Dưới đây là truyện thơ Tình sử sông Hồng của tác giả Hoàng Văn Trị được Phòng Văn hóa thông tin huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên xuất bản năm 2002 kể về thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam: Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Bản mềm được trích từ box Thư viện làng tại Trang tin làng Hành Thiện langHanhThien.com LỜI GIỚI THIỆU Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung ca ngợi mối tình có một không hai giữa Chử Đồng Tử - người con trai nghèo khổ đến tận cùng của cái nghèo, kết duyên cùng Tiên Dung, con gái vua Hùng - người giàu sang quyền quý bậc nhất thời đó. Tình yêu của họ đã vượt lên sự phân biệt giàu nghèo sang hèn, luôn gắn với tình yêu lao động, tình yêu đồng loại và tình mẫu tử. Chính vì có tính nhân đạo, nhân nghĩa đó, Chử Đồng Tử cùng Thánh Gióng, Thánh Tản Viên và Mẫu Liễu Hạnh là "tứ bất tử" trong hệ thống thần linh đất Việt, được nhân dân khắp nơi dựng đền, miếu phụng thờ. Truyện có tính thần thoại, thể hiện ước mơ cao đẹp của người Việt cổ: muốn tình yêu nguyên sơ con người mà tạo hóa đã ban tặng cho họ được tồn tại vĩnh hằng. Để đảm bảo cho tình yêu đó, con người phải biết bảo vệ nó. Có đoạn thơ đã viết: "Ví không trần trụi nguyên sơ Dễ đâu cập được bến bờ tình yêu Ví không thương nổi cái nghèo Dễ đâu thành tấm gương treo nhân tình..." (1) Ông Hoàng Văn Trị sinh năm 1921, quê thông Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; nguyên là Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Kim Động, nguyên là Phó Trưởng ty văn hóa Hưng Yên, đã dựa vào cốt truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung sáng tác thành thơ lục bát với tựa đề "Tình sử sông Hồng". Truyện thơ còn mộc mạc nhưng chứa đựng một ý tưởng lớn của ông: thể loại này dễ thuộc, để truyền thuyết Chử Đồng Tử- Tiên Dung được lưu truyền trong nhân dân và sống mãi với thời gian. Ông Hoàng Văn Trị tạ thế ngày 03/11/1998. Trước khi qua đời, ông đã trao lại bản thảo cho ông Đào Quang Lâm là hội viên (ban thơ) Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên với một ước vọng: Truyện thơ được tiếp tục hoàn thiện để xuất bản. Ông Đoàn Văn Thường, Trưởng phòng Văn hóa thông tin - thể thao huyện Kim Động đã cùng ông Đào Quang Lâm dành một thời gian khá dài để chỉnh sửa, sáng tác, bổ sung và biên tập thành truyện thơ gồm 450 câu. Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa thông tin, truyện thơ ra mắt bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả gần xa. Kim Động, ngày 26/3/2002 Ủy ban nhân dân huyện Kim Động Chủ tịch VŨ QUANG HẢI ------------ (1) Trích trong bài thơ "Hội đền tình yêu" của tác giả Ngô Hoàng Anh
Xem trong quốc sử nước Nam Biết bao truyện cổ dân gian lưu truyền. Người đời dễ mấy ai quên Thiên tình sử bãi Tự Nhiên - sông Hồng Đôi bờ sông nước mênh mông Hợp thành khúc hát tận cùng nghĩa nhân... Thời Hùng, có Chử Cù Vân Quê làng Chử Xá, xuất thân nhà nghèo Ba chìm bẩy nổi gieo neo Bao nhiêu vất vả bấy nhiêu cực lòng. Sớm đi kiếm cá ven sông Chiều về mom bãi gieo trồng ngô khoai. Phận nghèo nào biết kêu ai Tháng năm cùng vợ là Bùi Thị Gia. Lều tranh vách chắn phên thưa Chênh vênh bến nước bốn mùa kiếm ăn. Vợ chồng khuya sớm tảo tần Cháo rau qua bữa, độ thân tháng ngày. Trải bao trăm đắng nghìn cay Mong sao những được đổi thay cuộc đời. Phiền lòng luống tuổi hiếm hoi Mừng vui sinh được "mụn" trai đầu lòng. Vợ chồng thỏa nỗi ước mong Đặt tên Đồng Tử nối dòng dài lâu. Quản bao nắng giãi mưa dầu Nuôi con khôn lớn mai sau nên người. Nào ngờ chưa trọn niềm vui Con mười lăm tuổi, mẹ rời thế gian. Bỗng chim gãy cánh lìa đàn Thiếu người mẹ, vợ nhà càng neo đơn. Tháng ngày gà trống nuôi con Sống cùng sông nước, cá tôm lần hồi. Đôi khi gặp buổi động trời Kiếm ăn không được đành ngồi nhịn suông. Thế rồi, Đồng Tử lớn khôn Khôi ngô, tráng kiện khác hơn mọi người... Nỗi buồn tang tóc chưa ngoai Tiếp liền nhà cháy, gia tài sạch không. May còn lại chiếc khố sồng Cha con thay đổi dùng chung che người. Tháng ngày sống cảnh đơn côi Hai người mỗi bước chẳng rời xa nhau. Mỗi khi đành phải đi đâu Cha con liền cắt lượt nhau ở truồng. Ai mang khố, nấy ra đường Ai mình trần trụi nằm suông ở nhà. Ngày ngày tháng tháng lại qua Con hai chục tuổi sức cha yếu mình. Đồng Tử khôn lớn thông minh Đẹp trai, to khỏe, vóc hình xứng cân. Biết mình sắp lánh cõi trần Gọi con đến cạnh tình thân dặn dò: "Cha nghèo chẳng có gì cho Chỉ còn manh khố vải thô nâu sồng. Con nên giữ lại mà dùng Phòng khi tháng giá lạnh lùng mùa đông!" Thương cha mắt ứa lệ ròng Nén tâm nhận lấy để lòng cha vui. Cha vừa nhắm mắt qua đời Nỡ lòng nào, lại mang vùi xác không! Để nguyên cha vận khố sồng Còn mình sống với thân không, nuốt cười... Muốn sao tránh gặp mọi người Sáng đi thật sớm, tối thời về khuya. Một thân lủi thủi đi về Cá tôm đổi chác, bạn bè tương thân Quanh năm sông nước tảo tần Nào hay đâu biết chợ gần, bạn xa... Từ ngày khuất bóng mẹ cha Men sông vẫn xuống Đa Hòa như xưa. Một mình lẻ bóng sớm trưa Chẳng hề no đói, nắng mưa giãi dầu. Bến sông trước đền Chử Đồng Tử Vua Hùng ngự ở Phong Châu Cha truyền con nối kế nhau trị vì Đến đời mười tám chính phi Là Dương Thị Diệm mấy kỳ mang thai. Hữu sinh vô dưỡng ngậm ngùi Ngày đêm nước mắt đầy vơi lưng tròng. Nỗi buồn lo bị tuyệt tông Bỗng sinh một gái hình dong nõn nà. Mày ngài, mắt phượng, mặt hoa Duệ Vương mừng đặt tên là Tiên Dung. Lớn lên, nức tiếng hoàng cung Giai nhân tuyệt thế ngoài trong kinh kỳ. Tuổi xuân mười tám đương thì Bao nhà quyền quý ướm se chỉ hồng. Tiên Dung đều chẳng thuận lòng Chỉ xin cha: ngự thuyền rồng dạo chơi. Để xem phong cảnh đất trời Xem dân sinh sống xem người hái dâu. Chiều lòng, Vua dạy trước sau: "Sang xuân nước ngả xanh màu con đi" Chẳng lo sóng gió bất kỳ (Nước to phận gái chớ đi đò đầy...) Con đi tính tháng, chọn ngày Hành trang lương thảo xếp đầy từng khoang. Thu qua đông đã vừa tàn Cây thay áo mới cành đang nảy chồi. Lòng càng thôi thúc bồi hồi Thích gần dân dã, xa nơi đế toà... Xuân vừa hối hả đi qua Đã nghe tiếng cuốc gần xa gọi hè. Đôi bờ xanh mượt hàng tre Sông Hồng nước chảy xuôi về biển Đông. Đồng Tử kiếm cá bên sông Bỗng nghe cờ mở, trống dong dập dồn. Tiêu, thiều, sáo nhạc véo von Mái chèo khua dậy sóng cồn Trường Giang. Khiếp kinh vì nỗi ngỡ ngàng Vội tìm ẩn náu dưới ngày lau thưa. Hai tay bới vội phù sa Vùi thân, lấy cát lên xoa kín người. Bồng bềnh thuyền chở nắng xuôi Đến Đa Hoà lúc bóng trời non trưa. Xôn xao sóng giật đôi bờ Ngạt ngào hương thảo, cánh cò bâng khuâng. Xa xa xanh biếc dâu tằm Như còn lưu luyến mùa xuân đậm đà. Bãi bồi dài dặc phù sa Long lanh cát trắng mượt mà ven sông. Cỏ cây in nước mênh mông Lăn tăn mặt sóng đầy sông nắng trời. Cảnh vui như quyến rũ người Nỡ nào hờ hững nét ngời cảnh Tiên! Đắm nhìn sông nước thiên nhiên Tiên Dung truyền bảo: "Neo thuyền nghỉ trưa" Rời lầu thăm bãi cát sa Thấy dòng nước mát thêu hoa nắng vàng. Truyền cho tỳ nữ quây màn Cởi xiêm y xếp trên làn cát pha. Người sao thon thả nõn nà Thể như Tiên nữ, Hằng Nga giáng trần! Mịn màng da tuyết trắng ngần Tóc mây óng mượt buông gần gót sen. Nắng vàng bạch nhật thanh thiên Thỏa lòng tắm gội ngắm xem đất trời. Bến Chử Đồng Tử (Đa Hòa, xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) Nước càng dội cát càng trôi Bỗng đâu xuất hiện một người khỏa thân. Đang nằm sợ sệt cạnh chân Ngượng ngùng, bối rối, bần thần... phút giây. Nghĩa thầm: "Duyên cớ chi đây Phải chăng thiên định ta nay gặp người" Dịu dàng hỏi: "Ngươi là ai? Cớ sao loã thể nằm vùi cát lên?..." Dứt lời, Đồng Tử thưa liền: "Mẹ cha mất sớm còn riêng một mình. Cha con chung một khố manh Vận cho cha lúc đặt mình lâm chung. Nên đành phải sống ở không Quanh năm kiếm cá bên sông sớm ngày. Tỏ tường sóng gió trời mây Thuộc từng con nước vơi đầy xuống lên. Bữa nay bỗng thấy ngạc nhiên Mái chèo khoan nhặt, trống chiêng rộn ràng. Nghĩa mình trần trụi, hở hang Thẹn thùng bới cát vùi toan giấu mình. Ngờ đâu người đã vô tình Quây màn đúng chỗ, hóa thành lộ thân... Tiên Dung nghe đoạn nghĩ thầm: "Người sao hiếu thảo nghĩa nhân lạ thường. Mình trần giãi gió dầm sương Nghĩa bao nhiêu lại thêm thương bấy phần!" Truyền tỳ nữ lấy áo quần Trao Đồng Tử mặc, đưa chân xuống thuyền. Bước đi lòng những rối ren Ngờ đâu sự thể lại nên nỗi này. Tâm tình biết tỏ ai hay Toàn người xa lạ đứng vây quanh mình. Nào hay chi chuyện dữ lành Biết đâu thân phận của mình ra sao?... Tiên Dung niềm nở ngọt ngào Trầu têm cánh phượng mời trao ân cần. Tỏ tình chăn gối trăm năm Ái ân trọn nghĩa chẳng phân sang hèn. Giữ tròn vẹn mối kỳ duyên Mở liền lễ cưới ngay trên thuyền rồng. Tiệc mừng vang dậy khúc sông Dạt dào sóng nước hòa chung sóng tình. Mới hay sức mạnh vô hình Đã san bằng bức tường thành cách ngăn! Người Hoàng tộc, kẻ cùng dân Hai người hai cảnh nên ân nghĩa tình. Chữ đồng trong sáng chung trinh Chữ tâm trọn nghĩa vẹn tình ước mong. Vui sao lòng đã hợp lòng Phút giây nên vợ nên chồng thủy chung... Trước về thăm mộ Chử ông Sau dong buồm ngược lên vùng Phong Châu. Vua cha đã tỏ bấy lâu Không cho gặp mặt, cấm chầu hoàng cung. Vợ chồng Đồng Tử - Tiên Dung Van xin chẳng được, xuôi sông trở về. Cùng nhau đốn sậy chặt tre Dựng ngôi nhà nhỏ bên nề cát sông.
Từ ngày về ở quê chồng Tiên Dung càng thấy trong lòng thảnh thơi. Chồng đi kiếm cá quăng chài Vợ chăm bãi lúa, miệt mài nương ngô. Chăn tằm, kéo kén, ươm tơ Dậy nghề dệt lụa, truyền cho dân làng. Mở chợ Thám, chợ Hà Lương Kẻ mua người bán bốn phương rộn ràng. Nhiều năm nắng hạn chang chang Ruộng đồng nứt nẻ, mùa màng cháy khô. Dân tình bữa đối bữa no Sống từng ngày những quẩn co lần hồi. Lại năm lụt lội, than ôi! Nước băng cuồn cuộn cuốn trôi cửa nhà. Quanh vùng dịch bệnh phát ra Thiệt người hại của, nhà nhà nguy nan. Dân tình cơ cực lầm than Nhìn nhau chỉ biết kêu van tháng ngày. Trời cao biển rộng đất dầy Tránh đâu cho thoát đọa đầy, đớn đau. Tiên Dung - Đồng Tử bàn nhau: "Tìm Tiên, hỏi Phật phép màu cứu dân!" Trời vừa qua tiết lập xuân Giữa mùa nước cạn, Chử lần ra đi Hai tay hai chiếc giầm tre Thuyền như chiếc lá xuôi về biển Đông. Tiên Dung từ buổi vắng chồng Lẻ loi gối chiếc những mong ngóng chờ. Đêm trường lúc tỉnh khi mơ Nửa thương cha mẹ, nửa lo dặm dài. Vì đâu cho trúc nhớ mai? Cho thuyền mong bến, cho người nhớ nhau? Để trầu cánh phượng nhớ cau Guồng tơ chở kén, bãi dâu đợi tằm! Thương dân đói khổ nhiều năm Xót mình đáy dạ như châm lửa lòng. Bấm tay hơn một năm ròng Bặt không hay biết tin chồng ra sao? Bao ngày Đồng Tử gian lao Tìm Tiên học đạo, chẳng nao núng lòng. Thuyền ra gần tới biển Đông Chân trời hừng sáng, mây hồng nhấp nhô. Tưởng như Tiên Phật đón chờ Nửa mừng, nửa sợ những lo bồi hồi. Nào ngờ vừa tới biển khơi Trời giông sấm giật, người trôi đắm thuyền. Dạt vào chân đảo Quỳnh Viên Hào quang rực sáng, lão Tiên đứng chờ. Ban cho chiếc nón Tu lờ Với cây gậy trúc truyền cho phép màu. Đoạn rồi thoắt lại biến mau Chử Đồng Tử dậy thấy đầu thẳng căng. Tỉnh mơ mơ tỉnh bàng hoàng Gậy trúc nón lá rõ ràng còn đây?... Quanh mình ngào ngạt hương bay Bốn bề sóng biếc, nước mây lộng trời. Hải âu đuổi sóng dạo chơi Chợt lòng tưởng nhớ đến người mình thương. Vội vàng thả nón làm thuyền Gậy làm cột, áo làm buồm vượt khơi. May sao gặp buổi đẹp trời Bồm căng gió lộng, thoắt rời đảo xa. Ngược dòng sông nước Hồng Hà Chẳng bao lâu đã tới nhà bình yên. Trong tay sẵn gậy thần tiên Cứu nhân độ thế khắp miền gần xa, Bao người tưởng sắp thành ma Gậy thần vừa chạm ắt là hoàn sinh Vợ chồng như vị cứu tinh Ngày đếm dốc hết sức mình vì dân. Từ ngày có được phép thần Phúc sinh sôi lớn bội phần lan xa. Có đêm không kịp về nhà Gậy là cột, nón Tu lờ che sương. Cắm lên ngay ở cạnh đường Tựa nhau ngồi dưới trăng suông ngủ liền. Bình minh tỉnh giấc ngạc nhiên: Lâu đài cung điện, quân quyền nghiêm trang, Đầy khi châu báu bạc vàng Giường ngà chiếu ngọc, quây màn bát tiên. Tiên đồng, ngọc nữ hai bên Ngựa xe binh khí chiến thuyền đầy sông. Khác nào như thể Hoàng cung Vợ chồng hạnh phúc sống trong lâu đài. Tuy giầu tiền của hơn ai Vẫn không quên bạn lưới chài bên sông. Bữa thường chả phượng nem công Lòng càng nhớ tới người trồng ngô khoai. Năm qua tháng lại ngày dài Nắng mưa không quản, sương mai chẳng sờn... Có nàng Nguyễn ở Nam thôn Phục tài Đồng Tử nhưng còn chê bôi: "Phép thiêng cứu sống lại người Rủi ai không gặp vẫn thời thác oan. Còn bao người bệnh nguy nan Đói cơm thiếu thuốc muôn vàn khổ đau. Phép tuy linh ứng nhiệm màu Vẫn chưa cứu hết nỗi đau của đời. Ta dùng lá thuốc cây tươi Đã làm lành bệnh bao người ốm đau. Gia truyền nghề thuốc từ lâu Nửa cân tám lạng dễ hầu kém ai?..." Bấy nay Đồng Tử tấn tài Vẫn hằng mong đợi gặp người đồng tâm. Nào ngờ một buổi đầu xuân Vợ chồng chữa bệnh cứu dân trở về. Sóng đôi đi giữa đường quê Chuyện trò âu yếm vai kề sát vai. Xế chiều trời nắng xuyên khoai Song song đôi bóng đổ dài đường thôn. Dạo qua đường thẳng lối mòn Mệt nhừ gối mỏi, lưng chồn, dạ se. Dừng chân nghỉ cạnh đường quê Thấy cô thợ cấy đang che miệng cười. Chồng nhìn sang vợ nói vui: "... Cấy nhanh thoăn thoắt như người nhặt hoa" Cô liền đáp lại nôm na: "Ngựa ai thong thả như là dạo chơi..." Thấy người tài sắc tuyệt vời Tiên Dung niềm nở tỏ lời kết thân. Chuyện trò vồn vã ân cần Mới hay cô gái là Thần đông y. Vợ chồng mời đón cùng về Ba người hợp sức sớm khuya giúp đời. Vườn xuân nảy lộc đâm chồi Hoa xuân phong nhị càng ngời sắc hương... Bỗng nghe mệnh hệ Hùng Vương Tuổi cao sức yếu, luôn thường nhớ con. Thân già bệnh trọng héo hon Ngự y chạy chữa bệnh còn chẳng lui. Sứ đi dạo khắp mọi nơi Tìm danh y để lo bài thuốc thang. Tiên Dung lòng dạ bàng hoàng Hội cùng Đồng Tử, cử nàng Nguyễn đi. Ba thang thuốc lá diệu kỳ Bệnh thuyên giảm hẳn, hôn mê tỉnh dần. Vua ban châu báu kim ngân Nàng đều từ chối, cáo lần ra đi. Mấy ngày đường đã tới quê Mọi người đều thấy thỏa thuê tấm lòng. Chiều chiều cùng dạo bên sông Xem thuyền vẽ sóng giữa dòng ngược xuôi. Bâng khuâng ngắm cảnh bãi bồi Ôn câu chuyện cũ: "Thân vùi cát sa". Người trần trụi, kẻ Tiên Nga Khiến xui kỳ ngộ mặn mà nên duyên...
Ngày qua tháng lại như tên Bỗng nghe chiêng trống vang trên sông dài. Mâu, chùy, gươm, giáo ngất trời Từ Phong Châu kéo về xuôi đánh thành. Chỉ vì có kẻ gian manh Cận thần nịnh hót, mách trình vua cha; "Chử Đồng Tử dụng phép tà Dựng thành quách, lập cõi bờ riêng tây". Hùng Vương tức giận bấy nay Liền sai lạc tướng đến vây quanh thành. Đồng Tử chẳng muốn giao tranh Tránh cho dân, họa "cháy thành vạ lây". Vội truyền quân tướng đều hay: "Án binh bất động, dẹp ngay binh hùng. Chống Vua là phạm bất trung Trời không tha, đất chẳng dung tội người". Dứt lời, nhổ gậy nón lui Lâu đài biến mất còn mùi đất hoang. Vợ chồng vượt suối băng ngàn Vào vùng rừng núi Châu Hoan lánh mình. Quân Vương chẳng rõ ngọn ngành Lạ sao chưa đánh mà thành đã tan? Trải qua giây phút ngỡ ngàng Vương binh ca khúc khải hoàn rút quân. Ít lâu sự việc qua dần Gậy thần cắm lại nguyên phần như xưa. Lâu đài tráng lệ nguy nga Sớm chiều vang dậy lời ca tiếng cười. Từng con diều lượn ngang trời Vi vu tiếng sáo thảnh thơi thanh bình. Bỗng đâu lại thấy Vương binh Về đông gấp bội dập dình trên sông. Giáo, gươm, cung, kiếm, kích, đòng Sáng lòa mặt nước, tiến công bốn bề. Trong cung quân tướng nhất tề: "Xin cho nghênh chiến cứu nguy giữ thành. Chỉ trong khoảnh khắc giao tranh Quân triều đình, biến hết thành thây ma". Chử Đồng Tử lại truyền ra: "Chống là bất hiếu, đánh là bất trung. Tích nhân, đức, thiện, uổng công Khác nào nước lã ra sông hay gì! Bao người không tội tình chi Chỉ vì chinh chiến chịu bề thác oan. Hám gì chức trọng quyền sang (Nồi da xáo thịt) tóc tang khổ đời!" Trống đồng ngoài thúc liên hồi Trong thành gậy nhỏ nón rời lại lui. Thoắt thôi, cung điện lâu đài Cùng tan biến mất thành doi cát vàng. Chỉ còn lại bãi đất hoang Quân triều đình, thấy ngỡ ngàng hồ nghi: "Chẳng hay là phép thuật gì? Cướp không thấy cướp đánh thì cũng không?" Bao lời xàm tấu, tâng bông Chẳng qua đơm đặt nói không cho đời. Những phường "ngậm máu phun người" Núi sông căm giận, đất trời không tha. Quần thần tâu trước vua cha Nghĩa tình, chiến cuộc, chính tà trước sau. Duệ Vương nghe tỏ gót đầu Thương con con đã nghẹn sầu vì dân. Nhớ câu "Pháp bất vi thân" Ngự triều, hội với quần thần nghị qua. Mấy phen chưa rõ chính tà Đánh, thôi hai nhẽ nghĩ mà phó phân. Đoạn truyền đổi tướng tăng quân Từ Phong Châu xuống đánh lần thứ ba. Vương binh áp sát Đa Hòa Định đêm đánh úp, ắt là thành công. Quân ngoài, quân giữa, quân trong "Kiến nằm đáy chén khó lòng thoát ra". Đêm mười bẩy tháng một ta Một cơn giông bão từ xa đổ về. Sấm gian chớp giật bốn bề Sông Hồng nổi sóng, xé đê vào đồng. Thành đầm Nhất Dạ mênh mông Bão tan ngửa mặt, nước sông ngang trời. Bồng bềnh như chiếc thuyền trôi Một lâu đài với ba người "quy tiên"! Để lưu đời mối kỳ duyên Đặt thành tên bãi Tự nhiên Sông Hồng. Quân triều ba lượt về không Vua Hùng hối hận đau lòng xót thương. Muốn cho tận mắt tỏ tường Đã cùng hoàng hậu lên đường về thăm. Trên trời một đám hồng vân Từ Tây bay lại tới gần Vua cha. Một con hạc trắng hiện ra Kêu chào ba tiếng, lượn qua mấy vòng. Thả xuôi một dải lụa hồng Lá thư công chúa gửi lòng tạ ân!... Bấy lâu sẵn mối tương thân Vua cùng hoàng hậu mắt đầm lệ sa. Truy phong "Công chúa Tây Sa" "Mẫu nghi thiên hạ" nhà nhà khói hương. Chỉ truyền ban xuống muôn phương Dựng xây đền miếu, đèn hương phụng thờ. "Phúc thần thượng đẳng" Đa Hòa Ghi vào trang sử dân ta lưu truyền. (Đa Hòa - Nhất Dạ - Tự Nhiên Nam thôn - Chử Xá) nên thiên sử vàng. Nghìn đời đất nước vinh quang Biến thiên mấy độ vững vàng lời ca... *** Trăm năm một kiếp người ta Chớ phai thiện đức, chớ nhòa nghĩa nhân. Chung vui xẻ khổ cùng dân Cái tâm trong sáng tựa vân vàng mười. Một thiên tình sử chói ngời Đa Hòa mãi mãi là nơi phụng thờ. Truyện xưa sáng tác thành thơ Lời ru ngọt dịu "ầu ơ..." cho đời! (Hết)