Bài đăng trên Kỷ yếu số 3 của Viện bảo tàng Mỹ thuật, 1985. Tr26-34. Số hóa bởi Sach cu online Nếu như trong nghệ thuật tạo hình ở thời Lý mới chỉ gặp chắc chắn có hai pho tượng Phật, thời Trần và Lê sơ chỉ thấy tượng lăng mộ, thì, sự xuất hiện "ồ ạt" các loại tượng thờ ở thế kỷ XVI, thời Mạc, đã như một biểu hiện không chỉ thuộc sự phát triển của mỹ thuật, mà trong đó đã bao gồm cả khía cạnh mang tính chất lịch sử và xã hội nữa. Những pho tượng thời Mạc vô cùng đẹp, đầy sức sống, tạo nên một sự "bừng tỉnh" của điêu khắc, đậm tính nhân văn. Đó là kết quả của tín ngưỡng dân gian được hồi sinh, bản thể dân tộc được trả lại... sau hơn nửa thế kỷ chìm trong sự chuyên chế nặng nề của Nho gia. Đứng trước pho tượng thời Mạc như đứng trước con người đích thực, trong sáng, nhân hậu, không nét đau thương, khắc khoải. Và, ta như còn thấy lòng người cùng Phật tâm quyện làm một. Những thánh thần từ đại bi đầy nhân ái được tạo ra để dùng tha lực siêu linh cho hạnh phúc con người, cho cuộc sống viên dung nơi trần thế. Trên các điện thờ, tượng chư Phật của quá khứ, hiện tại, vị lai (Tam thế) đang trầm tư trong thâm định... Hàng loạt tượng Quan Âm đang hành pháp cứu độ chúng sinh. Rồi Ngọc Hoàng, Thích Ca sơ sinh. Rồi những lực lượng thiên nhiên được Phật hóa (như Tứ pháp), những thiên thần và nhạc sĩ thiên thần. Cũng phải kể đến cả tượng vua và công chúa, tượng những sinh linh trong lục đạo, như quỷ đội tòa sen, tượng rồng, lân và nhiều sinh linh "chìm nổi" trong biển cả được "vũ trụ"' hóa.... Chúng ta cũng còn biết tới ngôi khám thờ theo mô hình nhà, ngai thờ, ghế thờ, nhiều đài sen sung mãn, những tấm bia... kể ra không thiếu. Thời Mạc, điêu khắc đã được mùa. Lý do nào đã đưa tới tình trạng trên? Ngược dòng lịch sử, với sự cấm đoán khắt khe của nhà Lê sơ, đạo Phật và đạo Lão bị hạn chế, khiến cho tượng Phật khó có điều kiện phát triển. Tượng Phật thời Lý ít nhiều đã gặp. Nhưng còn thời Trần? Ở thế kỷ XIII và XIV, đạo Phật vẫn được đề cao, nổi lên là phái Trúc Lâm, mà Trúc Lâm đệ nhất tổ lại chính là vua Trần Nhân Tông. Rồi, nhiều người trong vương triều cũng là những luận sư uyên bác, mà một đỉnh cao nổi lên là Tuệ Trung Thượng Sĩ... Hoàn cảnh này khiến người ta dễ nghĩ tới đó là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tượng Phật (nhất là ở những chùa theo phái Trúc Lâm dưới sự phát triển của đình). Nhưng, tới nay ta chưa gặp một pho tượng Phật nào của thời Trần cả! Thực ra, gốc gác của vấn đề không phải chỉ được đặt vào sự tàn phá của giặc Minh, của khí hậu và thời gian... mà vấn đề còn phải được đặt vào bản chất của đạo Phật thời Trần (1). Người Việt bình dân xưa nay, trong tín ngưỡng, thường chú ý nhiều tới các lực lượng siêu linh, họ cầu xin ở đó những tha lực cho cuộc sống hạnh phúc, bình thường và cụ thể. Lòng tin của họ nằm trong phạm trù bình nhi hạ học, đôi khi nhuốm màu huyền bí. Song, những trí thức vua quan nhà Trần thuộc phái Trúc Lâm, tuy muốn đưa đạo Phật vào đời, nhưng cách tu hành của họ chủ yếu đặt vào việc đi tìm bản thể chân tâm, đi vào cái "không" siêu hình, không hư, không chấp, không lệ thuộc vào các điều kiện của hiện tượng hình danh, sắc, tướng(2), "ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" (cái tâm hoạt động không chấp vào chỗ nào). Tính chất "vô chấp rược" như vậy đã hằn sâu trong tâm trí tầng lớp tăng sĩ đương thời. Họ đi vào "thế giới" triết học hình nhi thượng tập trung tinh thần cho tu tâm, tìm giải thoát. Niết bàn ngay ở cõi đời "giả tạm". Bởi tính vô chấp và tu tâm như nêu trên mà ít nhiều chúng ta thấy họ là những kẻ "xuất thế gian trụ trì Phật pháp", họ chú ý tới "quán tưởng" nhiều hơn "quán tượng", để tiến tới một cứu cánh là đưa cái tâm linh cá thể nhập vào bản thể trường tồn của vũ trụ. Và, như thế, có thể họ ít quan tâm tới tượng Phật. Tới thế kỷ XVI, thời Mạc, đạo Phật được trả về phát triển trong "tự nhiên" không bị khống chế của Nhà nước. Thời đó, tuy Phật giáo đã suy, phần nào không phù hợp với chế độ quân chủ, nhưng, bởi đạo Phạt có bản chất từ bi hỉ xả, luôn phù hợp với lòng nhân ái của dân tộc ta, cho nên người tu Phật "chân chính" và bình dân bao giờ cũng gửi gắm vào đó một niềm tin trong sáng và cụ thể. Họ tìm tới đạo Phật với lòng sùng kính theo lối "thế gian trụ trì Phật pháp", nên khi nền nghệ thuật tạo hình dân gian có điều kiện phát triển thì việc tạc tượng Phật để thờ là điều cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh. Tượng hình người ở thời Mạc đa số mang chất liệu bằng gỗ. Trong cách tạo tạc, người đương thời không bị lệ thuộc vào thân gỗ, cho nên tượng không bị khiên cưỡng, cách thể hiện thoải mái với các động tác tự nhiên. Nhiều pho tượng nhỏ được giải quyết trọn trong một thân gỗ (Thích Ca sơ sinh), nhưng các pho tượng lớn hầu hết đều làm theo lối chắp ghép. Thông thường (theo tượng Ngọc Hoàng ở chùa Ngo, Ba Vì, Hà Nội) thì đầu và phần thân dọc chạy xuống tận hông, được làm trong khuôn khổ một thân gỗ. Bên phải, bên trái chạy từ vai xuống mông là hai phần gỗ khác. Lòng đùi và chân nhô ra phía trước được làm bằng phần gỗ khác nữa. Tùy từng pho, theo cách bố cục và tùy theo sự to nhỏ của thân gỗ mà các phần lắp ghép được bớt hay tăng. Mối liên kết giữa các phần thường là mộng cá và sơn gắn. Sau khi gắn tạc xong, tượng thờ bằng gỗ nào cũng được sơn màu. Đa số tượng của Phật giáo có phần mặt và thân người lộ ra, ddwocwj sơn dưới màu "tử kim" (màu của vàng ròng), một màu của sự giải thoát cao quý, đẹp đẽ và nhiều sức mạnh. Tóc tượng màu đen. Áo màu cánh gián, đỏ đậm, là màu của sinh khí, như để tích tụ trong hình thể một sức sống miên trường, mà qua đó con người muốn trông chờ thần linh đem tới một cuộc sống trần thế. Song, để tạo nên những khoảng sáng tối khi cần thiết cho việc nêu bật một ý nghĩa nào đó, nên áo tượng có lúc được sơn điểm xuyết một vài đường diềm đen.... Với tượng Tứ pháp thì ngoài tóc đen, còn toàn cơ thể được sơn một màu nâu đen đậm, đó là màu sẫm của một bầu trời nặng mây nhiều nước, gắn với tâm thức cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp nước ta. Thông thường, màu sắc của tượng gỗ cổ là như vậy, song, nhiều khi màu "tử kim" hay màu "sinh khí", tới nay, đã bị nhạt đi, và màu "thời gian" đã tô đậm thớ gỗ, bên cạnh nhiều mảng sơn còn sót lại, tạo sự "loang lổ" tự nhiên đầy tính nghệ thuật.... Suy cho cùng, màu sắc được chọn cho tượng là màu mang ý nghĩa của Phật giáo hoặc bắt nguồn từ một truyền thống thuộc tín ngưỡng dân gian nào đó.... Chúng ta đi vào một vài loại tượng 1. Tượng Quan Thế Âm Ở nước ta đã thờ Quan Âm từ rất sớm. Chùa Một Cột, thời Lý, đã thờ Quan Âm. Người vì đời hiện tại mà nhập thế. Với người Việt, Người không phải đã đến với những cuộc đời đã qua, mà, bằng từ tâm. Người mở rộng tay cứu khổ cứu nạn... Trên các Phật điện của người Việt, thì hiện nay mới chỉ gặp tượng Quan Âm có niên đại sớm nhất vào thời Mạc, với số lượng chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Điển hình như các pho ở chùa Đa Tốn (Gia Lâm - Hà Nội), chùa Hội Hạ (Tam Dương - Vĩnh Phú), chùa Thượng Trưng (Vĩnh Lạc - Vĩnh Phú), chùa Bối Khê (Thanh Oai - Hà Sơn Bình), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Động Ngọ (Thanh Hà - Hải Hưng) và còn nhiều pho khác nữa.... Pho tượng chùa Động Ngọ được làm cụ thể vào năm 1582 (theo chữ ghi ở bệ tượng), pho ở chùa Thượng Trưng có thể vào năm 1592 (theo bia), đã góp phần xác nhận niên đại cho các pho cùng phong cách. Quan Âm trên Phật điện thời Mạc không phải là một trợ thủ của A Di Đà Phật, Người có mặt ở nhiều ngôi chùa của các làng ven sông, như một thần linh có mối quan hệ gắn bó với thương thuyền, dưới thời kỳ nền thương nghiệp có đà phát triển. Hàm nghĩa của khái niệm Quan Âm (Avalokiteevara) là: nghe tiếng kêu của cuộc đời chúng sinh mà rộng tay cứu vớt. Với thiên nhỡn (mắt có huyền lực vô biên), thiên thủ (tay có pháp lực vô hạn) để hành động và cứu khổ cứu nạn. Thien thủ, thiên nhỡn không đơn giản để chỉ số lượng, mà nói lên một biểu hiện về siêu lực vũ trụ của Quan Âm. Cho nên, các pho Quan Âm nhiều tay hơn bình thường, hầu như, đều được người Việt gọi là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn cả. Tượng Quan Âm ở nước ta thường to xấp xỉ bằng người thực, hoặc lớn hơn chút ít. Tượng nào cũng đội Thiên quan, đó là một thứ "mũ" gần như mũ pháp sư. Thiên quan có hai phần chính: phần trên là một "tấm che" búi tóc, chạy vượt từ phần trên thóp chéo lên đỉnh đầu. Cạnh trên "tấm che" thường là vài cánh sen lồng hình Phật ngồi thiền định, hoặc hình u tròn nổi chồng nhau hay bình tháp... Đôi khi không có "tấm che", như ở chùa Thượng Trưng, thì Thiên quan được làm kép hai tầng. Tóc tượng được kết hai múi búi ngược trên đỉnh. Phần chính của Thiên quan là một hình vòng cung đứng, chạy từ tai nọ tới tai kia, qua mặt trước. Trang trí trên Thiên quan chủ yếu là hoa sen, hoa cúc, hình Phật hay hạt tròn trong lá đề... Các hình này đều nổi khối, như được gắn vào. Phần sau đầu thường phủ khăn nhiễu nếp võng vong với điểm kết nút sau mang tai, từ đó hai dải chạy xuống tới ngang lưng. Tóc mai của tượng bao giờ cũng để qua ngang tai, chảy xuống vai, rồi chia ba chẽ phủ lên nền áo. Tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề bằng gỗ sơn son thếp vàng. Thời Mạc, thế kỷ XVI. Quan Âm có mặt nữ, trái xoan, đôn hậu. Mặt nhìn xuống, hiền dịu và đăm chiêu, biểu hiện về sự soi rọi nội tâm. Mũi dọc dừa. Miệng ngậm, phảng phất một nụ cười. Tai to, dày và dài, hoa tai hình đài sen kép gần chạm vai. Cổ tượng đeo anh lạc (hạt chuỗi, hoa lá cách điệu...), có khi là yếm hình lá sòi. Tượng Quan Âm thường nhiều tay (3), được bố cục cân xứng từng đôi. Ở thời Mạc, tay tượng còn ít cầm nghi vật. Đôi tay trên cùng, khi thì nâng tượng Phật nhỏ, tượng trưng cho Phật pháp vĩnh cửu, khi thì hai vầng nhật nguyệt, như muốn nói đến ánh sáng của đạo Phật soi chiếu nâng đỡ chúng sinh trên đường tìm tới giác ngộ. Cánh tay khác của Quan Âm trong thế thuyết pháp, thế cứu độ, thế thiền định, hay các thế ấn nào đó... Các tay đều để trần, thon tròn, ngón tay nhỏ búp định, hay các thế ấn nào đó... Các tay đều để trần, thon tròn, ngón tay nhỏ búp măng vuốt dài. Tượng thường có vai nở, bụng khá nhỏ, tròn, đó là cách thể hiện dễ được nghĩ tới bắt nguồn từ truyền thống tạc tượng Phật Tích. Quan Âm ngồi trang nghiêm trong thế kiết già hoặc thế kiết tường (lộ bàn chân trái), hay thế hàng ma (lộ bàn chân phải). Áo tượng nhiều lớp, ở trong là áo Khinh La, ngoài là Thiên Y không cánh tay và có nhiều nếp. Mặt trước, áo phủ vai, chảy qua một đôi cánh tay rồi thường buông lửng xuống với đôi vạt nhọn đầu dưới dạng chạm bong. Đó là một đặc điểm gần như của riêng tượng Quan Âm thời Mạc. Các vạt áo khác chảy qua lòng đùi, rồi tạo thành nhiều nếp lô xô trên mặt bệ. Thắt lưng của tượng kết hình con do (nút buộc) với nhiều múi, tạo hình hoa nở. Tượng Quan Âm bao giờ cũng được ngồi trên một đài sen nhiều lớp cánh, mà từng cánh sen đều được làm múp phồng, đầu lồi hẳn ra, như được chạm riêng từng cánh rồi gắn vào. Đó cũng là một đặc điểm gần như của riêng tượng Quan Âm thời Mạc. Lòng mỗi cánh sen chính thường được chạm một vài văn xoắn cùng vài hạt tròn nổi hay các hoa cúc, đó là một biểu tượng của lực lượng thiên nhiên gắn với nguồn nước và mặt trời, sản phẩm của tư duy nông nghiệp đã tồn tại trong cư dân nước ta xưa kia. Với Quan Âm Nam Hải, thì đài sen thường được rồng hay quỷ đội. Mặt quỷ gồ ghề, dữ tợn như muốn nhấn mạnh nét hung dữ. Quỷ (hay rồng) nhô đầu trên mặt "biển". Ngang tầm đầu, đôi tay quỷ chống lên đỡ tòa sen. Cử chỉ đội tòa của quỷ (hoặc rồng) như biểu hiện sự quy y Tam Bảo của thế giới bên dưới. Dưới quỷ (hoặc rồng) là ba tầng bệ vuông (có khi là bệ vuông "chém" góc). Tầng giữa thót lại. Các mặt đứng của bệ thường được trang trí rồng, hổ phù, hoa cúc, hay hoa văn mang tính chất biểu tượng, mà nội dung của nó thường chứa đựng sự cầu mong phồn thực. Nhìn chung, tượng Quan Âm thời Mạc vẫn còn mang nhiều nét nặng tính truyền thống và nặng tính chất chung của cách tạc tượng ở các nước Đông Nam Á. 2. Tượng Tam thế (tức: Thường Trụ Tam thế Diệu Pháp Thân) Loại tượng này cũng gặp khá nhiều, như ở chùa Nành, chùa Lệ Mật (đều thuộc Gia Lâm - Hà Nội), ở chùa Thầy (Hà Sơn Bình), ở chùa Dâu (Hà Bắc), ở chùa Trà Phương (Hải Phòng) và ở nhiều ngôi chùa khác nữa... Kích thước của tượng thường xấp xỉ người thực. Hãn hữu cũng có bộ khá nhỏ (như một trong hai bộ Tam thế hiện để ở chùa Dâu). Với tượng Tam thế, Phật điện ở thời Mạc đã bắt đầu đông đảo dần. Trên Phật điện, ba pho này ngồi kiết già, xếp ngang nhau ở vị trí cao và sâu nhất. Hình thức và kích thức gần tương tự nhau, nét khác nhau chủ yếu ở cách kiết ấn của tay và ở anh lạc đeo nơi cổ. Cách sắp xếp các tượng Tam thế trong chùa Việt hiện nay không thống nhất, bởi không phân định được rành mạch từng pho tượng trưng cho từng thời. Thông thường, pho Quá khứ thường được đặt ở giữa, với hai tay ngửa chồng nhau đặt trên lòng đùi; pho Hiện tại được đặt bên trái, đầy lòng từ bi cứu khổ cứu nạn, thường với một tay để trên gối chỉ các ngón xuống đất; pho Vị lai ở bên phải với tư thế giơ một tay thuyết pháp, tay kia kết ấn "vô úy". Tượng Tam thế cũng như tượng Quan Âm thường được làm rời với tòa sen và bệ. Như mọi tượng Phật nói chung, đỉnh đầu tượng được nhô lên một khối nửa hình cầu lớn (4), gọi là "nhục kháo" (usnisa) (cũng gọi "nhục kế": u thịt trên đỉnh đầu, to nhỏ tùy theo công quả tu hành. Nhục kháo liền với chiếc sọ nở. Tóc tượng kết xoắn ốc từng cụm nhỏ xếp ken nhau (phủ cả nhục kháo). Mặt tượng trái xoan có phần dưới nhỏ hơn. Nhìn chung, mặt tượng mang tính chân dung hiền hậu với mọi chi tiết gần như mặt tượng Quan Âm, êm đềm và gần gụi. Tính chất này ít nhiều được sinh ra từ tâm thức của cư dân nông nghiệp nước ta. Và ít nhiều cùng chứa đựng trong đó cả tíh dân gian của tượng. Tính dân gian này nhiều khi còn vượt qua cả ý nghĩa "quy định" của tướng mệnh. Một ví dụ cụ thể, như tướng "vô kiến đỉnh", đó là tướng biểu lộ cực quả của Phật. Tướng này ẩn, mắt trần không thể nhìn thấy, chỉ có mắt trí tuệ của thần linh mới nhận được, bởi nó được sinh ra từ thể phách. Nhưng, ở thời Mạc, tướng "vô kiến đỉnh" nhiều khi được thể hiện thành một khối tròn (không phải bẹt như cái bánh xe, ẩn ở đầu tượng Phật Tích), đặt trên đỉnh nhục kháo (chùa Nành) với màu vàng rực rỡ, tượng trưng cho ánh sáng cùng cực của tướng này. Tượng Tam thế chùa Thầy thế kỷ XVI Tượng Tam thế có cổ không cao. Ngực đeo anh lạc, tạo bởi các hàng hạt nổi liên kết với các văn xoắn móc câu, kèm theo là hoa cúc mãn khai (chùa Nành) hay chữ vạn (chùa Dâu). Tượng mặc nhiều lớp áo, cùng ống tay rộng dài, tạo thành nhiều nếp phủ qua lòng đùi, chân rồi chảy lô xô trên mặt bệ. Đôi khi vạt áo chảy xuống cả đài sen buông lửng, tạo thế bong kênh. Thiên y (áo cà sa) của tượng tuy không để lộ thân như tượng Quan Âm, nhưng vẫn còn bó sát người vẫn cho thấy cơ thể bên trong với vai ngực nở, bụng phần nào thót lại sau chiếc dây lưng thắt hình con do. Đài sen và bệ tượng theo phong cách của bệ tượng Quan Âm Nam Hải, song không có quỷ hoặc rồng. Tượng Quan Âm và Tam thế có niên đại ở thế kỷ XVI so với các loại tượng khác đã gặp khá nhiều. Điều đó dễ để chúng ta nghĩ với Phật điện thời Mạc ở nhiều ngôi chùa, chủ yếu đã thờ Quan Âm, và phía sau Người ở trên bệ cao hơn là bộ tượng Phật Tam thế. Phần nhiều chỉ có thế. Hiện nay, với niên đại thời Mạc, chúng ta chưa gặp được một pho Thích Ca đắc đạo hay pho A Di Đà nào. Có lẽ người đương thời đã nhập các vị này vào trong Tam thế Phật? Thờ Quan Âm và Tam thế ở thời Mạc đã biểu hiện một ý nghĩa vì đời của đạo Phật. 3. Tượng Ngọc Hoàng Đó là pho tượng mới tìm thấy ở chùa Ngo (Ba Vì - Hà Nội) vào năm 1982. Pho tượng này mang nhiều nét tương đồng với tượng Mạc Đăng Dung ở chùa Trà Phương (Hải Phòng). Tượng Ngọc Hoàng chùa Ngo làm bằng gỗ, trogn thế ngồi khoanh chân, cao 0.97m. Đây là một pho tượng Ngọc Hoàng sớm nhất hiện tìm thấy được ở nước ta. Niên đại của tượng khoảng giữa thế kỷ XVI. Việc thờ Phạm Thiêu, Đế Thích đã có ở nước ta từ sớm, khiến cho hằng năm vua nhà Lý vẫn đi lễ chùa "Vua". Nhưng, sự ảnh hưởng qua giao lưu với văn hóa Trung Hoa, mà các đấng thiên chủ tối tượng này dần dần đồng nhất với Hoàng Quân giáo chủ của đạo Lão, để chi phối tâm linh người Việt. Ngọc Hoàng thường xuất hiện ở thế kỷ XVI, giai đoạn đầy biến cố lịch sử, nhất là ở mặt tư tưởng. Đó cũng là giai đoạn nghệ thuật dân gian trỗi dậy với ý thức "thế gian trụ trì...", đòi hỏi sự cụ thể về hình tượng. Lịch sử còn ghi rõ nhiều nhà nho, mà điển hình là Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã đi sâu vào đạo Trời, đi vào lẽ huyền diệu của "vô vi" (%), yêu thiên nhiên, con người và đồng nội... Như vậy, tượng Ngọc Hoàng xuất hiện ở thời này đã như một lẽ tất yếu. Trong cách thể hiện, tượng Ngọc Hoàng là hình bóng của ông vua đương thời, với mũ "bình thiên" và áo "long cổn". Ở chùa Ngo, mũ tượng gần như một khối trụ tròn, cao khoảng 0.15m, mặt đứng chia làm bốn ô. Ô phía trước chạm nổi một con chim nhỏ, nhìn từ phía lưng, đang xòa cánh bay xuống (tương tự mũ tượng Mạc Đặng Dung, cũng giống một hình con chim ở đình Lỗ Hạnh - Hà Bắc). Ô hai bên chạm rồng. Ô sau để trơn. (Phần gỗ vuông như hình chiếc khay ở đỉnh mũ đã mất). Mặt tượng mang nét chân dung, tự nhiên, với phần thân nở hơn dưới mắt nhìn thẳng, tai dài, dày. Áo thụng, cổ áo viền nẹp lớn, tiếp dưới là đường diềm điểm vài u tròn nổi giãn cách nhau. Dưới diềm viền hàng văn xoắn dấu hỏi. "Bổ tử" (phần che giữa ngực và bụng, hình vuông) được chạm rồng. Hai tay tượng lồng kín trong áo và đặt trên lòng đùi. Các nếp áo, tương đối ít, chảy mềm phủ lên chân. Về hình thức, Ngọc Hoàng chùa Ngo đã khác xa Indra của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, không còn hình thức dữ tợn, cầm lưỡi tầm sét và cưỡi trên linh thú nữa. Ở đây, Ngọc Hoàng hiền hòa, gần gụi. Phải chăng hình thức này đã phù hợp với thời kỳ đạo Lão có điều kiện phát triển? 4. Tượng Tứ Pháp Việc thờ các lực lượng tự nhiên là điều phổ biến ở nhiều cư dân trên thế giới vào trước thời công nghiệp. Mây, mưa, sấm, chớp mang "siêu lực vũ trụ", đem phúc họa tới cho con người. Và, bằng tư duy liên tưởng mà các hiện tượng đó của bầu trời đã được thần linh hóa, để rồi "Tứ pháp" được hình thành. Trong thời kỳ đạo Phật được đề cao thì dần dần các vị "Tứ pháp" cũng được Phật hóa. Hay nói đúng hơn theo pháp lý nhà Phật. "Tứ pháp" là những hóa thân của Phật. Mang Phật tính, "Tứ pháp" đảm bảo trở thành những phúc thần. Tứ pháp gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tương trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp Với cổ tích về "Tứ pháp" liên quan tới Man Nương và nhà sư Khâu Đà La. (Do thiên nhân hợp khí mà Man Nương có thai, nhưng sau đem trả con cho Khâu Đà La. Nhà sư đem đứa con (gái) đó ghép vào kẽ cây dâu. Sau cây đổ, trôi về bến Dâu, dân làng vớt lên tạc tượng Tứ pháp. Lõi cây là hòn đá, bị thợ vứt xuống sông, sau nhờ Man Nương mới tìm thấy, rồi mới rước tượng lên thờ được). Ở đây, câu chuyện như chứa đựng nhiều ý nghĩa. Khâu Đà La là một nhà sư mang nhiều tính chất phù thủy (Mật Tông). Man Nương được ngờ tới bóng dáng của bà mẹ đất. Cây dâu như biểu hiện của dương tính kết hợp với đứa trẻ nữ để trở thành một chỉnh thể lương hợp viên mãn, đủ tư cách để tạc tượng Tứ pháp. Còn hòn đá, trong nhận thức của người xưa được coi như hồn thần, tích tụ ở đó mọi sự linh thiêng. Sự tích này, như một ý niệm khởi nguyên để rồi trong "hộ tâm" của nhiều pho tượng về sau đều có một vài viên đá. Việc thờ Tứ pháp ở nước ta chắc chắn đã phổ biến mạnh, khiến vua nhà Lý đã nhiều lần rước tượng đi cầu đảo hay đi đánh giặc. Ngày nay, các chùa thờ Tứ pháp còn gặp ở Hà Bắc, Hải Hưng, Hà Nội, Hà Sơn Bình. Vào thế kỷ XVI, nổi lên với pho tượng Pháp Lôi ở chùa Nhạc Miếu (nay đưa về chùa Thái Lạc, Văn Mỹ, Hải Hưng). Nhiều di tích khác còn các ngai và ghế thờ liên quan tới Tứ pháp đã xác nhận với chúng ta về sự hiện diện tương đối phổ biến của loại tượng này ở một số vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tượng Tứ pháp nói chung đều có tóc tết thành các cụm xoắn ốc nhỏ, màu đen, còn toàn bộ (cả mặt, chân, quần áo) đều sơn một màu cánh gián đậm. Pho Pháp Lôi nêu trên ngồi trong thế kiết già, tay phải giơ lên một thế thuyết pháp với các ngón khép chỉ thẳng lên trời, lòng bàn tay quay ra phía trước, tay trái trong cách tương tự nhưng chỉ xuống trong thế cứu độ chúng sinh. Đây là một tượng Phật đích thực, từ đỉnh đầu tới mặt bệ cao 1.13m. Đầu cũng nổi "nhục kháo" trên chiếc sọ nở. Khi nhìn thẳng, tượng có khuôn mặt nữ, nhìn nghiêng lại có nét phảng phất bộ mặt Ấn Độ. Giữa trán nổi lên u tròn nhỏ thay cho "bạch hào" (quý tướng của Phật). Các chi tiết khác trên mặt cũng tương tự mặt Quan Âm. Vai nở, bụng thon nhỏ; tượng chỉ khoác một mảnh "vải" tạo nhiều nếp, phủ qua hai đầu vai, che hai bắp tay, mặt sau vải chỉ chảy tới ngang lưng. Ngực và bụng để trần. Anh lạc ở cổ tượng là đường gờ kèm văn xoắn để treo năm bông cúc mãn khai nhìn thẳng, mỗi bông đều rủ một "kim lòng" hình ô trám kép. Tay tượng tròn với các ngón búp măng vuốt dài, cổ tay đeo tròng. Lòng mỗi bàn tay đều có một hạt minh châu lớn. Thắng lưng tượng dày, để trơn, các múi nút con do chảy xuôi. Váy nhiều nếp. Một đặc điểm đáng quan tâm là lòng đùi của tượng rất rộng, loe ra ở hai gối (ngang bụng: 0.60m), tượng ngồi như nhổm, mông cao hơn bình thường. Hiện tượng này cũng đã gặp ở một số bức chạm đá trong các tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam - Đà Nẵng). Điều đó không có ý nghĩa là một ảnh hưởng Chàm, mà vấn đề được đặt ra là: từ thế kỷ XVI, trong điêu khắc Việt (kể cả tượng Tứ pháp, Quan Âm...) vẫn chưa ảnh hưởng đậm nét của phong cách tạo tượng Trung Hoa, mà tính chất Đông Nam Á kế thừa từ tượng Phật tích vẫn được duy trì. Tượng Tứ pháp được biến thành tượng Phật, nhưng Tứ pháp vẫn gắn nhiều với nông nghiệp lúa nước, cho nên người ta còn thờ Tứ pháp dưới dạng thần. Vì vậy, nhiều khi tượng được ngồi cả trên đài sen và cả trong ngai, trong khám. Tứ pháp là loại tượng rất đẹp, mang nhiều bản sắc dân tộc. 5. Tượng các thiên thần và nhạc sĩ thiên thần Đó là những pho tượng gắn với kiến trúc (cao toàn bộ khoảng 0.50m đến 0.70m). Hiện còn gặp ở các đình Tây Đằng và chùa Hương Trai (cùng thuộc Hà Nội). Vị trí của tượng ở trên đầu các đòn tay của đấu ba chạc (con sơn). Nhìn chung, các tượng đều được thể hiện ở phần trên, không thể hiện chân, hông thường nở (nữ) hoặc để thẳng (nam). Phần dưới xẻ ra để kẹp lấy đầu đòn tay. Thực tế, đứng dưới nhìn lên, ta chỉ thấy phần trên mà thôi. Tượng đội nhiều kiểu mũ khác nhau (6), với dải ở hai bên chảy xuống vai, cũng có tượng để đầu trần, xẻ ngôi giữa. Hầu hết tai đều đeo hoa dài chấm vai. Quan niệm cổ cho rằng hoa tai càng to, dài, càng sang quý. Mặt tượng tự nhiên, có nhiều nét tượng trưng. Áo bó sát người. Đôi pho có yếm cổ hay anh lạc đơn giản. Tay các tượng thường cầm nhạc cụ, lồng trong khăn để nâng báu vật, hay cầm hoa thiêng... Một số pho được gắn đôi cánh lớn, chạm đơn giản, không tỉa lông trên nền cánh. Ở đình Tây Đằng, các tượng này được bố trí hai tầng, tầng trên ở các đấu lồng trong lá gió giữa đầu các cột cái, tầng dưới ở các đầu lồng trong lá gió nổi đầu các cột quân. Hình thức tượng ở đình Tây Đằng chưa cho phép chúng ta hiểu đó là loại thiên thần nào. Còn tại chùa Hương Trai, tuy chỉ còn hai pho nhưng ở một pho, phía mặt bên được chạm nổi hình văn chữ S lớn. Chi tiết này khiến ta ngờ tới đó là vị Thần Sét (?). Trong Phật thoại có kể lại, khi Phật ra đời, theo sự chỉ dân của Indra, các thiên thần bay xuống chúc mừng, tung hoa và cử thiên nhạc vang động bầu trời. Ở thế kỷ XVI, thiên thần đã xuất hiện cả ở đình và chùa, tuy vậy, chúng ta vẫn nghĩ tới hiện tượng này có thể được xuất phát từ Phật thoại trên, khi mà đạo Trời (Lão giáo) được quan tâm hơn. Người ta mong qua các tượng thiên thần này mà cầu hạnh phúc cho làng. ***Điêu khắc của thế kỷ XVI, thời Mạc, còn phải được kể tới nhiều mẫu hình khác nữa như mô hình nhà, khám thờ, bệ thờ, ngai thờ, tượng các vật linh và bia ký... Tất cả đã hợp lại như biểu hiện về một sự bùng nổ của nghệ thuật tạo hình sau một thời kỳ dồn nén, thời Lê sơ. Đó là một nền nghệ thuật đậm tính dân gian, đã làm sống dậy những tiềm thức bị lắng đọng, để nói lên một số điều mà lịch sử chưa đề cập tới. Điêu khắc thời Mạc mang nặng tính người. T.L.B ------------------------------------ (1) Trần Lâm Biền: Một số vấn đề quan tâm trong mỹ thuật cổ Việt Nam (phần thời Trần). Tư liệu Viện Nghiên cứu Mỹ thuật. (2) Nguyễn Đăng Thục: Triết học Trần Thái Tông. Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1971, Tr.323. (3) Tượng Quan Âm Đa Tốn có 42 tay lớn, 653 tay nhỏ xếp thành mười hình vành khăn như năm bộ cánh ở hai bên sườn. Pho này là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhỡn (cũng gọi là Quan Âm Nam Hải) có số tay khá nhiều sớm nhất nước tay. Tượng có bộ mặt và thân rất đẹp, như con người. (4) Tỷ lệ như chiếc bát ăn cơm so với đầu người bình thường. (5) Vô vi: không làm theo lẽ đời, mà làm theo lẽ trời. (6) Mũ hình mặt thớt, hình chóp sát đầu, hình nhân mỏ quạ, hình mũ có chỏm lớn như búp hoa...