt bệ thờ ở vị trí cao nhất. Bên trên cả đền vị thánh chính là Mẫu Liễu Hạnh và đặc biệt vẫn được thờ lộ thiên theo kiểu thờ của người Mường. - Hai là Mẫu Thượng Ngàn theo sách Thần tích đời Lý - Trần thì: Thượng Ngàn công chúa húy La Bình; con gái Tản Viên Sơn Thánh, cháu ngoại vua Hùng Duệ Vương. La Bình là cô gái tuyệt sắc có nhiều tài nghệ, thường theo cha đi khắp các núi non hang động, đến đâu nàng cũng quyến luyến phong cảnh, làm bạn với hươu, nai, cây cỏ, sơn thần các núi non đều quý trọng, mến phục. Thượng đế phong hiệu là Thượng Ngàn công chúa cai quản các cửa rừng cõi Nam Giao. Trở thành bà chúa ngàn xanh, nữ thần Thượng Ngàn chăm chỉ dạy các loài muông thú, chim chóc cách sinh sống, bay nhảy, leo trèo, hót ca, thưởng giống vật có công, phạt ác thú gây hại cho sinh vật. Thần đã hai lần hiển linh âm phù tướng sĩ nhà Lý đánh thắng bắc Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh thắng Nguyên - Mông. Đến khởi nghĩa Lam Sơn, nữ thần đã hóa phép ra một đàn đom đóm tỏa luồng ánh sáng dẫn đường cho Lê Lợi và Nguyễn Trãi chạy trong đêm tối thoát khỏi nanh vuốt giặc Minh. Đêm sau thần báo mộng cho Nguyễn Trãi kế sách phải giữ gìn lấy núi Chí Linh, Nguyễn Trãi căn cứ vào trong mộng tâu với Lê Lợi. Quả nhiên, quân Minh tiến đánh ba bốn lần, nghĩa quân đều rút về núi Chí Linh mà bảo toàn được lực lượng. Sau khi chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua Lê Thái tổ, tôn phong thần nữ Thượng Ngàn là “Lê Mại Đại Vương” và hạ chiếu xây đền thờ ở những nơi thần hiển linh, tiêu biểu là đền Thượng Sơn ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đền Trà Tu do hai làng Trà Tu và Yên Thế (thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) và đền Hàn Sơn gần thác Hàn sông Lèn thuộc huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Các đền đều có tán văn trong sắc phong hoặc câu đối ca ngợi bà. Xin trích tán văn trong sắc phong của triều Lê Trung hưng ở đền Hàn Sơn. Đức hậu phối thiên, uyên thâm thể vật Linh đức uông lưu ư hà hải nhuận triêm hạp cảnh chi Ngao, Nghê, Minh Yên ân tiến vu xuân thu nghi trữ sùng từ chi đống vũ. Nghĩa là: Đức hậu sáng ngang trời, uyên thâm trùm mọi vật, Đức thiêng rộng sâu như sông, như biển, thấm nhuần một cõi trẻ già, Hương khói dâng tiến mùa xuân, mùa thu, sừng sững đèn thiêng rường cột. Mẫu Thượng Ngàn là một vị thánh trong hệ thống thánh của tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng là người có tên họ và nguồn gốc rõ ràng. Ở các đền, phủ lớn như phủ Giầy, đền Sòng đều đặt bệ thờ Mẫu Thượng Ngàn bên phía phải Mẫu Liễu Hạnh, nhưng ở đây lại thờ trên bệ lộ thiên, bên cạnh đền Tản Viên và bên trên đền Mẫu Liễu Hạnh. Ba là, đền 12 vị Quan Hoàng, các vị này đều nằm trong hệ thống thần của tín ngưỡng thờ Mẫu, tất cả các đền đều thờ 12 vị Quan Hoàng này trong đền Mẫu Liễu. Riêng ở Phủ Na thờ trên một bệ xây lộ thiên, cách đền Mẫu Liễu bởi một dòng suối. Hiện tượng thờ 12 vị Quan Hoàng ở Phủ Na khiến chúng tôi liên tưởng đến nghi lễ “Khôống nhá” trong tín ngưỡng dân gian Mường. Các vị thần này phần nhiều được thờ ở ngoài trời, riêng vị thứ 12 thì nhà nào cũng có bàn thờ rất đơn giản, gác trên xà dọc nhà, nhà nào cũng phải hành lễ vào dịp cuối năm, nghi lễ này có vai trò quan trọng nhằm giải tỏa tâm linh cho mọi người trong gia đình. Sự gặp gỡ con số 12 vị Quan Hoàng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, với 12 vị thần bảo trợ Mường, cùng nội dung chức phận của họ, cũng như cách thờ tự và kiến trúc đền phủ. Phải chăng đền thờ và nghi lễ 12 vị Quan Hoàng ở Phủ Na là ảnh xạ của nghi lễ “Khôống nhá” trong tín ngưỡng dân gian Mường? - Bốn là, ngôi đền bốn cung nguy nga lộng lẫy thờ Mẫu Liễu Hạnh, ở đây không thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Mẫu Thượng Ngàn và các Quan Hoàng như ở Phủ Giày, đền Sòng, phố Cát mà lại thờ bà Âu Cơ. - Năm là, đền Đức Ông, tức là thờ Đức Trần Hưng Đạo, người anh hùng dân tộc. Nơi nào có phủ thờ Mẫu thì đều có đền thờ Đức ông bên cạnh. Vì thế mới có lệ “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, nhưng đền thờ Đức Ông ở Phủ Na còn thờ cả Ngọc Hoàng thượng đế. - Sáu là, rước kiệu Mẫu Liễu Hạnh trong ngày hội tháng 3, một hình thức không thể thiếu. Hội thánh Mẫu ở Phủ Na cũng rước kiệu Mẫu nhưng có hai điều khác biệt đó là nơi đầu tiên rước kiệu đến phải là đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, làm lễ xong mới rước đến các đền khác theo thứ tự đền Thượng Ngàn, đền Cô Chín, đền các Quan Hoàng, đền Đức Ông rồi đến đền Cô Ba Đón, sau mới rước từ đền Cô Ba Đón lên thẳng đền Mẫu Liễu Hạnh để làm lễ. Chỉ riêng sự quy định rước kiệu thôi, cũng thấy tín ngưỡng bản địa quan trọng như thế nào trong đời sống tâm linh của cư dân vùng Phủ Na này. Nhưng đặc biệt là 16 người con gái khiêng kiệu bát cống và 8 cô khiêng kiệu võng đều phải mặc bộ nữ phục Mường và theo sau là một dàn cồng chiêng đủ bộ gồm 12 chiếc từ nhỏ đến lớn cũng do 12 cô gái mặc nữ phục Mường và một trống dàm do một người đàn ông vừa bước đi khoan thai vừa cử nhạc. Từ những biểu hiện khác biệt trên, ta dễ dàng nhận ra, yếu tố tín ngưỡng dân gian Mường đọng lại trong tín ngưỡng Mẫu Phủ Na rất đậm đặc, làm cho hội Phủ Na thêm phong phú về mầu sắc và đa dạng về nội dung. Nhưng quan trọng hơn, là tín ngưỡng thờ Mẫu ở Phủ Na phản ánh trung thực một quá trình giao thoa, tiếp biến giữa tín ngưỡng dân gian Mường và tín ngưỡng thờ Mẫu, bất kỳ ở đâu, ở phương diện nào cũng thấy hiện lên sự đan xen lẫn nhau, đan xen trong phân bố vị trí thờ tự, đan xen trong kiến trúc đền phủ, đan xen trong nội dung nghi lễ, trong nghệ thuật trang trí, trang phục và cả trong âm nhạc. Sự đan xen này không hề có biểu hiện mâu thuẫn nhau, mà ta có cảm giác họ cùng chung vai sát cánh, tạo ra sự hài hòa để cả hai loại tín ngưỡng cùng song song tồn tại và phát triển. Kế thừa là quy luật vận động của văn hóa, sự hiện diện của tín ngưỡng Phủ Na hôm nay là kết quả của quy luật vận động ấy. Nói vậy là nhìn từ điểm chính, điểm cốt lõi, tất nhiên, tín ngưỡng Phủ Na không tránh khỏi có những biểu hiện khó chấp nhận hoặc phải loại trừ còn rơi rớt lại, nhưng không phải là điểm cơ bản. Những điều nói trên là chuyện hôm qua, còn hôm nay đã thấy xuất hiện ở Phủ Na hình thức “Hội cầu lộc cầu tài”, diễn ra vào thời điểm kết thúc năm cũ, bước vào năm mới. Hội kéo dài suốt cả tháng giêng, tham gia hội gồm các vị cao niên, quan chức, nhà doanh nghiệp, trí thức, sinh viên, thanh niên, người buôn bán nhỏ ở các đô thị... Ngày xuân họ hành hương lên rừng (tức là đến Phủ Na), xuống biển (tức là về đền Độc Cước), thắp nén hương cầu các đấng thần linh một năm mới hanh thông, may mắn, thành đạt. Vãn cảnh đền phủ, thăm thú núi rừng, sông biển, nhằm lập lại sự cân bằng trong tâm thức qua bao ngày bươn chải trên thương trường, trong quản lý đất nước, trong nghiên cứu khoa học... Đây cũng là một nhu cầu văn hóa chính đáng. Rất có thể, từ đây sẽ hình thành một tập tục mới phủ lên tín ngưỡng Phủ Na một tầng văn hóa khác nữa, để tín ngưỡng Phủ Na càng phong phú, xích gần lại với cuộc sống đương đại. Hoàng Anh Nhân[/TD] [/TR] </tbody>[/TABLE]
Phủ Na, hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ nằm ở xã Xuân Du, Như Thanh - Thanh Hóa là nơi có cảnh sắc rất đẹp và kỳ ảo. Không gian phủ Na có rất nhiều đền miếu phối hợp thờ nhiên thần và nhân thần. Tiêu biểu có các đền: Đền thờ Bà Triệu, Đền Mẫu Thượng, Đền Chính ( Thờ mẫu Liễu ) .Lễ hội Phủ Na - Thanh Hóa, 1 năm có 2 lần. Lần 1 từ 1 đến 16 tháng 2 âm lịch và lần 2 từ 1 đến 16/8 âm lịch