Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – từ cội nguồn tới thực tại

Thảo luận trong 'Bài viết nghiên cứu Đạo Mẫu' bắt đầu bởi mantico, 25/12/17.

Lượt xem: 2,884

  1. mantico

    mantico Quản Trị Website

    18056775_1887049421573010_6029651143696774982_n.jpg

    Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền (trời, sông nước, rừng núi), sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.


    Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Ông Phạm Sanh Châu – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên họp cho biết, đây là lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam thông qua hình ảnh Thánh Mẫu. Hồ sơ đề cử di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có chất lượng cao, là 1 trong 18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận(trong khi 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt).

    Màu sắc văn hóa bản địa

    Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Đây là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền (trời, sông nước, rừng núi), sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.

    Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.Trong quá trình phát triển, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng này vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn – những ước muốn vĩnh hằng của con người.

    “Chính điều này góp phần quan trọng tạo nên màu sắc văn hóa bản địa, sự khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ so với những tín ngưỡng khác,” giáo sư Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho hay.

    Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Ngô Đức Thịnh cho biết, đạo Mẫu (tên gọi khác của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ theo hướng tiếp cận từ góc độ văn hóa) coi tự nhiên là một người Mẹ, tôn thờ với tư cách là vị thần tối cao, có quyền năng sáng tạo, cai quản, phù trợ cho con người, mang lại cho con người sức khỏe, tài lộc trong đời sống trần gian.

    Trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác hướng đến sự siêu thoát, cuộc sống sau cái chết hoặc sự phù hộ của linh hồn người đã khuất với người còn sống thì đạo Mẫu hướng con người về cuộc sống thực tại với những nhu cầu thực tế, đời thường: Phúc-Lộc-Thọ.

    Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương trong cả nước như: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

    “Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian (trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một ‘bảo tàng sống’ lưu giữ lịch sử, và bản sắc văn hóa của người Việt. Qua đó, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người: cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe,” đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết.

    Hệ thống thần linh

    Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, hệ thống điện thần đạo Mẫu bao gồm: Ngọc Hoàng, Phật Bà Quan Âm, Tam tòa Thánh Mẫu, Quan lớn (từ 5-10 vị), Chầu bà (từ 4-12 chầu bà), Ông Hoàng (từ 5-10 vị), Vương cô (12 vị), Vương cậu (12 vị), Ngũ hổ và Ông lốt (rắn). Sự khác nhau về số lượng các vị thánh trong từng hàng (quan, chầu, ông hoàng, cô, cậu) do tồn tại những khác biệt trong quan niệm ở các vùng miền khác nhau.

    Ngọc Hoàng là vị Thánh được thờ với tư cách Vua Cha trong đạo Mẫu, có bàn thờ riêng trong các đền, phủ. Tuy nhiên, trong các nghi lễ, tâm thức dân gian, vai trò của Ngọc Hoàng lại khá mờ nhạt.

    Phật Bà Quan Âm là vị Bồ Tát của đạo Phật. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, theo thư tịch cổ và huyền thoại, Phật Bà đã giải cứu công chúa Liễu Hạnh trong một trận kịch chiến. Từ ân đức đó, công chúa Liễu Hạnh đã quy y và mở đường cho sự hội nhập giữa đạo Mẫu dân gian và Phật giáo. Bởi vậy, trong điện thần đạo Mẫu (cũng như trong nhiều nghi lễ đạo Mẫu), Phật Bà Quan Âm đều hiện diện.

    Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước).

    Đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp…; Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số và Mẫu Thoải (Mẫu đệ tam) trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

    Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cho biết, trong điện thần Tam phủ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh luôn đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, ngồi chính giữa và mặc trang phục màu đỏ, bên trái là Mẫu Thoải (trang phục màu trắng) và bên phải là Mẫu Thượng Ngàn (trang phục màu xanh).

    Về nguồn gốc, bà là tiên nữ giáng trần, sau đó quy y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ,” một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) đã trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa thần linh và đời thường, giữa nhu cầu tâm linh, khát vọng hướng về các giá trị chân-thiện-mỹ với khát với việc chữa bệnh trừ tà, giúp đỡ con người trong những hoàn cảnh khó khăn…

    Các Thánh Mẫu có nguồn gốc không chỉ là người Kinh mà còn thuộc các dân tộc thiểu số như người Tày, Nùng, Dao… Bên cạnh đó, trong khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão…

    Điều đó cho thấy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc.

    Nhận diện hầu đồng

    Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) là nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. Thông qua nghi lễ này, con người gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

    “Tuy nhiên, hầu đồng từng bị cấm đoán khá nặng nề ở Việt Nam suốt một thời gian dài do không được hiểu đúng bản chất. Dư luận nhìn nghi lễ này qua bức màn huyền bí với thái độ đầy nghi hoặc (do những biến tướng xấu, theo hướng mê tín dị đoan nảy sinh trong quá trình thực hành),” ông Ngô Đức Thịnh cho hay.

    Theo ông, hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh (lời ca trau chuốt) với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm; từ đó, đưa con người vào trạng thái ngây ngất.

    Những người thực hành tín ngưỡng tin rằng, hình thức này có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh. Lúc này, các thanh đồng đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh.

    Hầu dâng và cung văn là những người trực tiếp giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng. Hai (hoặc bốn) người hầu dâng ngồi hai bên thanh đồng trước bàn thờ Thánh, giúp các thanh đồng việc thắp hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…

    Trong hầu đồng, cung văn giữ vai trò quan trọng: xướng nhạc và hát trong khi các thanh đồng trình diễn. Nhạc cụ chủ đạo của cung văn là đàn nguyệt; bên cạnh đó còn có trống bang, cảnh đồng, phách, thanh la…

    Hầu đồng lên sân khấu đương đại

    Với những giá trị độc đáo về văn học, vũ đạo, âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian… hầu đồng đã trở thành nguồn cảm hứng lớn để các nghệ sỹ hiện đại khai thác, đưa lên sân khấu với những cách điệu độc đáo.

    Đó là vở “Ba giá đồng” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Trần Minh, 2000), kịch hình thể “Tâm linh Việt” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Lan Hương, 2011) hay mới đây là “Tứ phủ” (đạo diễn Việt Tú) và “Ngũ biến” (đạo diễn: nghệ sỹ nhân dân Anh Tú).

    Ở “Ngũ biến,” người nghệ sỹ đã hóa thân vào năm nhân vật trên cơ sở năm giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. “Ngũ biến”đã gây tiếng vang lớn, giành giải thưởng “Vở diễn xuất sắc” tại Liên hoan-Diễn đàn Sân khấu Trung Quốc-ASEAN lần thứ tư diễn ra từ ngày 17-23/9 tại thành phố Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc).

    Bên cạnh đó, nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc (người trình diễn chính trong tiết mục “Ngũ biến”) đã được trao giải thưởng Nghệ sỹ biểu diễn xuất sắc.

    “Tứ phủ” (đạo diễn Việt Tú) dẫn dắt người xem vào một chuyến du hành vào cõi tâm linh với sự kết hợp những nét đẹp của nghi lễ hầu đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu. Tứ Phủ gồm ba chương: “Chầu Đệ Nhị,” “Ông Hoàng Mười,” và“Cô Bé Thượng Ngàn.”

    Việc đưa hầu đồng lên sân khấu giúp khán giả khám phá những vẻ đẹp, giá trị của nghi lễ này. Từ đó, tín ngưỡng thờ Mẫu hòa nhập một cách tự nhiên vào đời sống hiện đại.

    Vinh danh ở tầm thế giới

    Việc UNESCO ghi danh di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

    Thông báo từ Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

    1/ Các thông tin trong hồ sơ đã chỉ ra rằng, di sản này đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra “sợi dây tinh thần” liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, nó đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo.

    Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

    2/ Các thông tin trong hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau.

    Bên cạnh đó, các bộ phận cấu thành di sản này cũng cho thấy những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng.

    Khi di sản này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ giúp tăng cường đối thoại, sáng tạo và làm giàu vốn văn hóa; thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội – nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.

    3/ Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu.

    Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra, bao gồm: xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.

    Các hoạt động đó phản ánh cam kết của nhà nước, cộng đồng và các nhóm nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ.

    4/ Đề cử này là kết quả của việc tham vấn và hợp tác của những người thực hành (thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, cung văn, con nhang, đệ tử,…), đại diện cộng đồng, nhà nghiên cứu, cùng với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

    Các tài liệu kèm theo hồ sơ cho thấy họ đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cho việc đề cử di sản. Thông tin của Hồ sơ đã chứng minh rằng các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện luôn tôn trọng phong tục tập quán, quyền tham gia thực hành di sản.

    5/ Thông tin hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.

    Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử…

    Theo VIETNAM PLUS
     

    Bình Luận Bằng Facebook

Chia sẻ trang này