Trong thế giới hầu đồng

Thảo luận trong 'Tin tức Đạo Mẫu' bắt đầu bởi sen việt, 23/8/12.

Lượt xem: 1,392

  1. sen việt

    sen việt Super Moderator



    Thế giới văn hóa, tín ngưỡng của hầu đồng

    Khán giả xem các diễn viên Nhà hát Chèo như bị mê hoặc bởi một không khí linh thiêng đến trọn vẹn, tất cả được trở về với bản sắc đẹp đẽ của một nét văn hóa dân gian. Người đứng giá đồng say sưa nhập hồn với những màn hóa trang, điệu múa biến hóa, linh hoạt, điệu nghệ. Dẫu biết đó là trên sân khấu, nhưng khán giả biết rằng, đích thực, hầu đồng là phải mẫu mực như thế.

    Hầu đồng hay còn gọi là hầu bóng là nghi lễ phổ biến nhất của đạo Mẫu. Người ta tin rằng khi hầu đồng, linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người các cô đồng để nghe lời cầu khấn của các con nhang (đệ tử đi lễ) mà ban cho họ những điều khẩn nguyện. Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc Việt Nam (VN), thờ các Thánh Mẫu tại các đền, phủ. Ở các tỉnh miền Bắc, các chùa cũng có ban thờ Mẫu (tiền Phật, hậu Mẫu). Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết mà quan tâm đến cuộc sống hiện tại với câu hỏi làm thế nào để đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian. Ở Việt Nam, đạo Mẫu có hai lễ hội quan trọng vào các dịp kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần và Liễu Hạnh công chúa thể hiện ở câu ca: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”... Với giai tầng văn hóa vốn có sâu và rộng như thế nhưng rất tiếc tín ngưỡng dân gian là hầu đồng ngày nay đã bị làm cho lệch lạc đi rất nhiều.
    Hầu đồng đã sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn. Sinh hoạt hát văn ngày nay vẫn rất phổ biến. Ở Vĩnh Phúc có hẳn một ngôi làng ăn nên làm ra vì nghề hát văn. Vào những ngày lễ hội, hát văn làm cho không khí lễ hội càng trở nên linh thiêng. Các nhà văn hóa cũng mong hát văn ngày càng phát triển, có chỗ đứng trong lòng dân chúng, ngăn chặn những biến tướng làm mất đi vẻ đẹp hát văn... Nhưng mong muốn đó chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực.

    Hầu đồng bị biến tướng

    Tôi được chứng kiến những buổi hầu đồng tấp nập, trong một ngôi chùa mới trùng tu ở Bắc Giang. T.M.Q. - một người đàn ông khoảng 40 tuổi, da trắng, tóc để hơi dài, giọng nói gần giống nữ giới là chủ - người đứng giá của các buổi hầu đồng ở đây. Người ta thường gọi là “thầy” hoặc “cậu”. Nơi diễn ra hầu đồng được trang trí gần giống với một chiếu chèo. “Cậu” ngồi ở giữa, bốn phụ đồng gồm cả nam và nữ giúp “cậu” thay xiêm áo và giúp các thao tác lễ lạt. Các con nhang, đệ tử ngồi quây kín bốn xung quanh. Nhiều người của các đoàn khác ngồi chờ đến lượt, thi thoảng cũng được hưởng lộc rơi vãi. Giọng hát văn của “cậu” Q. thay đổi liên tục, khi réo rắt tươi vui, lúc chán chường, buồn bã. Tâm trạng của các con nhang cũng liên tục thay đổi theo khuôn mặt, tâm trạng “cậu”. Lúc cao hứng, nhập đồng, “cậu” lại cất tiếng hú đến rợn gai ốc. Mỗi lần nhập vai là một giá đồng. Sau mỗi giá, “cậu” lại ban lộc thánh là tiền, hoa quả, bánh kẹo... cho các con nhang đệ tử trong đoàn. Mỗi buổi hầu thánh đầy đủ thủ tục phải qua 36 giá và khá tốn kém.

    Hầu đồng giờ biến tướng quá nhiều.

    Không ít người đứng giá, có chút kiến thức và khả năng hát văn, đã lao vào kiếm tiền, bất chấp thủ đoạn. Ở nhiều cửa đền, cửa phủ ở Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình... trong những ngày đầu năm sẽ thấy hàng đoàn các thanh đồng đi “trình đền mở phủ” đầu năm.
    Ở phủ nhà “cậu” Q., tôi gặp L. và được cô cho biết: “Em đã đi gặp nhiều thầy, ai cũng bảo, làm ăn muốn phát đạt thì phải mở vài giá đồng thì mới có cơ may phất. Thực sự, em đã đi nhiều nơi rồi, nhưng phất thì chưa thấy, mà thấy tốn kém. Đã theo lao thì phải theo lao, cứ tiếp tục xem sao”. Khác với L., nhiều con nhang khác ở Hà Nội, vì muốn cho thánh thần nhanh chóng soi xét hoàn cảnh mình, đã thuê cả “cô”, “cậu” về tư dinh để lập điện, lên đồng. Dư luận một thời gian ồn ào về vụ hầu đồng lớn, gia chủ thuê cả một chiếc du thuyền ở Hồ Tây để đưa “cậu” đồng và đám cung văn... lên say sưa nhảy múa suốt 3 ngày đêm giữa mênh mông sóng nước, đủ 36 giá. Trong đó, cung văn được tuyển từ những nghệ sĩ hát chèo, quan họ, diễn viên sân khấu... đang nổi. Tiền chi cho “cậu” là 120 triệu đồng và gần 70 triệu đồng trả cung văn và hàng chục triệu tiền “lộc”.

    Nắm bắt được tâm lý của người dân, với nhu cầu hầu đồng ngày càng tăng, mức độ lợi lộc càng lớn, không ít người đã đua nhau xây đền, xây phủ để kinh doanh. Đây thực chất là hoạt động “buôn thần bán thánh”!.
    Cần trả lại giá trị văn hóa tinh thần cho hầu đồng
    Cả Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Chèo Việt Nam đều đã đưa hầu đồng lên sân khấu như một màn biểu diễn nghệ thuật để giới thiệu tới khán giả và được khán giả (nhất là khán giả nước ngoài) rất yêu thích. NSƯT Minh Thu cho rằng: “Hầu đồng là một nét văn hóa, nhưng chúng ta đừng nên quá phí phạm và phô trương, đừng dùng để trục lợi. Phải gìn giữ nét văn hóa độc đáo của môn nghệ thuật này”. Chúng ta không hầu đồng, nhưng để quản lý thế nào cho khỏi biến tướng, khỏi bị lợi dụng không hề đơn giản. Ngày nay, càng có nhiều người cho rằng “giá hầu” càng mâm cao, cỗ đầy thì càng thúc đẩy công việc trôi chảy hơn hoặc tinh thần thoái mái hơn thì càng có nhiều “cô đồng bóng cậu” ăn nên làm ra. Thực chất nhiều người đã bỏ những đồng tiền vào những điều hão huyền, ảo tưởng. Hãy trả lại bản chất tốt đẹp cho hầu đồng, để hầu đồng mãi là giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian.

    Phóng sự của Hải Miên

    Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, chuyên gia nghiên cứu hầu đồng cũng đã từng nói trên báo: “Hầu đồng là một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác ông đồng, bà đồng, là sự tái sinh hình ảnh các vị thánh. Những người hầu đồng được cho là có khả năng tiếp xúc với thần linh, người dân tham gia hầu đồng với niềm tin rằng họ được tiếp xúc với thần linh để cầu mong tài lộc, sức khỏe. Hầu đồng là một nghi lễ tổng hợp, tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết từ bao đời. Có thể thấy trong hầu đồng một di sản về văn học, âm nhạc, rồi vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn...”.

    [​IMG]

     
    Bài viết mới
    Chỉnh sửa cuối: 23/8/12

    Bình Luận Bằng Facebook

  2. VUANHLINHHANOI

    VUANHLINHHANOI New Member

    Cảm ơn về bài viết rất có giá trị. Nếu ai ra Hầu mà đều giàu thì có mà tranh nhau. Nên giữ đúng nét văn hóa và giá trị của nghi lễ hầu đồng. Phật thánh chứng minh công đức và tâm thành chứ làm sao mà hưởng thụ được những đồng tiền và những mâm cao cỗ đầy khi dâng lên đâu. Hay chỉ có con người với con người hưởng thụ với nhau. Bài viết rất có ý nghĩa.
     
  3. Lãng

    Lãng New Member

    có nhiều chỗ dùng thuật ngữ lạ tai quá
    nhiều chỗ chả đúng thực tế gì cả
    như kiểu tìm hiểu 50%, 50% còn lại thì tự ngồi suy luận mà ra vậy
    giờ mình có 'cảm tưởng' các bài phóng sự cũng biến tướng chứ đừng nói đến hầu đồng
    :)
     

Chia sẻ trang này