Về hai di tích đền thờ Hoàng Mười của xứ Nghệ và vấn đề kết nối tâm linh

Thảo luận trong 'Tin tức Đạo Mẫu' bắt đầu bởi mantico, 19/11/18.

Lượt xem: 1,788

  1. mantico

    mantico Quản Trị Website

    Ông Hoàng Mười được nhân dân xứ Nghệ tôn vinh "Đức thánh minh", là một vị quan nằm trong hệ thống điện thần thờ Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam (được xếp bậc thứ 10 trong hệ thống đạo Mẫu).

    [​IMG]

    Đền ông Hoàng Mười (ảnh trên) tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (còn được gọi là Mỏ Hạc linh từ, hay Đền Xuân Am) được xây dựng vào thế kỉ XVII, dưới thời hậu Lê.

    Trong số thập vị Quan Hoàng, Ông Hoàng Mười là một trong số các ông Hoàng thường hay về ngự đồng. Hiện nay tại địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tồn tại hai ngôi đền thờ Ông Hoàng Mười. Đó là đền Ông Hoàng Mười tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An và đền Củi tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hai ngôi đền cách nhau bởi dòng sông Lam, đứng bên này có thể nhìn thấp thoáng đền bên kia qua dòng sông. Vậy tại sao lại có sự tồn tại của hai di tích đền ông Hoàng Mười và làm sao để có thể kết nối hai điểm di tích trong tuyến du lịch tâm linh của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh một cách hiệu quả, làm phong phú hơn tiềm năng của hai tỉnh là vấn đề nghiên cứu của bài tham luận.

    1. Tính lịch sử - văn hóa trong các dị bản khác nhau về quan Hoàng Mười

    Về nguồn gốc của tục thờ quan Hoàng Mười, theo sơ đồ hóa hệ thống điện thần đạo Mẫu theo thứ bậc như sau: Ngọc Hoàng/Phật bà quan âm/Thánh mẫu (tam tòa thánh Mẫu) (Thiên, Địa, Thoải, Nhạc)/ Quan (Ngũ vị quan lớn) (từ 5 – 10 vị quan)/ Chầu (tứ vị chầu bà) (từ 4-6-12 chầu bà)/ Ông Hoàng (từ 5-10 ông Hoàng)/Cô (12 cô)/ Cậu (cậu quận) (10 cậu)/ Ngũ hổ/ Ông Lốt (rắn)[2].

    Trong tín ngưỡng Tam tòa Tứ phủ của đạo Mẫu, dưới hàng chầu là hàng các ông Hoàng được gọi tên theo thứ tự Ông Hoàng Đệ nhất đến Ông Hoàng Mười. Tương truyền cũng như các quan, các Ông Hoàng đều có gốc tích là con trai Long thần Bát hải Đại vương ở hồ Động Đình. Tuy nhiên, theo khuynh hướng địa phương hóa thì các Ông Hoàng lại gắn với các nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng có công dẹp giặc, những người khai sáng, mở mang cho đất nước.

    Cũng trong khuynh hướng đó, tại Nghệ An và Hà Tĩnh có tồn tại hai di tích văn hóa lịch sử liên quan tới ông Hoàng Mười. Một số câu chuyện ghi lại rằng: Thánh ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình đầu thai thành vị tướng tên Lê Khôi dưới triều Lê, giúp Lê Lợi đánh tan giặc Minh. Khi đất nước thái bình, theo lệnh vua cha, ông hóa thân về trời. Từ đó, người dân vùng Nghệ An gọi ông là “Đức thánh minh”, lập nên đền thờ để hậu thế đời đời tưởng nhớ.

    Trong sách Đạo Mẫu Việt Nam, nhà nghiên cứu Phạm Văn Khiêm đã liệt kê được trên 80 câu thơ về nhân vật lịch sử này. Đây cũng đồng thời là bài hát khi hầu giá ông Hoàng Mười. Điểm đặc biệt trong nội dung lời hầu giá, đó chính lai lịch, sở thích của vị tướng quân có công giết giặc giữ nước trùng với giả thuyết cho rằng, ông Hoàng Mười thực ra là vị tướng Lê Khôi.

    Lời hầu giá rằng:

    “Cánh hồng thấp thoáng trăng thanh

    Nghệ An có đức thánh minh ra đời (Hoàng Mười)

    Gươm thiêng chống đất chỉ trời

    Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung

    Thanh xuân một đấng anh hùng

    Tài danh nổi tiếng khắp vùng trời Nam”...[3]

    Nội dung bài hầu giá ngoài việc ca ngợi vị tướng Lê Khôi, tức đức thánh minh không chỉ có tài kiếm cung, thao lược mà ông cũng rất phong lưu, đào hoa. Khi rảnh rỗi, ông thường cưỡi ngựa đi ngắm cảnh, làm thơ, bên cạnh lúc nào cũng năm, ba thiếu nữ theo hầu...

    Lời hát khi hầu giá ông Hoàng Mười mà nhà nghiên cứu Phạm Văn Khiêm đưa vào sách Đạo Mẫu Việt Nam chỉ là một trong số nhiều bài hát hầu giá khác cùng tồn tại. Điều đó nói lên sự phức tạp và có nhiều dị bản khác nhau về Ông Hoàng Mười.

    Giả thuyết thứ hai cho rằng: Ông Hoàng Mười chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai của Lý Công Uẩn, cai quản châu Nghệ An. Tuy nhiên, cho đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra tư liệu hay bằng chứng nào để chứng minh cho giả thuyết này. Nhưng dẫu sao thì truyền thuyết vẫn tồn tại trong một bộ phận dân chúng, người ta vẫn coi ông Hoàng Mười là con trai đức vua cha Bát Hải Động Đình và dĩ nhiên, trong bài hầu giá của mình, người ta vẫn coi ông là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

    Ngoài ra còn có một giả thuyết thứ ba rằng: Trong nhiều truyền thuyết về xuất thân Thánh ông Hoàng Mười, nhiều người nghiêng về giả thuyết, ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí, sống ở thời Hậu Lê.

    Nguyễn Xí xuất thân tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An ngày nay. Ông là bậc đại công thần, là võ tướng, chính trị gia lỗi lạc giúp Lê Lợi chiến đấu chống giặc Minh xâm lược. Nguyễn Xí là vị quan phò tá qua 4 đời vua Lê gồm. Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. Đây là giai đoạn cực thịnh của nhà Lê. Sự hưng thịnh đã đi vào ca dao rằng: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông. Lúa chất đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”, hay “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông. Con bế, con dắt, con bồng, con mang”...

    Sinh thời, Nguyễn Xí không chỉ là một bậc quan khai quốc công thần, tài hoa lỗi lạc mà ông còn giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo. Sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược, ông được Lê Lợi phân công cai quản đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, ông đã dạy dân trồng lúa nước, đắp đê ngăn lũ, thủy lợi nội đồng... Tương truyền, trong một lần gió lớn, mưa to, nhà cửa, cây cối của người dân bị bẻ sập, Nguyễn Xí đốc thúc quân lính và đích thân lên rừng đốn gỗ về dựng lại nhà cửa cho dân, sai người mở kho lương thực cứu tế kịp thời. Nhờ đó mà nhiều người đã thoát khỏi đói rét, chết chóc vì bão lũ... Vì vậy được dân chúng khắp nơi tôn sùng, coi như hiền thánh. Sự hưng thịnh của các đời vua Lê có dấu ấn quan trọng của Nguyễn Xí và bộ máy quan đại thần hạ triều.

    Sự hóa thân từ bậc khai Quốc công thần đến Thánh Hoàng Mười cũng được dân gian truyền lại như sau: Chuyện kể rằng, một lần Nguyễn Xí dạo thuyền trên sông Lam, đoạn qua núi Hồng Lĩnh thì bỗng có đợt sóng to, gió lớn nổi lên, thuyền của ông bị thủy triều, phong ba cuốn đi mất. Dân chúng biết tin liền đến bên đôi bờ Lam giang mà tỏ lòng thương tiếc, người người khóc thương vị quan hết lòng vì dân. Đúng lúc đó, bầu trời đang cuồng phong bão táp bỗng tan biến, bầu trời nổi áng mây vàng, thi thể của ông nổi lên mặt nước, sắc mặt hồng hào như người nằm ngủ. Khi dạt vào bờ, đất xung quanh bỗng bao bọc lấy di quan. Cùng lúc, trên nền trời bỗng xuất hiện mây ngũ sắc, kết thành xích mã và thiên binh đưa ông về trời.

    Sau khi ông mất, người dân Nghệ An lập đền thờ ông. Bách tính suy tôn ông là Thánh ông Hoàng Mười. Việc suy tôn này mang ý nghĩa ông là con của Đức vua cha Long Hải Đại Đình đầu thai vào Nguyễn Xí mà giúp dân dẹp giặc, xây dựng cuộc sống phồn vinh...

    Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa thì giả thuyết ông Hoàng Mười chính là Nguyễn Xí có sức nặng hơn cả. Bởi xét về lịch sử ngôi đền được xây dựng vào năm 1634, tức cùng thời của Nguyễn Xí. Hơn nữa, Nguyễn Xí lại là quan đại thần, là bậc khai Quốc công thần dưới thời Lê, có công phò vua đánh tan giặc Minh xâm lược. Khi thiên hạ thái bình, ông lại cùng ăn, cùng ở với dân, giúp bách tính vượt qua khổ ải vươn đến phú quý, hưng thịnh. Xét trên công lao đó, dân chúng chí tôn ông là Thánh Hoàng Mười là điều hiển nhiên và cũng hợp với ý nguyện của muôn dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.

    2. Về di tích đền thờ Hoàng Mười (Hưng Nguyên, Nghệ An)

    Đền ông Hoàng Mười nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoàng 2 km theo đường chim bay. Được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê), đền thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, thờ ông Nguyễn Duy Lạc (một võ tướng thời Lê, quê ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh), thờ hệ thống đạo Mẫu Tứ phủ Liễu Hạnh. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười.

    Trong một bài hát chầu văn có câu: "Đền thờ Mỏ Hạc ngã ba Tam Kỳ". Một bài ca dao cũng có đoạn: "Đường về xứ Nghệ nghĩa tình, sông Lam núi Quyết địa linh bao đời, Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi, Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang...". "Mỏ Hạc Linh Từ" là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình "con hạc" mà đền lại nằm ở vị trí phía "mỏ".

    Tác giả Vũ Ngọc Khánh nhận xét: "Ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại nhưng lại gần gũi thân quen và được nhân dân quý trọng, tôn sùng vì ông rất hợp với tâm lý và phong cách xứ Nghệ. Con người đáng trân trọng có chí nam nhi phải là anh hùng ngang dọc, phải có văn võ, có trí, có dũng. Con người phải biết lo lắng cho cuộc sống bình an của dân chúng, phải biết vì dân vì đời. Nhưng con người ấy phải là con người không ham danh lợi, biết yêu thiên nhiên, thích văn chương, yêu phong nguyệt. Hơn thế nữa, nếu là con người xứ Nghệ thì phải rất tình tứ, biết say cái đẹp, biết đến với tình yêu như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... lại phải có đôi nét phóng khoáng nghịch ngợm của Hồ Xuân Hương. Những đức tính ấy, phong cách ấy trong ngũ vị vương quan, thập vị Hoàng tử, Thập nhị tiên cô đều không có đủ. Vị này có nét này, vị kia có nét kia, song không ai có đầy đủ tất cả như ông Hoàng Mười"[4]. Do đó, ông Hoàng Mười là vị thần được thờ chính, là linh hồn của Mỏ Hạc Linh Từ. Theo nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh thì ông Hoàng Mười là người tài hoa nổi danh một thời, hay giao du, ăn chơi sang trọng, thích thưởng thức thơ văn, thậm chí còn đa tình nữa:

    “Trời Nam có Đức Hoàng Mười

    Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai

    Nền chí dũng bậc nhân tài

    Văn thao võ lược tư trời thông minh

    Tiêu giao di dưỡng tang tình

    Thơ tiêu một túi Phật kinh trăm tờ

    Khi phong nguyệt, khi từ bi

    Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên

    Khi thiếu lĩnh, lúc non bồng

    Cành cây mắc võng lòng sông thả thuyền”[5]

    Trước đây, đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như: Tam quan có voi quỳ, hổ phục, cửa tả, cửa hữu vơi đôi cột nanh sừng, ba tòa hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi, sân vườn và khu mộ khang trang. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ, đền phải dời vào làng. Năm 1995, nhân dân khôi phục lại ngôi đền bằng khung nhà cũ chuyển từ làng ra với những công trình như tam quan Tắc môn, đài Trung Thiên, lầu Cô, lầu Cậu, sân đền, nhà khách, ba tòa hạ, trung và thượng điện uy nghi, ngoài ra còn có sân vườn và khu mộ. Nguồn vốn do nhân dân địa phương và công đức của khách thập phương đóng góp. Đền mới khôi phục lại nhưng cơ bản vẫn giữ được hình dáng ban đầu trên nền đất cũ và trên cơ sở phục hội lại di tích xưa. Bên phải của đền là phần mộ có diện tích 154 m2 nằm cách sân đền 50m. Mộ nằm hướng nam đầu gối về phía núi Dũng Quyết. Theo các cụ già địa phương thì trước đây là mộ đất, sau nhiều lần tôn tạo quy mô ngày càng bề thế và khang trang hơn. Đền Ông Hoàng Mười Hưng Nguyên là đền lưu giữ đến 21 đạo sắc phong, bản thần tích và nhiều tài liệu Hán tự, hệ thống tượng pháp đã đóng góp một phần đáng kể để các nhà nghiên cứu và nhân dân chứng minh cho bề dày quê hương liên quan đến sự phát triển chung của lịch sử dân tộc.

    Năm 2002, đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Năm 2004, thực hiện quyết định số 700/QĐ-UB ngày 1/3/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các công trình xây dựng phục vụ năm du lịch Nghệ An (năm 2005) đền được tu bổ đảm bảo tính thẩm mĩ và hài hòa khu di tích. Các hoạt động thờ cúng tại đền ngày xưa và bây giờ là sự thể hiện sinh động đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của nhân dân xứ Nghệ nói riêng và dân tộc Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương xứ Nghệ.

    3. Về di tích Đền Củi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

    Đền Củi có tên chữ là “Khu Độc linh từ” được tạo lập ở cuối đời nhà Lê, là nơi thờ ông Hoàng Mười được truyền tụng linh thiêng. Đền ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh chừng 10 cây số, hoặc từ Hà Tĩnh trở ra 40 cây theo quốc lộ 1.

    Đền thờ Ông Hoàng Mười là đền Chợ Củi, chính là nơi năm xưa di quan ông trôi về và hóa, qua cây cầu Bến Thủy, bên sông Lam, núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (cũng chính là nơi quê nhà của Ông Mười). Ngày ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của ông. Vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền thật là tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam. Người ta dâng ông: cờ quạt bút sách … để cầu tài cầu lộc cũng là cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông. Ngoài lễ hội chính diễn ra vào ngày 10 tháng 10 âm lịch, hằng năm còn có lễ hội khai điểm vào ngày rằm tháng 3. Lễ hội có các hoạt động hấp dẫn như rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người… Đền Ông Hoàng Mười cũng là một trong những nơi diễn ra đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân xâm lược.

    Đền Củi linh thiêng, phong cảnh hữu tình, từ xưa đến nay vẫn là nơi thờ cúng, thăm viếng của nhân dân Xuân Hồng và bà con trong vùng. Nhưng phải đến những năm 2000, khách thập phương mới đến đền Củi tấp nập như ngày nay. Khách đến đông nhất là từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 10 âm lịch là ngày giỗ của ông Hoàng Mười.

    Theo Lê Hồng Thái sưu tầm thì đền Củi là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu còn mãi sau này sau khi tướng Lê Khôi mất, Ông Hoàng Mười mới được phối thờ vào đền:

    “Trên mặt tiền ở nhà hạ điện dài 9m, rộng 0,6m của ngôi đền có 4 chữ Hán to: “Thánh mẫu linh từ”. Nghiên cứu các tài liệu thành văn và khảo sát thực địa, có thể khẳng định vị thần được thờ chính trong đền Củi là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay chưa tìm được niên đại ra đời của đền Củi. Khi Lê Khôi đến trấn thủ ở Nghệ An đã thấy có ngôi đền này nhưng quy mô còn rất nhỏ và lợp tranh. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo đền mới được lợp ngói. Diện mạo ngôi đền Củi ngày nay, có phong cách kiến trúc đậm đà dấu ấn thời Nguyễn. Để nhớ công ơn ông Lê Khôi, người đưa lại cuộc sống ấm no cho mình nên sau khi ông mất (1446), nhân dân lập bài vị ông đưa vào phối thờ ở đền. Trong đền Củi còn thờ cả Hưng Đạo đại Vương, nhân dân tôn kính gọi là Đức Thánh Trần”[6].

    Dân gian quanh vùng còn kể rằng năm 1986, do mưa lũ do đền bên Mỏ Hạc bị hư hại nặng nên đã gửi đồ tế tự của Ông Mười sang đền Củi.

    Như vậy, theo Lê Hồng Thái thực chất đền Củi là thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, còn Ông Hoàng Mười chỉ là phối thờ. Có lẽ như vậy, chúng ta có thể thấy tại đền Củi, cung cấm là thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, còn cung Ông Hoàng Mười được đặt ở ngoài. Tuy vậy, đền Củi vẫn đông đảo con nhang, đệ tử đến để lễ Ông Mười, bởi có lẽ đền Củi đã tồn tại đã lâu trong tiềm thức của người Việt Nam hơn đền Ông Hoàng Mười Hưng Nguyên mới được tôn tạo lại từ dấu tích hoang tàn trong thời gian gần đây.

    4. Kết nối hai địa điểm đền thờ Hoàng Mười trong xây dựng du lịch tâm linh

    Hiện này du lịch tâm linh là một loại hình du lịch thu hút nhiều người dân. Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là “loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần”[7]. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.

    Với cách hiểu như vậy, có thể nhận diện những dòng người đi du lịch đến các điểm tâm linh gắn với không gian văn hóa, cảnh quan các khu, điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của mình, trong đó nhu cầu tâm linh được xem là cốt yếu. Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội... Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

    Đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, các hoạt động kinh doanh, tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh trên các tuyến hành trình và tại các khu, điểm du lịch được thực hiện, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

    Nắm bắt được xu thế đó, cùng với những lợi thế về đặc điểm không gian văn hóa lịch sử, Nghệ An, Hà Tĩnh đang hết sức tập trung cho loại hình du lịch này.

    Có thể khẳng định rằng trên mảnh đất xứ Nghệ đã hình thành một đời sống tâm linh vô cùng huyền bí, quyến rũ với những đặc trưng riêng biệt hết sức rõ nét. Đời sống tâm linh đó được thể hiện trong những lễ hội, trong những phong tục tập quán, trong những nghi lễ thiêng liêng dành cho người đã khuất dành cho tục thờ cũng ông bà tổ tiên. Ngày nay, trong bối cảnh cả đất nước vươn mình đứng dậy đi lên cùng thời đại, những giá trị văn hóa tâm linh thiêng liêng đó lại càng có giá trị và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

    Trong số các địa điểm tâm linh tiêu biểu của xứ Nghệ thì đền ông Hoàng Mười là địa điểm được xếp hạng đầu tiên. Đây là địa điểm có vai trò, ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh xứ Nghệ[8]. Đồng thời đền lại nằm ở một vị trí cảnh quan đẹp, vừa gần trung tâm thành phố, vừa gắn với vùng du lịch Lâm Viên, núi Quyết, do đó đền đã và đang được nhân dân trong và ngoài tỉnh đến sinh hoạt tâm linh ngày càng đông.

    Thật là có lỗi nếu chúng ta đã đến Đền Củi lễ Quan Hoàng Mười mà không qua đền chính của Ông Mười tại Đền Hưng Nguyên. Có lẽ hợp lý nhất là chúng ta nên đến lễ Thánh Mẫu và Ông Hoàng Mười tại Đền Củi sau đó sang Đền Quan Hoàng Mười Hưng Nguyên để lễ Ông và thăm lăng mộ của Ông.

    Để đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu, nghiên cứu về tài nguyên du lịch văn hóa lịch sử ở Nghệ An, địa phương cần đầu tư mạnh vào xây dựng, trùng tu nhiều đền chùa như đền thờ Quang Trung ở quần thể du lịch Núi Quyết, đền thờ ông Hoàng Mười, đền thờ Quốc công Nguyễn Xí, ở Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc Nghệ An, chùa Diệc ở trung tâm thành phố Vinh để tạo thành một số tuyển điểm du lịch tâm linh.

    Ông Trương Văn Thái làm việc ở Ban quản lý di tích đền ông Hoàng Mười cho biết: "Di tích đền ông Hoàng Mười còn có giá trị địa lý, cảnh quan lý tưởng, rất hấp dẫn du khách, thuận tiện giao thông và thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh. Di tích toạ lạc trên vùng đắc địa, rất "sơn thuỷ hữu tình". Phía sau là núi Dũng Quyết làm chỗ dựa vững chắc, phía trước là dòng Lam, dòng Mộc, dòng sông Vĩnh uốn lượn. Đền lại nằm giữa một cánh đồng lúa bát ngát, biệt lập với làng mạc nên không khí hài hoà, trong lành, tĩnh lặng. Thật sự là nơi: "Thánh nhân nghe được sự tâu bày của chúng sinh nhiều hơn trong không gian êm ả tụ linh này"[9].

    Cách đền không xa về phía Đông Bắc là quần thể di tích về Phượng Hoàng - Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.

    Hiện nay, chiến lược kết nối các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh giữa hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh nói chung cũng như liên quan tới hai di tích đền thờ ông Hoàng Mười còn khá rời rạc, chưa có tính hệ thống. Điều đó vô hình dung đã giảm đi hiệu quả về mặt tính năng văn hóa- lịch sử các các di tích có tính gắn kết với nhau. Do đó, ngành du lịch hai tỉnh nên tập trung chú ý hơn nữa trong việc hoạch định, xây dựng các tuyến điểm du lịch tâm linh không chỉ trong nội bộ tỉnh mà nên theo hướng gắn kết trong một phạm trù của khái niệm văn hóa du lịch tâm linh xứ Nghệ.

    Du lịch và các điểm đến du lịch nói chung, Nghệ An nói riêng đang hòa mình vào dòng chảy du lịch Việt Nam và trên thế giới, đón nhận nhiều niềm vui, thành quả cũng như nhiều thách thức. Việc tìm hiểu rõ về đặc điểm văn hóa, lịch sử của các di tích văn hóa- tâm linh như đền Hoàng Mười ở cả Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ có ý nghĩa đối với các nhà quản lý văn hóa du lịch của địa phương. Từ đó, họ có được những ý tưởng, chiến lược làm phong phú hơn những định hướng du lịch trong đó có du lịch tâm linh, phục vụ hiệu quả hơn tính năng của ngành du lịch trong thực tại và tương lai.

    ------------------------------------------------

    * Tham luận tại Hội thảo “Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” do UBND huyện Hưng Nguyên phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa Dân tộc và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức ngày 10/6/2017 tại Hà Nội.

    [1] Xét về góc độ địa lý, có thể hiểu xứ Nghệ ngày nay bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh

    [2] Ngô Đức Thịnh, Đạo mẫu tam tòa tứ phủ, NXB Dân trí, HN, 2014, tr.25

    [3] Ngô Đức Thịnh (2012), Đạo mẫu Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.733

    [4] Doanh Duy Cường, “Hội đền Hoàng Mười, tiếng gọi tâm linh nơi xứ Nghệ”, http://dantri.com.vn/xem-an-choi/hoi-den-hoang-muoi-tieng-goi-tam-linh-noi-xu-nghe-1232793039.htm

    [5] Ngô Đức Thịnh, Đạo mẫu tam tòa tứ phủ, NXB Dân trí, HN, 2014, tr.67-68

    [6] http://tuphuthanhmau.blogspot.com/2016/05/den-quan-hoang-muoi.html

    [7] Nguyễn Văn Tuấn (2013), “Du lịch tâm linh ở Việt Nam, thực trạng và định hướng phát triển”, http://www.itdr.org.vn/vi/nghiencuu...-nam-thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien.html , ngày 15/12/2013.

    [8] Nguyễn Thái Sơn (2011), Văn hóa tâm linh xứ Nghệ, NXB Từ điển Bách khoa, cơ sở in Trường ĐH Vinh, Nghệ An

    [9] Doanh Duy Cường, “Hội đền Hoàng Mười, tiếng gọi tâm linh nơi xứ Nghệ”, http://dantri.com.vn/xem-an-choi/hoi-den-hoang-muoi-tieng-goi-tam-linh-noi-xu-nghe-1232793039.htm
     
    Bài viết mới

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này